Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan B có thể tiến triển thành suy gan, xơ gan… rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Thực tế phần lớn, bệnh nhân chỉ đi thăm khám khi tình trạng viêm gan B đã khá nặng khiến việc điều trị cũng khó khăn hơn. Vậy dấu hiệu nhận biết viêm gan B là gì? Cùng tham khảo ngay sau đây nhé.
Mục lục
Nhiễm virus viêm gan B bao lâu có triệu chứng?
Viêm gan B là bệnh lý về gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra dẫn tới các tổn thương chức năng gan. Virus HBV xâm nhập vào cơ thể thông qua các con đường chính là đường máu, đường quan hệ tình dục và lây truyền từ mẹ sang con. Thời gian ủ bệnh của virus từ 1- 4 tháng, có thể ngắn khoảng 2 tuần và hiếm khi kéo dài trên 6 tháng. Sau thời gian ủ bệnh, virus viêm gan B sẽ gây ra bệnh viêm gan B.
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trở thành viêm gan B cấp tính khá cao. Giai đoạn này bệnh chưa gây nguy hiểm đến sức khỏe nếu hệ miễn dịch ổn định, sức đề kháng cao. Virus sẽ nhanh chóng bị đào thải và bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch kém, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn mạn tính, nguy cơ dẫn tới các biến chứng gây nguy hiểm đối với sức khỏe.
Rất nhiều trường hợp bị nhiễm virus viêm gan B không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Vì thế, bên cạnh theo dõi và điều trị bệnh nhân cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh để tránh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.
Dấu hiệu viêm gan B cần biết
Trước khi trình bày các dấu hiệu nhận biết viêm gan B, cần ghi nhớ rằng viêm gan B có 2 dạng:
- Viêm gan B cấp tính: Đây là giai đoạn đầu của viêm gan B, bệnh khởi phát đột ngột, thời gian lâm bệnh ngắn và có 90% người bệnh khỏi hoàn toàn và có được kháng thể miễn dịch suốt đời.
- Viêm gan B mạn tính: Sau đợt viêm gan B cấp, nếu cơ thể không đẩy lùi virus viêm gan B bệnh tiến triển thành mạn tính. Có khoảng 10% người viêm gan B cấp sẽ chuyển sang viêm gan B mạn. Người bệnh sẽ phải chung sống với virus viêm gan B suốt đời, các biện pháp điều trị không tiêu diệt hoàn toàn virus mà chỉ giúp ngăn chặn virus sinh sôi, giảm nguy cơ biến chứng của bệnh.
Dấu hiệu viêm gan B cấp tính
Theo Hội Y học Dự phòng TPHCM, với viêm gan virus B cấp, có tới 70% bệnh nhân có thể hoàn toàn không có triệu chứng hay không vàng da, 30% có vàng da. Ngoài ra, có 0,1- 0,5% người bị viêm gan thể bùng phát gây suy gan cấp rất nguy hiểm.
Người mắc viêm gan B cấp tính có thể xuất hiện các biểu hiện như:
- Cơ thể mệt mỏi: Sau khi virus HBV xâm nhập vào cơ thể chúng sẽ tấn công vào đường máu và các tế bào gan gây rối loạn chuyển hóa chức năng gan. Vì vậy, người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
- Sút cân: Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi khiến người bệnh ăn uống kém, ăn không ngon miệng từ đó khiến cân nặng suy giảm nhanh chóng.
- Rối loạn tiêu hóa: Ăn uống kém, chán ăn hoặc bỏ ăn, tiêu chảy, đặc biệt là khi ăn các thực phẩm có chứa nhiều chất béo và đạm.
- Sốt nhẹ: Những ngày đầu nhiễm virus viêm gan B người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ, có xu hướng sốt vào buổi chiều. Tuy nhiên, dấu hiệu này không nổi bật nên dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
- Đau tức vùng gan: Bệnh nhân có cảm giác đau có thể do gan phình to do viêm gây ra. Tùy thuộc vào cơ địa mỗi người mà mức độ đau có thể không giống nhau, vận động sẽ cảm thấy đau hơn.
- Vàng da: Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở người bệnh viêm gan B. Màu da càng sẫm màu hơn có nghĩa là bệnh ngày càng nặng.
- Các triệu chứng khác: Đau nhức xương khớp, nước tiểu sẫm màu, trường hợp nặng diễn tiến sang suy gan.
Trong đó, các triệu chứng đặc hiệu của viêm gan B là vàng da, vàng mắt, ngứa, sưng đau vùng gan. Các triệu chứng không đặc hiệu là mệt mỏi, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, sút cân, chán ăn, sốt, đau khớp… Tùy từng bệnh nhân có thể trải qua các dấu hiệu khác nhau và không phải tất cả các triệu chứng đều xuất hiện ở một bệnh nhân.
Triệu chứng viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn là giai đoạn nguy hiểm hơn so với cấp tính. Bệnh thường tiềm ẩn trong thời gian dài, có thể lên tới từ 15 – 30 năm mà bệnh nhân ít có triệu chứng đặc hiệu, chức năng gan phá hủy từ từ và có nguy cơ cao dẫn tới biến chứng xơ gan, ung thư gan.
Tương tự như giai đoạn cấp tính, viêm gan B mạn tính thường ít xuất hiện các triệu chứng cụ thể. Nhưng bạn hoàn toàn có thể phát hiện thông qua các thay đổi nhỏ của cơ thể, bao gồm:
- Mệt mỏi, chán ăn
- Có cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên.
- Buồn nôn hoặc khó chịu về đường tiêu hóa, đặc biệt là sau khi ăn.
- Vàng da, vàng mắt
- Ngứa da, nổi mụn
- Cơ thể đau nhức…
Khi bệnh nhân viêm gan B mạn gây biến chứng sẽ xuất hiệu bằng chứng, các dấu hiệu có thể xuất hiện bao gồm:
- Lá lách sưng to.
- Xuất hiện các mạch máu hình mạng nhện nhỏ hay còn gọi là u mạch mạng nhện.
- Đỏ phần lòng bàn tay.
- Hiện tượng cổ trướng (tụ dịch trong ổ bụng).
- Dễ chảy máu (rối loạn đông máu) do gan tổn thương nên không thể tổng hợp đủ các protein giúp máu đông.
Viêm gan B mạn tính có thể kéo dài trong nhiều năm mà không gây ra các triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng (biến chứng xơ gan, ung thư gan…) mới có dấu hiệu rõ ràng. Do đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và theo dõi gan thông qua các xét nghiệm máu rất quan trọng đối với người mắc viêm gan B.
☛ Tham khảo thêm tại: Phân biệt viêm gan B cấp tính và mãn tính
Triệu chứng viêm gan B kéo dài bao lâu?
Các dấu hiệu của viêm gan B diễn tiến theo 2 giai đoạn: Cấp tính và mạn tính, trong đó:
Đối với giai đoạn cấp tính: Các triệu chứng lâm sàng kéo dài trung bình từ 4 – 6 tuần sau đó đỡ dần và biến mất. Sau 6 tháng kể từ khi xác nhận nhiễm HBV, có tới 90% bệnh nhân khỏi bệnh mà không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Hệ thống miễn dịch sẽ loại bỏ virus viêm gan B ra khỏi cơ thể, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn và các triệu chứng sẽ biến mất.
Đối với giai đoạn mạn tính: Ở giai đoạn này, virus viêm gan B sẽ không bị đào thải mà sống trong cơ thể chúng ta suốt đời. Các triệu chứng viêm gan B mạn có thể xảy ra từng đợt giống viêm gan cấp khi virus HBV phát triển mạnh hoặc xảy ra biến chứng.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm gan B cần làm gì?
Các dấu hiệu của viêm gan B rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần làm thực hiện:
Thăm khám sớm
Khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường bạn cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện uy tín để thăm khám và xác định có bị mắc viêm gan B hay là vấn đề sức khỏe khác. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm để xác định rõ tình trạng bệnh. Dựa trên các kết quả xét nghiệm, bác sĩ cho bạn biết các thông tin như:
- Bạn có bị viêm gan B hay không?
- Bạn đã từng nhiễm virus viêm gan B nhưng đã tự khỏi?
- Cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus viêm gan B hay chưa?
- Nếu bị viêm gan B đang giai đoạn nào, cấp hay mạn tính.
Nếu bạn chưa mắc viêm gan B hoặc cơ thể chưa có miễn dịch, bác sĩ sẽ tư vấn bạn tiêm vắn xin phòng bệnh để cơ thể có kháng thể trước virus viêm gan B. Trường hợp chẩn đoán mắc viêm gan B, tùy thuộc vào tình trạng mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị sao cho hợp lý.
☛ Tham khảo thêm tại: Tiêm vắc xin phòng viêm gan B
Thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt
Xây dựng một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh là biện pháp hữu hiệu giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh lý về gan. Ngay cả với bệnh nhân viêm gan B duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý góp phần tích cực trong điều trị bệnh. Sau đây là một số gợi ý về ăn uống và sinh hoạt dành cho bạn:
- Cần xây dựng chế độ ăn cân đối giữa các nhóm chất, bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng bao gồm rau củ, các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gia cầm không mỡ, cá, các loại đậu và hạt, sữa chua không đường…
- Hạn chế sử dụng rượu bia, các đồ uống có cồn, đồ uống có ga và chất kích thích để bảo vệ gan.
- Tránh hút thuốc lá để hạn chế gây hại tới gan.
- Tránh ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo có hại như đồ chế biễn sẵn, đồ ăn chiên xào… gây rối loạn chuyển hóa mỡ.
- Uống đủ nước mỗi ngày từ 1,5 – 2,5 lít nước.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày để cải thiện sức khỏe toàn diện và hỗ trợ chức năng gan. Một số bài tập bạn nên thực hiện như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc để đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái khỏe mạnh.
- Giữ cân nặng lành mạnh bởi tăng cân có thể gây căng thẳng cho gan, tăng nguy cơ viêm gan.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc với máu hoặc chất lỏng của người khác. Nếu phải tiếp xúc cần sử dụng bảo hộ khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B là biện pháp phòng tránh hiệu quả nếu bạn nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống phù hợp để tăng cường sức khỏe gan.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Bệnh viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì?