Theo khuyến cáo của bác sĩ, bệnh nhân xơ gan cần hết sức thận trọng khi sử dụng thuốc. Khi chức năng gan đang suy giảm, nếu dùng thuốc gây hại cho gan có thể khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn. Do đó có không ít người bệnh xơ gan lo lắng không biết uống thuốc gì khi bị sốt? Cùng viemgan.com.vn tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề này nhé.
Mục lục
Người xơ gan bị sốt do đâu?
Xơ gan là bệnh lý mạn tính ở gan mà các tế bào gan bình thường được thay thế bởi các mô xơ khiến chức năng gan bị suy giảm trầm trọng. Xơ gan nếu không được phát hiện, điều trị sẽ làm tăng nguy cơ tiềm ẩn của ung thư gan. Người bệnh xơ gan bị sốt là tình trạng gặp khá phổ biến. Và hầu hết họ đều có tâm lý hoang mang, thậm chí hoảng sợ vì cho rằng đây là dấu hiệu bệnh đang nặng dần lên. Thực tế, điều này chưa đúng hoàn toàn bởi sốt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như:
- Hội chứng gan – phổi (HPS): Biến chứng này sự kết hợp của bệnh gan, giãn mạch máu trong phổi và những bất thường trong trao đổi khí.
- Hội chứng gan – thận: Thường xảy ra ở người xơ gan mất bù với triệu chứng như báng bụng, vàng da, nước tiểu sậm màu, người mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, thậm chí sốt…
- Ung thư gan: Xơ gan làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan (carcinoma tế bào gan), và ung thư này có thể gây sốt.
- Do nhiễm trùng: Nhiều bệnh nhân xơ gan có nguy cơ cao bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy yếu. Một số nhiễm trùng phổ biến bao gồm: Nhiễm trùng dịch cổ trướng, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng da…
- Do dùng thuốc: Một số loại thuốc người xơ gan dùng điều trị bệnh hoặc triệu chứng khác có thể gây tác dụng phụ sốt.
- Bệnh lý khác: Người bệnh xơ gan có thể mắc một số bệnh lý khác như viêm gan B, C hoặc các bệnh lý mạn tính nào đó và các bệnh lý này có thể gây sốt.
Xơ gan bị sốt uống thuốc gì?
Người bệnh xơ gan cần phải thận trọng khi bị sốt bởi đây rất có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm hoặc nhiễm trùng. Khi bị sốt, điều đầu tiên bệnh nhân cần làm là nghỉ ngơi nhiều để giảm bớt gánh nặng cho gan, cho phép cơ quan này tập trung vào quá trình hồi phục và đối phó với các vấn đề hiện tại. Nghỉ ngơi đầy đủ còn giúp cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ cơ thể chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.
Người bị xơ gần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian uống bác sĩ đã hướng dẫn. Tránh việc sử dụng thuốc không đúng liều hoặc tự ý ngưng thuốc có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn. Dưới đây là một số loại thuốc thông thường mà bác sĩ có thể kê đơn hoặc khuyến cáo:
1. Thuốc hạ sốt
Paracetamol (Acetaminophen): Đây là loại thuốc hạ sốt sử dụng khá thông dụng hiện nay, thường an toàn khi dùng với liều thấp ở bệnh nhân xơ gan. Tuy nhiên, liều dùng cần phải được giám sát chặt chẽ, theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gây hại cho gan. Liều khuyến cáo là không quá 2 gram mỗi ngày.
Với Ibuprofen và các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) khác thường không được khuyến cáo cho người bệnh xơ gan. Sử dụng loại thuốc này làm tăng nguy cơ tổn thương thận, tăng nguy cơ chảy máu. Vì vậy, chúng xếp vào danh sách “cấm” với người xơ gan bị sốt.
2. Thuốc kháng sinh
Người bệnh xơ gan bị sốt có thể do bệnh lý nhiễm trùng gây ra. Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh cụ thể dựa trên loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng như thể trạng của từng người bệnh.
Đối với nhiễm trùng dịch cổ trướng: Cefotaxim 2g tiêm tĩnh mạch mỗi 8h. Nếu bệnh nhân dị ứng với penicillin, có thể dùng Levofloxacin. Không được dùng Fluoroquinolones ở những bệnh nhân đã được dự phòng nhiễm trùng dịch cổ trướng bằng thuốc nhóm này trước đó. Nếu kháng Fluoroquinolones thay thế bằng Cefotaxime, đặc biệt ở người dùng fluoroquinolones để dự phòng nhiễm trùng dịch cổ trướng. Nếu kháng cephalosporins, levofloxacin có thể được dùng.
Với người bệnh bị sốt do nhiễm trùng đường tiết niệu: Thường dùng nhóm kháng sinh như Cephalosporin… Đối với nhiễm trùng không biến chứng, người bệnh được chỉ định dùng thuốc trong 2 – 3 ngày, một số người cần dùng 7 – 10 ngày.
Đối với nhiễm trùng gây sốt do các nguyên nhân khác như viêm phổi, viêm da… thì tùy mức độ viêm nhiễm, thể trạng người bệnh mà bác sĩ kê loại thuốc và liều lượng phù hợp.
3. Thuốc bảo vệ gan
Ở người mắc xơ gan, chức năng gan dần suy giảm nên không thực hiện vai trò vốn có của nó. Bác sĩ có thể kê các thuốc hỗ trợ chức năng gan, có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi các yếu tố gây bệnh, kích thích tái tạo tế bào gan, tăng cường quá trình chuyển hóa ở gan. Một số loại thuốc thường dùng như:
- Vitamin C: Giúp tối ưu chuyển hóa ở gan, có thể tiêm qua tĩnh mạch trong 7 – 10 ngày.
- Vitamin B12: Điều hòa chức năng gan, hỗ trợ giải độc gan cho cơ thể. Thuốc có thể được tiêm vào cơ hoặc sử dụng lipitor ở dạng uống.
- Cyanidanol: Hỗ trợ sức khỏe của gan.
- Prednisolon: Là thuốc chống viêm steroid, giúp giảm viêm nhiễm, hạn chế tiến triển xơ gan.
- Testosterone: Được sử dụng nhằm giảm viêm nhiễm và làm chậm quá trình xơ hóa gan. Thuốc dùng dưới dạng tiêm bắp và cần được thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe.
- Flavonoid Silymarin (biệt dược Carsil, Legalon): Tăng cường chức năng thải độc, kích thích tái tạo tế bào gan đồng thời bảo vệ gan.
4. Nhóm thuốc điều trị xơ gan
Bên cạnh các thuốc điều trị nguyên nhân gây sốt, bệnh nhân xơ gan vẫn dùng thuốc trị xơ gan theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Các thuốc thường dùng bao gồm:
Thuốc tiêm truyền dịch: Người bệnh xơ gan có protein máu giảm nhiều có thể được chỉ định dùng plasma đậm đặc và dung dịch albumin 20% hoặc truyền các loại đạm tổng hợp như alvesin, moriamin. Nếu tỷ lệ prothrombin giảm, lâm sàng có chảy máu dưới da, niêm mạc hoặc xuất huyết tiêu hoá… có thể chỉ định truyền máu tùy thuộc mức độ mất máu.
Thuốc điều trị xơ gan theo tình trạng bệnh: Tùy giai đoạn bệnh khác nhau mà bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc phù hợp
- Xơ gan cổ trướng: Có thể sử dụng thuốc lợi tiểu chống thải kali Aldactone. Trường hợp Aldactone kém hiệu quả thì có thể chuyển sang dùng các thuốc lợi tiểu mất kali mạnh hơn như Furosemid (Lasix). Cổ trướng dai dẳng khi dùng thuốc như trên không có kết quả thì phải chọc hút nước cổ trướng nhiều lần kết hợp truyền Albumin, Dextran tĩnh mạch.
- Xơ gan có xuất huyết tiêu hóa: Dùng thuốc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch Glanduitrin hoà trong Glucoza. Nội soi cầm máu bằng cách tiêm thuốc gây xơ hoá ở chỗ chảy máu (polidocanol).
Thuốc điều trị theo nguyên nhân xơ gan: Bác sĩ điều trị xơ gan có thể cân nhắc thuốc dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
- Xơ gan do virus viêm gan B, C: Người bệnh có thể dùng các loại thuốc kháng và ức chế sự phát triển của virus như adefovir, entecavir, dipivoxil… tùy theo tình trạng bệnh.
- Xơ gan do gan nhiễm mỡ: Một số thuốc như Ursodiol (Actigall, Urso), Avandia (Rosiglitazone), Orlistat có thể được chỉ định
Điều quan trọng nhất, người bệnh xơ gan không tự ý dùng thuốc mà phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm do gan bị tổn thương và chức năng gan suy giảm.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Thuốc trị xơ gan có những loại nào?
Đang dùng thuốc xơ gan uống thuốc hạ sốt có sao không?
Đang uống thuốc xơ gan bác sĩ vẫn có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt nếu có sốt cao. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hạ sốt cho người xơ gan cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và thường tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Bởi một số thuốc hạ sốt có thể gây hại cho gan, làm tình trạng xơ gan càng trở nên xấu hơn.
Nguy cơ tổn thương gan, suy gan nếu dùng hạ sốt không đúng loại, đúng cách, đúng liều lượng.
Nếu không được quản lý cẩn thận, sử dụng thuốc hạ sốt có thể khiến bệnh nhân xơ gan đối mặt với các rủi ro như:
- Với Paracetamol (Acetaminophen): Loại thuốc này người bệnh xơ gan vẫn có thể dùng nhưng ở liều thấp hơn bình thường, không nên sử dụng lâu dài. Bởi thuốc được chuyển hóa ở gan, nếu dùng liều cao hoặc kéo dài có thể gây tổn thương gan, thậm chí dẫn đến suy gan cấp. Thông thường, liều tối đa khuyến cáo cho người xơ gan là dưới 2 gram mỗi ngày, so với 4 gram cho người khỏe mạnh.
- Với Ibuprofen và các thuốc NSAIDs khác: Các thuốc này vốn không được khuyến cáo cho người xơ gan. Nếu đang điều trị xơ gan mà dùng loại thuốc hạ sốt này làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, tổn thương thận và làm trầm trọng thêm tình trạng giữ nước và phù.
Tóm lại, nếu không dùng đúng cách, đúng liều lượng thuốc hạ sốt có thể gây tổn thương gan, làm trầm trọng thêm tình trạng xơ gan hiện có. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào. Đồng thời, khi dùng thuốc hạ sốt cần theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường, báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào xấu đi.
Thận trọng khi dùng thuốc ở người xơ gan bị sốt
Riêng với thuốc, bệnh nhân xơ gan kèm sốt cần phải hết sức thận trọng. Không được sử dụng bừa bãi mà cần theo chỉ định của bác sĩ đang điều trị. Bởi gan là nơi chuyển hóa thuốc, có trách nhiệm xử lý hầu hết các loại thuốc. Nên chúng dễ chịu các tác dụng phụ của thuốc, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng tới sự phục hồi chức năng gan, khiến xơ gan lâu cải thiện hoặc tình trạng xấu đi. Bệnh nhân xơ gan cần tránh nhóm thuốc sau đây:
Các thuốc giảm đau chống viêm:
- Paracetamol rất hại cho gan, đặc biệt khi sử dụng quá liều hoặc dùng quá dày giữa các lần uống.
- Thuốc chống viêm không steroid: tránh dùng diclofenac ở bệnh nhân gan nặng, có thể gây phù
- Các thuốc acetylsalicylic acid, ibuprofen, indomethacin, ketoprofen, naproxen, meloxicam, tenoxicam có nguy cơ cao xuất huyết tiêu hóa.
- Thuốc giảm đau nhóm opi như morphin, pethidin, fentanyl, dextropropoxyphen, codein, dextromethorphan…có thể gia tăng hôn mê ở người bệnh gan.
Thuốc kháng sinh:
- Nhóm beta-lactam (ceftriaxon, cloxacilin…)
- Nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, azithromycin.).
- Nhóm quinolon: acid nalidixic, norfloxacin, ofloxacin.
Thuốc kháng histamin: Clorpheniramin, promethazin, diphenhydramin, dimenhydrinat…
Bên cạnh sử dụng thuốc điều trị, người bệnh cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý giúp giảm triệu chứng bệnh gan, tăng hiệu quả khi phải dùng thuốc điều trị. Cần cân đối giữa các nhóm thực phẩm, ăn nhiều rau xanh và trái cây, bổ sung đạm dễ tiêu như cá, đậu phụ… Không ăn đồ chế biến sẵn, hạn chế dùng các chất kích thích, thức ăn chua cay. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, thay vào đó nên uống nước lọc hoặc các loại nước trái cây. Ngủ đúng giờ và đủ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái kết hợp tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày nhằm tăng cường sức khỏe gan nói riêng, sức khỏe tổng thể nói chung.