Nhiều phụ nữ bị nhiễm siêu vi viêm gan B rất băn khoăn không biết phải làm sao khi muốn có thai. Theo ThS.BS chuyên khoa 1 Nguyễn Thế Hùng, nếu không có biện pháp bảo vệ tốt và kịp thời cho trẻ ngay sau sinh, 90-95% trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm siêu vi viêm gan B sẽ bị lây bệnh này.
Hình ảnh minh họa
Tại buổi sinh hoạt khoa học “Viêm gan siêu vi ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ – tầm soát, điều trị và chích ngừa” do Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) tổ chức cuối tuần qua, ThS.BS Nguyễn Thế Hùng cho biết VN hiện có hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị viêm gan siêu vi B mãn tính.
1- Tiêm ngừa trong vòng 12 – 24 giờ sau sinh
Theo BS Thế Hùng, viêm gan siêu vi B chủ yếu lây truyền qua đường từ mẹ sang con. Ngoài ra còn lây qua đường quan hệ tình dục, truyền máu. Tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con tùy thời điểm người mẹ bị mắc bệnh. Cụ thể, mẹ mắc bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỉ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con là 1%, nếu mắc trong ba tháng giữa thai kỳ là 10%, còn mắc ở ba tháng cuối thai kỳ là 60-70%. Về đường lây bệnh viêm gan B khi đang mang thai đến nay chưa ghi nhận, mà là lây trong lúc sinh: máu từ nhau thai bong tróc truyền cho bé; sản dịch, máu của mẹ lây cho trẻ sơ sinh; trẻ sơ sinh hít hoặc nuốt phải dịch có siêu vi viêm gan B từ người mẹ. Người mẹ có thể truyền siêu vi viêm gan B cho con khi sinh, dù sinh thường hay sinh mổ.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ từ mẹ, BS Hùng cho rằng trẻ sơ sinh cần được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Nếu không tiêm phòng đúng cách (hoặc tiêm phòng quá muộn), bé có nguy cơ viêm gan B rất cao.
Với mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg dương tính (cơ thể đang bị nhiễm siêu vi B) và HBeAg âm tính (siêu vi B đang trong giai đoạn nằm yên, không sinh sôi nảy nở) thì ngay sau sinh, bé được tiêm một liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Văcxin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ tư sau sinh. Với mẹ có cả HBsAg dương tính và HBeAg dương tính thì bé sẽ được tiêm hai liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi văcxin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ tư. Văcxin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.
Nên xem: Các con đường lây truyền viêm gan B
2- Thắc mắc thường gặp của phụ nữ mang thai bị viêm gan b
Hình ảnh minh họa
Không ít cặp vợ chồng lúng túng khi người vợ có thai rồi, đi khám thai định kỳ mới biết bị viêm gan siêu vi B, đặt vấn đề có thể đi chích ngừa viêm gan B không? Bị viêm gan B đang điều trị thuốc mà có thai thì thuốc có ảnh hưởng đến em bé, có gây dị dạng thai?
BS Hùng khuyến cáo phụ nữ nhiễm viêm gan B muốn có thai nên đến bác sĩ chuyên khoa gan mật khám và tư vấn về tình trạng nhiễm siêu vi B để biết bệnh đang ở giai đoạn nào, có cần điều trị hay không. Nếu bệnh ở giai đoạn nhẹ, không có triệu chứng, siêu vi viêm gan B đang “sống chung hòa bình” với người phụ nữ đó thì không cần điều trị, mà nên sinh cho đủ số con mong muốn rồi bắt đầu điều trị là hợp lý.
Nếu đang bị viêm gan B nặng, bệnh đang tiến triển, xơ gan nặng, suy tế bào gan, viêm gan bùng phát và có những biến chứng vì bệnh gan thì nhất định phải điều trị và chưa nên có con. Trường hợp mang thai rồi mới biết có bệnh viêm gan B hoặc có nhiều nguy cơ bị nhiễm viêm gan B (thai phụ có chồng bị viêm gan B) thì chích ngừa viêm gan B vẫn an toàn, không ảnh hưởng cho thai nhi. Tuy nhiên, không nên chích ngừa trong ba tháng đầu thai kỳ mà chích ở những tháng sau sẽ tốt hơn. (Thông tin xem thêm: Chồng bị viêm gan B có lây cho vợ?)
Còn nếu chị em nào đang điều trị viêm gan B mà có thai, nếu không điều trị tiếp bệnh có thể bùng phát, gây ảnh hưởng cả mẹ lẫn con. Do vậy thai phụ cần được BS chuyên khoa gan mật khám, tư vấn về những lợi hại của việc mang thai khi đang dùng thuốc điều trị.
Một vấn đề khác được nhiều phụ nữ quan tâm là người mẹ nhiễm siêu vi gan B có nên cho con bú không, nếu bé bú sữa mẹ thì có an toàn? Thắc mắc này được BS Thế Hùng giải đáp nếu trẻ đã được bảo vệ bằng huyết thanh và văcxin thì vẫn cho trẻ bú mẹ vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất, có nhiều kháng thể giúp trẻ chống được bệnh tật. Các nghiên cứu gần đây cho thấy chưa chứng minh được sự lây nhiễm viêm gan B qua đường sữa khi các bà mẹ nhiễm siêu vi B cho con bú. Tuy nhiên cần lưu ý, cân nhắc cho trẻ bú sữa bình nếu mẹ có nứt hay chảy máu đầu vú. Ngoài ra, nếu mẹ có uống thuốc phòng lây siêu vi B cho thai (thuốc tenofovir) thì nên ngưng thuốc ngay khi sinh mới được cho bé bú.