Đối với người bị xơ gan thì cần hạn chế tối đa sử dụng các loại thuốc kê đơn vì vậy một chế độ dinh dương phù hợp mới là điều quan trọng hơn. Vậy làm thế nào để biết cách ăn uống sao cho đúng ở từng giai đoạn? Tại bài viết này viemgan.com.vn sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn!
Mục lục
Chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn
Đối với bệnh nhân xơ gan, tổng lượng calo 25-30 kcal/kg cân nặng/ngày (tức là người 50kg nên duy trì ở mức 1250-1500 kcal/ngày) tuỳ theo tình trạng hoạt động thể lực. Với những tình trạng xơ gan ổn định không có tăng nhu cầu chuyển hoá, việc cung cấp quá nhiều calo có thể kèm theo tăng gánh nặng cho gan, tích đọng mỡ đặc biệt ở các bệnh nhân hồi sức.
Bữa ăn nên chia nhỏ nhiều lần trong ngày và mục đích của chế độ dinh dưỡng là phải:
- Phòng tránh các biến chứng của xơ gan như bệnh não gan, hôn mê gan (do tăng amoniac máu)
- Giảm gánh nặng xử lý cho gan hoặc độc với gan
- Giảm thiểu tình trạng cổ chướng
- Cải thiện sự ngon miệng, chất lượng cuộc sống
Bệnh xơ gan tiến triển qua 2 giai đoạn là xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Với mỗi giai đoạn chế độ dinh dưỡng cung cấp sẽ khác nhau. Cụ thể:
Giai đoạn xơ gan còn bù
Với xơ gan còn bù, lúc này chức năng gan vẫn còn, gan vẫn hoạt động dù có bị yếu đi. Tuy nhiên, về lâu dài, để người bệnh không bị suy dinh dưỡng thì chế độ ăn vẫn phải cung cấp đầy đủ các chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất như bình thường, tránh việc kiêng khem quá mức. Ngoài ra, cần lưu ý thường xuyên thay đổi đa dạng các món ăn và chia nhỏ các bữa ăn để kích thích sự ngon miệng cũng như giảm tải gánh nặng cho gan.
Dưới đây là một số lưu ý về dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan giai đoạn còn bù:
- Chất đạm: Nên ưu tiên những loại thực phẩm chứa đạm nhưng ít béo, có giá trị sinh học cao như: thịt lợn nạc, thịt ức gà, cá, trứng, sữa tách bơ, các loại đỗ và chế phẩm từ đỗ. Nên tăng lượng đạm thực vật và giảm lượng đạm động vật vì đạm động vật sẽ tạo nhiều amoniac không tốt cho gan. Lượng đạm khuyến cáo là 0.8 -1g đạm/kg cân nặng.
- Chất béo: Người bệnh gan nên hạn chế dung nạp chất béo, nhất là chất béo từ động vật, đồ ăn chiên rán. Chỉ nên dùng các loại dầu thực vật, chẳng hạn như dầu oliu, dầu đậu nành…
- Chất đường bột: Chỉ nên ăn những chất bột đường dễ hấp thu như gạo, khoai, đường glucose, mật ong và các trái cây ngọt. Không nên ăn những loại đồ ăn chứa nhiều đường khó hấp thu và khó phân giải như bánh kẹo nhiều bơ sữa béo, các loại mứt và nước ngọt.
- Vitamin và khoáng chất: Người bệnh xơ gan cần tăng cường ăn các loại rau xanh và trái cây tươi. Nên ăn những loại rau có màu xanh đậm như rau ngót, rau cải, rau bina… và các loại quả chín như cam, quýt, xoài, đu đủ…
Ngoài ra, người bệnh cần bổ sung 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày. Hạn chế ăn muối, không chấm nước tương, nước mắm.
☛ Đọc thêm: Xơ gan còn bù những điều cần biết?
Giai đoạn xơ gan mất bù
Khi xơ gan tiến triển đến giai đoạn mất bù, chức năng gan đã bị suy giảm nặng, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán ăn, tiêu hóa kém dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng và năng lượng. Vì thế, chế độ dinh dưỡng lúc này là tập trung bổ sung các chất cần thiết, hạn chế những chất không cần để tăng cường sức khỏe.
Ở giai đoạn này, nguyên tắc và mục đích của chế độ ăn cũng giống với giai đoạn xơ gan còn bù nhưng cần kiêng khem và có nhiều lưu ý hơn:
- Giảm muối vì muối sẽ tích nước trong cơ thể gây phù, cổ chướng nặng hơn khiến người bệnh khó thở.
- Giảm đạm thông thường, thay thế bằng đạm quý (có acid amin mạch nhánh BCAAs) thường có nhiều trong các loại đỗ và chế phẩm từ đỗ như sữa đậu nành, đậu hũ
- Tăng chất xơ từ rau xanh và trái cây thô để nhuận tràng, giảm táo bón, hạn chế nguy cơ dẫn tới hội chứng não – gan.
- Bổ sung thêm các loại trái cây chứa kali như chuối, bưởi… vì quá trình điều trị xơ gan có thể phải dùng một số loại thuốc lợi tiểu khiến cơ thể mất kali.
- Hạn chế các loại dầu, không ăn mỡ động vật.
- Ăn thêm sữa chua để giúp hóa giải một phần amoniac.
- Hạn chế ăn nhiều các loại thực phẩm chứa sắt như: thịt đỏ, gan, huyết… vì ứ sắt sẽ gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
- Uống đủ nước mỗi ngày. Có thể uống các loại nước tốt cho gan chẳng hạn như trà xanh, nhọ nồi, nhân trần, actiso, cà gai leo…
- Nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày. Ăn nhiều hơn vào buổi sáng để hạn chế tình trạng đầy bụng, buồn nôn. Bữa ăn cuối cùng trong ngày nên cách giờ đi ngủ khoảng 3-4 tiếng.
Tóm lại, với người bệnh ở giai đoạn xơ gan mất bù thì đã ở giai đoạn rất nghiêm trọng. Việc ăn uống ở giai đoạn này cần thực sự nghiêm ngặt.
☛ Đọc thêm: Xơ gan mất bù
Những thực phẩm nên ăn
Những thực phẩm có protein khuyên dùng
Bệnh nhân xơ gan nên ưu tiên sử dụng protein từ thực vật, nó sẽ chứa nhiều arginie giúp làm giảm nồng độ amoniacs máu nhờ làm tăng tổng hợp ure. Người xơ gan còn bù và đã ổn định bệnh có thể ăn 1,2g/kg cân nặng/ngày, xơ gan mất bù chỉ nên sử dụng 0,8g/kg cân nặng/ngày. Những thực phẩm chứa nhiều protein tốt được kể đến gồm: thịt lợn nạc, thịt gà nạc, thịt cá nạc, sữa tách bơ, các loại đỗ, tàu hũ, sữa đậu nành.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Rau củ, trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào giúp người bệnh tăng cường và phục hồi chức năng gan. Các loại rau củ, trái cây gồm: Rau chân vịt, rau họ cải, măng tây, bơ, cam, quýt, bưởi, việt quất, nho, chuối…
☛ Đọc thêm: Xơ gan nên ăn hoa quả gì tốt nhất?
Bổ sung probiotic
Uống bổ sung probiotic (sữa chua, sữa lên men…) giúp làm giảm amoniac và nội độc tố máu, giảm sản xuất các yếu tố gây viêm và cải thiện chức năng gan.
Tăng cường chất xơ
Chất xơ có lợi cho tiêu hóa, giúp giải độc gan, loại bỏ các độc tố ra ngoài cơ thể, cân bằng dinh dưỡng. Chế độ ăn nhiều rau xanh và trái cây thô giúp bổ sung chất xơ để giảm nồng độ amoniac trong máu. Sự kết hợp giữa chất xơ và probiotic giúp giảm biến chứng não gan. Ngoài ra, rau còn chứa rất nhiều acid amin thực vật như arginin giúp tăng cường chuyển hóa ure.
Thực phẩm giàu Omega 3
Omega 3 có nhiều trong cá mòi, cá hồi, cá thu, cá ngừ. Những loại thực phẩm rất này tốt cho hệ tiêu hóa, giúp giảm tải hoạt động của gan, từ đó hỗ trợ điều trị xơ gan cực tốt. Omega 3 là một trong những hoạt chất được các bác sĩ khuyến cáo người bệnh xơ gan bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa
Người bệnh xơ gan nên bổ sung các chất chống oxy hóa như vitame E, kẽm, carotenoids (có nhiều trong cà rốt) và vitamin nhóm B vào trong chế độ ăn uống bởi các chất này có thể bảo vệ tế bào gan khỏi bị tổn thương, loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể.
Phương thức chế biến món ăn cho người xơ gan có thể đa dạng, ngoại trừ chiên rán, quay, nướng. Thực phẩm cần được thái nhỏ, nấu nhừ, chú ý màu sắc, hương vị để kích thích ăn ngon miệng, nhưng phải ít dùng hoặc không dùng gia vị kích thích.
Người bệnh xơ gan không nên ăn gì?
Bia rượu
Người bệnh xơ gan tuyệt đối không uống rượu, bia, vì chất cồn trong bia rượu chính là tác nhân trực tiếp làm tổn thương tế bào gan, gây viêm và hình thành các tổ chức xơ.
Đồ uống nhiều đường
Đồ uống nhiều đường sẽ làm tăng mức đường trong máu, tăng nguy cơ mỡ gan… từ đó làm tăng sự phát triển xơ gan. Thay vì các loại thức uống chứa nhiều đường, người bệnh nên uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Đạm động vật
Ăn nhiều đạm động vật sẽ làm tăng gánh nặng chuyển hóa của gan, tăng sản sinh amoniac và nguy cơ dẫn đến bệnh não gan, hôn mê gan.
Mỡ động vật
Người xơ gan nên tránh ăn mỡ động vật, bơ mà thay bằng dầu hoặc bơ thực vật. Lượng mỡ nhiều sẽ gây tích lũy ở gan và làm tăng tiến triển xơ gan.
Đồ ăn mặn
Bệnh nhân bị bụng báng phải hạn chế ăn muối, nước tương, nước mắm, chao và tất cả những thức ăn có vị mặn. Vì muối tăng khả năng giữ nước khiến bệnh trầm trọng hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn nhạt sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân xơ gan mất bù. Lượng muối natri không vượt quá 1.000 mg mỗi ngày, tương đương khoảng 2,5 g muối ăn. Hạn chế ăn những thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn và những thức ăn bán ngoài hàng ăn vì chúng chứa nhiều muối và nhiều bột ngọt. Nên nhớ rằng, bột ngọt cũng có nhiều muối natri trong đó.
Các loại thịt cứng
Bệnh nhân xơ gan do áp lực tĩnh mạch cửa tăng cao mà gây giãn tĩnh mạch ở các mức độ khác nhau, chủ yếu có giãn tĩnh mạch thực quản, dạ dày… Nếu ăn uống không chú ý, rất dễ làm cho những tĩnh mạch đang giãn bị vỡ, xuất huyết đường tiêu hóa, dẫn đến hôn mê gan. Vì vậy người bệnh xơ gan cần tránh ăn những loại thịt cứng, có sụn hoặc có xương, những thức ăn này rất dễ làm tổn thương tĩnh mạch bộ giãn, dễ gây xuất huyết đường tiêu hóa …
Đồ ăn cay nóng, gia vị kích thích
Với những thức ăn cay nóng hay chứa các gia vị kích thích như hành, gừng, ớt… nên ăn ít thì tốt hơn, bởi chúng sẽ làm cho thấp nhiệt ở gan nặng thêm, khiến cho các triệu chứng lâm sàng càng nặng hơn.
Lưu ý khác :
- Người bệnh cần tuân thủ đúng theo chỉ định điều trị mà bác sĩ đưa ra. Không tự ý thay đổi liều lượng thuốc hay tự ý dừng thuốc mà chưa được sự đồng ý từ bác sĩ. Nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống và lịch kiểm tra định kỳ.
- Duy trì mức cân nặng ổn định, nếu người bệnh đang bị béo phì hay thừa cân thì hãy tìm đến những phương pháp giảm cân khoa học. Giảm cân là một trong những yếu tố giảm thiểu nguy cơ xơ gan. Tuy nhiên, không nên giảm cân quá nhanh hoặc giảm cân mất kiểm soát vì điều này có thể gây áp lực cho gan.
- Tránh tiếp xúc với các chất có hại cho gan như hóa chất công nghiệp, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc nhuộm… Điều này sẽ giúp bảo vệ gan khỏi các tổn thương.
- Duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giảm stress, ngủ đủ giấc, không sử dụng các chất kích thích gây hại cho sức khỏe.
- Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc tây hay thuốc đông y, thuốc nam… cũng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ vì một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan và có tương tác xấu với các thuốc điều trị xơ gan.
- Người bệnh cần thực hiện các kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự tiến triển của bệnh cũng như có thể điều chỉnh chế độ điều trị và chăm sóc kịp thời.
Kết luận:
Trên đây là bài viết chia sẻ về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh xơ gan theo từng giai đoạn của Viemgan.com.vn . Nếu bạn thấy bài viết là hữu ích, hãy like hoắc share để chúng tôi có nhiều động lực chia sẻ kiến thức hơn mỗi ngày.
Nếu còn bất cứ vấn đề nào thắc mắc về bệnh xơ gan, các bạn có thể gọi về hotline 18001190 (miễn cước) để được giải đáp.
Nguồn tham khảo:
https://www.verywellhealth.com/what-is-the-best-diet-for-cirrhosis-1760062