Nếu bạn đã từng làm xét nghiệm viêm gan B, bạn có thể đã nghe thấy thuật ngữ HbsAg. HbsAg là kháng nguyên bề mặt viêm gan B – một loại protein có trên bề mặt của virus viêm gan B (HBV), và được coi là một chỉ số chính để chẩn đoán và theo dõi bệnh viêm gan B. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về HbsAg là gì, ý nghĩa và cách xét nghiệm HbsAg.
Mục lục
Chỉ số HBsAg là gì?
Viêm gan B là bệnh gan truyền nhiễm do virus viêm gan siêu vi B (HBV) gây ra, ở Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh trên toàn quốc hiện nay là khoảng 20%. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh có thể trở thành mãn tính gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây xơ gan, ung thư gan thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Virus viêm gan B có dạng hình cầu có đường kính 42nm, gồm một lớp vỏ bên ngoài và lõi bên trong: Lớp vỏ ngoài của virus bao gồm một protein bề mặt gọi là kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg); Lõi bên trong chứa DNA của virus viêm gan B và các enzyme được sử dụng trong quá trình sao chép của virus.
Vậy HBsAg là gì?
HbsAg là viết tắt của “Hepatitis B surface antigen”, một chất có ở bề mặt virus viêm gan B. HBsAg nằm ở phần vỏ envelope (vỏ ngoài cùng) của virus và nó có 3 phân nhóm nhỏ hơn gồm: S-HBsAg, M-HBsAg và L-HBsAg. Lần đầu tiên HBsAg được phân lập bởi bác sĩ người Mỹ Baruch S. Blumberg trong huyết thanh của một thổ dân người Úc. Để dễ hiểu bạn đọc có thể xem hình dưới đây:
Để chẩn đoán cơ thể có nhiễm virus viêm gan B hay không thì phải làm các xét nghiệm máu, trong đó xét nghiệm về chỉ số HBsAg là điển hình nhất. Đây là chỉ số chỉ kháng nguyên bề mặt của siêu vi B. Nhằm kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm virus viêm gan B hay không, nhưng không được dùng xét nghiệm này để đánh giá chính xác loại virus đó đang hoạt động trong cơ thể người bệnh như thế nào.
Xét nghiệm HBsAg gồm những gì?
Khi nghi ngờ mình đã bị phơi nhiễm viêm gan B thì cần làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Gồm các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm HBsAg: Kiểm tra sự hiện diện của virus viêm gan B.
- Xét nghiệm HBsAb: Đánh giá kháng thể sau khi tiêm phòng vacxin viêm gan B.
- Xét nghiệm HBeAg: Xác định kháng nguyên e để đánh giá tình trạng hoạt động của virus viêm gan B.
- Xét nghiệm HBeAb (Anti – HBe): Đáng giá kháng thể chống lại HBeAg.
- Xét nghiệm HBcAb (Anti – HBc): Kiểm tra kháng thể kháng lõi của virus viêm gan B nhằm đáng giá tình trạng bệnh viêm gan B mãn tính.
Trong đó HBsAg là một chỉ số quan trọng, xét nghiệm chỉ số HBsAg được thực hiện với mục đích để sàng lọc, phát hiện và giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán có sự xuất hiện của virus viêm gan B trong máu hay không.
Kháng nguyên bề mặt từ vi khuẩn gây viêm gan B chỉ có thể tìm thấy được ở huyết thanh con người. Do đó, để làm xét nghiệm, kỹ thuật viên sẽ lấy máu từ tĩnh mạch. Kết hợp với một số thiết bị công nghệ cao, kết quả phân tích sẽ cho thấy xét nghiệm này trả về kết quả âm tính hay dương tính.
Xét nghiệm này có thể thực hiện với bất cứ người nào, bao gồm cả người nghi ngờ phơi nhiễm cho đến người đã mắc bệnh. Đây là cơ sở rõ ràng nhất giúp bác sĩ kết luận một người có bị nhiễm virus viêm gan B hay không.
Chỉ số HBsAg bao nhiêu là bình thường?
Để xác định chỉ số HBsAg người ta thường dùng đến chỉ số số S/CO là một thuật ngữ kỹ thuật. Đây là chỉ số cao nhất dùng để phân biệt giữa âm tính và dương tính.
Cụ thể, đối với những người bị phơi nhiễm viêm gan B thường cho ra kết quả hiển thị HBsAg vượt ngưỡng (HBsAg > 1.0S/S0) nghĩa là dương tính với viêm gan B. Người bệnh cần phải làm thêm các xét nghiệm để xác định số lượng cũng như mức độ hoạt động của virus, mức độ lây lan như thế nào. Từ đó giúp bác sĩ đánh giá tổng quan về mức độ tổn thương gan ở bệnh nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.
Đối với trường hợp chỉ số HBsAg bình thường (HBsAg < 1.0/S0), hay nói cách khác là xét nghiệm cho kết quả âm tính. Điều này cho thấy trong cơ thể người đó không có virus viêm gan B. Bên cạnh đó, nếu xét nghiệm Anti-HBs (kháng thể bề mặt HBsAg) âm tính thì nên nhanh chóng tiêm vacxin viêm gan B để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.
Xét nghiệm HBsAg dương tính
Xét nghiệm HBsAg dương tính hay (+) có nghĩa là trong huyết thanh của người bệnh đang có kháng nguyên này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người bệnh đã từng hoặc đang bị nhiễm virus viêm gan siêu vi B.
Thời gian ủ bệnh của người nhiễm virus viêm gan B dao động từ 45- 160 ngày, trung bình là 120 ngày. Trong trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch tốt thì HBsAg sẽ giảm dần và biến mất sau khoảng 4 – 6 tháng. Lúc này, cơ thể chúng ta hoàn toàn khỏi bệnh và có miễn nhiễm suốt đời với viêm gan B mà không cần phải tiêm ngừa. Ngược lại, với những người có hệ miễn dịch kém thì HBsAg có thể không mất đi mà tiếp tục phát triển sau 6 tháng. Lúc này, người bệnh đã nhiễm siêu vi B mạn tính.
Chỉ có khoảng 10 – 15% người xét nghiệm HBsAg (+) rơi vào trường hợp mang mầm bệnh mãn tính. Trong đa số trường hợp khác, viêm gan B sẽ tự khỏi mà không cần điều trị đáng kể. Trong số những người mang mầm bệnh viêm gan B mạn tính nếu điều trị hợp lý và đúng cách thì tỷ lệ chuyển thành viêm gan mạn, xơ gan hoặc ung thư gan là rất thấp. Vì vậy người bệnh không nên quá lo lắng.
Xét nghiệm HBsAg âm tính
Điều này chứng tỏ bạn không bị nhiễm virus viêm gan B. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bạn nên tiếp tục thực hiện xét nghiệm xác định hiệu giá kháng thể Anti-HBs (kháng thể kháng viêm gan B). Khi nồng độ Anti-HBs >10 UI/ml được coi là có kháng thể phòng bệnh. Còn để phòng được lây nhiễm thì định lượng kháng thể phải đạt 100 IU/l trở lên. Kháng thể được xem là bền vững với virus viêm gan B nằm ở ngưỡng C =1.000 IU/l. Nếu nồng độ Anti-HBs chưa đạt ngưỡng bạn nên đến các cơ sở uy tín, có các bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và tiêm vacxin.
Hiện nay phương pháp phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Vắc xin viêm gan B chứa thành phần kháng nguyên vỏ của Virus (HBsAg), được tinh chế cao và không gây nhiễm bệnh. Khi tiêm vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus viêm gan siêu vi B.
Cần làm gì khi xét nghiệm HBsAg dương tính?
Chỉ số HBsAg biết được bản thân có nhiễm virus viêm gan B hay không nhưng để biết rõ tình trạng hoạt động của virus, mức độ lây lan như thế nào… thì người bệnh cần phải làm thêm các xét nghiệm HBeAg, HBeAb, đếm tải lượng HBV DNA, siêu âm, đánh giá chức năng gan, đột biến kháng thuốc,… Việc này giúp bác sĩ đánh giá tổng quan về mức độ tổn thương gan ở bệnh nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.
- Đầu tiên, khi bạn được chẩn đoán viêm gan B thì phải bình tĩnh và thực hiện theo những hướng dẫn của bác sĩ.
- Vận động những người thân trong gia đình đi xét nghiệm HbsAg.
- Tự bản thân mỗi người cần phải ý thức mức độ nguy hiểm, thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn để không làm lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Nếu bạn ở thể nhẹ hay viêm gan B cấp tính, nghỉ ngơi nhiều là phương pháp điều trị tốt nhất.
- Khi bị bệnh, các tế bào gan của bạn đang chịu sự tấn công của virus. Do đó, bạn cần phải thực hiện các biện pháp bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho gan.
- Xây dựng một chế độ ăn khoa học để tốt cho gan cũng như tăng cường hệ miễn dịch: hạn chế các thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo, tránh xa các đồ cay, nóng, rượu, bia, thuốc lá, thức uống có gas, cà phê hay những chất kích thích khác.
- Ăn nhiều rau quả,uống nhiều nước lọc, nước ép hoa quả nguyên chất.
- Bổ sung nhiều vitamin, chất khoáng cho cơ thể qua ăn uống hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên với thực phẩm chức năng cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị.
- Sử dụng các loại thảo mộc có tác dụng giải độc gan như trà cà gai leo,…
- Tập thể dục thường xuyên và đều đặn, chế độ tập vừa phải, có thể đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày hoặc ngồi thiền, tập yoga,… là cách hữu hiệu để bạn đẩy lùi bệnh tật.
- Bên cạnh đó, người bệnh cần thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm virus cho những người xung quanh.
Kết Luận
Xét nghiệm HbsAg là cơ sở rõ ràng nhất giúp bác sĩ kết luận một người có bị nhiễm virus viêm gan B hay không. Nếu bạn được xác định HBsAg dương tính thì cũng không nên quá lo lắng. Chỉ cần thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, tuần thủ nghiêm ngặt chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi của bác sĩ thì bệnh sẽ tự khỏi và không bao giờ mắc lại nữa. Ngoài ra, bạn cũng cần xây dựng một chế độ ăn uống cũng như tập luyện phù hợp với bản thân để đảm bảo cho mình có một sức khỏe tốt nhất.