Giai đoạn mang thai cơ thể mẹ bầu thường trở nên nhạy cảm, sức đề kháng cũng yếu hơn, khiến mẹ không khỏi lo lắng. Đối với những mẹ bầu mắc viêm gan B nỗi lo càng tăng lên gấp bội. Viêm gan B khi mang thai có thực sự nguy hiểm không và việc điều trị như thế nào? Hãy cùng tham khảo nhé!
Mục lục
Viêm gan B khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan B là bệnh do virus HBV gây ra. Theo thống kê, tỷ lệ mắc viêm gan B ở phụ nữ mang thai tại Việt Nam lên tới hơn 10%. Đáng nói, bệnh có khả năng cao lây nhiễm từ mẹ sang con.
Với mỗi giai đoạn mang thai, tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi cũng thay đổi. Nếu mẹ mắc viêm gan B trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ lây nhiễm tương đối thấp. Tuy nhiên, vào 3 tháng giữa, nguy cơ lây nhiễm sẽ vào khoảng 60 – 70%, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ có thể lên tới 90%.
Trường hợp mẹ mắc viêm gan B không được theo dõi, điều trị và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa nhiễm trùng trong và sau khi sinh, tỉ lệ trẻ em nhiễm bệnh có thể lên đến 90%. Trong đó, khoảng 50% trường hợp có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xơ gan, ung thư gan khi trưởng thành.
Mặt khác, mắc viêm gan B có thể khiến sức khỏe của mẹ bị ảnh hưởng đáng kể với các biểu hiện như cơ thể mệt mỏi, đau nhức, ăn không ngon, buồn nôn… một số có thể bị đau bụng theo từng đợt, đôi khi xuất hiện cơn đau dữ dội.
Mẹ bầu mắc viêm gan B cũng nguy cơ cao đối diện với các biến chứng như:
- Tăng nguy cơ sinh non, sảy thai.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Tăng nguy cơ sinh bé thiếu cân.
- Tổn thương gan của thai nhi trong giai đoạn bào thai.
Nguy cơ sinh non sẽ tăng cao nếu mẹ bị mắc viêm gan B nặng ở 3 tháng cuối thai kỳ. Đồng thời trẻ có khả năng lây nhiễm cao nếu mẹ mắc bệnh. Do đó, mẹ cần chủ động phòng tránh và phối hợp tích cực điều trị với bác sĩ để hạn chế thấp nhất khả năng lây nhiễm cho thai nhi.
Xem thêm: Mẹ bầu bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?
Điều trị viêm gan B khi mang thai như thế nào?
Mục đích của quá trình điều trị viêm gan B khi mang thai chủ yếu nhằm vào việc ngăn ngừa sự phát triển, tăng sinh của virus HBV trong cơ thể của người mẹ, giảm tối đa khả năng lây truyền từ mẹ sang con.
Nếu bị nhiễm viêm gan B hoặc nghi ngờ nhiễm viêm gan B trong thời gian mang thai chị em cần:
Thông báo với bác sĩ ngay
Viêm gan B có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, thậm chí gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm viêm gan B, mẹ cần chủ động thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có hướng chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Xác định tiêu chuẩn điều trị
Việc chăm sóc, điều trị viêm gan B cho phụ nữ mang thai có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và con, chính vì vậy việc xác định tiêu chuẩn trước điều trị là cực kỳ quan trọng.
Trường hợp mẹ có thể đáp ứng đủ các tiêu chuẩn điều trị bình thường, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng virus TDF, đồng thời tiến hành theo dõi lâm sàng, kiểm tra men gan định kỳ mỗi 2 – 4 tuần/lần, liên tục cho đến khi sinh và vẫn tiếp tục theo dõi thêm sau sinh.
Trường hợp không đạt đủ tiêu chuẩn điều trị, mẹ cần được khám và theo dõi men gan thường xuyên mỗi 4 tuần/lần. Đến khi thai nhi được 24 – 28 tuần, mẹ sẽ được kiểm tra nồng độ HBV-DNA để đánh giá, xem xét dùng thuốc phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ HBV-DNA đủ tiêu chuẩn dùng thuốc phòng ngừa (≥ 200.000 UI/mL), mẹ có thể dùng thuốc TDF hàng ngày từ tuần thứ 24 của thai kỳ hoặc trước khi sinh ít nhất 4 tuần và sử dụng liên tục trong 4 – 12 tuần sau sinh. Suốt thời gian dùng thuốc, mẹ sẽ được theo dõi các triệu chứng lâm sàng và kiểm tra AST, ALT mỗi 4 – 12 tuần, đo nồng độ HBV-DNA trong vòng 24 tuần sau sinh để phát hiện sự tăng sinh của virus HBV.
Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định
Tính đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị viêm gan B nào được chứng minh là an toàn cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, mẹ bầu bị viêm gan B vẫn có thể sử dụng Telbivudin hoặc Tenofovir theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu mẹ đang điều trị viêm gan B bằng Entecavir hoặc Adefovir thì phát hiện có thai, có thể tiếp tục điều trị nhưng cần chuyển sang thuốc kháng virus có nguy cơ sinh quái thai thấp hơn (Telbivudin, Tenofovir), đồng thời cần được theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển đổi thuốc để đảm bảo ức chế virus.
Hơn hết, hãy đảm bảo tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp được chỉ định và cần dùng đúng liều lượng, không tự ý tăng giảm liều hoặc ngừng thuốc.
Viêm gan B khi mang thai nên làm gì?
Bên cạnh việc thường xuyên thăm khám, theo dõi sức khỏe, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu mắc viêm gan B cần lưu ý những vấn đề sau:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh sẽ mang lại cho mẹ bầu một cơ thể khỏe mạnh hơn, nâng cao sức đề kháng và tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Dưới đây là một số vấn đề mẹ cần lưu ý về dinh dưỡng:
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe như rau củ, trái cây tươi. Mẹ nên ưu tiên các loại rau củ quả có màu xanh đậm, màu cam hoặc đỏ như bông cải xanh, rau chân vịt, cà chua, cà rốt, bí đỏ…
- Hạn chế tiêu thụ các loại đồ ăn thức uống nhiều dầu mỡ, nhiều đường và các chất kích thích bởi chúng có thể là tác nhân thúc đẩy sự phát triển, sinh sôi mạnh mẽ của siêu vi B trong cơ thể.
- Bổ sung các thực phẩm giàu protein nạc như thịt ức gà, thăn bò, cá thu, cá hồi… để cung cấp năng lượng cho cơ thể và kích thích quá trình sản sinh mô gan, hỗ trợ phục hồi tổn thương gan. Ngoài ra, đậu và các loại hạt cũng là nguồn protein tuyệt vời cho mẹ.
- Ăn đa dạng thực phẩm, cân bằng các nhóm chất để đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, hỗ trợ cải thiện sức khỏe và giúp thai nhi phát triển toàn diện hơn.
Thông tin chi tiết: Viêm gan B khi mang thai nên ăn gì?
Thay đổi chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của mẹ bầu, đặc biệt là các trường hợp mắc viêm gan B. Thay vì thường xuyên lo lắng hoặc có những suy nghĩ tiêu cực, mẹ nên dành thời gian chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, đồng thời giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan. Ngoài ra, hãy xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, duy trì những thói quen tích cực như:
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày nhằm cải thiện thể trạng, tăng cường sức khỏe. Mẹ có thể lựa chọn những bộ môn phù hợp như bơi lội, yoga, đi bộ… và hãy nhớ tập với cường độ phù hợp.
- Sắp xếp thời gian làm việc khoa học, dành thời gian nghỉ ngơi và không làm việc quá sức hay những công việc nặng nhọc.
- Ngủ đúng giờ và đủ giấc 7 – 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức khuya.
Cách phòng tránh để không lây nhiễm cho bé
Phòng tránh lây nhiễm cho bé là vấn đề được mẹ bầu mắc viêm gan B quan tâm nhiều nhất. Dưới đây là một số cách phòng ngừa cụ thể:
Với mẹ:
- Tiêm phòng viêm gan B trước khi mang thai: Đây là cách tốt nhất để phòng tránh viêm gan B cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả và được thực hiện nếu xét nghiệm cho thấy mẹ âm tính HBsAg.
- Điều trị viêm gan B: Trường hợp mẹ mắc viêm gan B trước khi mang thai, cần điều trị tích cực, đến khi nồng độ HBsAg ở ngưỡng an toàn mới bắt đầu có thai. Hoặc nếu mắc viêm gan B khi mang thai, mẹ cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp cần thiết để giảm khả năng lây nhiễm cho con.
☛ Tìm hiểu thêm: Có nên tiêm phòng viêm gan b cho bà bầu?
Với bé:
- Tiêm phòng viêm gan B ngay sau sinh: Em bé sinh ra cũng cần được tiêm 1 mũi huyết thanh viêm gan B HBIG và 1 mũi vắc xin phòng viêm gan B(trong vòng 12 giờ sau khi sinh). Hai mũi tiêm này cần tiêm ở 2 vị trí khác nhau.
- Tiếp tục tiêm viêm gan B cho trẻ theo lịch trình: Mẹ cần đảm bảo cho bé tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng viêm gan B theo lịch tiêm chủng quốc gia để giảm thiểu tối đa khả năng lây nhiễm.
- Theo dõi sức khỏe, kiểm tra, đánh giá hiệu quả vắc-xin: Sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B mũi cuối từ 1 – 2 tháng, em bé cần được xét nghiệm HBsAg và anti-HBs để đánh giá khả năng miễn dịch, chống lại virus HBV của cơ thể. Nếu kết quả cho thấy không đạt, bé cần tiếp tục tiêm thêm 3 mũi theo chỉ định và theo dõi, xét nghiệm lại.
Lời kết:
Viêm gan B có thể đe dọa an toàn của mẹ và bé. Do đó, nếu bị viêm gan B khi mang thai, mẹ cần chủ động theo dõi và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Đồng thời duy trì thăm khám định kỳ để áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi. Ngoài ra, mẹ cũng đừng quên bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể, tránh các loại đồ uống có cồn hay chất kích thích để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.