Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B (HBV) gây ra, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan… Để điều trị viêm gan B, bạn cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra các chỉ số liên quan, dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần dùng thuốc điều trị viêm gan B hay không, và loại thuốc nào phù hợp với bạn. Bài viết này sẽ giải thích cho bạn viêm gan B khi nào cần dùng thuốc, cũng như những lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm gan B.
Mục lục
Bệnh viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Khi virus tấn công vào cơ thể bạn gây viêm, sưng tấy hay hoại tử tế bào gan có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Bệnh được phân loại thành hai nhóm chính gồm:
- Viêm gan B cấp tính: thường xảy ra trong vòng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm với virus, sau 6 tháng nếu hệ miễn dịch không chống lại được virus bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan B mãn tính.
- Viêm gan B mãn tính: HBV không được loại bỏ ra khỏi cơ thể mà tiếp tục sống trong cơ thể bạn. Nó tiếp tục nhân lên, phát triển gây viêm gan, xơ gan có thể là ung thư gan.
Bệnh viêm gan B nguy hiểm như thế nào?
Khi nhiễm HBV, sau 6 tháng hệ miễn dịch không tiêu diệt được virus, bệnh sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính và người bệnh sẽ phải gắn bó suốt đời với căn bệnh này. Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm, nó được ví như “kẻ giết người thầm lặng”:
- Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, chiếm 37% các ca tử vong do ung thư gan trên thế giới. Nhưng có đến 95% người bị viêm gan B mạn tính không biết tình trạng bị viêm gan của mình.
- Thời gian ủ bệnh (giai đoạn cấp tính) là 6 tháng, giai đoạn này người bệnh thường không có triệu chứng gì. Sau giai đoạn này, khoảng 90% người lớn sẽ tự khỏi bệnh nhưng với trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh chỉ có 10% là tự khỏi bệnh.
- Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, giai đoạn đầu bệnh nhân cũng có rất ít triệu chứng đến khi phát hiện bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn (xơ gan, ung thư gan) rất khó cứu chữa.
- Ở Việt Nam, người mắc viêm gan B chủ yếu do lây truyền từ mẹ sang con. Trẻ em bị mắc viêm gan B do lây từ mẹ có thể tiến triển thành ung thư gan rất sớm, thậm chí ở lứa tuổi vị thành niên.
- Hiện nay, chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh chủ yếu là điều trị các biến chứng, tránh bệnh tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
- Virus viêm gan B tồn tại trong máu và dịch thể, có thể lây nhiễm theo 3 con đường: từ mẹ sang con sau khi sinh, qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn.
- Virus viêm gan B có khả năng tồn tại rất cao, có thể sống ở 100 độ C trong 30 phút, sống ở -20 độ C tới 20 năm.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bạn và mọi người xung quang nên khám sàng lọc chuẩn viêm gan B để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu bạn chưa bị bệnh hãy tiêm phòng vacxin ngay.
Viêm gan B khi nào cần điều trị?
Viêm gan B là một căn bệnh rất nguy hiểm, nguyên nhân hàng đầu gây ung thu gan. Vì vậy việc phát hiện và điều trị hợp lý là rất cần thiết. Nhưng không phải ai mắc viêm gan B cũng sẽ dùng thuốc điều trị. Việc dùng thuốc không hợp lý sẽ khiến người bệnh tốn kém về mặt vật chất, ảnh hưởng từ tác dụng không mong muốn của thuốc và thậm chí là kháng thuốc.
Viêm gan B cấp tính
Trong giai đoạn này, người bệnh hầu như không phải dùng tới thuốc chữa viêm gan B. Nâng cao sức đề kháng, cải thiện sức khỏe cho mình là việc vô cùng quan trọng. Khi hệ thống miễn dịch mạnh, virus viêm gan B sẽ dần bị tiêu diệt. Lúc này, lượng virus có rất ít và chưa xâm nhập sâu vào tế bào gan nên khả năng tự hồi phục của cơ thể rất cao.
Viêm gan B mạn tính
Các thuốc điều trị hiện nay chỉ tác dụng ức chế sự nhân lên của virus, không có tác dụng thải trừ virus. Vì vậy đối với các trường hợp người mang virus nhưng không hoạt động, không cần dùng thuốc điều trị. Người bệnh cần phải điều trị trong các trường hợp dưới đây:
Người bệnh mắc viêm gan B mạn tính khi HBsAg dương tính lớn hơn 6 tháng. Khi quyết định điều trị bằng thuốc cho những bệnh nhân này, việc đầu tiên cần đánh giá mức độ xơ gan.
Xơ gan (còn bù hoặc mất bù)
- ALT (men gan) bình thường hoặc tăng (bình thường: Nam 35 IU/L, Nữ 25 IU/L)
- HBV- DNA ( tải lượng virus) trên mức phát hiện được
- HBeAg dương tính hoặc âm tính (HBeAg đánh giá mức độ hoạt động của virus)
Bệnh nhân bị xơ gan chúng tỏ đã có phản ứng viêm, khả năng tiến triển thành ung thu gan rất cao. Vì vậy cần dùng thuốc điều trị ngay kể cả men gan bình thường hoặc HBeAg dương tính.
Chưa có xơ gan
Bệnh nhân chưa có xơ gan, cần dùng thuốc điều trị viêm gan B khi là một trong các trường hợp dưới đây:
Trường hợp 1:
- ALT tăng trên 2 lần ngưỡng bình thường.
- HBV-DNA >20.000 (IU/ml), HBeAg (+)
Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan và lúc này virus đang hoạt động mạnh. Vì vậy cần dùng thuốc điều trị.
Trường hợp 2:
- ALT tăng trên 2 lần ngưỡng bình thường
- HBV-DNA >20.000 (IU/ml), HBeAg (-)
Lúc này virus HBV tạo chủng đột biến nên xét nghiệm HBeAg cho kết quả âm tính. Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan nên cần dùng thuốc điều trị.
Trường hợp 3:
- Trên 30 tuổi, ALT tăng kéo dài
- HBV-DNA > 20.000 (IU/ml), HBeAg (-) hoặc (+)
- Tiền sử gia đình xơ gan hoặc ung thu gan
- Có các biểu hiện ngoài gan như: viêm cầu thận, viêm đa khớp, cryoglobulin máu, viêm đa nút động mạch…
- Tái phát sau khi ngưng điều trị thuốc kháng virus.
Bệnh nhân là đối tượng nguy cơ dễ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan. Vì vậy, chúng ta cần điều trị sớm cho đối tượng này.
Trường hợp 4:
- Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị điều trị ung thư.
Hệ miễn dịch bị ức chế khi dùng hóa trị điều trị ung thư, đây điều kiện thuận lợi cho virus nhân lên nhanh chóng gây ra bùng phát viêm gan B tối cấp hoặc tử vong. Vì vậy, bệnh nhân HBsAg (+) đang điều trị hóa trị cần dùng kháng vi rút để dự phòng viêm gan bùng phát, bất kể ALT, tải lượng vi rút hay HBeAg như thế nào.
Nên điều trị viêm gan B mạn tính bằng thuốc gì?
Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới (WHO) người mắc bệnh viêm gan B mãn tính có khoảng 70% tử vong do ung thư biểu mô tế bào gan. Do vậy, khi nào điều trị viêm gan B và điều trị như thế nào mang lại hiệu quả cao là rất quan trọng, ngoài ra còn giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Mặc dù hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi viêm gan B mạn, nhưng nếu được điều trị khả năng bệnh tiến triển đến xơ gan và ung thư gan là rất thấp.
Thuốc ức chế sao chép virus (đường uống)
Các thuốc kháng virus ức chế sự nhân lên của vi rút viêm gan B. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh tạo ra các chủng virus kháng thuốc. Điều trị bằng thuốc kháng vi rút là điều trị lâu dài.
- Tenofovir disoproxil fumarate (TDF): 300mg/1 lần/ngày. Thuốc có thể dùng được cho phụ nữ có thai. Lưu ý, thuốc gây ảnh hưởng lên chức năng thận, cần theo dõi chức năng thận thường xuyên khi dùng.
- Entecavir (ETV): 0,5mg/1 lần/ ngày. Thuốc có thể sử dụng cho trẻ em > 2 tuổi. Đối với người bị suy giảm chức năng thận, cần hiệu chỉnh liều khi sử dụng.
- Tenofovir alafenamide (TAF): 25mg/1 lần/ngày. Thuốc dùng được cho các trường hợp đặc biệt: người cao tuổi, người có bệnh lý về xương khớp, người bị suy thận. Không sử dụng cho trường hợp xơ gan mất bù.
Thuốc dạng tiêm Interferon
Ngoài thuốc ức chế virus HBV dạng uống,thuốc dạng tiêm Interferon cũng được Tổ chức y tế thế giới kiến nghị sử dụng. Thuốc có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào bị virus xâm nhập. Thông thường, thuốc được sử dụng cho các trường hợp có nồng độ virus không quá cao và men gan tăng. Liệu trình dùng thuốc tiêm thường kéo dài 6 đến 12 tháng.
Thuốc Interferon có hai loại cơ bản, liều lượng sử dụng là 180 µg/tuần.
- Peg – interferon alpha (dành cho người lớn) dùng để tiêm dưới da mỗi tuần 1 lần, thuốc này có hiệu quả lâu dài.
- Interferon alpha (dành cho trẻ em) tiêm dưới da, mỗi tuần cần tiêm từ 3 đến 5 lần và hiệu quả ngắn hơn.
Các thuốc này hiện tại trên thị trường Việt Nam đã hạn chế sử dụng do: Thuốc không được lưu hành ổn định và thường xuyên, khả năng đáp ứng của thuốc không cao (từ 30-40%).
Lưu ý: Thông tin về thuốc chỉ mang tính tham khảo, việc sử dụng thuốc cần theo đơn của bác sĩ.
Hỗ trợ điều trị viêm gan B từ các thảo mộc tự nhiên
Những phương pháp chữa viêm gan B từ các thảo dược từ tự nhiên hiện nay được rất nhiều người lựa chọn. Các thảo dược này có tác dụng hạn chế các tổn thương do viêm gan, bảo vệ tế bào gan, ức chế sự nhân lên của virus. Phương pháp này có hiệu quả cao nhất khi người bệnh mới ở giai đoạn đầu của viêm gan B mãn tính.
Cây cà gai leo
Cà gai leo hay còn được gọi là cà quýnh, cà quạnh theo từng địa phương. Đây là vị thuốc quý trong y học cổ truyền Việt Nam, đóng góp một vai trò quan trọng trong sự ức chế nhân lên của virus viêm gan B. Ngoài ra, cà gai leo còn giúp loại bỏ độc tố ở gan, mát gan, làm chậm quá trình hình thành xơ gan.
Cách sử dụng cà gai leo rất đơn giản, do đó người bị bệnh viêm gan B có thể dùng đế cải thiện tình trạng bệnh lý của mình.
- Lấy khoảng 30 gam cà gai leo sau khi được cắt nhỏ phơi phô.
- Đun với 1 lít nước trong khoảng 10 phút.
- Nước cà gai leo màu nâu, mùi thơm dễ chịu, rất dễ uống hàng ngày.
Sau một thời gian sử dụng, sẽ thấy nước tiểu nhạt màu hơn, da bớt vàng hơn, giảm đau hạ sườn phải và bớt mệt mỏi hơn…
Cây mật nhân
Mật nhân hay còn gọi là cây chục bạch, bách bệnh, thường được sử dụng với cây cà gai leo để điều trị bệnh viêm gan B. Các nghiên cứu đã chứng minh, mật nhân có tác dụng bảo vệ gan, nâng cao hệ miễn dịch, tăng sự tái tạo tế bào gan và ức chế tế bào ung thư.
Người bệnh có thể sắc nước mật nhân kết hợp với cà gai leo uống hàng ngày.
- Cà gai leo 30 gam + cây xạ đen 30 gam + rễ cây mật nhân 10 gam.
- Đun với 1,5 lít nước trong 10 phút.
- Nước sắc có mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng nhưng rất dễ uống hàng ngày.
Thuốc an toàn nhưng không nên tùy tiện sử dụng cho phụ nữ có thai và trẻ nhỏ.
Khi nào được ngưng sử dụng thuốc điều trị viêm gan B?
Hầu hết khi được chẩn đoán mắc viêm gan virus B mạn tính, người bệnh thường phải dùng thuốc điều trị kéo dài, có thể là suốt đời. Ngưng điều trị sớm có thể gây tái phát bệnh nặng hơn và tăng nguy cơ bùng nồng độ virus trong cơ thể.
Virus B thường không bị tiêu diệt hoàn toàn bởi thuốc, chỉ bị ức chế, do đó, khi ngưng thuốc, có nguy cơ virus tái phát. Điều này làm cho việc dùng thuốc lâu dài, thậm chí cả đời, là phương án phổ biến.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngưng sử dụng thuốc có thể xem xét nếu:
- Kháng nguyên HBeAg chuyển thành kháng thể kháng HBeAg (anti-HBe).
- Xét nghiệm kháng nguyên HBsAg trở thành âm tính.
Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ sau khi ngưng thuốc vì nguy cơ tái phát cao. Tư vấn cụ thể nên được thực hiện với bác sĩ điều trị. Khi đáp ứng tốt với điều trị, người bệnh có thể được kê toa thuốc liên tục và tái khám định kỳ. Đồng thời, các xét nghiệm và theo dõi khác cũng cần được thực hiện để đánh giá chức năng gan và thận cũng như phát hiện sớm các biến chứng tiềm ẩn.
Tóm lại, viêm gan siêu vi B là một vấn đề phổ biến ở Việt Nam, và điều trị bằng thuốc kháng virus cần sự tuân thủ chặt chẽ. Ngưng thuốc chỉ nên xảy ra khi có sự theo dõi kỹ lưỡng và sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị, đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho người bệnh.
Người bị viêm gan B cần chú ý những gì?
Mặc dù viêm gan B chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song nhờ những tiến bộ của y học hiện nay, chúng ta có thể làm chậm quá trình tiến triển và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm do HBV gây ra.
- Người bệnh viêm gan B cần khám sức khỏe và xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra đánh giá chức năng gan, nồng đồ virus…
- Kiêng rượu, bia, các chất kích thích và nước giải khát có cồn vì nó làm tăng gánh nặng cho gan.
- Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu như: rau củ quả, thực phẩm chứa nhiều đạm tốt (cá, trứng, sữa, thịt gà…), thực phẩm với hàm lượng tinh bột phù hợp (gạo, các loại đậu…)
- Không nên ăn nội tạng, mỡ động vật, các đồ ăn nhanh,…
- Xây dụng lối sống lành mạnh, tinh thần vui vẻ, rèn luyện sức khỏe phù hợp với điều kiện của bản thân như: tập thể dục buổi sáng, đi bộ, bơi hoặc chơi cầu lông…
- Thực hiện các biện pháp an toàn, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Kết luận:
Những thông tin trên đã giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát về viêm gan B, khi nào nên điều trị viêm gan B và các phương pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết mang đến các thông tin hữu ích cho bạn đọc từ đó giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng bệnh và chung sống hoà bình với bệnh viêm gan B.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/y-te/quyet-dinh-3310-qd-byt-2019-huong-dan-chan-doan-dieu-tri-benh-viem-gan-b-175786-d1.html
http://www.bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/5697-dien-tien-cua-benh-viem-gan-sieu-vi-b-nhu-the-nao.html
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-chua-viem-gan-b-man-tinh-169210928104713454.htm