Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) gây ra và được biết đến là bệnh lý có tính lây truyền với tốc độ nhanh chóng. Bởi vậy, có không ít người cho rằng chỉ cần tiếp xúc tay chân, hơi thở hay ăn uống chung cũng có thể bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Thực tế, viêm gan B lây truyền từ người bệnh qua người lành như thế nào?
Mục lục
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus HBV tấn công gan và gây ảnh hưởng xấu tới chức năng gan. Bệnh diễn biến cấp tính với hơn 90% trường hợp khỏi hoàn toàn. Có gần 10% chuyển biến thành viêm gan mạn tính đồng nghĩa virus HBV sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời. Nếu không có những biện pháp cải thiện, viêm gan mạn tính gây ra biến chứng thành xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Viêm gan B có diễn biến phức tạp và trải qua hai giai đoạn chính là cấp và mạn tính. Cụ thể:
Giai đoạn cấp tính: Đây là giai đoạn đầu của bệnh viêm gan virus B, bệnh phát sinh đột ngột, thời gian mắc bệnh ngắn. Có thể phát sinh trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm virus viêm gan B. Hầu hết người bệnh chỉ các các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Một số dấu hiệu mờ nhạt như mệt mỏi, chán ăn, chức năng gan và hệ tiêu hóa suy giảm, đau nhức gan, sốt, nôn mửa, cảm cúm…
Giai đoạn mạn tính: Khi virus viêm gan B tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng bệnh chuyển sang dạng mạn tính. Bệnh viêm gan B mạn tính tiềm ẩn thường kéo dài rất lâu, thậm chí 15 – 30 năm mà ít triệu chứng đặc biệt. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, ung thư gan.
Bệnh viêm gan B có lây không? Lây qua đường nào?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm, nguyên nhân do virus viêm gan B gây ra. Virus viêm gan B có khả năng lây truyền rất mạnh, hơn từ 50 – 100 lần so với virus HIV. Chúng có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất trong 7 ngày. Và trong thời gian này nó vẫn có thể gây nhiễm trùng nếu xâm nhập vào cơ thể người được tiêm phòng viêm gan B.
Thông thường, thời gian ủ bệnh của virus viêm gan B trung bình là 75 ngày. Tuy nhiên, nó có thể thay đổi từ 30 – 180 ngày. Virus viêm gan B được phát hiện trong vòng 30 – 60 ngày sau khi nhiễm bệnh. Chúng tồn tại trong cơ thể và tấn công gan của người bệnh. Cách thức lây nhiễm của virus HBV giống HIV, tức là thông qua 3 con đường chính như sau:
Lây truyền qua đường máu
Một người khỏe mạnh có thể bị lây nhiễm virus viêm gan B qua đường máu thông qua các trường hợp như sau:
- Tiếp nhận chế phẩm máu của người bị viêm gan B.
- Sử dụng chung bơm kim tiêm với người mắc bệnh.
- Tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm qua vết thương hở…
- Dùng chung các đồ dùng có nguy cơ dính máu cao như bàn chải đánh răng, dao cạo râu… với người bị nhiễm,
- Thực hiện các thủ thuật có thể gây chảy máu ( nhổ răng, xăm hình…)
- Dùng chung các dụng cụ phẫu thuật, tiểu phẫu mà không xử trí vô trùng tốt…
Lây truyền qua quan hệ tình dục
Virus viêm gan B có thể lây từ người bệnh qua người lành thông qua hoạt động tình dục. Bởi dịch âm đạo và tinh dịch là nơi “cư trú” của virus HBV nên chúng có thể dễ dàng lây nhiễm cho người khác. Vì thế, nếu quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn có thể khiến bạn đứng trước nguy cơ mắc viêm gan B cũng như các bệnh lý truyền nhiễm khác. Phương thức lây truyền này thường xảy ra ở quan hệ đồng giới, quan hệ tập thể, quan hệ với trai/gái mại dâm…
Lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai mắc viêm gan B có thể lây truyền sang cho thai nhi. Tỷ lệ lây nhiễm tùy thuộc từng giai đoạn của thai kỳ:
- Trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%,
- Trường hợp mẹ bị bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10%.
- Giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm tăng lên 60 – 70%.
- Ngay sau khi sinh không có biện pháp bảo vệ, tỷ lệ lây nhiễm có thể lên tới 90%.
Mẹ truyền sang con là 1 phương thức lây truyền của virus viêm gan B
Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Các liều tiếp theo bổ sung theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe của trẻ và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B.
Virus viêm gan B có khả năng xuất hiện trong tuyến sữa của người mẹ nhưng rất ít. Trẻ chỉ có thể nhiễm virus từ mẹ qua đường bú nếu đầu vú của mẹ có vết thương hở và bị chảy máu. Người mẹ bị viêm gan B vẫn có thể cho con bú bình thường, nếu xuất hiện vết thương hở ở đầu vú thì ngưng lại cho tới khi lành.
➤ Đọc thêm :Viêm gan B có lây từ mẹ sang con không?
Một số thắc mắc khác về con đường lây nhiễm viêm gan B?
Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Viêm gan B không lây qua ăn uống, tiếp xúc tay chân, nước bọt…
Có nhiều con đường lây nhiễm virus viêm gan B từ người bệnh sang người lành. Có nhiều người nghĩ rằng chỉ cần sử dụng chung đồ dùng như bát, thìa, đũa… cũng sẽ bị lây nhiễm virus viêm gan B. Từ đó họ có thái độ xa lánh người bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần cũng như sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe nhận định viêm gan B không lây qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc thông thường như bát tay, ho, hắt hơi, ăn thực phẩm nấu bởi người viêm gan B, hôn môi, hôn má, dùng chung các vật dụng có chứa nước bọt. Do đó, khi ăn uống cùng nhau, sử dụng chung bát đũa với người bệnh khả năng nhiễm bệnh hầu như không có.
Virus viêm gan B thường có trong máu, dịch bạch huyết, dịch sinh dục của người bệnh nên lây chủ yếu qua các con đường đã nêu ở phần trên. Mọi người có thể yên tâm phần nào khi sinh hoạt hay ăn uống cùng người bệnh. Thực tế, việc người mắc viêm gan B cần phải ăn uống, sinh hoạt riêng là điều không cần thiết.
Viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?
Như đã trình bày các con đường lây nhiễm virus viêm gan b ở trên, có thể khẳng định rằng virus viêm gan B không lây qua đường tiếp xúc thông thường như bắt tay, đường hô hấp như hắt hơi, ho. Tuy nhiên, với trường hợp hôn môi mà khi cả hai bị trầy xước ở môi hoặc các bệnh lý về răng miệng thì có nguy cơ bị lây nhiễm.
Chồng bị viêm gan b có lây sang vợ không?
Virus viêm gan B tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo. Do đó, nếu chồng hoặc vợ bị viêm gan B có thể lây cho bạn đời nếu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn và chưa tiêm phòng viêm gan B. Do đó, tiêm vắc xin viêm gan B là hình thức phòng bệnh chủ động.Trong trường hợp vợ hoặc chồng bị viêm gan B mà người kia chưa được chích ngừa vắc xin viêm gan B, sẽ xảy ra các trường hợp như sau:
Người vợ bị viêm gan B thì virus viêm gan B xuất hiện nhiều trong dịch tiết âm đạo của người vợ. Nếu quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn như không sử dụng bao cao cu, dương vật bị trầy xước thì người chồng sẽ dễ bị lây từ vợ. Vi khuẩn viêm gan B có trong dịch tiết âm đạo của vợ sẽ vào trong máu của người chồng qua chỗ trầy xước. Còn nếu không có sự trầy xước thì khó lòng người chồng bị lây nhiễm.
Người chồng bị viêm gan B thì virus viêm gan B có trong tinh dịch của người chồng. Người vợ sẽ dễ dàng bị lây nhiễm nếu người chồng không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và trong âm đạo có sự trầy xước. Virus viêm gan B có trong tinh dục của chồng sẽ vào trong máu của vợ thông qua chỗ trầy xước. Nếu không có sự trầy xước ở âm đạo thì khả năng lây nhiễm cho vợ thấp hơn.
Xem chi tiết: Chồng bị viêm gan B có lây sang vợ?
Đã từng nhiễm virus viêm gan B có nhiễm lại không?
Hầu hết những người đã từng bị nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ và đã loại bỏ virus này ra khỏi cơ thể thì không bị nhiễm lại. Khi loại bỏ virus viêm gan B, cơ thể tự sản sinh ra các kháng thể nhằm bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm bệnh trở lại. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhiễm virus từ thời thơ ấu vẫn bị nhiễm bệnh suốt đời và không bao giờ loại bỏ được virus ra khỏi cơ thể. Phương pháp xét nghiệm máu giúp bạn biết được mình từng nhiễm virus hay chưa, thời điểm hiện tại có bị nhiễm virus hay không.
Chủ động phòng ngừa viêm gan B có ý nghĩa rất quan trọng, tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa hiệu quả. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế, nhân viên làm việc với vật sắc nhọn hoặc phụ nữ mang thai…
Tiêm vaccine phòng viêm gan B thì có thể ngăn ngừa 100% nguy cơ lây nhiễm không?
Hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm vaccine viêm gan B quyết định bởi nồng độ kháng thể HbsAb trong máu người. Nồng độ kháng thể cao thì có khả năng bảo vệ chống lây nhiễm tốt. Cụ thể, nồng độ HbsAb trên 10 mlU/ml thì vẫn có khả năng bảo vệ, ngược lại thì không có khả năng bảo vệ. Nồng độ HBsAg vượt 300 mlU/ml thì khả năng kháng virus tốt nhất.
Tiêm vắc xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Đặc biệt, tiêm Vacxin viêm gan B chỉ có tác dụng đối với những người chưa bị nhiễm virus viêm gan B. Tiêm vắc xin viêm gan B giúp cơ thể sản sinh ra các kháng thể chống lại virus viêm gan B, tránh lây nhiễm virus sau khi có tiếp xúc sau này. Nếu được tiêm phòng đúng và đủ, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên tới 95% đối với trẻ em và người lớn. Đối với người trên 40 tuổi, hiệu quả bảo vệ khoảng 90%. Hiệu quả bảo vệ có thể kéo dài từ 15 – 20 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào từng người.
Sau khi tiêm phòng, nồng độ kháng thể HbsAb tốt nhất, song sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, mỗi người có thể cần tiêm nhắc lại nếu lượng HbsAb trong máu giảm quá thấp.
Phải làm gì để phòng ngừa viêm gan B?
Hiện nay, nước ta có hơn 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B. Trong đó, số người bệnh chuyển sang viêm gan mạn tính, tiến triển thành xơ gan, ung thư gan rất cao nếu không có biện pháp điều trị sớm và đúng cách. Do đó, việc phòng ngừa virus viêm gan B là việc làm hết sức quan trọng.
Hiện nay, đã có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả. Những người chưa có miễn dịch với viêm gan B cần được tiêm phòng càng sớm càng tốt để có thể ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm. Đối với những trẻ sinh ra từ người mẹ mắc viêm gan B cần được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống siêu vi B ngay lập tức để đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh tiêm phòng, chúng ta có thể phòng ngừa viêm gan B bằng cách áp dụng các biện pháp sau:
- Quan hệ tình dục an toàn, chung thủy một vợ một chồng.
- Đối với các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn nên thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân, làm kiểm tra và làm xét nghiệm HbsAg xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu vợ hoặc chồng có nhiễm virus viêm gan B mà người kia chưa có miễn dịch thì nên tiêm phòng trước khi phát sinh quan hệ tình dục.
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, vật dụng cá nhân với người mắc bệnh như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bông tai…
- Không được tiếp xúc với máu hoặc chất dịch của bất kỳ ai khi chưa có dụng cụ bảo vệ.
- Băng các vết thương hở để tránh tiếp xúc với máu của người bệnh.
- Không thực hiện xăm hình, xỏ khuyên…ở những cơ sở làm đẹp không đảm bảo an toàn.