Ở bệnh nhân viêm gan do nhiễm siêu vi B, ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần có kế hoạch ăn uống và sinh hoạt điều độ giúp làm chậm thời gian tiến triển bệnh từ viêm gan mạn sang xơ gan.
Mục lục
Tầm quan trọng của chế độ ăn uống với bệnh viêm gan B
Gan được coi là nơi chế biến và biến đổi các thực phẩm chúng ta ăn vào thành các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể. Chính vì vậy chế độ ăn uống và chức năng hoạt động của gan có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây tổn hại đến chức năng gan, ngược lại gan yếu khiến chúng ta ăn uống không ngon miệng, chán ăn, thậm chí bỏ ăn,… Do đó, khi bị mắc các vấn đề liên quan đến gan, đặc biệt là viêm gan B thì chế độ ăn uống khoa học, đúng cách được coi là một phương pháp điều trị bệnh tự nhiên, mang lại hiệu quả tương đối khả quan.
Về chế độ ăn uống hợp lý khi bị viêm gan B, đó là việc cân đối giữa các loại thực phẩm cũng như các thành phần như chất đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất,… Ngoài chế độ ăn uống hợp lý thì người bệnh viêm gan B cần kết hợp điều độ giữa làm việc và nghỉ ngơi, có chế độ sinh hoạt thể lực phù hợp giúp tăng cường thể lực, sẵn sàng chống chọi với bệnh tật đồng thời nhanh chóng hồi phục khi bị bệnh.
Lưu ý về chế độ ăn uống người viêm gan B
- Ăn uống đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng, không nên quá kiêng cữ để duy trì sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan. Cần tránh rượu, thuốc lá, các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
- Không dùng các thức ăn nướng cháy, các loại chiên xào nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật.
- Cần thận trọng khi sử dụng các loại hóa dược. Tốt nhất nên tuân thủ chỉ định của thầy thuốc.
- Không lao động tay chân hoặc lao động trí óc quá sức. Tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần.
- Tập luyện thể dục thể thao vừa sức như đi bộ, dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, bơi lội…
Người viêm gan B nên ăn gì?
Gan là cơ quan quan trọng đối với cơ thể nhận nhiệm vụ bài tiết và đào thải độc tố. Khi dung nạp những nhóm thực phẩm chứa chất độc hại khiến gan làm việc ngày càng kém đi. Do đó, người bệnh viêm gan B nên ăn gì để hỗ trợ điều trị bệnh được rất nhiều người quan tâm. Tùy theo giai đoạn của bệnh chế độ dinh dưỡng của người bệnh cũng thay đổi. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh nên ăn:
Thực phẩm giàu đạm
bao gồm thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà nạc, trứng, hải sản…Gan có chức năng dự trữ protein trước khi phân bổ khắp cơ thể, người bệnh cần được bổ sung nhóm thực phẩm này để cung cấp dưỡng chất cho gan.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Những loại thực phẩm này có tác dụng giúp gan phục hồi nhanh hơn. Hoa quả tươi, rau xanh là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Các loại trái cây giàu vitamin A, C kể tới như cam, dâu, việt quất, đu đủ rất có lợi cho người bệnh.
Các loại rau màu xanh sẫm như súp lơ xanh, rau bina, rau cải canh, rau ngót…chứa nhiều chất chống oxy hóa tác dụng bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa ung thư gan. Ngoài ra, chất xơ từ thực phẩm này giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, giảm gánh nặng cho gan và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.
Sữa và sản phẩm từ sữa:
Người bệnh viêm gan B thường bị thiếu hụt vitamin D do chức năng tổng hợp chất béo của gan nhằm hòa tan loại vitamin này bị suy giảm. Do đó, người bệnh nên bổ sung sữa để cung cấp vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, sữa còn là nguồn thực phẩm giàu protein tốt cho người bệnh.
Trong sữa bò còn chứa methionin có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp cholin giúp tăng cường khả năng ngăn mỡ tích lại ở gan. Tuy nhiên, chất béo trong sữa bò lại khó tiêu nên chuyên khoa dinh dưỡng khuyến cáo người bệnh nên uống 1 ly/ngày.
Thực phẩm giàu năng lượng
Như bột mì, gạo tẻ, đậu tương, đậu đen, đậu xanh…bổ sung trong bữa ăn hàng ngày giúp duy trì năng lượng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, các loại đỗ không những giúp giải độc tốt, tác dụng làm mát gan hiệu quả.
Uống nhiều nước:
Cung cấp đủ nước cho cơ thể hỗ trợ gan đào thải các độc tố ra bên ngoài. Nên uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Bạn có thể uống nước lọc, nước ép trái cây. Ngoài ra, người bệnh nên uống các loại trà thảo mộc (trà cà gai leo, cây chó đẻ, trà atiso, râu bắp…) có tác dụng tiêu độc, làm mát gan, hạ men gan, một số loại còn có khả năng ức chế sự phát triển của virus viêm gan B như cà gai leo.
Xem thêm thông tin: Trà cà gai leo nào tốt và mua ở đâu uy tín?
Người bệnh viêm gan B không nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm nên ăn, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm khác giúp tình trạng bệnh mau cải thiện. Dưới đây là những thực phẩm người bệnh nên tránh:
Nội tạng động vật:
Các món ăn được chế biến từ nội tạng động vật như tim, gan, ruột non, ruột già…là những món ăn tích tụ các chất độc chưa được phân giải hết khi dung nạp vào cơ thể tạo gánh nặng cho gan và nguy cơ dẫn tới ngộ độc gan. Hơn nữa, nội tạng động vật có chứa lượng lớn cholesterol, có thể ảnh hưởng đến hoạt động của gan khi bị nhiễm virus viêm gan B như: Cản trở bài tiết mật, tác động xấu tới quá trình lọc thải độc tố, quá trình chuyển hóa chất béo diễn ra không hoàn toàn.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ:
Các món chiên xào nhiều dầu mỡ, mỡ động vật khiến người bệnh khó tiêu hóa đồng thời làm tăng nguy cơ máu nhiễm mỡ, gan nhiễu mỡ, béo phì. Tất cả những thực phẩm này đều ảnh hưởng xấu tới quá trình hồi phục của gan khi bị virus viêm gan B tấn công. Khi chế biến thức ăn cho người bệnh nên thay thế bằng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu mè…
Đồ ăn cay nóng:
Các món ăn có chứa nhiều tiêu, ớt, riềng, sa tế, mù tạt khi vào cơ thể gây nóng gan, giảm khả năng thải độc của gan và ảnh hưởng không tốt tới quá trình hồi phục do tổn thương viêm do siêu vi B gây ra. Ngoài ra, sử dụng quá nhiều đồ ăn cay gây ảnh hưởng xấu tới các vấn đề ở hệ tiêu hóa như viêm loét dạ dày, táo bón. Cần hạn chế những thực phẩm này trong thực đơn ăn uống hàng ngày.
Rượu bia và các chất kích thích:
Cần tuyệt đối kiêng rượu bia, các chất kích thích bởi chúng làm hại trực tiếp lên gan gây tổn thương gan, thậm chí lạm dụng chúng gây ung thư gan.
Thực phẩm giàu đạm nhưng có tính nóng
như thịt dê, thịt chó, ba ba, lòng đỏ trứng gà. Khi gan bị tổn thương sẽ không chuyển hóa hết được các chất dinh dưỡng trong nguồn thực phẩm trên dẫn tới đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Đồ ăn ngọt:
Hạn chế sử dụng các đồ ăn ngọt, lượng đường tiêu thụ quá mức gây cản trở hoạt động của gan, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi và chuyển hóa chất dinh dưỡng tại gan. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các vấn đề liên quan tới chuyển hóa.
Các món ăn mặn:
Các món ăn có chứa nhiều muối và natri không tốt cho người bệnh viêm gan B, chúng không chỉ gây tích nước ở các chi mà còn khiến gan bị ứ nước, sưng phù.
Hải sản:
Các loại hải sản như tôm, cua, mực rất giàu đạm, muối khoáng và chất dinh dưỡng khác nếu dung nạp quá nhiều không tốt cho gan. Đặc biệt những người bị dị ứng hải sản mà ăn trong thời gian bị viêm gan B các dấu hiệu của dị ứng càng trầm trọng hơn.
Nhân sâm:
Tuy là dược liệu quá để bồi bổ sức khỏe tuy nhiên nhân sâm lại không hề tốt đối với người bệnh viêm gan B. Bởi nhân sâm có tính nóng khi dung nạp vào cơ thể tăng nguy cơ xuất huyết trong khiến bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, người bệnh viêm gan B không nên ăn thực phẩm còn tái sống, thực phẩm có chứa chất phụ gia, thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe của gan. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá hoặc tránh xa những nơi chứa nhiều khói thuốc lá vì chúng chứa nhiều nicotin vô cùng độc hại cho gan.
Món ăn tốt cho người viêm gan siêu vi B
Đông y điều trị viêm gan mạn tính chủ yếu là dưỡng can kiện tỳ, bổ thận kèm thanh nhiệt, giải độc. Một số món ăn sau rất có ích cho người bị viêm gan siêu vi B
1- Cháo rau má
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Sau đó, cho rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói với ít muối hoặc đường.
Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính
2- Canh trứng gà nấu câu kỷ, táo đỏ
Hình ảnh minh họa
Canh trứng tốt cho bệnh viêm gan Câu kỷ 30g, táo đỏ 20g, trứng gà hai quả, nước 300cc. Nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bỏ vỏ rồi cho vào chung với đường đỏ, nấu đến khi đường tan. Chia một-hai lần, ăn trứng uống canh. Cách hai ngày ăn một lần.
Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, trừ thấp, thích hợp dùng cho người bị bệnh viêm gan mạn tính.
3- Canh táo đỏ nấu đậu phộng
Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30g. Cho đậu phộng vào nồi đất trước, cho nước vào, nấu khoảng 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất nấu chung với đậu phộng, thêm 20 phút nữa. Sau đó cho đường phèn vào, nấu tiếp năm phút. Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày.
Món này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính, xơ cứng gan.
4 – Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm
Hình ảnh minh họa
Nấm rơm tươi 200g, thịt heo nạc 200g. Nấm rơm tươi rửa sạch, cắt miếng, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa nấu đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm. Tác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho chứng viêm gan mạn tính.
5- Canh cần tây, thịt heo nạc
Rau cần tây 100g, thịt heo nạc 100g, nấm hương (nấm đông cô) 20g, tỏi 5g, ít muối. Rau cần tây chỉ lấy cuống và lá rửa sạch, cắt nhỏ. Nấm hương ngâm nước nóng có chút gừng sau 20 phút thì rửa sạch, cắt nhỏ. Thịt heo nạc rửa sạch, xắt nhỏ (có thể thay bằng bột đậu xanh), tỏi bóc vỏ, đập dập.
Đun sôi nửa lít nước, cho thịt nạc vào, thịt chín thì cho cần tây, nấm hương, tỏi vào. Tiếp tục đun cho sôi. Ăn nóng lúc đói. Tác dụng giúp thanh nhiệt lợi thấp, giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính.
6 – Cháo gạo lức, hải sâm
Gạo lức 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ tám trái. Gạo lức vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói.
Món này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
7- Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ. Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Bỏ bã lấy nước đổ vào nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.