20% dân số Việt Nam mang siêu vi trùng viêm gan B nhưng đa số không biết mình mang mầm bệnh, có thể bị suy gan, xơ gan, ung thư gan trong tương lai. Chuyên gia đầu ngành tư vấn cách phòng, chữa Viêm gan B ít tốn kém nhất.
Theo điều tra mới đây của Hiệp hội Gan mật Việt Nam, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới, với 15%-20% dân số mang siêu vi trùng viêm gan B. Viêm gan siêu vi B đa số ở dạng không hoạt động, không cần điều trị đặc trị. Tuy nhiên vẫn có một tỉ lệ bệnh nhân nhiễm siêu vi B ở dạng không hoạt động sẽ chuyển sang dạng hoạt động (còn gọi là “người mang trùng mạn tính”).
Đáng ngại là quá trình này kéo dài âm thầm nhiều năm, gần như không có biểu hiện lâm sàng nào và người bệnh chỉ nhập viện điều trị ở giai đoạn muộn, khi đã bộc lộ các biến chứng nguy hiểm: suy gan, xơ gan, ung thư gan, thậm chí tử vong.
Riêng trẻ sơ sinh nhiễm siêu vi B từ mẹ, 90% sẽ trở thành người mang bệnh mạn tính và hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng: xơ gan, có nước trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa do vỡ mạch máu bị giãn, ung thư gan.
Để duy trì cuộc sống, bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn tính thường phải điều trị lâu dài bằng thuốc đặc hiệu với giá cực kỳ đắt đỏ (khoảng vài chục triệu đồng/tháng); nhưng hiệu quả chỉ đạt 30 – 40% và khi ngừng thuốc một số lại tái phát (chưa kể tác dụng phụ mà các thuốc này thường gây ra).
Ngoài chi phí thuốc thang, bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn tính thường phải chấp nhận nằm ghép giường dài ngày trong viện do các cơ sở điều trị bệnh này luôn ở tình trạng quá tải. Theo TS. Trịnh Thị Ngọc – Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số bệnh nhân viêm gan siêu vi B mạn tính khoa này luôn đông gấp 3-4 lần số giường điều trị và đây là tình trạng chung ở hầu hết các cơ sở chuyên khoa điều trị bệnh này ở Việt Nam.
Vậy làm thế nào để phát hiện vi trùng viêm gan B ở một người? Cách nào nhận biết người mang trùng mạn tính, ai trong số đó sẽ còn khỏe mạnh và ai sẽ bị các biến chứng trong tương lai để điều trị sớm? Sau một đợt điều trị, cách nào nhận biết bệnh tái phát? Trong hoàn cảnh thuốc tây quá đắt, lại không chữa trị dứt điểm được viêm gan siêu vi B, có thảo dược nào “vừa túi tiền” lại giúp gan khỏe mạnh, từ đó chống đỡ bệnh tật, chặn đứng lưỡi hái tử thần?
Thắc mắc của bạn sẽ được các chuyên gia đầu ngành giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến “Viêm gan B – tử thần giấu mặt của 20% dân số Việt Nam” do Báo VietNamNet tổ chức.
Thời gian: 9h ngày 30 /6/2011
Địa điểm: Tòa soạn báo VietNamNet, tầng 8 tòa nhà Ocean Bank, số 4 Láng Hạ, Hà Nội
Khách mời:
- 1. GS.TS Nguyễn Văn Mùi – P.Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, Nguyên P.Giám đốc viện Quân y 103
- 2. PGS.TS Phạm Kim Mãn – chuyên viên cao cấp nghiên cứu dược liệu P.Viện trưởng Viện nghiên cứu và điều trị các bệnh hiểm nghèo.
Nội dung buổi giao lưu:
Các chuyên gia – khách mời đến GLTT về Viêm gan B
Dấu hiệu bệnh
1- Nguyễn Gia Bảo, Nam – 26 tuổi
Vợ cháu năm nay 25 tuổi. Khoảng 3 năm nay cháu thấy cô ấy cứ bị mệt là da chuyển sang màu vàng tái. Cháu sợ cô ấy bị viêm gan B. Trước đây vợ cháu có bị hen suyễn nhưng đã trị khỏi. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên ạ!
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nên đi khám tại các phòng khám có uy tín để kiểm tra kể cả xét nghiệm viêm gan.
2- Đỗ Nguyên Trung, Nam – 34 tuổi
Hiện nay, em có cảm giác mệt mỏi, bụng luôn có cảm giác căng. Em ăn uống bình thường. Có phải em bị bệnh gan không? Em có đi xét nghiệm chức năng gan ở Pastuer thì không có gì. Chỉ có bị men gan cao thôi. Mong bác sĩ tư vấn dùm và làm cách nào để phát hiện ra viêm gan B?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Men gan tăng cao do nhiều nguyên nhân. Muốn kiểm tra xem có phải là do virus (có nhiều loại virus gây viêm gan) không thì bạn phải đi làm xét nghiệm.
3- Tran Thanh Tung, Nam – 41 tuổi
Làm sao để nhận biết bệnh viêm gan B. Các cơ sở y tế cấp nào có thể phát hiện bệnh này. Uống thuốc nam có chữa được không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Muốn biết có bị viêm gan B không bạn cần phải đi khám và làm xét nghiệm . Hiện nay xét nghiệm tìm HbsAg đã quá dễ. Tất cả các bệnh viện và phòng khám (kể cả công và tư) đều có thể làm được. Nếu bị viêm gan B mạn tính phải điều trị thì cần dùng các thuốc ức chế virus, có thể dùng Đông y và thảo dược phối hợp.
4- Bùi Ngọc Anh , Nam – 38 Tuổi
Con gái tôi năm nay 12 tuổi, cháu bị nhiễm virus viêm gan B cách đây 5 năm. Trong thời điểm đó cháu có nằm điều trị ở khoa nhi BV TƯ Huế 1 tuần. Từ đó đến nay, sức khỏe cháu cũng tạm gọi là bình thường nhưng lúc nào cháu bị cảm hoặc cơ thể yếu thì toàn thân cháu nổi những hạt đỏ như mề đay và có biểu hiện sưng húp ở mặt. Xin được hỏi các bác sĩ có thuốc nào điều trị hiệu quả cho cháu được không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Trường hợp con của bạn tôi khuyên hãy đưa đến các bác sỹ chuyên khoa để xác định lại tình trạng gan hiện nay xem có cần điều trị tiếp hay không. Còn những biểu hiện mẩn đỏ da, sưng húp mặt như bạn nói thì ít liên quan đến bệnh gan nên được các bác sỹ chuyên ngành da liễu tư vấn.
5- Nguyễn Đình Xuân , Nam – 51 Tuổi
Cách đây khoảng 2 tuần tôi xét nghiệm máu kết quả cho thấy men gan tăng gấp đôi chỉ số trung bình. Tôi uống rượu rất ít, kết quả xét nghiệm viêm gan siêu vi cách đây 2 năm là âm tính. Vậy xin bác sĩ cho biết tôi có khả năng bị viêm gan B không? Nếu không thì điều trị thế nào để hạ men gan?
PGS.TS Phạm Kim Mãn: Việc men gan tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau, do uống rượu, do dùng thuốc quá liều (paracetamon) tuy nhiên bạn nên đi xét nghiệm lại virus viêm gan B để biết chắc chắn không phải tăng men gan do virus. Thuốc hạ men gan có nhiều, trong đó điển hình là chất chiết xuất từ ngũ vị tử có tác dụng khả quan nhất.
Bệnh hiểm khó chữa, vô cùng tốn kém
1- Nguyễn Thị Phúc, Nữ – 28 tuổi
Cách đây khoảng 3 năm, tôi đến 1 phòng khám ngoài khám bệnh và phát hiện mình bị viêm gan B. Bác sĩ ở phòng khám này nói tôi cần điều trị ngay nếu không bệnh sẽ chuyển thành xơ gan. Không tin vào kết quả khám ấy tôi đã đến 1 phòng khám khác và bác sĩ nói tôi có bị viêm gan B nhưng men gan của tôi bình thường không cao và nói tôi không cần phải điều trị mà nếu có muốn điều trị thì thành công của ca điều trị này đạt khoảng 30% và kéo theo là tác dụng phụ của thuốc rất phiền hà. Ông khuyên thỉnh thoảng tôi lên đi kiểm tra men gan 1 lần để các bác sĩ có hướng giải quyết. Từ đó tôi chưa đi khám ở đâu. Trong thời gian đó tôi đã lập gia đình và sinh được 1 bé trai . Hiện tại sức khoẻ của tôi vẫn tốt. Vậy tôi có nên đi khám và làm xét nghiệm về men gan không? Tôi nên ăn uống và sinh hoạt như thế nào để tốt cho bệnh của mình?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu xét nghiệm có HBsAg + mà men gan không tăng thì cũng chưa chắc không cần điều trị .Cần phải kiểm tra các dấu ấn khác của virus và xét nghiệm tải lượng virus mới đủ cơ sở để nói cần điều trị hay không. Ăn uống không cần kiêng khem, riêng rượu bia không nên uống.
GS.TS Nguyễn Văn Mùi giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Ảnh: C.Thanh
2- Ngọc Nguyên Bảo, Nam 24 tuổi
Ngày 24/6/2011 em có đi xét nghiệm tại viện Pasteur Tp Hồ Chí Minh về viêm gan siêu vi B. Kết quả là HBsAG dương tính, ghi trong giấy là 1.8, và hẹn em 1 tháng sau xét nghiệm lại. Vậy cho em hỏi ý nghĩa thông số 1.8 là gì và tại sao người ta lại hẹn em 1 tháng sau quay lại xét nghiệm? Chi phí điều trị bệnh viêm gan siêu vi B như thế nào? Em cảm ơn!
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu chỉ ghi HbsAg 1.8 mà không có đơn vị gì đi kèm thì không rõ. Nhưng giả sử đây là nồng độ HBsAg thì cũng không thể nói là có cần điều trị hay không . Cần làm thêm xét nghiệm men gan, các dấu ấn khác của virus và tải lượng virus mới quyết định được. Chi phí cho điều trị phụ thuộc vào thuốc dùng cần gì và dùng trong bao lâu . Tuy vậy khi cần điều trị bằng các thuốc kháng virus thì khá tốn kém ; khoảng 2-3 triệu đồng/tháng và ít nhất là từ 12 tháng trở lên.
3- Vũ Hải, Nam – 34 tuổi
Tôi muốn hỏi phương pháp điều trị cho bệnh viêm gan B mạn tính? Điều trị lâu dài theo cách nào là hiệu quả nhất,hiện nay quá nhiều thuốc trên thị trường (Thuốc Nam ,Thuốc đông y, thuốc Tây…)?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Điều trị viêm gan B mạn tính phải tùy theo cơ thể người bệnh , tùy theo thể bệnh mà quyết định thuốc. Nhưng dù bất kỳ thể nào cũng phải dùng thuốc kháng virus.Thuốc kháng virus hiện có nhiều loại, có những loại đã bị virus kháng lại và kém hiệu quả. Do vậy tùy từng bệnh nhân và còn tính cả điều kiện kinh tế nữa để cho một phác đồ điều trị hợp lý.Bạn nên đến BS chuyên khoa để được tư vấn.
4- Lê Việt Hà, Nam – 44 tuổi
Tôi nhiễm HBV từ nhỏ (XN phát hiện 1991) đến 2005 khám bệnh phát hiện HBV-DNA, SGOT, SGPT tăng cao nêu điều trị thuốc thuoc Hepsara 2 năm. Sau khi ngưng thuốc thì HBV-DNA lại tăng cao nên đổi thuốc Baraclude đến nay. Tôi vẫn theo dõi định kỳ 3 tháng một lần bằng siêu âm và xét nghiệm không phát hiện bất thường kể cả men AFP cũng rất thấp. Nhưng đến 03/05/2011 tôi bị đau bụng trên đưa cấp cứu phát hiện bị vỡ u gan #=02cm bên trái nên cắt bỏ phân thùy 2&3. Kết quả sinh thiết ác tính. Chụp PET CT chưa phát hiện di căn.
1/ Tại sao dùng thuốc liên tục và HBV-DNA không tìm thấy trong thời gian dài mà vẫn bị ung thư gan? 2/ Phác đồ điều trị tiếp tục 3/ Có thuốc nào ngăn tế bào ung thư di căn không đến các bộ phận khác không? 4/ Nên tiếp tục dùng thuốc Baraclude hay đổi sang dùng thuốc tiêm Pegnano để trị viêm gan B5/ Thuốc Pegnano dùng 1 năm có trị dứt VGSVB hay không? Nếu bị tái phát hoặc kháng thuốc thì còn thuốc nào thay thế?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Điều trị bằng thuốc kháng virus phải liên tục và kéo dài hàng vài hoặc nhiều năm và phải theo dõi bằng XN. Tuy vậy chỉ hạn chế tới mức thấp chuyển sang ung thư gan thôi chứ không tuyệt đối 100%. Sau khi đã cắt ung thư gan nên điều trị bằng các thuốc kháng virus tiếp tục.Còn cần phải làm XN xem thuốc Baraclude có bị kháng chưa..Nếu chưa thì dùng tiếp, nếu có kháng thì thay thuốc. Việc có dùng Pegintron không thì phải kiểm tra chức năng gan, nếu cho phép thì dùng kết hợp sẽ tốt.
5- Ngô Thị Ánh Lời, Nữ – 30 tuổi
Tôi bị viêm gan B đã lâu, khoảng hơn 10 năm và không điều trị. Cách đây 1 tháng có ra Bệnh Viện Đa Khoa Đà Nẵng kiểm tra HgB thì HBeAg âm tính. HBsAg dương tính. Vậy bệnh tôi có nghiêm trọng không? Có phải thường xuyên đi kiểm tra không và phải uống thuốc điều trị không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Bạn cần phải làm thêm xét nghiệm men gan và tải lượng virus thì mới có thể kết luận chắc chắn được. Nếu thực sự là bệnh không có tiển triển gì thì nên thường xuyên kiểm tra 3-6 tháng 1 lần, không phải uống thuốc điều trị.
6- Le Hai Minh , Nữ – 28 Tuổi
Người bị nhiễm virus viêm gan B khi nào phải điều trị? Số lượng virus viêm gan B được đánh giá qua những thông số nào? Thuốc điều trị và thực đơn ăn uống để số lượng virus không gia tăng đối với người có thu nhập 2 triệu/ tháng ?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi:
– Người nhiễm ít nhiều thể bệnh: người mang virus không triệu chứng: không cần điều trị
– Với người viêm gan B cấp: phải điều trị nhưng chưa cần dùng thuốc kháng virus vì từ 90 đến 95% là tự khỏi (cơ thể đào thải virus tự nhiên không cần dùng thuốc. Thuốc kháng chỉ dùng cho bệnh nhân viêm gan mạn tính thể hoạt động vì không tự khỏi, diễn biến dai dẳng, để lại hậu quả xấu. Viêm gan mạn có nhiều biến chứng, hậu quả để lại như xơ gan, ung thư tế bào gan hay còn gọi là ung thư gan nguyên phát. Chỉ cần dùng thuốc với các trường hợp này.
Khi cần điều trị: có tiêu chuẩn mãn tính hoạt động, tổn thương gan, thường xuyên có men gan tăng, nồng độ virus cao, có HBeAg dương tính, còn thể phải làm sinh thiết gan để làm xét nghiệm mô bệnh học, tất cả những xét nghiệm này khẳng định đây là viêm gan mạn tính hoạt động. Trong đó, người ta quy định cụ thể, nồng độ virus bình thường là trên 10mũ5 copies/1ml máu đối với những người có HBeAg dương tính hoặc lớn hơn hoặc bằng 10mũ4 copies/1ml máu nếu như HBeAg âm tính, khi đó đưa vào điều trị bằng các thuốc kháng virus. Đây là khuyến cáo của tổ chức gan mật thế giới, vì khi điều trị viêm gạn mạn phải dùng thuốc từ một năm đến nhiều năm. Về kinh tế, thuốc đắt nên phải tuân thủ các khuyến cáo này, tránh lạm dụng.
Cho đến hiện nay, các thuốc được công nhận là có tính chất kháng virus được gọi là thuốc kháng virus viêm gan B là thuốc nhập ngoại do đó giá thành còn cao. Nếu dùng 1 thuốc ít nhất phải chi từ 1,5 tr đến 2,5tr / tháng, trong ít nhất 1 năm đến nhiều năm nồng độ virus mới giảm đến mức tối thiểu. Nếu bạn chỉ có thu nhập 2 triệu/1 tháng, theo tôi chỉ đủ sinh hoạt nên khó nghĩ đến việc điều trị.
Chế độ ăn với những người viêm gan B: Ở viêm gan cấp thì kiêng vận động mạnh khi còn vàng da, chế độ ăn tăng đạm, tăng đường, giảm mỡ, kiêng bia rượu hoàn toàn. Ở giai đoạn mạn tính, sinh hoạt tương đối bình thường, chơi thể thao, ăn uống không kiêng khem gì, trừ bia rượu không uống. Quan niệm viêm gan không ăn mỡ, thức giàu đạm là không đúng.
Khả năng lây bệnh và cách phòng tránh
1- Hoàng Linh , Nữ – 25 Tuổi
Ngay sau khi sinh con mà con được chích ngừa viêm gan siêu vi B thì con có tránh được bệnh này không? Nếu con bị lây bệnh từ mẹ thì sức khỏe của con có bị suy yếu đi trong suốt quá trình trưởng thành không ạ? Tuổi thọ của con có bị ngắn hơn những bạn không bị bệnh?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Trong vòng 24 giờ sau khi sinh mà tiêm ngay vắc xin phòng viêm gan B sau đó tiêm nhắc lại đủ liều theo chỉ định sẽ tránh được lây từ mẹ sang con. trường hợp nếu cháu bị nhiễm viêm gan B thể lành tính, tế bào gan không bị ảnh hưởng thì tuổi thọ không bị ảnh hưởng gì.
GLTT về bệnh Viêm gan B tại tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh. C.Thanh
2- Phạm Thị Thanh Thảo , Nữ – 28 Tuổi
Cháu đi khám sức khoẻ vào khoảng tháng 3/2011 thì được biết là cháu bị nhiễm virus viêm gan B. Khi biết mình có bầu khoảng hơn 1 tháng nay, cháu rất phân vân có nên giữ lại thai nhi không ạ?
PGS.TS Phạm Kim Mãn: Việc lây truyền từ mẹ sang con là rất thấp, sau khi sinh 24 giờ tiêm vắc xin cho con và tiêm đủ 4 mũi thì khả năng phòng chống bệnh là 95%, do vậy bạn không cần phải bỏ thai nhi.
3- Hồ Tôn Bảo , Nam – 31 Tuổi
1- Làm sao nhận biết mình đang nhiễm bệnh trong khi cơ thể vẫn bình thường, không biểu hiện bệnh ra bên ngoài. 2- Tiêm kháng sinh viêm gan bao lâu người mẹ mới được có thai, trong lúc mang thai có được tiêm không.
PGS.TS Phạm Kim Mãn: Nhận biết viêm gan B bằng những xét nghiệm dễ và rẻ tiền tại hầu hết các cơ sở y tế. Không có kháng sinh viêm gan mà là vắcxin ngừa viêm gan, tiêm cho người mẹ sau khi có xuất hiện kháng thể hoặc sau 6 tháng thì mới nên có thai.
4- Phạm Anh Toàn , Nam – 20 Tuổi
Liệu nhậu nhiều có dẫn đến viêm gan siêu vi B không (Xác xuất la 2 – 3 lần mỗi tuần nhậu mỗi lần là khoảng 200ml)
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Bệnh viêm gan virus B chỉ lây truyền theo đường máu với nhiều phương thức như tiêm truyền từ mẹ sang thai nhi, sinh hoạt tình dục, các thủ thuật ngoại khoa kể cả làm răng nếu không khử trùng tốt các dụng cụ. Còn ăn uống hay bạn đi nhậu nhiều không thể lây bệnh. Tuy vậy uống nhiều bia rượu có thể bị bệnh gan do rượu bia, nặng có thể xơ gan do rượu bia.
5- Trần Văn Minh , Nam – 30 Tuổi
Em bị bệnh gan B đã 5 năm rồi. xin hỏi bác sỹ cách điều trị bệnh, dùng thuốc gì, cách ăn uống sinh hoạt hàng ngày, cách nhận biết về tình trạng gan của mình theo giai đoạn như thế nào. Em có nên sinh con hay không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu bạn đang ở tuổi sinh đẻ bị nhiễm tốt nhất phải điều trị bằng thuốc kháng virus để nồng độ trong máu giảm mức tối thiểu, nếu có HBeAg dương tính phải về âm tính thì lúc bạn có thai tỉ lệ truyền cho con rất thấp. Nếu muốn điều trị bạn hãy đến tư vấn của bác sỹ chuyên khoa chuyên ngành truyền nhiễm hoặc gan mật để tư vấn, xét nghiệm xem bạn đã phải điều trị chưa, nếu phải điều trị thì nên dùng thuốc gì.
6- Hà Hùng , Nam – 37 Tuổi
Tôi năm nay 37 tuổi. Hai năm trước có đi thử máu, không bị nhiễm viêm gan B. Tôi được biết là viêm gan B chỉ lây qua các đường máu, quan hệ tình dục, mẹ lây sang con khi mang thai. Do tôi và vợ có cuộc sống lành mạnh nên có thể đảm bảo không bị nhiễm từ các đường trên được, vậy tôi có nên đi tiêm phòng viêm gan B không?
PGS. TS Phạm Kim Mãn: Nếu có điều kiện bạn nên đi tiêm phòng để giảm nguy cơ đến tối đa.
GS.TS Nguyễn Văn Mùi trả lời bạn đọc. Ảnh. C.Thanh
7- Vũ Văn Tuấn, Nam – 37 tuổi
Em có hai con gái, một lên 7 tuổi và một lên 2 tuổi, lúc mới sinh, các cháu đã được tiêm ngừa đầy đủ các loại văcxin, cho em hỏi vậy bây giờ các con em có phải tiêm ngừa văcxin viêm gan siêu vi B nữa không? nếu có thì tiêm mấy lần? giá cả thế nào ạ? Em xin cảm ơn.
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu cháu chắc chắn đã tiêm đủ 3 mũi vắcxin viêm gan B thì không cần tiêm thêm hoặc có thể tiêm 1 mũi nhắc lại . Giá tiền 1 mũi khoảng 80.000-120.000 tùy theo hãng .
8- Lê Thị Lan Anh, Nữ – 21 tuổi
Em bị viêm gan B phát hiện cách đây 1 năm và chưa có chỉ định để uống thuốc. Bác sĩ cho em hỏi bệnh của em có thể tự hồi phục được không ạ? Những dấu hiệu nào cho thấy bệnh nặng lên? Sau nay chồng em và con em có bị lây nhiễm không ạ?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Bạn cần đi kiểm tra lại đầy đủ tư liệu: các dấu ấn của virus, men gan, tải lượng virus, siêu âm gan. Viêm gan B cấp tính có thể tự hồi phục ;còn viêm gan B mạn tính hoạt động thì không tự khỏi. Nếu bạn bị thì chồng và con có thể bị, tùy theo từng thể mà khả năng lây cho con hoặc chồng nhiều hay ít.
9- Lê Thị Huệ, Nữ – 53 tuổi
Tôi có xét nghiệm máu và thấy có kết luận AntiHBS là 495.40 vậy tôi có cần phải đi chích ngừa không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu XN máu có anti-HBs thì bạn đã có kháng thể bảo vệ với virus viêm gan B nên không cần tiêm vắc xin nữa .
10- Nguyen Thi Hang, Nữ – 27 tuổi
Tôi mới sinh cháu được gần 6 tháng. Trong thời gian mang thai tôi đi xét nghiệm HBSAG thi dương tính. Vậy xin bác sĩ cho biết liệu kết quả như vậy nghĩa là tôi đã bị nhiễm viêm gan B? Tôi nên điều trị như thế nào? Ở bệnh viện nào? Con tôi liệu có bị viêm gan giống tôi không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Nếu XN máu có HbsAg+ và HbeAg+ mà không có triệu chứng gì thì nhiều khả năng bị viêm gan B mạn tính và khả năng truyền cho con là cao. Tuy vậy muốn khẳng định thì phải làm XN cho cháu bé.Bạn phải đi làm thêm xét nghiệm men gan và tải lượng virus để định hướng điều trị .Thường thì viêm gan B mạn điều trị tại nhà; chỉ cần uống thuốc hàng ngày. Thời gian điều trị ít nhất là 1 năm nên không ai nằm viện cả (trừ khi có diễn biến nặng ) .
11- Nguyễn Ngọc Khánh, Nữ – 30 tuổi
Năm 2009 trước khi có thai tôi đã đi xét nghiệm máu thì không có vấn đề gì. Khi thai kỳ 37 tuần tôi làm xét nghiệm máu thì phát hiện bị Viêm gan B. Tôi không biết mình bị lây viêm gan B qua con đường nào? Trong nhà tôi không có ai mắc bệnh này. Chẳng lẽ Viêm gan B lây nhiễm dễ thế sao? – Tháng 4/2011, Tôi đi xét nghiệm ở 50C Hàng Bài, kết quả như sau: HBsAg: Dương tính; Men gan(SGOT:32U/L, SGPT:19U/L, GGT:14U/L); HBV ADN Realtime PCR : 443.5000.000 copies/ml.
Chồng tôi cũng xét nghiệm nhưng có kết quả là âm tính. Tôi mang kết quả này vào Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Bạch Mai thì được các Bác sỹ tư vấn là: Men gan của tôi bình thường thì tạm thời không dùng thuốc hạ men gan (Fntei, Nissel, …) vì dùng thuốc cũng không có hiệu quả, sau 3 – 4 tháng kiểm tra lại. Nếu có thai thì khi thai được 4 tháng vào viện kiểm tra lại, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc để hạn chế lây từ mẹ sang con. Tôi chỉ muốn điều trị dứt điểm cho khỏi hẳn để lần mang thai sau không bị lây cho con và không bị ảnh hưởng tới những người xung quanh. Trong cuộc sống tôi phải làm thế nào để không lây cho con, chồng và những người xung quanh. Nếu tôi hôn con, dùng chung bát đĩa, cốc chén thì có dễ bị lây cho người khác không?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Bệnh viêm gan B chỉ lây qua đường máu nhưng có nhiều phương thức để virus thâm nhập vào máu .Đó là: qua đường tiêm truyền ,qua sinh hoạt tình dục, từ mẹ sang thai nhi,qua các thủ thuật nội ngoại khoa có xâm lấn mà dụng cụ không được khử trùng tốt (kể cả làm răng) .Do vậy bạn có thể bị virus thâm nhập bằng một trong các phương thức trên mà không để ý. Còn không thể lây qua ăn uống hoặc hôn.Với kết quả XN của bạn cho thấy men gan hiện tại là bình thường nhưng tải lượng virus là cao; do vậy cần được làm thêm XN dấu ấn virus khác và sau đó điều trị bằng thuốc kháng. Khi bạn đã điều trị, nồng độ virus giảm xuống rất thấp dưới ngưỡng phát hiện thì lúc đó khả năng lây cho chồng và cho thai nhi là rất ít.
12- Đỗ Minh Lý, Nam – 32 tuổi
Có thuốc tiêm phòng viêm gan B cho người lớn không, nếu có thì tiêm phòng ở đâu?
GS.TS Nguyễn Văn Mùi: Bạn phải xét nghiệm trước khi tiêm phòng. Nếu chưa mắc bệnh thì tiêm bình thường, tiêm ở các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế dự phòng.