Bệnh viêm gan B là mối nguy hiểm khôn lường đối với sức khỏe của con người. Bệnh không có các triệu chứng lâm sàng rõ rệt, dễ nhầm lẫn sang các bệnh lý khác, khả năng lây lan virus nhanh chóng và để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Cùng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh viêm gan B có nguy hiểm không?” qua bài viết sau đây.
Mục lục
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh lý về gan khá nguy hiểm hiện nay. Nguyên nhân do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng tấn công và gây tổn thương cho gan. Virus HBV có tốc độ lây lan nhanh chóng, thường qua 3 con đường cơ bản là đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con.
Bệnh nguy hiểm hơn do ít có biểu hiện rõ ràng khiến nhiều người khó phát hiện bệnh. Nhiều trường hợp phát hiện ra khi bệnh đã ở giai đoạn nặng. Viêm gan B thường chia thành 2 giai đoạn:
Viêm gan B cấp tính: Là giai đoạn virus ở trong cơ thể chưa quá 6 tháng. Thông thường, người bệnh viêm gan B ở giai đoạn cấp tính chưa để lại những biến chứng nghiêm trọng. Có tới 90% người bệnh tự khỏi mà không cần điều trị, sau khi hết nhiễm trùng, người bệnh không còn khả năng truyền bệnh cho người khác và cũng sẽ miễn dịch với virus này.
Viêm gan B mạn tính: Khi virus HBV tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn này, virus HBV tấn công gan khiến chức năng gan dần suy giảm nghiêm trọng. Người bệnh đối mặt với các biến chứng như xơ gan, ung thư gan nếu không có biện pháp điều trị hoặc điều trị không đúng cách.
Viêm gan B nguy hiểm không?
Virus viêm gan B (HBV) là nguyên nhân gây bệnh viêm gan B. Tất cả mọi người đều có nguy cơ lây nhiễm HBV, từ trẻ em cho tới người khỏe mạnh. Khi virus HBV tồn tại trong cơ thể con người hơn 6 tháng mà không bị đào thải ra ngoài, khi đó bệnh tiến triển sang giai đoạn mạn tính. Đồng nghĩa với đó virus sẽ tồn tại suốt đời trong cơ thể người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc xơ gan, suy gan, ung thư gan gây nguy hiểm cho sức khỏe. Viêm gan B được biết đến là “kẻ giết người thầm lặng” là do:
Khả năng lây nhiễm cao
Virus viêm gan B được tìm thấy trong máu, dịch cơ thể (dịch âm đạo, tinh dịch) của người nhiễm. Đây là loại virus có khả năng lây truyền cao qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang cao. Khả năng lây lan của virus HBV cao gấp 100 lần so với virus HIV. Chúng có khả năng sống rất dai, thậm chí tồn tại trong máu khô nhiều ngày. Người bệnh viêm gan B có thể lây lan cho người khỏe mạnh thông qua:
Đường máu: Virus viêm gan B có thể lây nhiễm khi sử dụng chung bơm kim tiêm, đồ dùng cá nhân; nhận chế phẩm máu từ người bệnh; có vết thương hở và tiếp xúc với máu của người bệnh; xỏ khuyên, xăm hình ở địa chỉ không đảm bảo an toàn; dụng cụ y tế chưa khử trùng đúng cách…
Từ mẹ sang con: Đây là con đường lây nhiễm viêm gan B với tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ lây nhiễm có thể lên tới 60 – 70% ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu sau sinh không có biện pháp bảo vệ bé, tỷ lệ lây nhiễm thậm chí lên tới 90%.
Đường tình dục: Viêm gan B lây truyền qua đường tình dục khi không sử dụng các biện pháp an toàn. Virus viêm gan B có thể lây truyền qua quan hệ khác giới và đồng giới. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng phòng tránh bằng cách không quan hệ tình dục bừa bãi, chung thủy một vợ một chồng. Nếu trong gia đình có vợ hoặc chồng bị viêm gan B, cần phải thăm khám và tiêm phòng kịp thời.
Tìm hiểu chi tiết tại: Bệnh viêm gan b lây qua những con đường nào?
Không có triệu chứng rõ ràng
Người bệnh mắc viêm gan B thường không có triệu chứng nào nên rất khó nhận biết mình đã mắc bệnh. Có những người nhiễm bệnh nhưng 2 – 3 tháng mới có những dấu hiệu khá mờ nhạt, thường bị nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý khác.
Một số dấu hiệu của bệnh dễ bị nhầm lẫn và khiến người bệnh chủ quan như:
- Cơ thể mệt mỏi, sốt, đau nhức giống cúm thông thường.
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Đau bụng – đây là dấu hiệu phổ biến ở nhiều bệnh lý nên thường bị nhầm lẫn.
- Vàng da, vàng mắt khó nhận biết nếu bệnh chưa nặng.
Do không có triệu chứng rõ rệt, các triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên người bệnh có tâm lý chủ quan, không thăm khám sức khỏe cụ thể. Phần lớn người bệnh phát hiện ra khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi bệnh đã trở nặng. Do đó, viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” rất khó lường.
Viêm gan B nguy hiểm như thế nào?
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B khá cao. Ước tính cả nước có hơn 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B, chiếm 10% dân số. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus HBV sinh sôi trong tế bào gàn, kích thích cơ thể tạo ra các đáp ứng miễn dịch. Đáp ứng miễn dịch này tuy giúp cơ thể ngăn ngừa và tiêu diệt HBV nhưng đồng thời cũng gây tổn thương các tế bào gan. Virus viêm gan B được coi là một trong những virus nguy hiểm nhất với tốc độ lây lan cao gấp 100 lần với với virus HIV.
Viêm gan B được coi là bệnh lý nguy hiểm bởi nó tàn phá cơ thể một cách âm thần và ít có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm máu hoặc bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng. Nếu không có những biện pháp điều trị bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng tới tính mạng. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm thường thấy của viêm gan B mạn tính:
Xơ gan (sẹo ở gan)
Viêm gan B mãn tính có thể diễn tiến thành xơ gan, các tế bào gan dần bị sẹo hóa làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan. Lâu ngày có thể khiến chức năng miễn dịch bị suy giảm, cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, xơ gan thường rất khó phát hiện. Thường chỉ khi sức khỏe bị suy giảm nhanh chóng người bệnh mới phát hiện ra. Theo thống kê, cứ 5 người bị viêm gan B mãn tính thì thường có 1 người bị biến chứng thành xơ gan.
Xơ gan thường không gây ra các triệu chứng đáng chú ý cho tới khi chúng gây ra tổn thương gan trên diện rộng. Khi đó, có thể xuất hiện các dấu hiệu như:
- Cơ thể mệt mỏi, yếu ớt.
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
- Sụt cân.
- Ngứa da.
- Vàng da, vàng mắt.
- Đau bụng, chướng bụng.
- Sưng mắt cá chân…
Hiện nay, người bệnh chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của xơ gan chứ chưa có loại thuốc hay phương pháp nào điều trị khỏi hẳn. Trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể phải ghép gan.
Suy gan (suy giảm chức năng gan)
Suy gan là một trong những biến chứng của viêm gan B gây ra. Khi chức năng gan bị suy giảm, người bệnh có các biểu hiện như chán ăn, rối loạn tiêu hóa, ăn uống không tiêu, sút cân…Nếu bệnh đến giai đoạn muộn thì gan không còn khả năng phục hồi, người bệnh có thể gặp phải tình trạng não gan, rối loạn đông máu, làm tăng nguy cơ tử vong.
Ung thư gan
Viêm gan B kéo dài mà không được phát hiện, điều trị có thể chuyển thành ung thư gan. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, diễn biến nhanh, khó khăn trong điều trị. Trong khi đó, đa số người bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Theo kết quả của các nghiên cứu, người bị viêm gan B có khả năng bị ung thư gan cao hơn 20 lần so với người khỏe mạnh. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, làm gan suy yếu và xơ hóa. Lâu ngày, các tế bào gan bị biến đổi và trở thành các tế bào ác tính.
Các triệu chứng của ung thư gan bao gồm:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
- Cảm thấy chướng bụng, mặc dù ăn ít.
- Người mệt mỏi, xanh xao.
- Da và mắt có màu vàng.
Nếu phát hiện sớm và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp ăn uống điều độ, thăm khám định kỳ có thể duy trì sức khỏe và tuổi thọ. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến quá nhanh, không kiểm soát và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong 5 – 10 năm. Người bệnh không có ý thức chữa bệnh thời gian sống chỉ được tính bằng tháng.
Xem chi tiết: Những biến chứng nguy hiểm của viêm gan B
Hướng dẫn cách điều trị bệnh viêm gan B
Sau khi đã biết mức độ nguy hiểm của viêm gan B, hãy cùng tìm hiểu các điều trị căn bệnh này. Thực tế, viêm gan B là bệnh khó điều trị dứt điểm khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính. Hầu hết các phương pháp điều trị hiện nay chỉ giúp hạn chế virus tăng nhanh và biến chứng. Từ đó, hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển sang xơ gan, ung thư gan…Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị viêm gan B cấp và mãn tính:
Điều trị viêm gan B cấp tính
Khi virus viêm gan B chỉ tồn tại trong cơ thể một thời gian ngắn, dưới 6 tháng thì người bệnh không cần chữa trị bệnh sẽ tự khỏi. Người bệnh được chăm sóc tại nhà, vận động nhẹ nhàng và tránh tiếp xúc thân mật với người khác trong khoảng thời gian này. Chế độ ăn uống nên cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Điều trị viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mãn tính cần điều trị để giảm triệu chứng của bệnh, hạn chế sự phát triển của virus, hạn chế biến chứng có thể xảy ra. Đồng thời ngăn chặn khả năng lây lan cho người khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Các loại thuốc kháng virus như lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera), telbivudine (Tyzeka) và entecavir (Baraclude) có tác dụng chống lại virus viêm gan B, làm chậm khả năng gây tổn thương gan.
- Interferon alfa-2b (Intron A): Là phiên bản tổng hợp của một hợp chất được cơ thể sản xuất ra nhằm chống lại sự nhiễm trùng. Loại thuốc này được dùng cho người trẻ tuổi không muốn trải qua quá trình điều trị lâu dài hoặc phụ nữ mang thai.
- Ghép gan: Bác sĩ có thể đề nghị phương pháp này nếu gan bị tổn hại quá nghiêm trọng. Cắt bỏ phần gan bị tổn hại và thay thế bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu bác sĩ có chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại, chi phí cao.
Xem thêm: Tìm hiểu các loại thuốc chữa trị viêm gan B
Làm gì để phòng bệnh viêm gan B?
Nâng cao ý thức phòng bệnh sẽ giảm nguy cơ mắc viêm gan B hiệu quả. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện được:
- Tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh. Những người có người nhà mắc viêm gan B nên đi thăm khám và tiêm phòng để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Ngưng hút thuốc lá, uống rượu bia bởi lạm dụng các chất kích thích ở người bệnh viêm gan B là vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ đẩy nhanh tốc độ mắc xơ gan, ung thư gan hơn.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc gây độc cho gan như paracetamol, các thuốc chữa bệnh lao…
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, tránh những đồ ăn khó tiêu.
- Cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày.
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy với một bạn tình.
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, đồ dùng cá nhân…
- Không xăm hình, xỏ khuyên…ở những cơ sở không đảm bảo uy tín.
- Phụ nữ mang thai bị viêm gan B cần có sự tư vấn của bác sĩ.