Bất cứ bộ phận nào trong cơ thể không khỏe mạnh đều gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chúng ta. Gan là một cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể, là cơ quan chính để thanh lọc độc tố, và cũng là cơ quan quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn và dự trữ nhiên liệu dưới nhiều dạng khác nhau. Gan bị tổn thương sẽ dẫn tới chức năng gan bị suy giảm mạnh, trong đó nguy hiểm và phổ biến nhất là ung thư gan.
1- Nguyên nhân của bệnh ung thư gan
Ung thư gan có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên, dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản:
Bệnh tật:
- Một số bệnh như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, bệnh tiểu đường, béo phì cũng có thể là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư gan. Có thể thấy các tế bào gan ở nhóm người bệnh viêm gan, xơ gan thường bị virus tấn công và có khả năng miễn dịch rất yếu. Tế bào gan bị hư hại, mô xơ, sẹo thay thế cho các mô gan khỏe mạnh khiến chức năng gan bị suy giảm, do đó làm tăng khả năng dẫn tới ung thư rất cao.
- Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người béo phì thừa cân đang bị viêm gan cũng là đối tượng có nguy cơ bị ung thư gan. Khi chỉ số khối của cơ thể tăng cao làm tăng nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào gan, mối liên quan này vẫn đúng sau khi tính đến các yếu tố giới tính và độ tuổi.
Lối sống:
- Rượu bia và thuốc lá là con đường dẫn tới ung thư gan nhanh hơn ở những người bị viêm gan B, C. Rượu bia khiến gan không thể lọc hết các chất độc, từ đó các tế bào gan bị thương tổn và bị thay thế thành mô sẹo, gây xơ gan mãn tính và dẫn tới ung thư gan. Đặc biệt những người mắc viêm gan B, C có nguy cơ mắc ung thư gan rất cao hơn nếu họ dùng nhiều bia rượu.
Rượu bia nhiều làm tăng nguy cơ bệnh ung thư gan
Giới tính và di truyền:
- Cũng có thể do thói quen rượu bia, thuốc lá nhiều mà nam giới có khả năng mắc ung thư gan nhiều hơn nữ giới. Ngoài ra, nguy cơ ung thư gan cũng cao hơn ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư gan.
Một số nguyên nhân khác:
- Một số nguyên nhân khác có thể dẫn tới ung thư gan như người bệnh ăn phải một số thực phẩm chứa aflatoxin, chất Steroid hoặc dùng nhiều nước nhiễm asen trong dài ngày.
- Aflatoxin có nhiều trong các loại lúa mì, lạc, ngô, đậu nành bị nấm mốc.
- Steroid là chất để tăng trọng lượng cơ thể, giảm và biến chất béo thành cơ bắp, tăng độ dẻo dai khi tập luyện thể thao. Nếu sử dụng chất này thường xuyên và trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan cũng như một số căn bệnh ung thư khác.
2- Các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết ung thư gan
Ở giai đoạn đầu rất khó để nhận biết ung thư gan, các khối u thường âm thầm phát triển và khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ rệt thì khối u cũng đã phát triển lớn, người bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm. Bệnh nhân sẽ tử vong sau 3-6 tháng kể từ khi mắc bệnh, vậy nên hãy thật sự cảnh giác nếu bạn thấy trong người có một số biểu hiện nghi vấn như sau:
Giai đoạn đầu:
- Rối loạn tiêu hóa nhẹ: Ăn không ngon, ăn ít, đầy bụng, khó tiêu, đại tiện khó khăn
- Đôi lúc cảm thấy đau hoặc tức hạ sườn phải nhưng không đáng kể.
- Cơ thể mệt mỏi, đôi khi sốt nhẹ nhưng tự khỏi, cơ thể giảm cân từ 1 – 2 kg mỗi tháng
- Sờ thấy khối u vùng hạ sườn phải hoặc khám sức khỏe định kỳ phát hiện qua siêu âm.
- Những triệu chứng trên thường không rõ rệt và dễ bị người bệnh bỏ qua.
Các giai đoạn sau:
- Đau vùng gan: đau vùng hạ sườn phải, thường gặp vào thời kỳ giữa và cuối, đau tức hoặc như dao đâm. Thường trên nửa số bệnh nhân có đau vùng gan, đau xuyên lên vai phải và lưng.
- Bụng trên đầy tức, xuất hiện sớm, thường kèm theo những triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhưng ít được chú ý, đến lúc muộn thì đã có nước bụng và cổ trướng.
- Chán ăn là triệu chứng sớm nhất của bệnh nhưng ít được chú ý và dần dần xuất hiện buồn nôn, nôn, tiêu chảy nặng lên đã là giai đoạn cuối.
- Những triệu chứng khác như mệt mỏi, sút cân, sốt và xuất huyết là nhúng triệu chứng của thời kỳ cuối mà tiên lượng đã rất xấu.
- Gan to (khối u vùng bụng trên) trên 90% số bệnh nhân đến khám là gan to, cứng, mặt gồ ghề hoặc ấn đau.
- Lách to thường kèm theo và là kết quả của xơ gan.
- Cổ trướng là triệu chứng của thời kỳ cuối, nước bụng thường màu vàng cỏ úa hoặc màu đỏ (có máu), thuốc lợi tiểu thường không có hiệu quả.
- Da vàng do tắc mật và do tế bào hủy hoại nặng dần lên, mạch sao, thường xuất hiện vào thời kỳ cuối biểu hiện của xơ gan.
3- Điều trị bệnh ung thư gan
- Việc điều trị cho bệnh nhân bị ung thư gan cần tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe chung của người mắc. Đối với các trường hợp có khố u nhỏ đơn độc, chức năng gan còn tốt, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ khối u.
- Tuy nhiên, hầu hết những người mắc ung thư gan cũng bị xơ gan và không cắt được. Các phương pháp điều trị khác như tiêm cồn, hoá chất động mạch gan…cho kết quả rất hạn chế.
- Đối với các bệnh nhân giai đoạn muộn, điều trị chủ yếu là chống đau và chăm sóc triệu chứng. Dưới đây là cụ thể các phương pháp điều trị này.
Phẫu thuật điều trị ung thư gan:
Hình ảnh minh họa
- Phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp bị ung thư gan nguyên phát, nếu chỉ có một phần gan bị ung thư xâm lấn và phần còn lại vẫn có thể đảm bảo chức năng tốt.
- Gan có khả năng tự bù trừ và hồi phục rất tốt. Kể cả khi phẫu thuật cắt bỏ 3/4 gan thì chỉ sau một vài tuần phần gan còn lại sẽ bắt đầu phát triển nhanh, có thể trở về kích thước như bình thường.
- Một số bệnh nhân khi u còn nhỏ cũng có thể được tư vấn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ gan và thay thế bằng một gan của người khác hay còn gọi là phẫu thuật ghép gan.
Phương pháp diệt tại chỗ:
- Áp dụng cho các trường hợp khối u có đường kính dưới 5 cm. Hai phương pháp được áp dụng chủ yếu là tiêm cồn tuyệt đối và axit acetic qua da vào khối u. Cồn và axit sẽ phá hủy các tế bào ung thư.
- Nhóm kỹ thuật này thường được tiến hành tại khoa chẩn đoán hình ảnh, sử dụng siêu âm dẫn đường cho kim đi trực tiếp vào khối u. Trong trường hợp khối u tái phát, có thể tiếp tục điều trị như vậy nhiều lần.
Diệt bằng tia lade hoặc đốt nhiệt sóng cao tần:
- Đây là phương pháp sử dụng tia la-de hoặc máy sinh dòng điện để phá hủy các tế bado ung thư. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, một chiếc kim được cắm qua da vào trung tâm khối u, ánh sáng tia la-de hoặc sóng cao tần được truyền qua kim vào khối u, làm nóng tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Hóa trị điều trị ung thư gan:
- Phương pháp hóa trị người bệnh sẽ được sử dụng một số loại thuốc chống ung thư để diệt tế bào khối u, được áp dụng cho các trường hợp không còn khả năng phẫu thuật cắt u.
- Thuốc chống ung thư thường được tiêm tĩnh mạch hoặc bơm trực tiếp vào động mạch gan nuôi khối u. Hóa trị liệu pháp thường được thực hiện thành từng đợt điều trị trong một số ngày. Sau mỗi đợt truyền hóa chất là một đợt nghỉ vài tuần để cơ thể bạn có thể hồi phục sau những tác dụng phụ của điều trị. Số lần hóa trị liệu phụ thuộc vào loại ung thư gan và mức độ đáp ứng với điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, hóa trị có thể để lại một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Các tác dụng phụ thường là giảm sức đề kháng với nhiễm khuẩn, cảm giác mệt mỏi, đau miệng, rụng tóc … chỉ là tạm thời và có thể được khống chế tốt bằng điều trị nội khoa
Xạ trị:
- Xạ trị liệu pháp là phương pháp điều trị sử dụng các loại tia năng lượng cao để phá hủy các tế bào ung thư và làm tổn thương ít nhất các tế bào lành. Phương pháp này ít khi được áp dụng cho ung thư tế bào gan, nhưng có thể chỉ định cho ung thư biểu mô đường mật.
- Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, thời gian sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng. Chỉ có khoảng 1% người ung thư gan có nguy cơ sống sót sau 5 năm.
4- Phòng ngừa bệnh ung thư gan
- Hiện nay, không có một chế độ ăn uống nào giúp chữa trị triệt dể căn bệnh ung thư gan, nhưng việc xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp không bao giờ là thừa cả.
- Người bệnh nên bổ sung sữa và sữa chua, rau xanh, trái cây, cá trong chế độ ăn uống của mình. Ngoài ra, người bệnh nên vận động thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Làm thế nào để tránh bị lây lan virus viêm gan qua đường ăn uống, tình dục; tránh uống nhiều rượu, bia cẩn thận khi sử dụng các dược phẩm vì hầu hết đều được chuyển hóa qua gan.