Xơ hóa gan là quá trình của bệnh gan mạn tính, theo thời gian dẫn tới xơ gan làm suy giảm chức năng gan nghiêm trọng. Đánh giá mức độ và tình trạng xơ gan có ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán cũng như có kế hoạch điều trị hợp lý. Có rất nhiều chỉ số được bác sĩ áp dụng để đánh giá xơ gan, mời bạn đọc tham khảo ngay sau đây.
Mục lục
Vai trò của các chỉ số đánh giá xơ gan
Xơ gan là hậu quả của một quá trình bệnh gan mãn tính do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, đáng chú ý là virus viêm gan, rượu bia; ngoài ra có thể do viêm gan do thoái hóa mỡ, do ứ sắt, viêm gan tự miễn, do dùng thuốc gây độc hại cho gan…
Chẩn đoán sớm xơ gan và mức độ bệnh góp phần quan trọng trong việc xác định rõ bệnh lý và mức độ tổn thương gan. Dựa vào điều đó bác sĩ mới có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân và dự đoán tiến triển của bệnh. Tuy nhiên, việc chẩn đoán xơ gan hiện nay còn rất nhiều khó khăn vì bệnh nhân không có dấu hiệu lâm sàng rõ rệt, một số xét nghiệm chức năng gan cho kết quả bình thường. Do đó, có nhiều phương pháp đánh giá xơ gan ra đời, đặc biệt là các phương pháp không xâm lấn.
Các phương pháp không xâm lấn được chia làm nhóm xét nghiệm máu và nhóm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm nhất định, thông thường bác sĩ sẽ vận dụng cụ thể, kết hợp các kỹ thuật khác nhau. Dựa trên các chỉ số thu được sẽ cho kết quả chẩn đoán chính xác.
Các chỉ số dùng để đánh giá xơ gan có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Cụ thể:
- Xác định rõ bệnh lý, mức độ tổn thương gan: Dựa vào các chỉ số trong các phương pháp chẩn đoán giúp bác sĩ nhận định chính xác bạn có mắc xơ gan hay không. Và nếu có, mức độ bệnh như thế nào, nguyên nhân do đâu? Từ đó, bác sĩ mới có thể đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
- Đánh giá nguy cơ và tiến triển của bệnh: Nhờ kết quả thu được thông qua các phương pháp chẩn đoán, bác sĩ không chỉ nắm được mức độ tổn thương gan mà còn có thể đánh giá nguy cơ các biến chứng liên quan như suy gan, ung thư gan… Điều này giúp bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hợp lý với từng trường hợp, theo dõi sát sao tiến triển của xơ gan.
- Quyết định phương pháp điều trị: Dựa trên các chỉ số đánh giá xơ gan, bác sĩ quyết định liệu pháp điều trị phù hợp như dùng thuốc, phẫu thuật hay thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh.
- Theo dõi và đánh giá hiệu quả của điều trị: Sau khi bắt đầu điều trị, thông qua các chỉ số trong phương pháp chẩn đoán sẽ giúp bác sĩ theo dõi và đánh giá hiệu quả của điều trị.
Các chỉ số đánh giá xơ gan cần biết
Thông qua thăm khám, bác sĩ khai thác các dấu hiệu mà người bệnh gặp phải. Nếu nghi ngờ dấu hiệu xơ gan, bác sĩ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh lý và xác định mức độ xơ hóa. Kết quả thu được từ các chỉ số xét nghiệm giúp bác sĩ đánh giá chính xác hơn. Sau đây là các chỉ số đánh giá xơ gan thường được áp dụng trong thăm khám và điều trị bệnh lý này.
Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan
Xét nghiệm này dùng để đo lượng men gan và protein mà gan tạo ra, bao gồm các chỉ số như sau:
Enzyme alanine transaminase (ALT) và aspartate transaminase (AST):
- AST (SGOT) là một enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa amin trong cơ thể. Enzyme này thường xuất hiện nhiều tại các cơ quan như tim, gan, thận, cơ và não. Bình thường, hoạt độ của AST trong máu rất thấp,
- ALT (SGPT) là enzyme đặc trưng được tìm thấy trong các tế bào gan. Ngoài ra, chúng còn xuất hiện ở tim, thận, cơ xương nhưng gan vẫn là cơ quan tập trung nhiều ALT nhất. Thông thường, trong máu lượng ALT khá nhỏ, đối với người trưởng thành chỉ số ALT sẽ ở mức 20 – 40UI/L. Tuy nhiên, khi tế bào gan bị tổn thương, ALT giải phóng vào máu khiến chỉ số này tăng cao.
ALT, AST là chỉ số đặc hiệu nhằm cảnh báo rõ nét hơn những tổn thương ở gan. Vì vậy, xét nghiệm máu để phân tích ALT, AST nhằm đánh giá sức khỏe và tình trạng tổn thương gan. Nếu nồng độ ALT, AST tăng cao có nghĩa là gan đang chịu tổn thương do xơ gan hoặc một bệnh lý khác.
Bilirubin:
Bilirubin là sắc tố vàng tồn tại trong máu được tạo ra từ chất hemoglobin có trong hồng cầu, được chuyển hóa ở gan và bài tiết qua nước tiểu. Ở người khỏe mạnh, chỉ số bilirubin trong máu với nồng độ thấp, ít hơn 1,2mg/dL. Tuy nhiên, ở người xơ gan, gan bị tổn thương khiến bilirubin không được đào thải hết sẽ đi vào trong máu, gây vàng da, vàng mắt nước tiểu vàng sậm.
Ở người xơ gan, do không xử lý được nên nồng độ bilirubin tăng lên. Đối với xơ gan giai đoạn còn bù chỉ số có thể ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ.
GGT:
GGT (đầy đủ là Gamma-Glutamyl Transpeptidase) cùng với ALT, AST là những chỉ số men gan quan trọng khi xét nghiệm chức năng gan. Khi có dấu hiệu bất thường như chán ăn, buồn nôn, vàng da… hoặc người dùng nhiều rượu bia thường được chỉ định xét nghiệm GGT để đánh giá tình trạng tổn thương gan.
ALP (Alkaline Phosphatase):
ALP là enzym tồn tại trong cơ thể của con người ở nhiều dạng khác nhau, chúng được tìm thấy chủ yếu tại các cơ quan như gan, xương, thận, ống mật và nhau thai. Xét nghiệm chỉ số ALP trong máu giúp phát hiện các bệnh lý như xơ gan, viêm gan…
Thực tế, chỉ số ALP bình thường ở mỗi người là khác nhau và có sự thay đổi nhất định tùy thuộc vào yếu tố như giới tính, độ tuổi, thể trạng từng người, nhóm máu… Giá trị bình thường của ALP là 64 – 306 U/L. Với trẻ đang ở độ tuổi phát triển, giá trị ALP cao hơn người trưởng thành.
Creatinin:
Creatinin là sản phẩm được hình thành từ hoạt động cơ bắp và thận có nhiệm vụ lọc bỏ nó ra khỏi cơ thể. Nồng độ creatinin trong máu ở mức bình thường của nữ giới là 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 µmol/l (đơn vị SI), 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 µmol/l (đơn vị SI) ở nam giới khỏe mạnh.
Khi nồng độ creatinin tăng cao là một trong những dấu hiệu cảnh báo thận bị tổn thương, có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh xơ gan.
Albumin:
Albumin được biết đến là một protein do gan sản xuất ra, có nhiệm vụ giữ nước ở thành mạch, ngăn ngừa thoát dịch từ lòng mạch sang các mô xung quanh như màng bụng, màng phổi… Bên cạnh đó, albumin còn giúp duy trì áp lực keo trong huyết tương, vận chuyển hormone, vitamin và các chất quan trọng khác trong cơ thể.
Xét nghiệm chỉ số albumin thường được thực hiện nhằm phát hiện bệnh lý về gan, điển hình là xơ gan. Chỉ số Albumin ở mức bình thường: 3,4 – 5,4 g/dL. Khi gan bị tổn thương do xơ gan, chỉ số albumin ở ngưỡng thấp hơn bình thường.
Globulin:
Globulin là một protein giúp hệ miễn dịch nhận biết và chống lại các tác nhân lạ xâm nhập từ bên ngoài vào. Globulin kích thích sản sinh kháng thể nhằm chống lại các tổn thương ở gan và các cơ quan khác trong cơ thể.
Dựa vào chỉ số globulin giúp bác sĩ phát hiện và hỗ trợ trong điều trị một số bệnh lý như ung thư tủy xương… đồng thời giúp chẩn đoán các bệnh lý tự miễn, đánh giá nhiễm trùng… Chỉ số Globulin bình thường: 34 – 48g/L.
Các chỉ số xét nghiệm công thức máu
Để chẩn đoán và đánh giá xơ gan, bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm công thức máu. Nếu bị xơ gan, kết quả của các chỉ số xét nghiệm như sau:
Số lượng tiểu cầu:
Tiểu cầu là tế bào máu được sản xuất trong tủy xương, có chức năng ngưng kết với nhau thành cục máu đông nhằm bịt kín mạch máu khi bị tổn thương, giúp cầm máu hiệu quả. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu khoảng 150.000 – 450.000/micro lít máu. Khi bị xơ gan, tiểu cầu giảm nhỏ hơn 130.000/mm3
Hồng cầu, bạch cầu:
Chỉ số hồng cầu thường nằm trong khoảng 4.2 đến 5.9 triệu tế bào/cm3, tương đương với số lượng hồng cầu tính theo đơn vị quốc tế là 4.2 đến 5.9×1012 tế bào/l. Chỉ số bạch cầu bình thường ở mức là 4.000-10.000/mm3 máu, chỉ số này có thể tăng giảm chút trong trường hợp nhất định hoặc do mang thai hay tuổi tác. Khi bị xơ gan, chỉ số hồng cầu, bạch cầu trong máu có thể giảm.
Các chỉ số xét nghiệm đông máu
Prothrombin time (PT):
Gan có vai trò tạo ra các yếu tố đông máu, thông thường cần 9 – 11 giây để tạo cục máu đông hay còn gọi là thời gian PT. Khi gan bị tổn thương hoặc cơ thể thiếu vitamin K thời gian đông lau lâu hơn, dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu, máu khó đông.
Chỉ số PT có ý nghĩa giúp đánh giá thời gian tạo thành cục máu đông. Xét nghiệm xác định thời gian PT giúp đánh giá khả năng đông máu và phát hiện các tổn thương ở gan, đặc biệt là người bệnh xơ gan. Thời gian đông máu lâu là yếu tố để bác sĩ có thể chẩn đoán xơ gan.
INR:
Xét nghiệm INR được sử dụng để giảm sát tốc độ đông máu. Thông thường, xét nghiệm chỉ số INR thường được tiến hành cùng lúc với xét nghiệm PT và PTT. Người mắc xơ gan cho kết quả INR kéo dài.
Các chỉ số xét nghiệm máu viêm gan
Mục đích khi thực hiện các xét nghiệm này nhằm tìm kiếm có virus gây viêm gan A, B, C – nguyên nhân dẫn tới xơ gan hay không. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị xơ gan. Các chỉ số trong xét nghiệm máu viêm gan được chú ý bao gồm:
HBsAg:
HBsAg (kháng nguyên bề mặt của virus HBV), thực hiện xét nghiệm này nhằm kết luận bệnh nhân có nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu kết quả dương tính có nghĩa là bệnh nhân bị viêm gan B, dù ở thế cấp hay mạn tính.
Anti HCV:
Là kháng thể được hệ miễn dịch tạo ra nhằm chống lại virus HCV. Kháng thể này xuất hiện khi virus HCV xâm nhập vào cơ thể 1 – 2 tuần và tiếp tục tồn tại sau đó. Thực hiện xét nghiệm này nhằm tìm kháng thể chống virus viêm gan C để sàng lọc, tầm soát bệnh lý này và tìm nguyên nhân gây xơ gan. Nếu kết quả dương tính có nghĩa là bệnh nhân đang mắc viêm gan C hoặc mắc nhưng đã khỏi.
Anti LKM1:
Thực hiện xét nghiệm chỉ số Anti LKM1 để định lượng kháng thể IgG đối với cytochrom P450IID6. Phát hiện Anti LKM1 có ý nghĩa trong việc chẩn đoán các bệnh về gan như viêm gan tự miễn, xơ gan mật nguyên phát, viêm đường mật xơ cứng ở người lớn và trẻ em.
ANA:
Hầu hết trong cơ thể con người đều có tự kháng thể nhưng số lượng nhỏ. Khi có sự hiện diện lớn của các chất tự kháng thể hoặc ANA có thể là căn nguyên của bệnh tự miễn. Vì vậy, xét nghiệm chỉ số có ý nghĩa lớn trong chẩn đoán bệnh tự miễn. Nếu xét nghiệm dương tính với ANA có thể định hướng giúp chẩn đoán bệnh tự miễn – mục đích để tìm nguyên nhân gây xơ gan.
Các chỉ số trong siêu âm đánh giá xơ gan
Độ cứng của gan:
Kết quả sẽ biểu thị độ cứng của gan, ở người bình thường độ cứng khoảng 4,5kPa. Với bệnh nhân viêm gan mạn độ cứng tăng dần theo giai đoạn xơ hóa, giá trị này cũng thay đổi theo từng nguyên nhân gây bệnh (do virus viêm gan B, C; do rượu; gan nhiễm mỡ không do rượu…). Xơ gan ở mức trung bình: Độ cứng từ 0,3 – 0,6kPa; trường hợp bị xơ hóa nặng, độ cứng > 0,6kPa.
Các chỉ số xơ hóa không xâm lấn (FIB-4, APRI):
Chỉ số FIB-4 là chỉ số đánh giá nguy cơ xơ hóa gan nặng (F3-F4 theo định nghĩa METAVIR. APRI là chỉ số xơ hóa được Bộ Y tế đưa ra nhằm hướng dẫn điều trị viêm gan B. Ở người xơ gan, các chỉ số xơ hóa không xâm lấn này tăng.
Cùng với các dấu hiệu lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải, kết hợp với các chỉ số đánh giá xơ gan cùng kết quả của một số phương pháp chẩn đoán khác bác sĩ xác định chính xác bạn có mắc xơ gan hay không, mức độ bệnh như thế nào, nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, có phương pháp điều trị phù hợp để ngăn chặn sự tiến triển của xơ gan đồng thời cũng đánh giá nguy cơ phát triển các biến chứng có liên quan tới gan.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Siêu âm xơ gan kỹ thuật trong chẩn đoán xơ gan!