Tỷ lệ người bị men gan cao đang gia tăng nhanh chóng và ngày càng trẻ hóa. Biết được nguyên nhân và triệu chứng của men gan cao là gì sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Men gan cao là gì?
Gan là một tạng lớn trong cơ thể có vai trò là tường thành “chống độc” của cơ thể, mọi chất độc khi vào cơ thể đều được xử lý ở gan. Tế bào gan chịu tác động của các tác nhân độc hại. Trong gan có một hệ thống enzym rất hoàn chỉnh để thực hiện hoạt động tổng hợp và chuyển hóa các chất protid, gluxit, lipid. Người ta gọi chung những enzym này là men gan.
Các loại enzyme này gồm có SGOT(AST), SGPT(ALT), GGT, LDH, một số thông số khác. Trong gan, các enzym này có mặt trong tế bào gan. Mỗi ngày, sinh lý cơ thể luôn luôn có những tế bào già chết đi và tế bào mới sinh ra. Khi những tế bào gan chết đi thì enzym trong tế bào đó sẽ được giải phóng vào máu, các men này tràn vào máu, làm tăng nồng độ men gan trong máu, báo hiệu gan đang bị tổn thương. Như vậy, trong máu của bạn luôn tồn tại một lượng men gan nhất định.
Men gan bình thường là men gan có các chỉ số xét nghiệm đạt:
- AST: 20 – 40 UI/L
- ALT: 20 – 40 UI/L
- GGT: 20 – 40UI/L
- Phosphatase kiềm: 30 – 110 UI/L.
Khi gan bị tổn thương, các chỉ số này vượt ra khỏi ngưỡng an toàn. Thông thường người ta xác định men gan tăng từ 1-2 lần là ở mức độ nhẹ, tăng từ trên 2 -5 lần là ở mức độ trung bình và tăng trên 5 lần là ở mức độ nặng.
Triệu chứng khi bị men gan cao
Các triệu chứng khi bị men gan cao rất nghèo nàn. Người bệnh chỉ thấy hơi đau ở hạ sườn phải, bụng trướng nhẹ, xuất hiện sự giãn các vi mạch ở cổ, mặt… Nhiều trường hợp dù bị men gan rất cao nhưng không có các triệu chứng lâm sàng, người bệnh vẫn lao động, học tập bình thường.
Giai đoạn này có thể chỉ vài tuần, có khi kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm. Vì không có biểu hiện rõ rệt nên người bệnh chủ quan, không đi khám, không có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Nhiều người vẫn dùng rượu bia, thuốc lá, sử dụng những chất không có lợi cho gan… làm cho bệnh càng có cơ hội bùng phát mạnh ở giai đoạn tiếp theo. Nếu người bệnh chủ quan và không được chữa trị kịp thời bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường cũng như sẽ bỏ qua “thời gian vàng” để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng khác về gan như viêm gan mãn, xơ gan, ung thư gan.
Đọc thêm: Triệu chứng của bệnh men gan cao
Nguyên nhân dẫn tới men gan cao
Có nhiều nguyên nhân khiến cho men gan tăng cao, trong đó, người bị viêm gan, các bệnh lý khác liên quan tới gan do dùng một số loại thuốc hoặc dùng rượu bia được chứng minh là những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng men gan cao. Cụ thể như sau:
➤ Bệnh viêm gan là nguyên nhân chắc chắn sẽ khiến men gan tăng cao dù đó là loại viêm gan do rượu hay là viêm gan virus. Đặc biệt, viêm gan do các nhóm virus như A, B, C, E, D có mức độ tăng rất cao và thường gây ra tình trạng viêm cấp tính. Bởi khi đó, các tổn thương gan do virus xâm nhập tế bào gan sẽ sản sinh rất nhanh và mạnh, phá hủy tế bào gan mà chúng xâm nhập càng lớn nên men gan giải phóng ra ngày càng nhiều. Do đó, trong các trường hợp người bệnh viêm gan cấp hoặc viêm gan tối cấp hoặc ung thư gan lượng men gan tăng cao một cách đột biến có khi lên tới 5.000U/L.
➤ Uống rượu bia: Là nguyên nhân thường gặp trong các trường hợp tăng men gan, đặc biệt là rượu. Vì nó phá hủy tế bào gan, từ đó làm men gan tăng lên. Tùy thuộc vào liều lượng cũng như chất lượng của rượu bia mà lượng men gan tăng ở người uống rượu. Khi uống rượu thông thường AST tăng cao 2 -10 lần trong khi ALT tăng ít.
➤ Bệnh sốt rét: Là một trong bệnh gây men gan cao đặc biệt là sốt rét ác tính, vì khi đó các tế bào của gan và thận đều bị tổn thương.
➤ Bệnh về đường mật: Men gan cũng có thể tăng khi mắc các bệnh về đường mật như viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh hoặc áp xe gan.
➤ Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây men gan cao như do ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non hay khi sử dụng thuốc điều trị một số bệnh lý nào đó. Trường hợp dùng thuốc hạ mỡ máu, khi dừng uống thuốc thì men gan trở về chỉ số bình thường.
Có thể thấy, men gan cao không phải là một căn bệnh mà nó là triệu chứng để cảnh báo cơ thể, gan của bạn đang có vấn đề, cần phải làm các xét nghiệm khác để khẳng định chính xác bệnh và đưa ra giải pháp phù hợp.
Hậu quả khi bị men gan cao
Trong tạp chí y học Hepatology số tháng 3/2008, W. Ray Kim, M.D., Mayo Clinic và cộng sự báo cáo rằng men gan cao dự báo sẽ giảm dần tuổi thọ, tăng tỷ lệ tử vong từ 21 đến 78%. Men gan cao là dấu hiệu báo động nhiều bệnh lý nghiêm trọng như viêm gan, ung thư gan, viêm cơ, viêm thận mãn, viêm túi mật, nhồi máu cơ tim, động kinh…
- Nếu tình trạng này xảy ra kéo dài mà không điều trị sẽ rất dễ xảy ra các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.
- Men gan cao báo hiệu gan đang gặp vấn đề như viêm gan, ung thư gan và những bệnh gây tổn thương gan khác.
- Men gan cao để lâu dài sẽ gây ra giảm tuổi thọ.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Men gan cao có nguy hiểm không?
Hướng dẫn phòng ngừa men gan tăng cao
- Tránh xa rượu bia, thuốc lá, là hai món đại kỵ với lá gan. Nếu có lỡ dùng đến thì người bệnh đừng quên tái khám để kiểm tra tình trạng bệnh và nhận đơn thuốc từ bác sĩ
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng dồi dào dưỡng chất cần thiết cho tiến trình tái tạo mô gan như lysin trong tảo spirulina, lecithin trong đậu nành, tiền sinh tố A trong dầu gấc, polyphenol trong nấm đông cô…, thay vì hình thức dinh dưỡng kiêng khem khắt khe. Đừng quên, ăn uống thiếu chất cũng là nguyên nhân làm suy yếu lá gan.
- Phối hợp các loại men kháng viêm và kháng oxy hóa như papain trong đu đủ, bromalin trong thơm… trong chế độ dinh dưỡng. Ngay cả việc dùng thuốc có các hoạt chất này cũng là điều nên làm để nhờ đó đồng thời tối ưu hóa hoạt động của hệ miễn dịch.
- Ngủ đủ giấc vì giấc ngủ 8 tiếng chính là cao điểm cho tiến trình phục hồi của lá gan. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh là kháng thể chống viêm gan được tổng hợp với vận tốc nhanh gấp 3-5 lần bình thường trong giấc ngủ.
Men gan cao là hậu quả của quá trình tổn thương tế bào gan lâu dài nhưng điều trị không quá phức tạp. Do vậy, kể cả không phải dùng thuốc hay phải dùng thuốc thì người bệnh cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sỹ, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học hợp lý.