Chào bác sĩ,
Em năm nay 24 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Em đang có ý định chích vacxin ngừa viêm gan B nhưng còn một số thắc mắc mong bác sĩ giải đáp. Đó là chích ngừa viêm gan B bao nhiêu mũi là đủ? Chích ngừa ở đâu uy tín? Và em có phải lưu ý gì khi chích ngừa viêm gan B không?
Em cảm ơn! Mong nhận được phản hồi sớm từ bác sĩ.
Hồng Đăng – Từ Liêm, Hà Nội
Mục lục
Trả lời:
Chào bạn Hồng Đăng, cảm ơn bạn đã chia sẻ những thắc mắc đang gặp phải về cho chúng tôi. Rất nhiều người có ý định chích vacxin ngừa viêm gan B cũng có cùng câu hỏi như bạn, muốn biết là “chích ngừa viêm gan B bao nhiêu mũi là đủ?” Về vấn đề này, các chuyên gia xin giải đáp như sau:
Tại sao cần tiêm phòng viêm gan B?
Viêm gan B là bệnh lý lây truyền về gan, nguyên nhân do virus viêm gan B (HBV) dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Điều đáng tiếc là tới nay vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc nào điều trị triệt để được bệnh lý này. Bất cứ ai cũng có thể là “nạn nhân” của virus HBV, từ trẻ sơ sinh cho tới người già nếu không có biện pháp dự phòng hiệu quả.
Theo số liệu nghiên cứu, tại nước ta tỷ lệ lưu hành kháng nguyên HBsAg dao động từ 10 – 20%. Phụ nữ mang thai có tỷ lệ HBsAg vượt quá 10%. Người mẹ bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ lây cho thai nhi từ 10 – 90%. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm viêm gan B từ người mẹ, tỷ lệ trở thành bệnh mạn tính lên tới 90%. Và khoảng 25% trong số đó tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
Do đó việc phòng ngừa viêm gan B trở nên cực kỳ cấp thiết. Việc tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu giúp ngăn chặn sự lây lan của HBV trong cộng đồng. Sau đây là những lợi ích khi tiêm phòng viêm gan B:
- Ngăn ngừa lây nhiễm: Tiêm đủ số mũi và đúng phác đồ, cơ thể có kháng thể ngăn ngừa nhiễm HBV bảo vệ bạn khỏi nguy cơ lây bệnh.
- Ngăn ngừa biến chứng: Viêm gan B khiến bạn đối mặt với các biến chứng nguy hiểm về sức khỏe như xơ gan, ung thư gan. Việc tiêm vắc xin phòng bệnh giúp giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
- Ngăn chặn lây lan trong cộng đồng: Virus viêm gan B có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau như máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Tiêm phòng giúp ngăn chặn sự lây lan của virus từ người này sang người khác.
- Giảm tải gánh nặng với ngành y tế: Viêm gan B được coi là vấn đề y tế nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng nặng nề đối với sức khỏe. Thực hiện tiêm phòng viêm gan B đầy đủ là bạn đã góp phần giảm tải gánh nặng đối với ngành y tế.
Tiêm vắc xin phòng viêm gan B không chỉ bảo vệ bản thân khỏi virus HBV mà còn ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Do đó, bạn cần chủ động tiêm phòng viêm gan B theo đúng phác đồ của Bộ y tế hoặc hướng dẫn của bác sĩ nhằm mang lại những giá trị tích cực đối với sức khỏe cá nhân và công động. Khi thực hiện đủ liệu trình tiêm phòng viêm gan B, hiệu quả phòng bệnh lên tới 80 – 100%, kéo dài 10 – 20 năm.
Chích ngừa viêm gan B bao nhiêu mũi tùy thuộc loại vắc xin
1. Đối với vắc xin Engerix B 20mcg/1ml
Vắc xin do công ty GlaxoSmithKline (Bỉ) sản xuất, được dùng để phòng ngừa viêm gan B cho người từ 20 tuổi trở lên. Phác đồ tiêm chủng như sau:
Phác đồ 1: 3 mũi
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1.
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi 2.
Phác đồ 2: 4 mũi tiêm, được dành cho các đối tượng cần hiệu quả bảo vệ nhanh ( người bị đâm phải kim tiêm nghi ngờ nhiễm virus viêm gan B hoặc chuẩn bị đi vào vùng có tỷ lệ mắc viêm gan B cao…)
- Mũi 1: lần đầu đến tiêm.
- Mũi 2: sau mũi 1 bảy ngày.
- Mũi 3: sau mũi 2 (21 ngày).
- Mũi 4: 12 tháng sau mũi 1.
Phác đồ 3: 4 mũi tiêm và dành cho bệnh nhân suy thận hoặc đang thẩm phân máu, tiêm với lượng Engerix B liều gấp đôi (2x20mcg)
- Mũi 1: Vào thời điểm chỉ định.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2.
- Mũi 4: 12 tháng sau mũi 1.
2. Đối với vắc xin Heberbiovac HB
Vắc xin Heberbiovac HB được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Center for Genetic Engineering and Biotechnology (C.I.G.B) – Cuba. Liều tiêm cho người lớn Heberbiovac 1ml với phác đồ như sau:
Phác đồ 1: 3 mũi tiêm
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi 2.
Phác đồ 2: 4 mũi tiêm được sử dụng có người có nguy cơ nhiễm bệnh trực tiếp với lịch trình như sau
- Mũi 1: lần đầu tiên tiêm
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2.
- Mũi 4: 12 tháng sau mũi 1.
Phác đồ 3: 4 mũi tiêm vắc xin Heberbiovac HB, dành cho người suy giảm miễn dịch, suy thận, thẩm phân phúc mạc
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 2 tháng sau mũi 1
- Mũi 4: 6 tháng sau mũi 1
3. Đối với vắc xin Euvax B
Vắc xin Euvax được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Sanofi Pasteur (Pháp), sản xuất tại Hàn Quốc. Euvax 1ml được chỉ định tiêm phòng viêm gan B cho các đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Lịch trình tiêm cụ thể như sau:
Phác đồ 1: 3 mũi
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: một tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi 2.
Phác đồ 2: 4 mũi, dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm virus viêm gan B, người đi du lịch tới các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
- Mũi 1: lần đầu tiên.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2
- Mũi 4: 12 tháng sau mũi 1.
4. Vắc xin Gene – HBvax
Vắc xin Gene – HBvax được sản xuất bởi Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Việt Nam). Gene HBvax (lọ 1ml) dùng cho đối tượng trên 10 tuổi. Lộ trình tiêm như sau:
Phác đồ 1: 4 mũi tiêm
- Mũi 1: lần đầu tiên.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1
- Mũi 3: 1 tháng sau mũi 2.
- Mũi 4: 12 tháng sau mũi 1.
Phác đồ 2: 4 mũi
- Mũi 1: Mũi đầu tiên.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1.
- Mũi 3: 5 tháng sau mũi 2
- Mũi nhắc lại: 5 năm sau kể từ khi tiêm mũi đầu tiên.
Tuy nhiên, trước khi tiêm vacxin, các bạn cần phải làm xét nghiệm HBsAg và anti-HBs để xem cơ thể đã bị nhiễm virus HBV hay đã có kháng thể kháng virus viêm gan B chưa. Tùy vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn có nên tiêm vacxin hay không.
✦ Nếu HBsAg (+) nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B. Lúc này, không được tiêm vacxin vì việc tiêm ngừa không mang lại hiệu quả. Các bác sĩ sẽ làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác để quyết định cho bạn điều trị hoặc theo dõi.
✦ Nếu HBsAg (-) và anti-HBs (+) tức là trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B nên không cần phải tiêm vacxin nữa.
✦ Nếu HBsAg (-) và anti-HBs (-) nghĩa là chưa bị nhiễm viêm gan B và cũng chưa có kháng thể. Lúc này, cần tiêm vacxin để phòng bệnh.
☛ Tham khảo thêm tại: Tiêm phòng viêm gan B có bị lây nữa không?
Tiêm vacxin viêm gan B ở đâu uy tín?
Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là điều cần thiết đối với mỗi người. Địa chỉ tiêm phòng cũng khá phong phú, bạn có thể lựa chọn các địa chỉ như:
Trạm y tế xã, phường nơi cư trú
Tiêm vắc xin phòng viêm gan B được thực hiện tại các trạm y tế của xã, phường nơi bạn cư trú. Thực hiện các mũi tiêm theo đúng lịch và đầy đủ đúng quy định của Bộ Y tế giúp bạn bảo vệ cơ thể trước virus viêm gan B.
Bệnh viện uy tín
Hiện nay, tại các bệnh viện lớn đều có dịch vụ tiêm vắc xin phòng bệnh. Nếu ở Hà Nội, bạn có thể lựa chọn các địa chỉ như: Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bệnh viện Nhi Trung ương, trung tâm Tiêm chủng trực thuộc Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh viện Việt Pháp, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, phòng tiêm chủng – Trường Đại Học Y Hà Nội…
Hệ thống tiêm chủng dịch vụ
Bạn có thể tới các hệ thống tiêm chủng lớn trên cả nước để tiêm phòng viêm gan B. Một số hệ thống tiêm chủng dịch vụ hiện nay kể đến như Hệ thống tiêm chủng VNVC, Trung tâm tiêm chủng Long Châu…
Lưu ý khi tiêm phòng viêm gan B
Để việc tiêm vacxin viêm gan B an toàn, mang lại hiệu quả phòng bệnh cao, người tiêm cần lưu ý những vấn đề sau:
- Cần tuân thủ đúng lịch tiêm vacxin ngừa viêm gan B theo chỉ định của bác sĩ để hiệu quả phòng bệnh tối ưu.
- Sau khi tiêm xong, người tiêm nên ở lại cơ sở tiêm khoảng 30 phút để theo dõi thêm. Nếu xuất hiện các biểu hiện như co giật, dị ứng, sốc phản vệ còn được cấp cứu kịp thời.
- Người chích vacxin ngừa viêm gan B có thể sẽ gặp phải một số phản ứng phụ sau tiêm như mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, vết tiêm sưng đỏ,… Vây nhưng, đây chỉ là những triệu chứng cơ bản, thường gặp và sẽ tự hết sau 1-3 ngày.
- Người tiêm cần vệ sinh sạch sẽ vết tiêm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
- Nên mặc những trang phục rộng rãi, thoải mái, hạn chế cọ sát nhiều vào vết tiêm.
- Khi đi tiêm vacxin không nên nhịn đói hoặc ăn quá no..
- Những đối tượng bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của vacxin thì cần chống chỉ định tiêm ngừa vacxin viêm gan B.