Trong tự nhiên có đến 2 loại Cà gai leo khác nhau là Cà gai leo hoa trắng và Cà gai leo hoa tím. Trong đó, cây Cà gai leo hoa trắng có giá trị dược liệu cao và nhận được nhiều sự quan tâm. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về loài cây này nhé!
Mục lục
Cà gai leo hoa trắng là cây gì
Cà gai leo hoa trắng hay Cà gai leo còn được gọi là cà vạnh, cà lù, cà quýnh…. có tên khoa học là Solanum procumbens. Ở nước ta, chúng có thể mọc hoang ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Nghệ An…
Cà gai leo hoa trắng là cây thuốc quen thuộc với nhiều người. Chúng được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền với những tác dụng tốt cho sức khỏe như lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, đặc biệt là hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan như xơ gan, viêm gan, đặc biệt là viêm gan B…
Tên gọi Cà gai leo hoa trắng thường được dùng để phân biệt với một loại Cà gai leo dại khác có hoa màu tím (loại này có lá to và dày hơn, không dùng làm thuốc).
☛ Đọc thêm: Phân biệt các loại Cà gai leo
Đặc điểm cây Cà gai leo hoa trắng
Ta có thể nhận biết cât Cà gai leo hoa trắng dựa trên những đặc điểm như:
Rễ: Cây Cà gai leo hoa trắng thường có một rễ chính với chiều dài từ 10 – 20cm, chuôi rễ cứng, phần vỏ màu nâu. Thân rễ này được chia thành nhiều nhánh nhỏ (rễ phụ) với tán rễ tròn và mềm.
Thân: Thân cây Cà gai leo trắng dài khoảng 1m hoặc hơn, gốc nhẵn mịn và hóa gỗ. Thân của chúng được chia thành nhiều nhánh nhỏ, các nhánh non mọc tỏa rộng, được bao phủ bởi một lớp lông mịn và có những chiếc gai cong màu vàng.
Lá: Lá Cà gai leo hoa trắng có hình bầu dục hoặc hơi thuôn dài, gốc lá tròn hoặc hình nêm, đầu lá tù. Phiến lá xẻ thùy nông, mặt trên màu xanh sẫm, mặt dưới có lông tơ trắng và màu xanh nhạt hơn. Các lá xếp so le nhau, cuống và gân chính ở cả hai mặt lá đều có gai nhỏ.
Hoa: Hoa Cà gai leo trắng thường mọc ở kẽ lá với từng chùm 2 – 5 bông. Đôi khi cũng có những chùm có đến 7 hoặc 9 bông. Mỗi bông hoa có 4 cánh rời, màu trắng hoặc hơi tím nhẹ. Nhị hoa màu vàng, chỉ nhị phình to ở phần gốc. Đài hoa xẻ thành 4 thùy có hình trái xoan nhọn, phủ đầy lông.
Quả: Quả Cà gai leo hình cầu, có đường kính khoảng 5 – 7mm, cuống dài. Khi chín, chúng sẽ chuyển từ xanh sang màu đỏ, căng mọng. Bên trong quả chứa đầy hạt hình thận màu vàng.
Cà gai leo hoa trắng có công dụng gì?
Cà gai leo hoa trắng có giá trị dược liệu rất cao, cả thân, rễ và cành lá của chúng đều được dùng để làm thuốc. Sau khi thu hái, cây có thể được dùng dưới dạng tươi hoặc đem phơi, sấy khô để kéo dài thời gian bảo quản.
Một số công dụng nổi trội của Cà gai leo hoa trắng bao gồm:
Giải độc gan, tăng cường chức năng gan
Các hoạt chất được tìm thấy trong Cà gai leo hoa trắng như ancaloit và glycoalkaloid có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ gan khỏi các yếu tố gây hại, ngăn ngừa tổn thương gan, giúp hạ men gan. Ngoài ra, nó cũng thúc đẩy quá trình đào thải độc tố, hỗ trợ tái tạo tế bào gan, giúp gan hoạt động hiệu quả hơn.
Hỗ trợ điều trị bệnh gan
Như đã nói ở trên, Cà gai leo hoa trắng rất hữu hiệu trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan, đặc biệt là viêm gan B. Theo đó, hoạt chất glycoalcaloid dồi dào trong Cà gai leo có thể ức chế quá trình nhân lên của virus viêm gan B, đồng thời hạn chế xơ gan tiến triển và cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch.
Theo nghiên cứu Tiến sĩ Y học của bác sĩ Trịnh Xuân Hòa được thực hiện tại Bệnh viện Quân Y 103 (1999), các triệu chứng viêm gan ở người bệnh đã được cải thiện rõ rệt sau 2 tháng dùng Cà gai leo. Sau khoảng 3 tháng sử dụng, nồng độ virus trong máu cũng giảm đáng kể.
Giải rượu, bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu bia
Theo dân gian, Cà gai leo có khả năng chống say rượu rất tốt. Từ xa xưa, người dân đã sử dụng chúng để giải rượu và làm giảm các triệu chứng do say rượu gây ra. Điều này là nhờ hoạt chất glycoalkaloid trong Cà gai leo có khả năng thúc đẩy quá trình chuyển hóa và đào thải ethanol ở gan, giúp bảo vệ gan khỏi các tác hại của rượu bia.
Ức chế một số bệnh ung thư
Cà gai leo rất giàu chất chống oxy hóa như Glycoalcaloid, Flavonoid… có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Bích Thu, dịch chiết Cà gai leo có thể làm giảm hoạt động của gen gây ung thư liên quan đến virus, đồng thời tiềm năng trong việc ức chế một số tế bào ung thư cổ tử cung và ung thư gan.
Chữa đau lưng, tê thấp, nhức mỏi
Cà gai leo có chứa thành phần Solamin, có khả năng cân bằng thể nhiệt, tốt cho người thấp khớp. Ngoài ra, chất Solamnia A và Solamnia B trong Cà gai leo cũng đã được thử nghiệm lâm sàng cho thấy có khả năng làm giảm viêm đau, hỗ trợ cải thiện đau nhức xương khớp.
Các công dụng khác
Một số công dụng khác của cây thuốc Cà gai leo có thể kể đến bao gồm:
- Chữa dị ứng: Các hoạt chất trong Cà gai leo có khả năng chống lại quá trình phân hủy tế bào mast, điều hòa interleukin, đồng thời tăng cường miễn dịch, qua đó giảm viêm và làm giảm các triệu chứng dị ứng.
- Chữa cảm cúm: Nhờ tính kháng khuẩn, kháng viêm tự nhiên và các chất chống oxy hóa dồi dào, Cà gai leo cũng được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc trị cảm cúm, giúp giảm nhanh các triệu chứng đau đầu, sổ mũi, đau họng…
Ngoài ra, Cà gai leo còn được dùng để chữa ho gà, hen suyễn, rắn cắn…
Cách dùng Cà gai leo hoa trắng
Cà gai leo hoa trắng có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại dược liệu khác nhau tùy nhu cầu, mục đích của người dùng. Dưới đây là một số thông tin tham khảo.
Dùng để tăng cường chức năng gan
Chuẩn bị: 30g Cà gai leo khô.
Thực hiện:
- Rửa sạch Cà gai leo, cho vào ấm, thêm 1 lít nước sạch
- Đun Cà gai leo trên bếp đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, đun thêm khoảng 10 phút
- Tắt bếp, chắt nước Cà gai leo ra bát, uống khi còn ấm.
Ngoài ra, sử dụng Cà gai leo để hãm trà uống cũng cho hiệu quả tương tự. Cách làm:
- Cho 30g Cà gai leo khô vào ấm, đổ nước sôi vào tráng qua trà rồi chắt bỏ nước
- Thêm vào 1 lít nước sôi, đậy kín nắp ấm, ủ khoảng 30 phút là có thể thưởng thức.
Dùng giải độc gan, hạ men gan
Chuẩn bị: 35g Cà gai leo.
Thực hiện:
- Rửa sạch Cà gai leo, sắc cùng 1l nước
- Nước sôi, tiếp tục đun nhỏ lửa đến khi nước trong ấm còn lại khoảng 300ml thì tắt bếp
- Chắt nước thuốc ra bát, chia thành 3 phần bằng nhau rồi uống hết trong ngày.
Dùng hỗ trợ điều trị gan nhiễm mỡ
Chuẩn bị: Cà gai leo và Giảo cổ lam mỗi vị 30g.
Thực hiện:
- Rửa sạch toàn bộ dược liệu, cho vào ấm, thêm 1 lít nước sạch
- Đun trên bếp đến khi sôi hoàn toàn thì vặn nhỏ lửa, đun thêm 10 phút nữa rồi tắt bếp
- Chắt nước thuốc ra bát, uống hết trong ngày. Dùng liên tục mỗi ngày 1 thang để cảm nhận được hiệu quả.
Dùng chữa tê thấp, đau nhức xương khớp
Chuẩn bị: Cà gai leo, Thổ phục linh, Dây gấm, Kê huyết đằng, lá lốt mỗi vị 10g.
Thực hiện:
- Rửa sạch toàn bộ dược liệu rồi đem sao vàng trên bếp
- Cho dược liệu vào ấm, thêm nước sạch, sắc uống mỗi ngày 1 thang.
☛ Xem chi tiết: Cách chế biến sử dụng Cà gai leo
Bên cạnh những cách dùng truyền thống như sắc nước, pha trà, ngày nay Cà gai leo hoa trắng còn được bào chế thành dạng cao hoặc viên uống, rất tiện lợi cho người sử dụng.
Tuy nhiên, khi chọn mua bất kỳ sản phẩm nào từ Cà gai leo, người tiêu dùng cũng cần hết sức lưu ý. Theo đó, do nhu cầu sử dụng Cà gai leo ngày càng cao, trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng. Để tránh sức khỏe bị ảnh hưởng cũng như đảm bảo hiệu quả khi sử dụng, hãy chọn mua các sản phẩm Cà gai leo có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời chỉ nên mua hàng tại các cơ sở uy tín.
☛ Tham khảo thêm: Mua Cà gai leo ở đâu tốt?
Trên đây là những thông tin hữu ích về cây Cà gai leo hoa trắng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ hotline 1800 1190 để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Chúc bạn sức khỏe!