Bệnh xơ gan cổ trướng là khi lá gan đã bị tổn thương nghiêm trọng, đã vào những giải đoạn cuối và không còn khả năng tự phục hồi. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải tình trạng này, bài viết này sẽ là những gì quan trọng nhất bạn cần biết.
Mục lục
Thế nào là xơ gan cổ trướng?
Xơ gan cổ trướng là giai đoạn cuối cùng của bệnh xơ gan, ở giai đoạn này chức năng gan của người bệnh bị suy giảm kiệt quệ, các tế bào, mô gan bị tổn thương gần hết, không còn khả năng phục hồi.
Khi bị xơ gan cổ trướng, bụng của người bệnh sẽ phình to do dịch bị ứ đọng lại giữa lá thành và tạng (tràn dịch màng bụng). Hiện tượng này có thể giải thích như sau: Ở người bình thường, khoang bụng chỉ chứa một lượng dịch nhỏ để bôi trơn nhưng với những người bị xơ gan, các mô xơ làm gan bị suy yếu, khiến tăng áp lực trong các mạch, dẫn đến việc dịch bị đẩy vào ổ bụng. Lượng dịch vượt quá mức cho phép làm bụng bệnh nhân phình to ra, da bụng nổi nhiều mạch máu, gây cảm giác nặng nề, mệt mỏi, đau đớn.
Nguyên nhân dẫn đến xơ gan cổ trướng
Tình trạng xơ gan cổ trướng có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Virus gây viêm gan mãn tính: Người bệnh bị viêm gan B và C nếu không được phát hiện và điều trị tích cực sẽ dẫn đến xơ gan, bệnh kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan cổ trướng. Đây là biến chứng nghiêm trọng của xơ gan, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong.
- Uống nhiều bia rượu: Uống nhiều bia rượu ảnh hưởng xấu đến gan, làm giảm chức năng gan, người uống rượu thường không chú trọng đến việc bảo vệ gan nên rất dễ mắc xơ gan cổ trướng
- Nhiễm hóa chất độc hại: Nếu cơ thể bị nhiễm các chất độc hại như thạch tín, asen,.. chức năng giải độc của gan sẽ suy giảm dẫn đến xơ gan. Ngoài ra những hóa chất này cũng là tác nhân khiến các bệnh về gan tiến triển nhanh hơn, tăng nguy cơ tử vong.
- Lạm dụng thuốc: Việc thường xuyên sử dụng sai cách một số loại thuốc như Oxyphenisatin, Methotrexate Methyl… cũng có thể khiến gan bị tổn thương, gây xơ gan và lâu dần có thể tiến triển thành xơ gan cổ trướng.
- Các yếu tố khác: Một số yếu tố như gan nhiễm mỡ, viêm đường mật, viêm gan tự miễn hoặc các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như Wilson, Hemochromatosis… cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy xơ gan tiến triển.
Triệu chứng xơ gan cổ trướng điển hình
Bụng phình to (cổ trướng): Các tế bào gan xơ hóa khiến gan không thể thực hiện chức năng lọc máu và tổng hợp protein hiệu quả. Điều này khiến áp lực trong mao mạch tăng lên nhưng áp lực thẩm thấu lại giảm, dẫn đến việc nước và các chất khác bị đẩy ra khỏi lòng mạch. Những chất này sau đó ứ lại trong khoảng màng bụng, khiến bụng của người bệnh phình to, các mạch máu ở hai bên mạn sườn và vùng da bụng cũng nổi rõ. Lượng dịch tích tụ càng nhiều thì áp lực lên vùng bụng của bệnh nhân càng lớn, gây cảm giác nặng nề và đau đớn.
Da và mắt có màu vàng: Thông thường, khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ, chúng sẽ giải phóng ra hợp chất bilirubin. Sau đó hợp chất này sẽ được gan xử lý, loại bỏ qua phân và nước tiểu. Tuy nhiên, với các trường hợp xơ gan cổ trướng, khả năng hoạt động của gan bị suy giảm, điều này khiến bilirubin không được loại bỏ hiệu quả, dẫn đến tình trạng tích tụ bilirubin. Đây chính là thủ phạm khiến da và kết mạc mắt của người bệnh chuyển sang màu vàng.
Phù nề: Phù nề cũng là một trong những dấu hiệu thường gặp ở người bệnh xơ gan cổ trướng. Ban đầu, bệnh nhân có thể chỉ trải qua tình trạng phù ở hai chân. Tuy nhiên, với sự suy giảm chức năng gan ngày càng tăng lên, hiện tượng phù này có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể.
Xuất huyết tiêu hóa: Với các trường hợp xơ gan cổ trướng, nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa thường là do tăng áp lực tại cửa tĩnh mạch, dẫn đến sự mở rộng của các mạch máu lớn trong thực quản hoặc dạ dày. Khi những mạch máu này ngày càng mở rộng, áp lực bên trong tăng cao, có khả năng gây vỡ thành mạch, gây hiện tượng chảy máu trong hệ thống tiêu hóa. Thông thường, có thể nhận biết tình trạng này qua các dấu hiệu như nôn ra máu hoặc đi ngoài phân màu đen (hắc ín).
Một số dấu hiệu khác: Người bệnh xơ gan cổ trướng cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu khác như cơ thể mệt mỏi, uể oải, suy nhược, sút cân không chủ đích, thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, suy thận, tiểu ít, niêm mạc lưỡi và môi nhợt nhạt, xuất hiện các vết bầm tím dưới da….
☛ Nên xem: Các triệu chứng bệnh xơ gan
Sự nguy hiểm của xơ gan cổ trướng
Khi bị xơ gan cổ trướng, các tế bào và mô gan hầu như đã bị tổn thương hết, không còn khả năng hồi phục dẫn tới chức năng gan bị suy giảm trầm trọng. Vì vậy mức độ nguy hiểm là rất cao, một số biến chứng có thể đi kèm:
- Ung thư gan: Là biến chứng nguy hiểm của bệnh, có tỷ lệ tử vong cao. Theo thống kê, có tới 80% số ca bệnh ung thư gan khởi phát từ tình trạng xơ gan.
- Não gan: Sự xuất hiện của ác mô xơ trong gan làm giảm khả năng loại bỏ độc tố, dẫn đến sự tích tụ chất độc trong máu. Chúng sẽ tấn công tế bào não, và gây ra chứng rối loạn tri giác, tình trạng hôn mê, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.
- Nhiễm trùng dịch cổ trướng: Gan suy yếu làm giảm sức đề kháng và khả năng đào thải độc tố, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng dịch cổ trướng và ổ bụng. Ngoài ra, người bệnh cũng dễ gặp phải tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng máu…
- Suy thận: Khi gan xơ hóa nặng, áp lực tĩnh mạch cửa tăng, làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây suy thận. Triệu chứng bao gồm lượng nước tiểu tăng, sưng mặt, sưng chân, đau ở vùng lưng và mệt mỏi.
Chẩn đoán xơ gan cổ trướng bằng cách nào?
Để chẩn đoán mức độ nghiêm trọng của bênh lý. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên môn. Ở đây bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu
- Chụp cắt lớp (chụp CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Sinh thiết gan.
Việc thực hiện các xét nghiệm cần thiết sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như loại trừ các nguyên nhân khác có thể dẫn tới xơ gan.
Phương pháp điều trị xơ gan cổ trướng
Như đã nói ở trên, xơ gan cổ trướng là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan với những tổn thương không thể phục hồi. Các phương pháp điều trị trong giai đoạn này chủ yếu giúp bệnh nhân giảm đau và hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Tùy trường hợp cụ thể, xơ gan cổ trướng có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau như:
Giảm muối trong chế độ ăn
Đây là phương pháp kết hợp điều trị nhưng rất quan trọng với người bệnh xơ gan cổ trướng. Theo đó, người bệnh chỉ nên tiêu thụ 4 – 5 gam muối mỗi ngày (tương đương 2.000 mg natri) hoặc ít hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng chất thay thế muối không chứa kali, vì nồng độ kali có thể tăng khi sử dụng một số loại thuốc điều trị cổ trướng. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để chọn lựa chất thay thế muối an toàn, phù hợp.
Sử dụng thuốc lợi tiểu
Để loại bỏ bớt lượng dịch tích tụ do xơ gan cổ trướng, thường bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu như spironolactone (Aldactone) hoặc furosemide (Lasix). Liều lượng cụ thể sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng tình trạng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc sử dụng những viên thuốc này có thể tạo ra vấn đề về cân bằng điện giải trong máu, bao gồm nồng độ natri và kali. Do đó, cần thực hiện kiểm tra máu đều đặn để theo dõi tình hình. Đồng thời, hiệu quả của thuốc chỉ đảm bảo khi kết hợp với việc giữ lượng muối tiêu thụ trong giới hạn.
Chọc hút dịch cổ trướng
Khi thuốc và chế độ ăn hạn chế muối không đủ để kiểm soát sự tích tụ chất lỏng, bệnh nhân có thể cần thực hiện việc chọc hút dịch cổ trướng loại bỏ lượng lớn chất lỏng trong ổ bụng.
Ngoài ra, với những ca bệnh khó, bác sĩ cũng có thể áp dụng phương pháp khác đặt ống dẫn lưu trong gan (gọi là TIPS) để ngăn chặn sự tích tụ chất lỏng quá mức.
Ứng dụng tế bào gốc
Đây được xem là phương pháp tiên tiến nhất trong việc cải thiện xơ gan cổ trướng. Với phương pháp này, các tế bào gốc sẽ được tách chiết từ tủy xương khỏe mạnh sau đó được nuôi cấy ngoại vi và cuối cùng chúng sẽ được truyền trở lạnh vào cơ thể qua động mạch gan.
Những tế bào gốc này không chỉ ngăn chặn quá trình xơ hóa, giảm viêm mà còn tăng cường mạch máu để nuôi dưỡng gan. Điều này giúp hỗ trợ khôi phục tế bào gan hư tổn, đồng thời một phần của tế bào gốc có thể biệt hóa thành tế bào gan lành. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là chi phí khá cao, không phải tất cả bệnh nhân đều có khả năng thực hiện.
Cấy ghép gan
Trường hợp gan bị tổn thương nặng nề, mất đi hoàn toàn vai trò của mình và không thể cứu vãn, bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật cấy ghép gan để cải thiện sức khỏe và bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này sẽ có mức chi phí cao, đồng thời người bệnh cũng dễ gặp khó khăn do nguồn tạng khan hiếm.
Giải đáp nhanh về xơ gan cổ trướng
Dưới đây là thông tin giải đáp một số thắc mắc về tình trạng xơ gan cổ trướng:
Xơ gan cổ trướng có phải ung thư không?
Xơ gan cổ trướng không phải là ung thư. Tuy nhiên, những người mắc bệnh xơ gan cổ trướng, đặc biệt là các trường hợp có liên quan đến viêm gan virus B, C nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ có nguy cơ cao tiến triển thành ung thư gan.
Xơ gan cổ trướng sống được bao lâu?
Nếu đã được chẩn đoán là xơ gan cổ trướng thì bệnh lý đã vào giai cuối. Tính theo mức trung bình thì người bệnh có thể sống được từ 1 – 3 năm.
Xơ gan cổ trướng có lây không?
Thực tế bệnh xơ gan cổ trướng không lây từ người sang người, tuy nhiên nguyên nhân gây xơ gan cổ trướng lại có thể là yếu tố lây nhiễm. Theo đó, các trường hợp bị xơ gan cổ trướng do nhiễm virus viêm gan B, viêm gan C, người bệnh có thể lây nhiễm virus cho người khác qua đường sinh hoạt tình dục, đường máu hoặc truyền từ mẹ sang con.
Xơ gan cổ trướng ăn gì, kiêng gì?
Với người bệnh xơ gan cổ trướng, dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong chế độ ăn hàng ngày, bệnh nhân nên tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ và vitamin, khoáng chất như rau xanh, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời nên duy trì chế độ ăn nhạt, tránh ăn các thực phẩm nêm nếm quá nhiều muối và gia vị.
Mặt khác, người bệnh xơ gan cũng không nên ăn các thực phẩm có tính nóng, chứa nhiều đường hoặc các món ăn có nhiều chất béo… tránh làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Hãy luôn tuân thủ nguyên tắc ăn chín – uống sôi, ưu tiên các loại thực phẩm tươi sống và không sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn có chứa chất bảo quản.
☛ Tham khảo thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan
Chữa xơ gan cổ trướng ở đâu?
Để đảm bảo an toàn, sức khỏe, người bệnh nên đến khám và điều trị xơ gan cổ trướng ở các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn như: BV Bạch Mai, BV Trung ương Quân đội 108, BV Đại học Y Hà Nội, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh….
☛ Xem chi tiết: Top địa chỉ khám bệnh gan tin cậy
Kết luận
Trên đây là những thông tin quan trọng mà bạn cần biết nhất về xơ gan cổ trướng. Nếu có thắc mắc về bệnh gan hãy gọi điện tới tổng đài tư vấn 0912571190 – 18001190 (miễn cước) để được hỗ trợ nhanh nhất.
Nguồn tham khảo:
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17819-liver-failure