Những hiểu biết sai lầm về ung thư nhiều khi đã dẫn đến những hậu quả nặng nề cho cả người bệnh lẫn người nhà bệnh nhân ung thư. Ung thu gan Kỳ thị vì sợ lây bệnh ung thư gan.
Hình ảnh minh họa
Thấy bà Hồng, 60 tuổi, ở Đoan Hùng, Phú Thọ, đi chữa bệnh trên Hà Nội mới về, hàng xóm kéo đến hỏi thăm. Thế nhưng đến khi biết bà bị ung thư gan thì ai đấy đều lẳng lặng đứng lên ra về vì sợ… lây bệnh.
Trước đó bà kêu mệt, sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, vàng da, con cái đưa mẹ ra Hà Nội khám. Tại đây bác sĩ phát hiện bà bị ung thư gan, phải nằm điều trị đến gần một tháng mới được về. Từ hôm xuất viện về nhà, hàng xóm họ cũng đến thăm nhiều nhưng họ chỉ dám ngồi ở ngoài nhà hỏi han sức khỏe chứ cũng không dám ngồi gần. Có người thậm chí đến uống nước cũng không dám.
Chị Minh, sống cùng xóm với nhà bà Hồng cho biết: “Mẹ chồng tôi thậm chí còn dặn con cháu trong nhà tránh xà bà ấy ra kẻo lại bị lây bệnh nan y đó thì khổ. Nào là bà Hồng đã ung thư di căn rồi, khối u ăn sang các bộ phận khác, lúc ấy ai mà tiếp xúc gần người bệnh chắc cũng sẽ bị lây”.
Những trường hợp hiểu sai về bệnh ung thư, dẫn đến kỳ thị không đáng có như trên không phải hiểm gặp. Trên một diễn đàn, một bạn gái đặt câu hỏi: “Mẹ tôi bị bệnh ung thư dạ dày đã phẫu thuật cắt gần như hết dạ dày và đang điều trị hóa chất. Tôi có con nhỏ một tuổi rưỡi ở chung nhà. Tôi sợ cháu bị lây nhiễm. Bác sĩ cho tôi hỏi bệnh này có bị lây nhiễm không? Nếu có thì phải phòng tránh bằng cách nào?” Có gia đình có người thân bị ung thư phổi thì sợ bệnh lây qua việc sử dụng chung dụng cụ sinh hoạt hàng ngày, qua tiếp xúc..
Không chỉ sợ tiếp xúc với bệnh nhân ung thư, nhất là ung thư đường hô hấp, nhiều người thậm chí không cho con kết hôn nếu có bố hoặc mẹ chết sớm vì căn bệnh ung thư. Lý do vì sợ biết đâu lấy nhau rồi đến đời con, cháu lại bị ung thư như thế thì khổ.
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh Viện K (Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định: “Bệnh ung thư hoàn toàn không lây qua đường tiếp xúc, dù là ung thư đường hô hấp. Vì vậy, ung thư được xếp vào nhóm các bệnh không lây nhiễm”.
Cũng theo ông, bản thân bệnh ung thư cũng không có tính chất di truyền. Tuy nhiên cần hiểu một cách đầy đủ hơn, đây là loại bệnh do tổn thương gene gây ra. Trong đó, có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gen. Hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gene này không di truyền.
Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ khoảng dưới 10% là do những tổn thương gene có sẵn trong cơ thể, những tổn thương gene này có thể di truyền. Dù thế, cũng chỉ có khoảng 50% con sẽ nhận di truyền gene đó. Trong số những người con có gene sinh ung thư này chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ sẽ mắc ung thư.
Điều đáng nói là không chỉ cộng đồng mà cả những bệnh nhân ung thư cũng hiểu sai về bệnh. Đa số người vẫn cho rằng ung thư không có biện pháp phòng và một khi đã mắc thì chỉ chết vì không chữa khỏi được. Thực tế, ở các nước có nền y tế phát triển thì hơn 50% bệnh nhân ung thư được chữa khỏi nhờ phát hiện sớm. Còn nước ta tỷ lệ khỏi bệnh còn thấp do có đến 80% người chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, giáo sư Đức cho biết.
Bên cạnh đó, một số người còn tin rằng “kiếp trước” mắc lỗi lầm nên “kiếp này” bị đày đọa bằng cho mắc bệnh ung thư. Có người thì nhất định không chịu phẫu thuật vì sợ “đụng dao kéo” nên tìm đến các bài thuốc của “lang băm”, cách chữa mê tín dị đoan…, đến khi bệnh quá nặng mới tới bệnh viện thì không kịp. Mổ là biện pháp cơ bản để chữa ung thư khi bệnh còn mổ được…
Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, trong mô hình bệnh tật thế kỷ 21, các bệnh không lây nhiễm trong đó có ung thư sẽ trở thành nhóm bệnh chủ yếu đe dọa đến sức khỏe con người, chiếm tới 54% nguyên nhân gây tử vong. Ước tính mỗi năm ở nước ta có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và 75.000 người chết vì ung thư, cao gấp 7 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Số lượng mắc và chết vì ung thư có xu hướng ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, với bệnh ung thư, khoảng 1/3 có thể phòng được, hơn 30% có thể chữa khỏi (nếu phát hiện ở giai đoạn sớm) và 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (phát hiện ở giai đoạn muộn).
Vì thế, giáo sư Đức khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư cộng đồng cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: thuốc lá, rượu bia, đẻ nhiều và tình dục không an toàn, hóa chất độc trong môi trường, tia phóng xạ và tia tia cực tím trong ánh nắng mặt trời, ít vận động thể lực…
Theo Vnxepress