Suy gan là tình trạng bệnh rất nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Người bệnh không nên chủ quan và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Điều lo lắng nhất chính là các biến chứng của suy gan có thể xảy ra. Cùng tìm hiểu 8 biến chứng nguy hiểm của suy gan và có biện pháp phòng trị hiệu quả nhé.
Mục lục
Suy gan là gì?
Suy gan là hội chứng lâm sàng phức tạp, làm giảm khả năng thực hiện các chức năng bình thường của gan. Điều này xảy ra khi phần lớn tổ chức gan bị tổn thương và không có khả năng hoạt động. Suy gan thường gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, thuốc, rượu bia, các bệnh lý khác từ gan…
Gan có nhiều vai trò quan trọng như sản xuất enzyme tiêu hóa thức ăn, tạo ra protein, loại bỏ chất thừa và chất độc ra khỏi cơ thể. Khi gan bị suy giảm chức năng gây ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, thậm chí dẫn tới tử vong nhanh chóng. Do đó, suy gan là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Trong đó, suy gan được chia thành 2 trường hợp:
1. Suy gan cấp tính: Khi chức năng gan suy giảm nhanh chóng trong từ vài ngày tới vài tuần mặc dù người bệnh chưa từng mắc bệnh gan nào thời gian trước đó. Nguyên nhân thường do nhiễm virus viêm gan (A, B, C, D, E); dùng thuốc quá liều, ngộ độc thực phẩm, nhiễm các loại hóa chất độc hại…
2. Suy gan mạn tính: Tình trạng này thường phát triển trong thời gian vài tháng, vài năm thậm chí lên tới chục năm. Đối với các trường hợp mạn tính, suy gan được gọi là giai đoạn cuối của bệnh lý về gan. Nguyên nhân do viêm gan B, C; lạm dụng rượu bia, thuốc lá, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý tự miễn, nhiễm hóa chất độc hại… nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách gây ra viêm gan mạn tính. Sau đó, quá trình sửa chữa gan diễn ra liên tục, mất kiểm soát dẫn tới xơ hóa gan ngày càng nhiều. Mô sẹo dần trở nên dày đặc khiến gan không thể đảo ngược quá trình xơ hóa. Dần dần gan bị suy giảm và mất dần chức năng gan một cách rõ rệt dẫn tới suy gan.
Các biến chứng nguy hiểm của suy gan cần cảnh giác
Suy gan là tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp y tế ngay lập tức. Sau đây là những biến chứng của suy gan cần cảnh giác:
1. Rối loạn chức năng tuần hoàn
Suy gan cấp nếu không cải thiện sẽ dẫn tới rối loạn chức năng tuần hoàn. Suy gan tiến triển khiến việc giải phóng các cytokine tuần hoàn và các chất trung gian gây viêm, giãn mạch và khiến tình trạng hạ huyết áp trở nên trầm trọng hơn.
Hệ quả gây giảm sức cản của mạch máu hệ thống, hạ huyết áp và làm tăng cung lượng tim. Các rối loạn này làm giảm oxy hóa mô ngoại biên, cuối cùng gây suy nhiều cơ quan trong cơ thể.
2. Não gan
Cho tới nay, cơ chế gây não gan trong bệnh suy gan hiện vẫn chưa rõ ràng. Có nhiều ý kiến cho rằng, có liên quan tới sự hiện diện của các hóa chất trung gian gây ra viêm hệ thống cũng như viêm cục bộ trong não. Điều này dẫn tới giải phóng cytokine, chất độc thần kinh và làm thay đổi lưu lượng máu não, hàng rào máu não dẫn tới phù não và bệnh não.
Sự thay đổi huyết động và hạ huyết áp hệ thống liên quan đến suy gan cấp còn là yếu tố góp phần vào sự phát triển não gan. Đây là biến chứng rất nguy hiểm của suy gan mà bạn không nên chủ quan.
3. Phù não
Đây là một trong những biến chứng gặp khá phổ biến ở người bệnh suy gan. Theo thống kê, phù não gặp ở 75 – 85% người bệnh suy gan. Chất lỏng không chỉ tích tụ ở bụng mà còn có thể tích tụ trong não, gây tăng áp lực nội sọ dẫn tới mất phương hướng, tâm thần rối loạn nghiêm trọng, gây phù não và huyết áp cao.
4. Rối loạn đông máu
Gan có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Khi gan bị tổn thương, chức năng gan suy giảm có thể gây giảm tiểu cầu, làm tăng nguy cơ xuất huyết có thể gây ra chứng rối loạn đông máu. Trong đó, phổ biến là xuất huyết tiêu hóa trên.
5. Nhiễm trùng
Người bệnh suy gan bị suy giảm hệ miễn dịch, gan dễ bị bội nhiễm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân tử vong. Theo thống kê, có 80% người bệnh suy gan nhiễm vi khuẩn và 20 – 30% bệnh nhân bị nhiễm nấm. Các loại nhiễm trùng thường gặp ở người bệnh suy gan như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu…
6. Suy thận cấp
Biến chứng nghiêm trọng của suy gan phải kể tới chính là tình trạng suy thận cấp tính. Suy gan có ảnh hưởng tới hoạt động của thận, có thể dẫn tới suy thận. Nguyên nhân chủ yếu do sự thay đổi huyết động – chúng đại diện cho tiên lượng xấu của tình trạng bệnh.
7. Co giật
Suy gan không xử trí đúng có thể gây biến chứng co giật ở bệnh nhân. Theo thống kê chung, tỷ lệ co giật trong bệnh não gan tỷ lệ trong khoảng từ 2 – 33%. Bệnh nhân mắc suy gan cũng có thể xuất hiện động kinh. Trạng thái này không co giật, có thể đặc biệt phổ biến ở bệnh nhân có não gan.
Co giật dai dẳng khiến cơ thể thiếu oxy não, gây phù não. Do đó, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tính mạng.
8. Rối loạn chuyển hóa
Gan có vai trò chuyển hóa các chất nên khi bị suy gan quá trình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Suy gan sẽ dẫn tới các rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết, hạ natri máu, hạ kali máu, hạ phosphat máu và mất cân bằng axit – bazơ.
Suy gan tiến triển nhanh chóng ở người khỏe mạnh và đe doạ tính mạng trong thời gian ngắn. Do đó, khi bạn hoặc người thân đột nhiên có các biểu hiện như vàng da, vàng mắt, đau vùng hạ sườn phải hoặc có bất thường nào về trạng thái tinh thần, tính cách cũng như hành vi hãy nhanh chóng tới trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.
Cần làm gì khi bị suy gan?
Khi nhận thấy các dấu hiệu của suy gan, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt, đặc biệt là những người có dấu hiệu suy gan đột ngột. Đối với trường hợp nghiêm trọng có thể cần được điều trị cấp cứu.
☛ Tham khảo thêm tại: CẢNH BÁO 9 TRIỆU CHỨNG SUY GIẢM CHỨC NĂNG GAN!
Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám, chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết đồng thời tìm hiểu về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tiền sử bệnh lý của người bệnh để tìm hướng điều trị sao cho phù hợp nhất. Phương pháp điều trị bao gồm:
Dùng thuốc:
- Sử dụng Acetylcysteine để đẩy lùi ngộ độc cho gan dùng trong trường hợp bệnh nhân suy gan do sử dụng quá liều Acetaminophen. Bên cạnh đó, bác sĩ chỉ định một số loại thuốc khác có tác dụng tương tự đối với người suy gan do nguyên nhân nhiễm chất độc khác.
- Suy gan do viêm gan virus B, C sử dụng thuốc trị đặc hiệu với bệnh lý này.
- Đối với các nguyên nhân khác gây suy gan, tùy nguyên nhân bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị phù hợp.
Ghép gan:
Trường hợp gan bị tổn thương nghiêm trọng, không còn khả năng hoạt động để duy trì sử dụng phương pháp cuối cùng là ghép gan. Gan bị tổn thương được loại bỏ và thay thế bằng gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Tuy nhiên, phương pháp này chi phí cao và cần áp dụng các phương pháp chăm sóc y tế suốt đời để đảm bảo gan hoạt động hiệu quả.
Cách phòng ngừa biến chứng suy gan
Những biến chứng của suy gan là vô cùng nguy hiểm. Để phòng tránh những biến chứng này, người bệnh cần tập trung ngăn chặn các nguyên nhân suy gan cơ bản, cùng các biện pháp phục hồi chức năng gan an toàn mà hiệu quả có thể kể tới như:
- Theo dõi, điều trị viêm gan virus B theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngăn ngừa bệnh viêm gan do virus C: Điều này giúp hạn chế nguy cơ suy gan, các giải pháp cơ bản như quan hệ tình dục an toàn, tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân… Trường hợp chẩn đoán mắc viêm gan C cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh gây tổn thương nghiêm trọng tới gan.
- Hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu. Đây là biện pháp điều trị yếu tố nguy cơ như tiểu đường, cao huyết áp, béo phì… nhằm hạn chế tối đa tình trạng suy gan cấp.
- Dùng thuốc cần tuân theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, khi uống paracetamol hoặc bất cứ loại thuốc nào cần kiểm tra kỹ liều lượng khuyến cáo. Không được sử dụng quá liều cho phép. Nếu mắc bệnh lý về gan thì trước khi dùng loại thuốc này cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Tiêm phòng vắc xin đầy đủ bằng cách thực hiện lịch tiêm vacxin viêm gan A, B khi có tiền sử, nguy cơ hoặc đang mắc viêm gan mạn tính.
- Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh gan bằng cách không uống rượu bia, không sử dụng chung bơm kim tiêm và đồ cá nhân, quan hệ tình dục an toàn, tránh xa khói thuốc lá, xăm hình hoặc xỏ khuyên cần chọn cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn.
- Cần thận trọng khi tiếp xúc với hóa chất, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ thể như đeo khẩu trang, kính chắn, quần áo, mũ, găng tay, giày bảo hộ khi sử dụng thuốc trừ sâu, sơn, thuốc diệt nấm, các hóa chất độc hại…
- Duy trì cân nặng ở mức cân đối, khỏe mạnh. Tránh thừa cân, béo phì làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu bởi bệnh dễ tiến triển thành xơ gan, suy gan.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh có lợi cho gan gồm các thực phẩm như yến mạch, trà xanh, tỏi, các loại quả mọng, cam quýt…
- Tạo thói quen tập thể dục thể thao đều đặn với cường độ phù hợp để tăng cường sức mạnh cho gan cũng như sức khỏe tổng thể.
- Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện ra các chỉ số và dấu hiệu bất thường ở gan.
Bài viết trên đây đã tổng hợp một số biến chứng của suy gan cũng như các phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh lý về gan. Hãy xây dựng một lối sống và sinh hoạt lành mạnh, phòng bị những kiến thức hữu ích về bệnh gan để có một lá gan khỏe mạnh, hạn chế nguy cơ gây tổn thương cơ quan này nhé.