Viêm gan B là bệnh do nhiễm loại siêu vi trùng, viết tắt là HBV gây ra. Khi làm xét nghiệm máu, kết quả xét nghiệm sẽ cho biết có bị nhiễm HBV hay không. Nếu đã bị nhiễm HBV nhưng không có triệu chứng rối loạn nào ở gan (phải làm xét nghiệm đo men gan, có tên ALT, AST và kết quả cho thấy vẫn ở mức bình thường không tăng cao) thì người bị nhiễm có thể an tâm, không cần chữa trị gì cả.
Có nhiều người tuy mang mầm bệnh HBV suốt đời nhưng không việc gì, vẫn có thể sống chung “hòa bình” với HBV, không gây rối loạn chức năng gan nào cả. Những trường hợp như vậy được gọi là người lành mang mầm bệnh. Vì vậy, có khi bác sĩ xác định một người nào đó bị bệnh viêm gan B (thật ra nên gọi là bị nhiễm siêu vi gây viêm gan B) nhưng lại không cho thuốc chữa trị.
Trong trường hợp này, nếu người mang mầm bệnh biết giữ gìn sức khỏe, sinh hoạt điều độ, ăn uống đầy đủ dưỡng chất (tức là bảo đảm ăn uống đầy đủ chất đạm, đường bột, chất béo, rau cải, trái cây; riêng chất béo nên hạn chế mỡ động vật và thay bằng dầu thực vật), không uống rượu và dùng thuốc bừa bãi thì bệnh sẽ không phát. Cần lưu ý rượu và đa số các thuốc đều có hại cho gan.
Riêng với thuốc, không nên tự ý dùng nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Ðặc biệt, cần giữ tinh thần lạc quan, không lo âu phiền muộn quá đáng. Hiện nay có 2 thuốc tác động thực sự đến HBV và có thể loại trừ siêu vi này, đó là Interferon và Lamivudin. Nhưng bác sĩ chỉ cho dùng khi người bệnh có dấu hiệu viêm gan mạn hoạt động và biểu hiện siêu vi đang nhân đôi phát triển mạnh (phiếu xét nghiệm có ghi: HBsAg dương tính, HBeAg dương tính, HBV DNA dương tính).
Ðối với người bị nhiễm không cần chữa trị vẫn nên tái khám sau mỗi 6 tháng hay 1 năm để theo dõi tình trạng.
(Theo Sức khỏe và đời sống)