Viêm gan B là bệnh lý có tỷ lệ lây nhiễm cao nên được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ mang thai. Bà bầu bị viêm gan B thường lo lắng không biết nó có ảnh hưởng gì đến thai kỳ và sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của em bé sau này. Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết ngay trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Thực trạng viêm gan B khi mang thai
Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng gan do siêu vi viêm gan B (hay còn gọi là virus HBV) gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương gan và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến bệnh xơ gan và thậm chí có thể gây ung thư gan.
Trên thế giới, ước tính có khoảng 240 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và hàng năm có hơn 686.000 người chết do biến chứng của bệnh viêm gan B. Bệnh viêm gan B có thể gặp ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến trẻ vị thành niên, người lớn và cả phụ nữ mang thai. Ở nước ta, tỷ lệ thai phụ nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 10 – 13%.
Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của mẹ suy giảm do trong suốt giai đoạn này hệ miễn dịch chủ yếu tập trung bảo vệ sức khỏe của thai nhi. Chính vì vậy, viêm gan siêu vi B ở phụ nữ mang thai sẽ dễ tiến triển nghiêm trọng và dễ diễn tiến mạn tính hơn so với người bình thường.
☛ Đọc thêm: Viêm gan B có lây từ mẹ sang con không?
Bà bầu bị viêm gan B có sao không?
Bà bầu có thể bị viêm gan B trước hoặc trong khi mang thai, nhưng phần lớn là nhiễm siêu vi B từ trước khi mang thai. Đầu tiên, mẹ bầu bị viêm gan B thường gặp phải những triệu chứng gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe như sau:
- Xuất hiện những cơn đau bụng và mệt mỏi: Do sự thay đổi nội tiết tố, phụ nữ mang thai thường có cảm giác mệt mỏi với tình trạng ốm nghén nhưng với bà bầu bị viêm gan B sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn những phụ nữ mang thai bình thường. Ngoài ra, bà bầu nhiễm virus viêm gan B còn gặp phải biểu hiện đau bụng xảy ra theo từng đợt, thi thoảng xuất hiện các cơn đau dữ dội.
- Chán ăn: Đây là triệu chứng phổ biến ở hầu hết bệnh nhân viêm gan B. Khi mang thai, biểu hiện này rõ rệt hơn hẳn. Lúc này, mẹ bầu nên lưu ý xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cả mẹ và bé.
- Dấu hiệu khác: Mẹ bầu cũng xuất hiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, thậm chí nước tiểu có màu vàng đậm,…
Có khoảng 90% bà bầu nhiễm viêm gan B cấp tính và 10% đến 20% phụ nữ mắc viêm gan B mạn tính. Thường thì viêm gan B cấp sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tính mạng của mẹ bầu nên không cần phải cân nhắc đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể gây ra các vấn đề như:
- Biến chứng thai kỳ: bong nhau non, sảy thai, đáo tháo đường, rối loạn đông máu…
- Sinh non: Nếu bị viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ có thể phải đối diện với nguy cơ sinh non.
- Biến chứng xơ gan, suy gan: Virus viêm gan B phát triển mạnh, tấn công gan, làm gan bị tổn thương nghiêm trọng, tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng xơ gan, suy gan…
Bà bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng thai nhi không?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, bệnh hoàn toàn có khả năng lây từ mẹ sang con. Dưới đây là những ảnh hưởng mà thai nhi có thể gặp phải khi mẹ bầu bị viêm gan B:
Nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ
Một trong những con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan B là truyền từ mẹ sang con. Chính vì vậy, em bé sẽ có nguy cơ nhiễm virus siêu vi B nếu người mẹ mang thai bị viêm gan B. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm của thai nhi sẽ thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể:
Tùy thuộc tình trạng nhiễm viêm gan B của mẹ
- Nếu virus đang phát triển và nhân lên mạnh mẽ, tỷ lệ lây sang em bé từ trên 50% đến 90%.
- Nếu virus phát triển và nhân kém thì tỷ lệ lây nhiễm vào khoảng 30%.
- Nếu virus ở dạng không hoạt động thì tỉ lệ lây nhiễm chỉ dưới 10%.
Mẹ bầu bị viêm gan B từ trước khi mang thai:
- Trong trường hợp mẹ bầu đã được điều trị bệnh ở mức độ ổn định, virus dưới ngưỡng hoạt động thì hầu như thai nhi sẽ không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.
- Nếu mẹ bầu chưa được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả và bệnh trở nặng hơn trong quá trình mang thai thì thai nhi cũng có nguy cơ rất cao bị nhiễm bệnh từ mẹ.
Mẹ bầu bị viêm gan B trong quá trình mang thai tỷ lệ lây nhiễm như sau:
- Mẹ bị nhiễm virus viêm gan B trong những tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ truyền nhiễm từ mẹ sang con vào khoảng 1%.
- Mẹ bị viêm gan B ở 3 tháng giữa thai kỳ thì nguy cơ em bé bị nhiễm bệnh là khoảng 10%.
- Mẹ bầu bị viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ thì nguy cơ lây nhiễm sẽ lên tới 60 – 70%.
Nguy cơ đối diện với các vấn đề sức khỏe liên quan
Trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B mà không hề hay biết nên không có biện pháp can thiệp phù hợp hoặc biết nhưng không áp dụng phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong và sau khi sinh, thì trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao lên đến khoảng 90%. Trong số đó có khoảng 50% trẻ suy giảm chức năng gan, khiến gan bị tổn thương và tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Đặc biệt khi trưởng thành nhiều trường hợp có thể phát triển thành suy gan, xơ gan, ung thư gan vô cùng nguy hiểm.
Mặt khác, với những mẹ bầu bị nhiễm viêm gan B và phát triển nặng ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thì trẻ có nguy cơ cao bị sinh non, đồng thời có thể gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé.
Làm thế nào để tránh lây nhiễm viêm gan B cho bé?
Để có thể làm giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, mẹ bầu cần áp dụng các phương pháp giúp ngăn ngừa sự phát triển và tăng sinh của HBV trong cơ thể.
Giai đoạn mang thai
Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện mình bị viêm gan B trong quá trình mang thai, bạn nên đi xét nghiệm để kiểm tra nồng độ virus viêm gan B trong máu để có phương pháp điều trị phù hợp.
- Trường hợp nồng độ vius ở trong ngưỡng cho phép: Mẹ bầu không cần dùng thuốc, chỉ cần áp dụng các phương pháp chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
- Trường hợp nồng độ virus cao: Mẹ bầu có thể được khuyến cáo điều trị bằng Tenofovir khá an toàn cho bà bầu và mẹ đang cho con bú. Nếu chúng không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa Telbivudine hoặc Lamivudine.
Với phụ nữ bị viêm gan B mạn muốn có thai thì phải ngừng thuốc Entecavir trước khi có thai trong vòng 2 tháng, sau đó chuyển sang dùng thuốc Tenofovir. Nếu bất ngờ có thai thì cũng được chỉ định sử dụng Tenofovir, vào các tháng cuối có thể chuyển sang Lamivudine.
Giai đoạn sau sinh
Thời điểm lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con chủ yếu là ở giai đoạn chuyển dạ đẻ. Vào giai đoạn này, có đến hơn 90% các trường hợp xảy ra lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con nếu không được áp dụng các biện pháp can thiệp cần thiết.
Trong quá trình mang thai, thai nhi chỉ nhận chất dinh dưỡng từ hàng rào nhau thai, máu của mẹ và thai nhi không tiếp xúc với nhau nên khả năng lây nhiễm viêm gan B là rất thấp. Chỉ tới khi chuyển dạ, cơ tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể làm máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con hoặc khi trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo cũng xảy ra sự lây nhiễm.
Để bảo vệ bé khỏi nguy cơ bị lây viêm gan B từ mẹ, ngay sau sinh trong vòng 24h đầu tiên, trẻ có mẹ bị viêm gan B cần tiêm phòng 2 mũi bao gồm: một mũi vắc-xin viêm gan B (liều 5 mcg) và một mũi huyết thanh kháng viêm gan B (hay còn gọi là globulin miễn dịch viêm gan B) (liều HBIG, liều 0,5 ml) để giúp cơ thể tạo miễn dịch thụ động phòng ngừa nhiễm bệnh viêm gan B. Mũi vắc xin hầu hết các cơ sở y tế đều có, riêng mũi huyết thanh kháng viêm gan B thì mẹ cần liên hệ bệnh viện nơi sinh xem có không hoặc đặt mua ở các đơn vị tiêm chủng như hệ thống tiêm chủng VNVC.
Tốt nhất, mẹ bên cho bé tiêm phòng 2 mũi ngay sau sinh từ 11 – 12 giờ đầu và cần tiêm phòng trước 24 giờ để đảm bảo tỷ lệ lây nhiễm thấp nhất. Sau đó, tiếp tục tiêm 3 mũi vaxin còn lại theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia. Nếu bé được tiêm chủng đầy đủ sẽ hạn chế việc lây nhiễm viêm gan B sau khi mang thai lên đến 95%.
☛ Tham khảo thêm: Lịch tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ
Chăm sóc mẹ bầu bị viêm gan B
Bên cạnh việc tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, để giúp ngăn ngừa sự phát triển của virus viêm gan B trong cơ thể, mẹ bầu cần thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng, để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe trong giai đoạn mang thai. Mẹ nên:
- Ăn nhiều rau củ quả và trái cây tươi để tăng cường cung cấp các loại vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Mẹ bầu bị viêm gan B nên ưu tiên lựa chọn bổ sung các loại rau củ có màu xanh đậm (rau cải xanh, súp lơ xanh, rau bina…) hay có màu đỏ, cam như: cà rốt, cà chua, bí đỏ,…
- Bổ sung thêm các protein không chứa chất béo như: ức gà, thịt bò nạc, cá thu, cá hồi, các loại hạt dinh dưỡng, các loại đậu… để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho sức khỏe của mẹ và bé.
- Tránh ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, rượu bia và các chất kích thích… gây hại đến gan. Đặc biệt là cần kiêng các món ăn nhiều đường vì nó có thể khiến gan không chuyển hóa hết được, làm tăng đường huyết, có thể dẫn đến đái tháo đường.
- Mẹ nên thư giãn, nghỉ ngơi, giữ cho tinh thần thoải mái, yêu đời, hạn chế lao động hay làm việc quá sức, ngủ đủ giấc,… để có sức khỏe tốt nhằm phòng ngừa lây nhiễm để em bé sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.
- Cuối cùng, mẹ cần tuân thủ đúng chế độ chăm sóc phụ nữ mang thai bị viêm gan B theo chỉ định của bác sĩ.
☛ Xem chi tiết: Cách chăm sóc bà bầu bị viêm gan B
Bài viết trên đây cơ bản đã giải đáp vấn đề “Bà bầu bị viêm gan B có sao không? Có ảnh hưởng thai nhi không?”. Hy vọng rằng, thông qua những thông tin này, bạn có thể hiểu và nắm rõ về những ảnh hưởng của bệnh lý này đối với sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Đồng thời có những biện pháp chăm sóc phù hợp nếu không may bị viêm gan B trong thai kỳ.
Chúc bạn sức khỏe!