Viêm gan B là bệnh lây nhiễm có nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm siêu vi B lên tới 10 – 14%. Bệnh diễn biến thầm lặng, khả có khả năng lây lan mạnh nên rất nguy hiểm. Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm siêu vi B khá cao, lên tới 10 – 13%, lây từ mẹ sang con là 44,7%. Sau sinh nhiều chị em muốn cho bú bằng sữa mẹ nhưng phân vân không biết có lây nhiễm virus viêm gan B cho con không? Cùng giải đáp thắc mắc này qua những thông tin sau đây nhé.
Mẹ bị viêm gan B có lây truyền cho con?
Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm, có diễn biến thầm lặng và khả năng lây lan nhanh chóng. Thậm chí có thể đột biến gây viêm gan tối cấp dẫn tới tử vong, hậu quả lâu dài và nặng nề gây ra biến chứng xơ gan và ung thư gan.
Thai phụ nhiễm virus viêm gan B trước hoặc trong mang thai, nhưng phần lớn là nhiễm bệnh từ trước đó mà không phát hiện ra. Tuy nhiên, virus viêm gan B không gây ảnh hưởng tới tiến trình mang thai cũng như bào thai, thai vẫn phát triển bình thường và không có nguy cơ dị dạng. Điều quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi, nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì 50% số trẻ này bị viêm gan B mạn và có nguy cơ mắc xơ gan lúc trưởng thành. Tỷ lệ bị viêm gan B cấp ngay sau khi sinh là 5 – 7% mà không có dấu hiệu rõ rệt.
Khả năng truyền viêm gan siêu vi B theo con đường từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai như sau:
- 3 tháng đầu thai kỳ: 1%
- 3 tháng giữa thai kỳ: 10%
- 3 tháng cuối thai kỳ: 67%
Mức độ nhân đôi của siêu vi được xác định bằng xét nghiệm HBeAg huyết thanh. Đây là bằng chứng cho thấy tính lây nhiễm của loại virus này. Cụ thể xét nghiệm chứng tỏ sự lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con như sau:
- HBs Ag (+)/ HBe Ag (+): 90%
- HBs Ag (+)/ HBe Ag (-): 10-25%
Theo số liệu thống kê, có tới hơn 95% số trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B ở giai đoạn chu sinh sẽ tiến triển sang viêm gan mạn do có liên quan đến tình trạng chưa trưởng thành của hệ thống miễn dịch ở trẻ. Ngược lại, ở độ tuổi trưởng thành chỉ có 5 – 7% chuyển sang dạng mạn tính.
Xem thêm chi tiết: Bà bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Mẹ mắc viêm gan B có thể cho con bú?
Viêm gan B là bệnh lây truyền nguy hiểm nên nhiều chị em phụ nữ mắc viêm gan B lo lắng không biết cho con bú có khiến bé bị lây nhiễm virus viêm gan B hay không.
Thực tế, trong sữa mẹ vẫn chứa một lượng nhỏ virus viêm gan B nhất định. Tuy nhiên, virus viêm gan B chỉ lây nhiễm cho trẻ nếu trẻ bú mẹ có đầu vú bị nứt, rạn, chảy máu. Hoặc khi trẻ bị nứt miệng, tưa lưỡi thì mẹ cần được điều trị vị trí tổn thương. Bà mẹ viêm gan B nuôi con bằng sữa mẹ không nên lo lắng, chỉ cần giữ vệ sinh đầu vú sạch, tạm ngừng cho trẻ bú sữa mẹ nếu núm vú có tổn thương.
Bên cạnh đó, mẹ vẫn có thể cho con bú nếu sau khi sinh trẻ được tiêm huyết thanh đặc hiệu chống virus viêm gan B 100 đơn vị. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm vắc xin chống viêm gan B theo công thức 3 mũi áp dụng cho trẻ sơ sinh. Khi được tiêm chủng ngừa viêm gan B cũng sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm HBV từ tất cả các đường lây nhiễm khác, bảo vệ trẻ khỏi lây nhiễm viêm gan B tới 90%.
Sau khi tiến hành cai sữa, người mẹ mắc viêm gan B cần tiến hành điều trị đồng thời làm các xét nghiệm để hạn chế những biến chứng nguy hiểm mà viêm gan B có thể gây ra. Nếu được điều trị trong quá trình cho con bú, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý dùng thuốc đông tây y hay thực phẩm chức năng. Chỉ nên dùng thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ có chuyên môn để tránh gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng sữa mẹ.
Thông tin xem thêm: Viêm gan B liệu có di truyền?
Phòng ngừa cho trẻ khi mẹ mắc viêm gan B
Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin. Cách tốt nhất để không phải lo lắng mẹ bị viêm gan B có nên cho con bú không và hạn chế nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con chính là tiêm phòng vắc xin viêm gan B trước khi mang thai và tiêm phòng cho bé khi vừa chào đời. Các bác sĩ khuyến cáo tất cả thai phụ khám thai định kỳ và tầm soát viêm gan B sớm nhất có thể. Với những mẹ không bị nhiễm virus viêm gan B hoàn toàn có thể tiêm vắc xin phòng ngừa.
Đối với các mẹ bầu cần làm xét nghiệm HBsAg trong huyết thanh vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Trường hợp cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ dựa vào đó để đánh giá mức độ truyền bệnh, làm xét nghiệm bổ sung HBeAg hoặc ADN và anti HBe nhằm có hướng điều trị bệnh và hạn chế tối đa sự lây nhiễm cho thai nhi.
Nhiều bà mẹ lo lắng cho con bú sẽ làm tăng khả năng truyền bệnh cho con. Khả năng lây truyền vẫn có thể xảy ra nhưng chỉ khi đầu vú của mẹ bị xước chảy dịch hoặc chảy máu. Thông thường, khả năng lây truyền này thấp (2 – 3%) và thường chỉ khi bé có mầm răng phát triển mới nghiến ti mẹ gây chảy máu. Nhưng nếu bé được tiêm huyết thanh chống viêm gan B trong 2 giờ đầu sau sinh và tiêm chủng vắc-xin viêm gan B và duy trì lịch tiêm chủng như những đứa trẻ khác giúp bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị lây từ mẹ sang con. Cụ thể:
- Trẻ sơ sinh được tiêm ngừa viêm gan B trong vòng 12 – 24 giờ đầu sau sinh. Khi đó bé sẽ có hơn 95% cơ hội không bị mắc viêm gan B sau này. Sau đó, các mũi tiêm thực hiện vào tháng thứ 2 và tháng thứ 3. Khi đã thực hiện đúng lịch tiêm phòng cho trẻ thì người mẹ hoàn toàn có thẻ yên tâm cho trẻ bú bình thường.
- Với người mẹ nhiễm viêm gan B có HBsAg (+) và HBeAg (-), tức là siêu vi B dang ở trong giai đoạn nằm yên thì ngay sau sinh bé sẽ được tiêm 1 liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Văcxin được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ hai và tháng thứ ba sau sinh.
- Với người mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+) thì bé sẽ được tiêm 2 liều immunoglobulin và một mũi văcxin ngừa viêm gan B thông thường. Các mũi vắc xin tiếp theo sẽ tiêm ở tháng thứ hai và tháng thứ 3. Vắc xin này tiêm theo lịch tiêm chủng mở rộng quốc gia cho tất cả trẻ em sau sinh.
Bên cạnh đó, mẹ cần thiết lập cho bản thân một chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý. Bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ giúp cơ thể sản sinh ra nhiều kháng thể để ngăn chặn virus sinh sôi. Điều này cũng giúp sữa mẹ được “thanh lọc” trước mầm bệnh.