Viêm gan B giai đoạn đầu hay còn gọi là giai đoạn cấp tính, bệnh phát sinh đột ngột ở người nhiễm virus viêm gan B và diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Hầu hết bệnh nhân thường phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn với các dấu hiệu rõ rệt, nguy cơ biến chứng cao. Cùng “bỏ túi” những thông tin về viêm gan B giai đoạn đầu để có biện pháp phòng ngừa và xử trí hợp lý nhé.
Mục lục
Viêm gan B giai đoạn đầu là gì?
Viêm gan B giai đoạn đầu (viêm gan B cấp tính) là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan siêu vi B. Bệnh phát sinh đột ngột ở người nhiễm virus viêm gan B (HBV) và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Thông thường, viêm gan B giai đoạn đầu có thể phát sinh trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi cơ thể nhiễm virus và có khả năng lây truyền cho người khác.
Theo số liệu thống kê, có khoảng 90% người bị viêm gan B giai đoạn đầu có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Số còn lại sẽ tiến triển sang dạng mạn tính rất nguy hiểm. Thậm chí, có những trường hợp không may mắn có thể gặp phải các biến chứng nặng nề, đe dọa tính mạng bệnh nhân, thậm chí tử vong
Số liệu thống kê cụ thể như sau:
- Có 80 – 90% trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
- Từ 30 – 50% trẻ bị lây nhiễm HBV trước năm 6 tuổi bị nhiễm trùng mạn tính.
- Người trưởng thành nhiễm virus HBV, có 10% tiến triển thành viêm gan B mạn.
- Có từ 20 – 30% người viêm gan B mạn ở người trưởng thành tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Dấu hiệu cảnh báo viêm gan B giai đoạn đầu
Thời gian ủ bệnh của viêm gan B giai đoạn đầu từ 1 – 6 tháng. Thông thường, các dấu hiệu của viêm gan B giai đoạn đầu chỉ xuất hiện rõ ràng khi bệnh đã tiến triển một thời gian và có xu hướng ngày càng nặng. Bệnh nhân có thể thấy một số dấu hiệu như:
- Người mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
- Cảm thấy khó chịu, người nôn nao.
- Nhiệt độ cơ thể tăng, có thể sốt nhẹ về chiều.
- Thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau nhói ở vùng dưới sườn bên phải ổ bụng.
- Thay đổi màu sắc của da sang vàng.
- Đau nhức xương khớp.
- Trường hợp đặc biệt có thể diễn tiến nặng sang suy gan cấp dẫn tới não gan.
Tiến triển của viêm gan B giai đoạn đầu
Sau khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể phát triển hoặc giảm đi phụ thuộc vào các yếu tố như miễn dịch của cơ thể, thời gian phát hiện bệnh…
Tiến triển thành viêm gan tối cấp
Ở giai đoạn này, gan bị tổn thương nặng nề và dẫn tới suy gan cấp. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, viêm gan giai đoạn đầu tiến triển thành viêm gan tối cấp rất hiếm với tỷ lệ xảy ra chỉ chiếm khoảng 1%.
Gan phục hồi sau nhiễm trùng, tạo ra miễn dịch bảo vệ
Sau khi virus HBV xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch chống lại và đào thải virus HBV sau vài tháng. Sau đó, cơ thể tạo được miễn dịch bảo vệ gan suốt đời. Cho tới nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi viêm gan B giai đoạn đầu mà chỉ có thuốc hỗ trợ điều trị.
Tiến triển thành viêm gan B mạn tính
Khi cơ thể không đào thải virus HBV ra bên ngoài, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Người bệnh cần sử dụng thuốc kháng virus để chữa trị. Bên cạnh đó, cần theo dõi và khám sàng lọc ung thư gan định kỳ. Đây là việc làm rất có ích trong việc phát hiện nguy cơ bệnh sớm và điều trị. Theo số liệu thống kê, có khoảng 1/4 người bị viêm gan B có thể bị tử vong do suy gan, xơ gan, ung thư gan.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Phân biệt viêm gan B cấp tính và mãn tính
Chẩn đoán viêm gan B giai đoạn đầu bằng cách nào?
Nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại ngày nay, có nhiều phương pháp xét nghiệm nhằm phát hiện viêm gan B giai đoạn đầu. Bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định bệnh nhân lựa chọn phương pháp phù hợp. Trong đó, có một số xét nghiệm như:
Xét nghiệm HBsAg: Nếu dương tính hoặc có phản ứng nghĩa là người đó bị nhiễm virus viêm gan B và có thể truyền virus viêm gan B sang người khác qua máu và dịch tiết từ cơ thể mình.
Xét nghiệm Anti-HBs: Kết quả dương tính hoặc có phản ứng nghĩa là người đó đã được hệ miễn dịch bảo vệ chống lại virus viêm gan B và không thể bị nhiễm bệnh Sự bảo vệ này có được là kết quả của tiêm vắc xin viêm gan B từ trước hoặc đã may mắn phục hồi sau khi nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ.
Đối với viêm gan B giai đoạn đầu (cấp tính), hệ miễn dịch chưa thể tạo kháng thể bảo vệ ngay trong giai đoạn này nên xét nghiệm Anti-HBs thường “âm tính”.
Xét nghiệm Anti-HBc: Có kết quả anti-HBc dương tính, người bệnh có thể đang trong đợt cấp tính của viêm gan mạn hoặc đợt nhiễm cấp tính mới sau lần đã đào thải virus hoàn toàn. Cần được phân tích đầy đủ bằng kết quả xét nghiệm đầu tiên là HBsAg và anti-HBs.
Xét nghiệm HBeAg: Kết quả dương tính cho thấy cơ thể có virus viêm gan B cấp và hiện đang phân chia mạnh. Nếu âm tính, cho thấy không có virus hoặc virus ở thể ngủ, không tích cực sinh sản ở gan.
Xét nghiệm khác: IgM anti-HBc, IgG anti-HBc, định lượng DNA của virus viêm gan B, các xét nghiệm máu đánh giá tình trạng gan (ALT, AST…)
Người bệnh viêm gan B giai đoạn đầu có chỉ số AST, ALT tăng (thường trên 5 lần giới hạn trên của mức bình thường). Bên cạnh đó, bilirubin có thể tăng; xét nghiệm Anti-HBc IgM và HBsAg dương tính.
Hướng dẫn điều trị viêm gan B giai đoạn đầu
Điều may mắn là có tới hơn 90% trường hợp mắc viêm gan B giai đoạn đầu có thể khỏe trở lại mà không cần sử dụng thuốc kháng virus. Hầu hết các trường hợp chỉ cần thực hiện chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo tư vấn của bác sĩ. Sau đây là một số biện pháp được áp dụng trong cải thiện viêm gan B giai đoạn đầu:
1. Chế độ ăn uống khoa học
Trong quá trình điều trị viêm gan B, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng giúp chăm sóc và phục hồi sức khỏe. Các triệu chứng của bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn nhờ dinh dưỡng. Bệnh nhân cần lưu ý:
- Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày với những thực phẩm dễ tiêu như chuối, cam, gạo lứt, rau xanh…để hệ tiêu hóa không bị quá sức.
- Tăng cường chất xơ từ rau củ quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh.
- Bổ sung nguồn thực phẩm giàu protein từ thịt nạc, sữa, các loại hạt…
- Cá béo như cá hồi, cà ngừ, cá mòi, cá thu… có chứa nhiều axit béo omega-3 tốt cho sức khỏe.
- Hạn chế ăn nhiều dầu mỡ, muối, nội tạng động vật…. Để đảm bảo sức khỏe, nên đổi sang các loại dầu ăn thực vật như dầu oliu, dầu hướng dương…
- Hạn chế rượu bia và đồ uống có cồn khác để tránh gây tổn thương gan, đặc biệt là bệnh nhân viêm gan B.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Bệnh viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì?
2. Chế độ nghỉ ngơi
Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, cân bằng giữa thời gian làm việc và cuộc sống để tránh căng thẳng. Đồng thời, cần kiên trì tập luyện với những bài vận động nhẹ nhàng như bơi lội, thiền, yoga… Các bài tập này không chỉ giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng của mình mà còn giúp phòng tránh các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, thừa cân…, giúp hệ miễn dịch cơ thể được nâng cao.
Thời gian điều trị viêm gan B giai đoạn đầu sẽ rút ngắn thời gian nếu người bệnh luôn có tinh thần vui vẻ, lạc quan cũng như xây dựng chế độ nghỉ ngơi phù hợp.
3. Sử dụng thuốc
Cần lưu ý, không nên dùng các loại thuốc chuyển hóa qua gan. Bên cạnh đó, chỉ định dùng thuốc kháng virus khi chữa viêm gan B thể tối cấp; viêm gan B cấp có kèm 2 trong 3 vấn đề như sau:
- Bệnh não gan
- Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay bilirubin trực tiếp > 51 µmol/L hoặc INR > 1,5
- Thời gian mắc bệnh kéo dài > 4 tuần với xu hướng bilirubin tăng.
Bệnh diễn biến nặng cần được điều trị hồi sức tích cực, đảm bảo hô hấp, tuần hoàn được duy trì ổn định; tiêm vitamin K1 hoặc điều chỉnh chống phù não, lọc huyết tương… dựa trên các đánh giá từ bác sĩ.
4. Theo dõi điều trị viêm gan B giai đoạn đầu
Về lâm sàng, bệnh nhân cần được theo dõi các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa, xuất huyết, vàng da, vàng mắt, cổ trướng, phù, rối loạn tri giác…
Về cận lâm sàng, bệnh nhân cần theo dõi các chỉ số:
- Chỉ số AST và ALT
- Chỉ số INR, bilirubin (toàn phần và trực tiếp)
- Xét nghiệm HBsAg và anti-HBs
- Viêm gan B cấp hồi phục nếu mất HBsAg sau 6 tháng
- Xét nghiệm HBsAg sau 6 tháng vẫn dương tính (cho thấy bệnh đã chuyển sang mạn tính).
Cách phòng tránh bệnh viêm gan B
Để phòng ngừa viêm gan B hiệu quả, mọi người cần thực hiện những biện pháp như sau:
- Tiêm phòng vắc xin: Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B cho trẻ em và người lớn để ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan B. Đây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng tay…
- Lựa chọn địa chỉ làm đẹp như xăm mình, xỏ khuyên…đảm bảo điều kiện vệ sinh, dụng cụ đảm bảo được khử trùng sạch sẽ.
- Không dùng chung bơm kim tiêm.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Phụ nữ mang thai bị viêm gan B cần thực hiện biện pháp phòng lây nhiễm cho thai nhi.
- Người bệnh viêm gan B có vết thương hở cần băng bó cẩn thận để tránh lây nhiễm cho người khác.