Viêm gan B là căn bệnh rất nguy hiểm, dễ gây tử vong. Virus viêm gan B phá hủy gan từng chút một. Mỗi đợt như vậy sẽ có một số tế bào gan bị phá hủy, các tổ chức xơ phát triển xen vào tạo nên hình ảnh cấu trúc thô trong siêu âm (nhu mô gan không thuần nhất). Trong tiến triển của viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan, thậm chí tử vong. Vậy viêm gan B sống được bao lâu?
Mục lục
Bệnh viêm gan B tiến triển như thế nào?
Viêm gan B là bệnh gây ra bởi virus HBV với khả năng lây nhiễm qua nhiều con đường như đường máu, đường quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con. Khi HBV xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể tiến triển qua hai giai đoạn:
Viêm gan B cấp tính
Đây là giai đoạn đầu của viêm gan virus B. Bệnh thường khởi phát đột ngột với thời gian mắc bệnh dưới 6 tháng. Trong giai đoạn này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng nhẹ hoặc thoáng qua, không có biểu hiện đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau nhức ở gan, nhức khớp,…
Nếu được chăm sóc tốt, có đến 90% bệnh nhân viêm gan B cấp tính có thể tự đào thải virus HBV ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt nếu không chủ động thăm khám và phối hợp điều trị, bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn mạn tính.
Viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính xảy ra khi virus HBV ở trong cơ thể người bệnh trên 6 tháng và không được đào thải ra ngoài. Lúc này, tình trạng bệnh đã chuyển biến nặng hơn với diễn biến phức tạp do các tế bào gan bị virus tấn công, phá hủy, dẫn đến suy giảm chức năng gan. Các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải… cũng trở nên rõ ràng.
Nếu không được phát hiện, điều trị tích cực, kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng, gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Suy gan: Các tế bào gan bị tổn thương, hủy hoại nghiêm trọng, mất đi chức năng vốn có. Bên cạnh các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, vàng da, bệnh nhân còn có thể gặp tình trạng rối loạn chức năng đông máu hay bệnh lý não. Đặc biệt, nếu không có biện pháp điều trị có thể dẫn tới suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận…
- Xơ gan: Mô gan bị tổn thương có thể hình thành sẹo, mô xơ và các nốt tân sinh, khiến gan xơ hóa, mất dần đi chức năng. Đáng nói, giai đoạn tiến triển của bệnh thường không có biểu hiện cụ thể rõ rệt nào nên sẽ khó phát hiện.
- Ung thư gan: Đây là biến chứng nặng nề nhất mà viêm gan B có thể gây ra với nguy cơ tử vong rất cao. Ban đầu, trong gan có thể xuất hiện khối u nhỏ, sau đó chúng sẽ nhanh chóng phát triển về kích thước và di căn sang các cơ quan khác bên trong cơ thể. Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như đau bụng, phù, lách to, sốt và sụt cân…
➤ Tìm hiểu chi tiết: Viêm gan B có nguy hiểm không?
Người bị viêm gan B sống được bao lâu?
Như đề cập ở trên, viêm gan B có khả năng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Chính vì vậy “Viêm gan B sống được bao lâu?” là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, không có một câu trả lời cụ thể nào cho câu hỏi này vì nó sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chất của mỗi người, giai đoạn bệnh và phương pháp điều trị, chế độ ăn uống…
Thời gian sống của người bệnh viêm gan B cấp tính
Thông thường, các trường hợp mắc viêm gan B cấp tính có khả năng loại bỏ virus HBV ra khỏi cơ thể mà không cần dùng thuốc kháng virus. Trong đó có khoảng 90% người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn và quay trở về cuộc sống bình thường mà không gặp bất kỳ biến chứng nào, cũng như không ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại bệnh sẽ tiến triển mạn tính. Do đó người bệnh không nên chủ quan, cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ như thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, đồng thời thường xuyên thăm khám, kiểm tra định kỳ men gan 3 – 6 tháng/lần để kiểm soát, ngăn chặn bệnh hiệu quả.
Thời gian sống của người bệnh viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính thể không hoạt động
Viêm gan B mạn tính thể không hoạt động là tình trạng người bệnh có mang virus viêm gan B trong cơ thể nhưng chúng không hoạt động. Do đó, các tế bào gan vẫn hoàn toàn ổn định và không bị tổn thương, chức năng gan cũng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do cơ thể sẵn có virus HBV nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ men gan và định lượng HBeAg khoảng 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm những bất thường. Đồng thời hạn chế tối đa các yếu tố kích thích sự phát triển của virus như rượu bia, chất kích thích…
Có thể nói, nếu kiểm soát tốt, tuổi thọ của người bệnh trong trường hợp này không khác gì người bình thường, mọi hoạt động hàng ngày không bị ảnh hưởng.
Viêm gan B mạn tính thể hoạt động
Thời gian sống của người bệnh viêm gan B mạn tính thể hoạt động sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, biến chứng gặp phải, phương pháp điều trị, đáp ứng thuốc và chế độ ăn uống, sinh hoạt…
Ở giai đoạn này, virus viêm gan B phát triển và phá hủy các tế bào gan. Không những vậy, chúng còn có khả năng lây nhiễm mạnh mẽ, rất dễ lây cho những người xung quanh nếu không có biện pháp kiểm soát và phòng ngừa đúng cách.
Đặc biệt, nếu không can thiệp điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng như xơ gan, suy gan, ung thư gan…. Khi biến chứng xảy ra sẽ đe dọa tính mạng, làm tuổi thọ của người bệnh giảm đáng kể, thậm chí người bệnh chỉ có thể sống trong khoảng 2 – 5 năm.
Nếu bệnh nhân tích cực, nghiêm túc trong điều trị, kết hợp với lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng phù hợp, tình trạng bệnh có thể ổn định lâu dài và tuổi thọ cũng không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, vì là bệnh mạn tính, nên quá trình điều trị có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Điều quan trọng là bệnh nhân cần theo sát phác đồ được bác sĩ chỉ định và thường xuyên thăm khám, kiểm tra định kỳ.
Cá biệt, với các trường hợp bệnh diễn tiến quá nhanh và không đáp ứng điều trị, tuổi thọ của người bệnh có thể rút ngắn còn 5 – 10 năm.
☛ Xem thêm: Viêm gan B khi nào cần dùng thuốc?
Yếu tố giúp quyết định thời gian sống của người bệnh viêm gan B
Viêm gan B có thể gây ra những tổn hại nặng nề cho sức khỏe, thậm chí làm giảm tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, thay vì quá lo lắng, bệnh nhân nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, đồng thời phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong việc điều trị.
Dưới đây là một vài yếu tố quyết định thời gian sống của người bệnh viêm gan B
Giai đoạn phát hiện và điều trị bệnh: Bệnh phát hiện ở giai đoạn cấp tính sẽ dễ điều trị hơn nhiều so với giai đoạn mạn tính, tuổi thọ của người bệnh cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc phát hiện viêm gan B ở giai đoạn cấp tính không hề dễ dàng bởi chúng không có triệu chứng đặc hiệu, vì vậy cần chủ động theo dõi sức khỏe và thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Phác đồ điều trị: Để kiểm soát virus viêm gan B hiệu quả, hạn chế tổn thương gan và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, sử dụng thuốc đúng liều lượng và thường xuyên thăm khám, kiểm tra để đánh giá hiệu quả, kiểm soát bệnh và điều chỉnh thuốc nếu có tình trạng kháng thuốc xảy ra. (☛Tham khảo thêm:Thuốc chữa viêm gan B tốt nhất hiện nay)
Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh viêm gan B. Việc thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chứa chất bảo quản hoặc sử dụng rượu bia… có thể khiến bệnh tiến triển nhanh hơn. Để hạn chế điều này, hãy tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây tươi vào chế độ ăn, đồng thời ăn uống đa dạng, không sử dụng đồ uống chứa cồn và các chất kích thích. (☛Tham khảo thêm: Bị viêm gan B nên ăn gì?)
Tinh thần của người bệnh: Việc duy trì trạng thái tinh thần tích cực, vui vẻ, lạc quan, hạn chế lo âu không chỉ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn mà còn góp phần cải thiện sức khỏe, tăng cường ý chí chiến đấu với bệnh tật, tạo cơ hội đáp ứng điều trị tốt hơn, kéo dài tuổi thọ.
Lối sống sinh hoạt: Lối sống sinh hoạt khoa học, thường xuyên đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, kết hợp tập luyện thể dục thể thao để cải thiện thể trạng, nâng cao khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tổng thể và tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Để kiểm soát và điều trị bệnh hiệu quả, bệnh nhân viêm gan B cũng cần thực hiện kiểm tra men gan và xét nghiệm HbsAg từ 3 – 6 tháng 1 lần. Nếu men gan có dấu hiệu tăng, chỉ số HbsAg dương tính (virus đang sinh sôi và hoạt động phá hủy tế bào gan) thì người bệnh cần kết hợp sử dụng thuốc điều trị với các biện pháp khác nhằm đóng băng hoạt động của virus, khiến chúng không thể phát triển thêm và không thể gây ra các biến chứng xấu trong tương lai.
Lời kết:
Người bị viêm gan B sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng là người bệnh cần chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe, thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị và kết hợp lối sống sinh hoạt, bổ sung dinh dưỡng lành mạnh.