Chỉ số ALT được sử dụng nhằm đánh giá tình trạng tổn thương gan cũng như các vấn đề sức khỏe có liên quan. Nhiều người không khỏi lo lắng khi nhận kết quả chỉ số ALT tăng cao. Vậy chỉ số ALT bao nhiêu là cao? ALT cao phản ánh điều gì? Mời bạn đọc tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Mục lục
Chỉ số ALT là gì?
ALT (GPT) được biết đến với tên gọi là alanine aminotransferase hoặc Glutamate Pyruvate Transaminase (GPT). Đây là một enzyme quan trọng của hệ thống gan, có vai trò quan trọng trong việc đánh giá chức năng gan. Cùng với AST, ALT tạo thành một cặp enzyme giúp xác định tình trạng gan của bạn thông qua các xét nghiệm máu.
ALT tham gia vào quá trình chuyển hóa các amino acid (chẳng hạn như alanine và pyruvate). Enzyme này cũng đảm nhận vai trò trong chuyển đổi alanin thành pyruvate và ngược lại. Bên cạnh đó, ALT còn là thành phần của hệ thống enzyme trong gan, tham gia vào chuyển hóa và cân bằng hóa chất trong cơ thể.
ALT thường được tìm thấy chủ yếu trong các tế bào gan, một ít tại thận, tim và cơ xương. Ở người khỏe mạnh, nồng độ ALT trong máu ở mức thấp. Tuy nhiên, khi gan bị tổn thương, ALT được giải phóng vào máu khiến chỉ số này tăng cao trong các xét nghiệm máu. Nồng độ ALT càng cao đồng nghĩa với việc gan bị tổn thương càng nghiêm trọng.
Do đó, dựa vào đo lường chỉ số ALT (GPT) thông qua xét nghiệm máu giúp bác sĩ nắm được các thông tin về chức năng gan của người bệnh, từ đó giúp đánh giá tình trạng gan và sức khỏe tổng thể của cơ thể. Việc theo dõi chỉ số này là một phần quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có liên quan tới gan.
Chỉ số ALT cao là bao nhiêu?
Thông thường, ở người khỏe mạnh chỉ số ALT dao động từ 10 – 40 UI/L được cho là ở mức bình thường. Chỉ số ALT tăng được phân thành các mức khác nhau như sau:
ALT tăng nhẹ và trung bình
Khi xét nghiệm cho kết quả chỉ số ALT trong máu tăng dưới 4 lần so với bình thường, bác sĩ đánh giá ALT tăng nhẹ tới trung bình. Tình trạng này thường xảy ra ở người bệnh viêm gan cấp và mạn tính, người xơ gan nhẹ hoặc gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, thói quen uống rượu bia nhiều, có khối u ở gan cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ALT trong máu tăng nhẹ, trung bình.
Khi có kết quả này bệnh nhân không nên chủ quan mà cần theo dõi thường xuyên để phát hiện ra những bất thường của sức khỏe để có biện pháp xử trí sớm.
ALT tăng cao
Đặc biệt khi chỉ số ALT trong máu đạt ngưỡng 5000 UI/L, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị có nguy cơ sốc gan hoặc suy gan cấp đe dọa trực tiếp tính mạng của bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nhân có mức ALT quá cao, việc điều trị là bắt buộc. Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ, sau khoảng 3 – 6 tháng chức năng gan dần ổn định.
Thực tế, ngưỡng bình thường của ALT có thể thay đổi tùy theo phương pháp kiểm tra và các yếu tố khác nhau như tuổi, giới tính và trạng thái sức khỏe tổng thể của người đó. Do đó, việc xác định mức độ nguy hiểm của chỉ số ALT cần được đánh giá kết hợp với các yếu tố khác như dấu hiệu lâm sàng, kết quả cận lâm sàng tổng thể và tiền sử bệnh lý.
Chỉ số ALT tăng cao phản ánh điều gì?
Chỉ số ALT trong máu tăng cao thường là dấu hiệu cảnh báo các tế bào gan đã bị tổn thương và đây là tình trạng chung của những người bệnh gan. Khi gan bị tổn thương khiến men gan (trong đó có ALT) bị rò rỉ ra bên ngoài và xâm nhập vào máu. Vì vậy, ALT trong máu cao rất có thể cơ thể đang gặp các vấn đề liên quan tới gan. Tuy nhiên, vì ALT không chỉ xuất hiện ở gan mà còn ở thận, cơ bắp, tim. Cho nên khi kết quả ALT trong máu cao hơn bình thường không phải mặc định bạn gặp vấn đề ở gan mà còn có nguyên nhân khác nữa.
Thông thường, chỉ số ALT tăng cao thường phản ánh những vấn đề như sau:
Bệnh lý về gan:
- Viêm gan virus: Viêm gan virus A, B, C, D, E có thể là những nguyên nhân chính khiến men gan tăng cao đột ngột. Do đó, khi chỉ số ALT cao có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đã bị nhiễm virus viêm gan. Khi virus xâm nhập vào gan phá hủy các tế bào gan, khiến gan tổn thương nghiêm trọng khiến men gan giải phóng vào máu nhiều. Đây là nguyên nhân khiến ALT tăng cao.
- Xơ gan: Hiện tượng xơ gan do viêm gan mạn tính, rượu bia hoặc các yếu tố khác làm tăng mức ALT khiến gan hoạt động không bình thường.
Bệnh về đường mật: ALT tăng cao cũng có thể cảnh báo bạn đang đối mặt với các bệnh về đường mật bao gồm sỏi mật, nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật, khối u của đường mật…
Nhiễm độc gan:
- Nhiễm độc thuốc: Khi ALT tăng cao không loại trừ khả năng bạn sử dụng thuốc quá liều hoặc dùng dài ngày như paracetamol và acetaminophen gây tổn thương gan và tăng mức ALT.
- Nhiễm độc hóa chất: Khi phải tiếp xúc trong khoảng thời gian dài với các hóa chất độc hại hoặc các chất ô nhiễm gây tăng ALT do tổn thương gan.
Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không lành mạnh:
Khi chế độ ăn uống không lành mạnh bao gồm sử dụng đồ ăn nhiều chất béo, đồ uống có cồn, đồ ăn chế biến sẵn gây tăng ALT. Bên cạnh đó, những người béo phì và có cân nặng cao có thể tăng chỉ số ALT, đặc biệt là người mắc mỡ máu và gan nhiễm mỡ. ALT có thể tăng ở người có thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia quá mức.
Yếu tố di truyền:
Có yếu tố di truyền ở bệnh lý về gan khiến mức ALT tăng cao khi còn nhỏ hoặc từ khi mới sinh ra.
Bệnh lý khác:
Một số bệnh lý như sốt rét, suy tim, viêm tụy, tiểu đường… có thể làm gián đoạn quá trình chuyển hóa chất trong gan khiến men gan tăng cao. Một khi các chỉ số men gan như ALT tăng cao, bác sĩ cũng có thể nghi ngờ bạn đang gặp phải bệnh lý trên.
☛ Tham khảo thêm: Chỉ số ALT thấp cảnh báo điều gì?
ALT cao có nguy hiểm không?
Khi chỉ số ALT tăng cao cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe, nếu không được phát hiện sớm có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Phải kể đến như:
- ALT tăng cảnh báo bệnh lý: Nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, viêm túi mật, tiểu đường… khiến chỉ số ALT tăng cao và gây ảnh hưởng tới sức khỏe ở nhiều mức độ khác nhau.
- ALT tăng làm giảm tuổi thọ: ALT trị số tăng gấp 2 lần làm tăng 21% nguy cơ tử vong và khi trị số tăng hơn gấp đôi tăng nguy cơ tử vong lên tới 59%.
- Tăng nguy cơ biến chứng: ALT tăng cao mà không có biện pháp điều trị để cải thiện có thể gây ra các biến chứng như xơ gan, u gan…
Có nhiều nguyên nhân gây tăng ALT như viêm gan, xơ gan, uống rượu bia quá mức, tiểu đường, béo phì, sử dụng thuốc không phù hợp hoặc gan bị tổn thương do một số nguyên nhân khác. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây tăng của ALT cũng như mức độ tăng của nó và sức khỏe tổng thể của bạn.
Điều trị đưa chỉ số ALT tăng cao về an toàn?
ALT cao cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp nếu không có biện pháp can thiệp có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Do đó, khi đối mặt với chỉ số ALT cao bạn cần thực hiện như sau để đưa chỉ số này về mức an toàn:
Thăm khám tìm nguyên nhân ALT cao
Để điều trị và đưa chỉ số ALT cao về mức an toàn, điều quan trọng nhất là tìm ra nguyên nhân gây tăng ALT. Bạn cần thực hiện buổi kiểm tra y tế để đánh giá tình trạng sức khỏe của mình và tìm nguyên nhân gốc rễ gây ra ALT tăng cao.
Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu lâm sàng mà bạn gặp phải, chế độ ăn uống sinh hoạt, sử dụng thuốc, bệnh sử kèm theo. Sau đó, chỉ định một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Điều trị dựa vào nguyên nhân
Sau khi thăm khám xác định chính xác nguyên nhân khiến chỉ số ALT tăng cao, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị sao cho phù hợp với từng đối tượng bệnh nhân.
– ALT cao do chế độ ăn uống, sinh hoạt: Bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho hợp lý, cân bằng giữa các nhóm chất. Bên cạnh đó, hạn chế các thói quen xấu gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
– ALT cao do nhiễm độc gan:
- ALT do sử dụng thuốc quá liều hoặc trong thời gian dài: Cần hỏi ý kiến bác sĩ về loại thuốc cũng như liều lượng, thời gian để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Không tự ý sử dụng các loại thuốc hạ men gan khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên môn.
- ALT do nhiễm độc hóa chất: Cần tránh xa môi trường ô nhiễm hoặc môi trường chứa hóa chất độc hại để hạn chế tổn hại gan. Đồng thời điều trị theo hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
– ALT do bệnh lý:
Tùy từng trường hợp bệnh lý và thể trạng của bệnh nhân mà bác sĩ lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Các phương pháp điều trị thường bao gồm sử dụng thuốc, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt…
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Một chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt khoa học không chỉ là chìa khóa mang lại sức khỏe tốt mà còn giúp đưa ALT về an toàn. Sau đây là một số gợi ý:
- Giảm tiêu thụ đồ uống có cồn: Nếu bạn đang tiêu thụ quá mức rượu bia hãy cân nhắc giảm hoặc ngừng uống hoàn toàn. Bởi các loại đồ uống này có thể gây tổn thương gan và làm tăng ALT.
- Đảm bảo cân nặng lành mạnh: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về gan. Để sở hữu cân nặng khỏe mạnh bạn nên thực hiện chế độ ăn uống cân đối, tập luyện đều đặn mỗi ngày.
- Hạn chế đường, đồ ăn có chứa đường: Tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây béo phì và tiểu đường, điều này vô tình làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của gan. Hạn chế các đồ ăn chứa đường như bánh kẹo ngọt, đồ uống có ga, nước ngọt…
- Tăng cường bổ sung rau củ và trái cây: Các loại rau củ và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, chất xơ và các chất chống oxy hóa giúp làm sạch cơ thể khỏi các chất độc hại đồng thời hỗ trợ chức năng gan hiệu quả.
- Hạn chế chất béo, đồ ăn sẵn: Giảm tiêu thụ các loại đồ ăn này giúp giảm mức độ ALT. Thay vào đó, bạn nên tăng tiêu thụ các loại đồ ăn chứa chất béo không bão hòa như omega 3 có trong các loại hạt, dầu oliu, cá giàu omega 3.
- Tập thể dục đều đặn: Giữ thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp bạn giảm mức ALT và cải thiện sức khỏe. Duy trì tập luyện 30 phút mỗi ngày với các bài tập phù hợp với sức khỏe của bạn như đi bộ, yoga, bơi lội…