Để chẩn đoán và điều trị viêm gan B sẽ có rất nhiều xét nghiệm cần được thực hiện, trong đó Anti-HBe là một xét nghiệm quan trọng, giúp bác sĩ đánh giá sự nhân lên của virus và hiệu quả của quá trình điều trị. Vậy Anti-HBe là gì? Xét nghiệm Anti-HBe có ý nghĩa ra sao? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Anti-HBe là gì?
Anti-HBe hay HBeAb là kháng thể có khả năng chống lại kháng nguyên HBeAg. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn quá trình nhân lên hoặc biến đổi của virus viêm gan B trong cơ thể.
Xét nghiệm Anti-HBe được xem là một phần quan trọng của quá trình điều trị viêm gan B, thường được chỉ định ngay từ giai đoạn sớm để phát hiện bệnh và đánh giá sự phát triển của HBV, từ đó đưa ra các phương án điều trị phù hợp.
Dù vậy, chỉ một mình kết quả xét nghiệm Anti-HBe sẽ không thể đưa ra kết luận liệu một người có miễn dịch với HBV hay không. Để có được đánh giá chính xác, ta sẽ cần kết hợp với các xét nghiệm khác như HBeAg và HBV-DNA.
Ý nghĩa của xét nghiệm Anti-HBe?
Như đã nói ở trên, xét nghiệm Anti-HBe thường được coi là một phần quan trọng để đánh giá tình trạng của bệnh nhân viêm gan B. Nếu kết quả dương tính thì cơ thể người bệnh đã có một phần miễn dịch với virus HBV. Ngược lại, Anti-HBe âm tính thì có nghĩa cơ thể vẫn chưa hình thành kháng thể chống lại virus.
Như vậy có thể hiểu rằng Anti-HBe được thực hiện để đánh giá mức độ hoạt động của virus HBV trong cơ thể. Điều này không chỉ giúp xem xét hiệu quả của quá trình điều trị mà còn giúp phát hiện sớm các biến chứng nghiêm trọng ở người bệnh viêm gan B. Từ đó thay đổi phác đồ trong trường hợp cần thiết.
Thông thường xét nghiệm Anti-HBe sẽ được chỉ định thực hiện cùng với xét nghiệm HBeAg để đánh giá tiến triển của bệnh. Cụ thể:
- HBeAg (+) và Anti-HBe (-): Virus đang trong giai đoạn hoạt động mạnh mẽ, viêm gan B tiến triển nhanh và có khả năng cao lây nhiễm cho người khác.
- HBeAg (-) và Anti-HBe (+): Khả năng hoạt động của virus viêm gan B giảm dần và cơ thể đang hình thành một phần miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra trường hợp đột biến gen HBV, dẫn đến kết quả HBeAg giả âm tính. Nên Anti-HBe có thể được coi là xét nghiệm bổ sung nhằm khẳng định độ chính xác của xét nghiệm HBeAg.
- HBeAg (+) và Anti-HBe (+): Kháng nguyên và kháng thể của HBV đang ở mức cân bằng hoặc có thể do tình trạng phức hợp miễn dịch (một kháng thể gắn với một kháng nguyên). Bệnh nhân cần được theo dõi kỹ lưỡng để bác sĩ có thể đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- HBeAg (-) và Anti-HBe (-): Thường xuất hiện trong giai đoạn cửa sổ của quá trình chuyển đổi huyết thanh, cho thấy HBV đã giảm hoặc dừng hoạt động. Tuy nhiên, HBeAg cũng có thể tái xuất hiện trong các trường hợp tái phát bệnh. Do đó bệnh nhân tuyệt đối không nên chủ quan.
Khi nào Anti-HBe âm tính?
Anti-HBe âm tính khi cơ thể chưa có kháng thể chống lại virus HBV. Trường hợp bệnh nhân đang trong quá trình điều trị viêm gan B thì Anti-HBe (-) sẽ cho thấy phương pháp điều trị đang áp dụng không hiệu quả, virus vẫn hoạt động hoặc xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Lúc này, người bệnh cần được thay đổi phương pháp điều trị để kiểm soát và ức chế sự nhân lên của virus.
Khi nào anti hbe dương tính?
Anti-HBe dương tính khi cơ thể đã có một phần kháng thể chống lại kháng nguyên HBeAg. Theo đó, chỉ số này sẽ dương tính trong các trường hợp:
Hiệu quả tích cực trong điều trị
Thông thường, nếu kết quả Anti Hbe (+) và HBeAg (-) thì có thể xem là điều trị có tín hiệu tích cực. Theo đó, chỉ số Anti-HBe dương tính chứng tỏ hệ miễn dịch của người bệnh đã ức chế được sự nhân lên của virus hoặc ngăn sự đột biến của chúng nhờ việc điều trị. Từ đó bác sĩ sẽ đánh giá phác đồ đang áp dụng và tình trạng bệnh đang diễn biến tốt.
Viêm gan B mãn tính
Một số trường hợp chỉ số HBeAg (-) và Anti-HBe (+) cũng cho thấy cơ thể người bệnh đang trải qua giai đoạn viêm gan B mạn tính. Nói cách khác, lúc này virus vẫn tồn tại và hoạt động trong cơ thể mà không bị kiểm soát bằng Anti-HBe.
Mặt khác, khi người bệnh viêm gan B có Anti-HBe trong huyết thanh, chứng tỏ virus HBV đã tồn tại trong cơ thể một thời gian đáng kể, đã chuyển sang giai đoạn mạn tính và tăng nguy cơ các biến chứng như suy gan, xơ gan, ung thư gan… Lúc này kết quả xét nghiệm Anti-HBe sẽ giúp chẩn đoán sớm nguy cơ biến chứng
Viêm gan B cấp tính
Chỉ số Anti-HBe cũng được dùng làm căn cứ đánh giá quá trình tiến triển tự nhiên của viêm gan B trong giai đoạn cấp tính. Anti-HBe (+) cho biết cơ thể người bệnh đang thuộc một trong những trạng thái sau:
- Cuối giai đoạn cấp tính của viêm gan B: Anti HBe (+), HBsAg (+), và Anti HBc IgM (+)
- Kết thúc giai đoạn cấp tính của viêm gan B: Anti HBe (+), HBsAg (-), và Anti Hbc IgM (+)
- Viêm gan B mãn tính: Anti HBe (+), HBsAg (+), Anti HBc IgM (-), và total Anti HBc (+)
- Từng nhiễm bệnh và hiện đã miễn dịch với HBV: Anti Hbe (+), HBsAg (-), và total Anti HBc (-)
Chuyển đổi huyết thanh
Trong quá trình điều trị viêm gan B, kết quả Anti-HBe (+) cũng có thể là một trong những điều kiện có khả năng dẫn đến chuyển đổi huyết thanh.
Sự chuyển đổi này hiện diện khi Anti-HBe chuyển từ âm sang dương, đồng thời HBeAg chuyển từ dương sang âm, điều này cho thấy sự giảm hoặc ngừng phát triển của virus siêu vi B trong máu. Quá trình này có thể diễn ra tự nhiên hoặc là kết quả của liệu pháp kháng virus. Tuy nhiên, chỉ Anti-HBe dương tính không đủ để chứng minh sự chuyển đổi huyết thanh mà cần đánh giá hiệu quả điều trị qua sự kết hợp của nhiều chỉ số khác, bao gồm:
- HBsAg (+) chuyển sang Anti HBs (+)
- Nồng độ virus giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện: HBV-DNA Taqman < 40 copies/ml
- Chỉ số men gan phục hồi về mức bình thường.
Chỉ định xét nghiệm Anti-HBe khi nào?
Xét nghiệm Anti-HBe có ý nghĩa quan trọng trong điều trị viêm gan B và không phải ai cũng cần thực hiện xét nghiệm này. Thông thường chúng sẽ được chỉ định cho người bệnh đã được chẩn đoán mắc viêm gan B hoặc được thực hiện cùng HBeAg để đánh giá tiến triển của bệnh.
Quy trình xét nghiệm Anti-HBe để xác định âm tính hay dương tính
Để xác định xét nghiệm Anti-HBe âm tính hay dương tính, người bệnh sẽ được lấy máu, sau đó mẫu máu sẽ được phân tích bằng các thiết bị hiện đại theo đúng quy trình. Cụ thể:
Lấy mẫu: Bệnh nhân sẽ được lấy 2ml máu tĩnh mạch vào ống chứa vô trùng, không dùng chất chống đông hoặc có thể sử dụng các chất chống đông như Li, Na, K3- EDTA, NH4- Heparin hoặc ống không chứa chất chống đông. Cần đảm bảo hồng cầu không bị vỡ.
Tách huyết tương hoặc huyết thanh: Sau khi lấy máu, mẫu bệnh phẩm sẽ được đem ly tâm với tốc độ 4.000 vòng/5 phút để tách huyết tương hoặc huyết thanh.
Bảo quản mẫu: Mẫu bệnh phẩm sau đó cần được bảo quản ổn định trong vòng 5 ngày với nhiệt độ 2 – 8°C, ngoài ra chúng cũng có thể được lưu trữ trong 3 tháng ở nhiệt độ -20°C.
Bệnh phẩm chỉ được rã đông 1 lần và cần chờ chúng đạt nhiệt độ phòng trước khi tiến hành phân tích. Ngoài ra, việc phân tích cần được thực hiện trong vòng 2 giờ để tránh tình trạng bay hơi và đảm bảo chất lượng của bệnh phẩm.
Thực hiện phân tích:
- Các kỹ thuật viên sẽ chuẩn bị và kiểm tra, đảm bảo máy phân tích sẵn sàng cho việc phân tích máu, đảm bảo chất lượng kết quả.
- Dữ liệu thông tin về mẫu bệnh phẩm, chỉ định xét nghiệm của bệnh nhân sẽ được cán bộ thực hiện phân tích nhập vào máy hoặc hệ thống mạng.
- Mẫu bệnh phẩm được nạp vào máy phân tích và ra lệnh để máy thực hiện theo protocol được đặt ra.
- Khi có kết quả phân tích, cán bộ thực hiện sẽ in phiếu kết quả xét nghiệm để trả lại cho người bệnh.
Lưu ý: Anti-HBe thường được thực hiện cùng các xét nghiệm khác do đó để tránh kết quả bị ảnh hưởng, bệnh nhân cần để bụng rỗng khoảng 8 – 12 tiếng trước khi lấy mẫu, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn khác của bác sĩ hoặc nhân viên y tế.