Những thống kê cho thấy số lượng và tỷ lệ người sử dụng rượu, bia ở nước ta có tốc độ tăng nhanh. Ðến năm 2013, tổng lượng bia tiêu thụ đã đạt ba tỷ lít, tăng gấp hơn hai lần so với mười năm trước, trở thành nước tiêu thụ nhiều bia nhất khu vực ASEAN và thứ ba châu Á. Sử dụng quá nhiều rượu, bia đã dẫn đến tình trạng lạm dụng sản phẩm này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Hình ảnh minh họa
Nếu chúng ta biết sử dụng có chừng mực, nó có lợi cho sức khỏe với 50 ml rượu khai vị hoặc mỗi lần một lon 330 ml bia (không quá ba lần một ngày). Ðáng tiếc tình hình lạm dụng rượu, bia hiện nay lan tràn khắp thế giới và đang trở thành quốc nạn ở nhiều nơi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) việc lạm dụng đồ uống có cồn là nguyên nhân gây tử vong 2,5 triệu người hằng năm trên toàn thế giới, tương đương chết khoảng 6.000 người trong một ngày.
Tại nước ta, tình trạng tiêu thụ rượu, bia tăng quá mức dẫn tới việc lạm dụng sản phẩm này đã và đang gây ra nhiều tác hại cho người sử dụng và cho xã hội. Uống quá nhiều rượu, bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc…
Một số điều tra cho thấy tỷ lệ lạm dụng rượu, bia từ 5% đến 10% số dân, phần lớn số người lạm dụng rượu, bia ở độ tuổi từ 21 đến 30 tuổi. Một nghiên cứu khác cho thấy có đến 90% số nam giới Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong bốn người thì có một người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với sáu cốc bia hơi mỗi ngày.
Tình trạng gia tăng lạm dụng rượu, bia kéo theo gia tăng người bị bệnh gan với mức độ từ nhẹ đến nặng và dẫn tới tử vong. Có thể tóm tắt quá trình tác hại lạm dụng rượu, bia (nghiện) như sau: Rượu, bia uống vào chủ yếu hấp thụ tại ống tiêu hóa bằng thẩm thấu. Rượu, bia được xâm nhập nhanh vào máu nhiều nhất là tổ chức của gan sau đó não, phổi… khi hấp thụ vào cơ thể, sẽ được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%), một lượng nhỏ được đào thải qua phổi, nước tiểu, mồ hôi (5% đến 10%). Như vậy ô-xy hóa rượu ở gan đóng vai trò chính.
Ðể chuyển hóa rượu có thể có men alcohol deshydrogenase (ADH) sẽ ô-xy hóa rượu để thành acetaldehyd (độc cho gan), chất này được chuyển hóa tiếp để thành acetat (không độc cho gan) nhờ men aldehyt deshydrogenase.
Khi lạm dụng rượu, bia quá mức acetaldehyd sẽ tăng lên gấp nhiều lần và xâm nhập vào ty lạp thể, bào tương tế bào gan, gây tổn thương màng tế bào và hoại tử. Ngoài ra, còn một số men hoạt động, trong đó đáng chú ý là men CYD2E1 do cơ chế ô-xy hóa li-pít.
Hậu quả gây rối loạn suy thoái toàn bộ hoạt động của gan do lượng mỡ tích tụ trong gan, hoại tử mỡ, tế bào gan phì đại, các ty lạp thể căng phồng biến dạng, hoại tử tế bào hình thành chất tạo keo sinh xơ, các tổ chức xơ và các nốt tái tạo phát triển làm rối loạn cấu trúc của tiểu thùy gan, xơ gan tiến triển.
Hình ảnh minh họa
Những người lạm dụng rượu, bia có tới khoảng 90% bị gan nhiễm mỡ, 20% đến 40% bị viêm gan, 10% đến 25% dẫn tới xơ gan. Người bệnh xơ gan có khoảng 3% đến 7% dẫn tới ung thư gan.
Ðáng chú ý, bệnh gan do bia, rượu ở giai đoạn gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan giai đoạn nhẹ đều không có triệu chứng rõ rệt; hoặc có các triệu chứng nhẹ nhàng thoáng qua, không cản trở sinh hoạt. Vì vậy người bệnh không để ý, các triệu chứng thường gặp: ăn kém, có lúc mệt mỏi vô cớ, ngủ kém, giấc ngủ không sâu, nước tiểu vàng, có lúc bị chướng hơi, thỉnh thoảng có cảm giác nặng nề vùng hạ sườn phải… Ðến giai đoạn xơ gan nhiều người bệnh mới biết.
Phần lớn người bệnh đến bệnh viện đều có biểu hiện hai hội chứng: suy tế bào gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Nhiều trường hợp trong tình trạng phù toàn thân, da vàng mắt vàng, bụng to do báng nước, nôn ra máu, đại tiện ra máu, hôn mê gan và tử vong. Một số người bệnh xơ gan chết do ung thư gan nguyên phát.
Hiện nay chúng ta đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư gan: Phẫu thuật cắt khối u, dùng nhiệt cao tần, gây tắc mạch hỏa dầu… nhưng kết quả còn hạn chế vì phần nhiều người bệnh đến viện quá muộn, khối u quá to, ung thư đã di căn, do vậy việc điều trị chỉ để kéo dài thời gian sống sót.
Hình ảnh minh họa
Tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng kỹ thuật ghép gan của các thầy thuốc Việt Nam đã ngang tầm với các nước tiên tiến. Tính đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức đã thực hiện ghép gan cho 23 người bệnh, người sống lâu nhất bảy năm, số người bệnh sống sau sáu năm là hơn 80%, ngang với con số thống kê của các nước tiên tiến.
Theo thống kê, tỷ lệ người mắc bệnh xơ gan ở nước ta chiếm khoảng 5% số dân, như vậy có khoảng 4,5 triệu người bị xơ gan, tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh xơ gan giai đoạn nhẹ từ 1 đến 2% mỗi năm, nhưng giai đoạn nặng lên tới 20 đến 57%, do vậy tỷ lệ tử vong chung cho xơ gan vào khoảng 4%. Hằng năm chúng ta có hơn 100 nghìn người chết do bệnh gan, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do vi-rút viêm gan B và C sau đó là do rượu, bia.
Lạm dụng rượu, bia tác hại nghiêm trọng sức khỏe con người mà khoa học y học đã chứng minh có năm loại bệnh liên quan xếp hàng đầu là bệnh gan sau đó bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày, tụy và tim.
Ðể góp phần chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, chúng ta cần quan tâm thực hiện các nội dung:
- Tăng cường truyền thông về tác hại lạm dụng rượu, bia quá mức; các nhà hoạch định chiến lược về sản xuất rượu, bia, cần cân nhắc giữa lợi nhuận và sức khỏe của cả dân tộc.
- Kết hợp tuyên truyền với một số biện pháp hành chính: cấm học sinh uống bia, rượu; cấm cán bộ, công nhân viên uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa; cấm quảng cáo rượu, bia trên truyền hình báo chí; cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi… Ðưa kinh doanh rượu, bia vào mặt hàng có điều kiện. Vận động người lạm dụng rượu, bia đến cơ sở y tế khám và điều trị để hạn chế tử vong.
TS ÐINH QUÝ LAN
Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam
Để được tư vấn miễn phí về bệnh gan từ chuyên gia gan mật gọi ngay tới số 0912571190 – 18001190 (miễn cước)