Bên cạnh điều trị, một chế độ chăm sóc đúng cách và phù hợp giúp bệnh nhân xơ gan mất bù cải thiện phần nào triệu chứng, tăng hiệu quả điều trị. Hãy tham khảo những thông tin sau đây để nắm rõ được cách chăm sóc người bệnh xơ gan mất bù nhé.
Mục lục
Vai trò của chăm sóc sức khỏe cho người xơ gan mất bù
Xơ gan mất bù hay còn gọi là xơ gan cổ trướng, đây là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan khi gan không còn khả năng bù trừ về chức năng. Sức khỏe bệnh nhân bị suy giảm rõ rệt, khả năng làm việc của gan bị suy giảm nặng nề. Bệnh nhân xơ gan ở giai đoạn mất bù phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào như chảy máu tiêu hóa, suy gan thận, ung thư gan… Việc điều trị là cần thiết nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và kéo dài tuổi thọ.
Song song với điều trị, chăm sóc sức khỏe với bệnh nhân có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi giai đoạn mất bù, chức năng hoạt động của gan không còn khiến sức khỏe của bệnh nhân ngày càng suy kiệt. Các dấu hiệu như chán ăn, buồn nôn, ăn uống khó tiêu… diễn ra thường xuyên khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi, không còn sức để chiến đấu với bệnh tật. Bệnh vốn nặng sẽ càng trở nên tồi tệ và dễ dẫn tới biến chứng.
Tuy nhiên, nếu có chế độ chăm sóc phù hợp, đúng cách kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, các dấu hiệu của bệnh sẽ dần được cải thiện. Điều này sẽ giúp bệnh nhân ức chế được tình trạng xơ hóa trong gan, ngăn ngừa các biến chứng của bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Mặc khác, chăm sóc đúng cách còn hỗ trợ tích cực vào hiệu quả điều trị xơ gan mất bù, giúp kiểm soát bệnh tốt hơn. Sự quan tâm chăm sóc tới từ người thân sẽ là liều thuốc tinh thần hữu hiệu giúp bệnh nhân lạc quan và có ý chí trong quá trình chống chọi với bệnh tật.
☛ Tham khảo thêm tại: 5 biến chứng nguy hiểm của xơ gan mất bù cần cảnh giác
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù
Sau đây là những hướng dẫn để chăm sóc bệnh nhân xơ gan mất bù. Người nhà bệnh nhân cũng như bệnh nhân cần tham khảo để thực hiện nhằm hỗ trợ điều trị tốt nhất nhé.
Chế độ sinh hoạt
Cần kê cao chân cho bệnh nhân khi nằm: Dùng một cái gối kê dưới chân để đưa chân cao hơn so với tim, rất hữu ích đối với bệnh nhân đang bị phù chân. Mẹo này giúp ngăn chặn dịch tích tụ tại chân, giảm sưng phù bàn chân hay mắt cá chân đồng thời khiến bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế làm việc nặng nhọc: Mệt mỏi và suy kiệt khiến bệnh nhân xơ gan mất bù không thể duy trì được khả năng lao động như người khỏe mạnh khác. Do đó, cần khuyến cáo bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều và vận động nhẹ nhàng, không làm việc quá sức khiến sức khỏe giảm sút nhanh, mất khả năng chống lại bệnh tật.
Quan hệ tình dục an toàn: Người bệnh xơ gan mất bù nên quan hệ tình dục với tần suất không quá nhiều. Sử dụng bao cao su khi quan hệ với bạn tình để giảm nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan hay các dạng nhiễm trùng khác làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Kiểm soát cân nặng: Do nước tích tụ nhiều trong cơ thể nên bệnh nhân có khuynh hướng tăng cân. Cần đo cân nặng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý biến chứng cổ trướng.
Giữ tinh thần thoải mái: Người nhà bệnh nhân luôn luôn động viên bệnh nhân để họ luôn có tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật. Hạn chế để người bệnh lo lắng quá mức, nếu stress dài ngày cần chia sẻ với người thân hoặc bác sĩ chuyên khoa để tìm hướng giải quyết.
Tập thể dục hàng ngày: Tập các bài nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh hay đạp xe đạp để nâng cao thể chất, tăng sức đề kháng, lưu thông tuần hoàn máu.
Chế độ ăn uống
Bên cạnh việc chăm lo cho đời sống tinh thần của bệnh nhân, người bệnh xơ gan cần có một chế độ ăn uống khoa học để hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh, cải thiện sức khỏe tổng thể. Cụ thể như sau:
- Cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất trong thực đơn ăn uống của bệnh nhân bao gồm calo, chất đạm, đường, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
- Khi có biểu hiện hôn mê gan, cần giảm lượng đạm sử dụng. Ưu tiên thực phẩm bổ sung đạm chứa acid amin mạch nhánh giúp cơ thể dễ hấp thụ và chuyển hóa mà vẫn không gây gánh nặng cho gan.
- Thực hiện chế độ ăn nhạt, tránh cho bệnh nhân ăn các thực phẩm giàu natri như dưa muối, các loại mắm, đồ đóng hộp, đồ khô…
- Bị táo bón cần giảm lượng đạm, tăng chất xơ để kích thích nhu động ruột giúp ổn định tần suất đi ngoài 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Tăng cường các thực phẩm giàu kali như chuối, dưa hấu, đu đủ, hồng xiêm… Những khoáng chất này rất quan trọng đối với hoạt động của gan, cân bằng điện giải, bù đắp lượng kali thất thoát khi dùng thuốc lợi tiểu.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể, khuyến cáo uống 1 – 1,2 lít nước mỗi ngày. Không nên bổ sung quá nhiều chất lỏng khi đang bị tích nước, phù chân, cổ trướng. Nên uống nước lọc, các loại nước ép trái cây hay trà thảo mộc giúp hỗ trợ mát gan, thải độc cho cơ thể.
- Hạn chế các loại đồ ă nhiều dầu mỡ, món chiên xào… khó tiêu, đầy bụng làm tăng gánh nặng cho gan dẫn tới gan nhiễm mỡ, thúc đẩy tốc độ xơ hóa.
- Kiêng rượu bia, các loại đồ uống có cồn vì chúng rất có hại cho gan và là nguyên nhân gây xơ gan mất bù.
Cần lưu ý, nên lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, tươi sống để chế biến món ăn. Trường hợp bệnh nhân chán ăn, cần chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày sẽ giúp bệnh nhân nạp lượng thức năn nhiều hơn nhưng lại không gây cảm giác chán ăn, đầy bụng, buồn nôn như khi phải ăn quá nhiều cùng lúc. Bên cạnh đó, cũng không nên để bụng đói, khoảng cách giữa hai bữa ăn nên kéo dài trong 7 – 8 tiếng.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc cho người bị xơ gan
Chế độ chăm sóc giảm phù và cổ trướng
Cần ăn nhạt để giảm lượng muối nạp vào cơ thể
Xơ gan mất bù, phù có biểu hiện rõ rệt hơn với dấu hiệu bụng trướng, hai chân phù to, đi lại khó khăn, ăn uống kém. Chức năng tổng hợp protein của gan bị giảm dẫn tới lượng protein trong máu giảm, nước thoát ra ngoài tế bào dẫn tới phù. Lúc này việc chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý tới các vấn đề như sau:
- Kê cao chân khi ngủ
- Hạn chế ăn muối, ăn càng nhạt càng tốt
- Nếu bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu cần bổ sung các thực phẩm giàu kali để cân bằng với lượng kali đã mất.
- Theo dõi cân nặng thường xuyên của bệnh nhân để kiểm tra sự phát triển của tình trạng phù, cổ trướng có dấu hiệu thuyên giảm hay không.
- Sau khi chọc tháo dịch cổ trướng cần theo dõi 30 phút, có gì bất ổn cần báo ngay cho bác sĩ.
- Giữ gìn vệ sinh mũi miệng, khi bị chảy máu chân răng cần đề phòng bị nhiễm khuẩn.
- Chú ý, tạo không gian yên tĩnh, thoáng mát cho người bệnh.
Theo dõi và xử trí những biến chứng xuất huyết tiêu hoá
Khi bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng, đau dạ dày, phân có màu đen, đỏ hoặc nâu đỏ… bạn cần tạm ngưng cho bệnh nhân ăn uống bằng đường miệng, cần sự trợ giúp của chuyên viên y tế bằng cách đưa ngay người bệnh tới trung tâm y tế chuyên khoa để kiểm tra và xử lý.
Việc chăm sóc bệnh nhân khi có biến chứng xuất huyết tiêu hóa cần thận trọng. Người bệnh cần được nghỉ ngơi trên giường, bổ sung các chất dinh dưỡng qua đường truyền, nếu mất máu quá nhiều cần truyền máu.
Theo dõi và hạn chế nhiễm trùng
Khi chức năng gan dần bị mất, khả năng miễn dịch của cơ thể cũng bị suy giảm đáng kể. Do đó, cần bảo vệ cơ thể để tránh nhiễm trùng bằng cách tắm rửa và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Hạn chế tới các khu vực bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với người bệnh. Ăn uống cần đảm bảo ăn chín, uống sôi để đảm bảo vệ sinh.
Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng cần thăm khám gấp. Các dấu hiệu của hội chứng nhiễm trùng, bao gồm sốt, đau đầu, ê buốt, mệt mỏi và sưng tấy.
Theo dõi đề phòng hôn mê gan
Một số triệu chứng hôn mê gan có thể gồm rối loạn trí nhớ, mất phương hướng về không gian và thời gian, mất khả năng tập trung tư tưởng, bàn tay run do rối loạn trương lực cơ… Do đó, khi phất hiện ra các triệu chứng này ở bệnh nhân, người nhà cần đưa ngay tới bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp xử trí phù hợp.
Thăm khám định kỳ
Người bệnh cần được dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, thăm khám định kỳ để kiểm tra chức năng gan, đánh giá kết quả điều trị và kịp thời xử lý biến chứng nếu có.