Mang thai và sinh nở là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, với những phụ nữ bị viêm gan C, điều này lại không mấy dễ dàng vì những lo ngại về sức khỏe của cả hai mẹ con khi mang thai. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, bị viêm gan C, phụ nữ vẫn có thể mang thai và sinh con nếu hiểu biết đầy đủ về bệnh và có biện pháp tầm soát bệnh cẩn thận.
Những lo ngại này xuất phát từ việc lo lắng liệu trẻ có bị nhiễm virus viêm gan C từ mẹ không, liệu trẻ có bị dị tật gì nếu sinh ra từ một bà mẹ bị viêm gan C…Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp.
Về khả năng lây nhiễm viêm gan C từ mẹ sang con
Ảnh minh họa
Theo nhiều nghiên cứu thống kê, tỷ lệ người mẹ mắc virus HCV truyền sang C cho thai nhi có thể lên tới 36%, tuy nhiên, nguy cơ lây truyền trung bình chỉ khoảng 5%. Trong đó, thai phụ có tỉ lệ virus trong máu thấp thì khả năng lây truyền sang con là không cao và ngược lại, nếu lượng virus HCV trong máu cao cùng với mức độ tổn thương gan nghiêm trọng thì nguy cơ lây nhiễm sang cho bé sẽ cao hơn. Điều này hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng cách:
- Trước khi có ý định mang thai, phụ nữ bị viêm gan C cần đến các cơ sở y tế, bệnh viện điều trị dứt điểm bằng các thuốc kháng virus theo chỉ định để làm giảm nồng độ virus trong máu, nâng cao miễn dịch, tăng cường sức khỏe bản thân bằng một lối sống khoa học và một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý. Điều này sẽ giúp làm giảm tối đa mức độ ảnh hưởng của virus viêm gan C tới em bé. Sau 6 tháng điều trị về mức an toàn, bạn có thể mang thai bình thường.
- Khi chuyển dạ, những thủ thuật như chọc ối, thăm dò máu thai nhi nên tránh vì có thể làm lây nhiễm HCV. Những trường hợp sinh khó (như vỡ ối kéo dài cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C). Cho nên để giảm nguy cơ lây nhiễm thai phụ bị viêm gan C nên sinh mổ thay vì sinh thường. Sau khi sinh, việc lau sạch máu cho trẻ cũng giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh.
- Sau khi sinh, bé sẽ được tiến hành kiểm tra và xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C sau 18 tháng tuổi, việc kiểm tra sẽ được tiến hành định kỳ, bất kể kết quả lúc đầu là âm tính hay dương tính. Nếu kết quả dương tính, tùy theo chỉ định của bác sĩ mà bé sẽ bắt đầu điều trị để bảo toàn sức khỏe.
- Việc cho con bú sau khi sinh chưa được chứng minh khả năng làm lây nhiễm viêm gan C từ mẹ sang con. Do đó, người mẹ bị viêm gan C sau sinh vẫn cho trẻ bú mẹ và chăm sóc bình thường. Chỉ khi núm ti nứt nẻ rỉ máu thì mới cần hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa việc có nên cho trẻ bú trong trường hợp đó không.
Về khả năng thai nhi bị dị tật do viêm gan C từ mẹ?
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguy cơ thai nhi bị dị tật nếu mẹ mắc viêm gan C. Tuy nhiên, các chuyên gia gan mật cũng khuyến cáo, phụ nữ bị viêm gan C không nên sử dụng thuốc kháng virus trong quá trình mang thai vì ít nhiều những loại thuốc này cũng sẽ ảnh hưởng tới trẻ.
Trên đây là những lưu ý khi phụ nữ mang thai bị viêm gan c. Có thể thấy, viêm gan C cơ bản không ảnh hưởng đến khả năng mang thai và sinh con an toàn, khỏe mạnh của phụ nữ nếu được điều trị và tầm soát bệnh kịp thời, đúng đắn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phụ nữ mang thai bị viêm gan C, ngoài mặt tích cực phối hợp với bác sĩ để bảo vệ sức khỏe thì tinh thần là rất quan trọng. Người trong gia đình cần động viên, an ủi, thấu hiểu và cảm thông cho những vấn đề tâm lý của thai phụ, tránh để thai phụ stress, căng thẳng, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai kỳ.