Chỉ số men gan là yếu tố quan trọng phản ánh tình trạng sức khỏe gan. Sự tăng cao của chỉ số này có thể cho thấy những vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra bên trong cơ thể. Vậy men gan bao nhiêu là bình thường? Chỉ số men gan cao là khi nào? Hãy cùng Viemgan.com.vn tìm hiểu làm rõ nhé!
Mục lục
Chỉ số men gan bình thường là bao nhiêu?
Gan không chỉ là một bộ phận trong cơ thể mà còn là trung tâm quan trọng của quá trình chuyển hóa các chất, tích trữ năng lượng, tạo mật và loại bỏ chất độc. Để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như vậy, gan phải sử dụng một loạt các enzyme được gọi là men gan để kích thích phản ứng sinh học của quá trình chuyển hóa. Cũng nhờ các men này, gan có thể hoạt động một cách hiệu quả, đảm bảo sức khỏe và chức năng toàn diện của chúng.
Trong các tế bào gan có đến 4 loại men gan, mỗi men lại thực hiện một chức năng khác nhau. Cụ thể:
Chức năng được đánh giá | Các loại men gan liên quan | Chức năng sinh lý |
Chức năng chuyển hóa của gan và sự toàn vẹn của tế bào gan | Aspartate Aminotransferase (AST) và Alanine | Quan trọng trong chuyển hóa amino-acid |
Aminotransferase (ALT) | ||
Chức năng dự trữ của gan | Phosphatase kiềm (ALP hoặc LDH) | Vận chuyển các chất qua màng tế bào |
Gama – GT (γ- Glutamyl transpeptidase) | Quan trọng cho tổng hợp và phân hủy glutathione |
Trong trường hợp cần xác định chức năng nào của gan đang bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu và căn cứ vào các chỉ số của 4 loại men nêu trên.
Chỉ số men gan | Giới hạn chỉ số men gan bình thường |
AST(SGOT) | 20 – 40 UI/l |
ALT (GPT) | 20 – 40 UI/l |
ALP | 30 – 110 UI/l |
Gama – GT (GGT) | 20 – 40 UI/l |
Vậy chỉ số men gan cao khi nào?
Tình trạng men gan cao được xác định khi các chỉ số nêu trên vượt quá giới hạn bình thường. Các mức độ có thể bao gồm:
- Mức độ nhẹ: Chỉ số men gan tăng dưới 5 lần giới hạn bình thường.
- Mức độ vừa: Chỉ số men gan tăng gấp 5 – 10 lần so với bình thường
- Mức độ nghiêm trọng: Chỉ số men gan tăng gấp hơn 10 lần bình thường.
☛ Đọc thêm: Chỉ số ALT là gì? ALT tăng cao có ý nghĩa gì?
Chỉ số men gan cao báo hiệu vấn đề gì?
Tình trạng men gan tăng cao thường là do tế bào gan bị tổn thương và chúng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Cụ thể:
Viêm gan do virus
Viêm gan do virus là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự gia tăng đột ngột của men gan. Với 5 loại virus gây viêm gan A, B, C, D, E, chúng có khả năng xâm nhập vào cơ thể và tấn công gan, gây tổn thương nghiêm trọng đến tế bào gan. Mức độ phá hủy tế bào gan càng cao, lượng men gan được giải phóng sẽ càng tăng lên đáng kể.
Đặc biệt, virus viêm gan B và C, khi hoạt động mạnh, có thể dẫn đến viêm gan cấp và mạn tính, tăng nguy cơ mắc xơ gan, ung thư gan lên đáng kể. Việc chăm sóc sức khỏe gan với các trường hợp này trở nên cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng tiềm ẩn và bảo vệ sức khỏe tổng thể.
Xơ gan
Xơ gan là vấn đề tổn thương nhu mô gan thường gặp. Nó có thể là hậu quả của các bệnh lý khác như viêm gan B, viêm gan C hoặc các tổn thương do rượu…
Xơ gan khiến nhu mô gan lành trải qua quá trình xơ hóa, gây ra sự rối loạn chức năng tuần hoàn tại gan, các tế bào gan bị tổn thương và giải phóng ra các enzyme (men gan), làm men gan tăng cao.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, quá trình xơ hóa sẽ tiếp tục tiến triển trong nhiều năm và không phục hồi, dẫn đến toàn bộ nhu mô gan đều bị tổn thương lan tỏa. Điều này cũng khiến người bệnh đối diện với các biến chứng như hội chứng não gan, nhiễm trùng dịch cổ trướng, ung thư gan… thậm chí dẫn tới tử vong.
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là tình trạng tế bào gan tích tụ nhiều chất béo. Bệnh lý này cũng có thể tác động đến chỉ số men gan.
Theo đó, việc có quá nhiều chất béo trong gan sẽ gây viêm và tổn thương cho các tế bào tại đây. Điều này cũng kích thích giải phóng men gan vào máu, dẫn đến sự gia tăng đáng kể của các chỉ số men gan.
Hiện nay, y học vẫn chưa có thuốc đặc trị gan nhiễm mỡ, các phương pháp điều trị hầu hết nhằm mục đích làm giảm triệu chứng và hạn chế tiến triển của bệnh.
Ung thư gan
Ung thư gan là một căn bệnh gan ác tính, khiến cho các tế bào gan phát triển một cách không kiểm soát. Đồng thời chúng cũng phóng thích các enzyme một cách ồ ạt, làm chỉ số men gan tăng cao đột ngột.
Khi mắc bệnh, chức năng gan của người bệnh sẽ suy giảm nhanh chóng, tuy nhiên, dấu hiệu ban đầu thường không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan.
Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do ung thư gan ngày càng cao, do đó nếu có các dấu hiệu như sụt cân nhanh, chán ăn, vàng da, vàng mắt hoặc những bất thường sức khỏe khác, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị.
Các nguyên nhân khác
Tình trạng men gan cao cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như:
Tăng men gan do thuốc
Paracetamol (acetaminophen) là một loại thuốc rất phổ biến được sử dụng để giảm đau và hạ sốt. Chúng khá an toàn nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi dùng vượt quá 4g/ngày, paracetamol có thể gây suy gan.
Việc dung nạp quá nhiều paracetamol sẽ khiến gan không còn đủ glutathione để loại bỏ N-acetyl-p-benzoquinoneImine (NAPQI – một sản phẩm chuyển hóa của paracetamol) độc hại. Điều này dẫn đến tích tụ của NAPQI, gây tổn thương cho tế bào gan và làm tăng men gan.
Ngoài paracetamol, các thuốc khác như isoniazid, phenytoin, rifampicin, co-trimoxazol (sulfamethoxazole và trimethoprim) cũng có thể tác động đến men gan.
Thói quen sử dụng rượu bia
Rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tăng men gan. Khi ta tiêu thụ rượu bia, chỉ có khoảng 10% cồn được loại bỏ qua nước tiểu, mồ hôi và hơi thở. Phần còn lại, tức 90%, sẽ đi thẳng tới gan. Đó là lý do vì sao gan trở thành nơi chứa lượng cồn cao nhất.
Tế bào gan có các loại enzyme đặc biệt để xử lý cồn thông qua một chuỗi các phản ứng hóa học. Tuy nhiên, khả năng của chúng có giới hạn, chỉ có thể xử lý một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu tiêu thụ quá nhiều rượu bia trong một khoảng thời gian ngắn, gan sẽ bị quá tải, dẫn đến việc acetaldehyde tích tụ nhiều hơn, gây độc và làm tổn thương tế bào gan. Từ đó làm tăng men gan.
☛ Tìm hiểu thêm: Tại sao uống rượu bia men gan tăng?
Các bệnh lý khác
Một số bệnh lý khác như viêm gan nhiễm trùng, viêm gan cấp, viêm tụy, tắc đường mật, viêm dạ dày cấp… cũng có thể là yếu tố khiến men gan tăng nhưng mức độ tăng không quá nhiều.
Ngoài ra, các căn bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, sởi, nhiễm trùng máu ở giai đoạn toàn phát cũng có thể khiến men gan của bệnh nhân tăng hơn mức bình thường.
Chỉ số men gan cao nguy hiểm như thế nào?
Men gan cao là một trong những dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương. Người bệnh có thể gặp tình trạng đau đầu, mệt mỏi, đầy hơi, trướng bụng, vàng da, vàng mắt… Các trường hợp tăng men gan do các bệnh gan cấp tính có thể xuất hiện triệu chứng rõ rệt hơn như đau bụng, nôn, rối loạn tiêu hóa, mẩn ngứa… làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của người bệnh.
Đặc biệt, việc men gan tăng cao bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan… Nếu không được phát hiện, can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và để lại những ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể dẫn đến hôn mê do nhiễm độc tế bào thần kinh, nghiêm trọng hơn nữa là tử vong.
Ban đầu, các triệu chứng men gan cao thường không rõ ràng, thậm chí một số người còn không có triệu chứng lâm sàng dù men gan tăng vượt ngưỡng nhiều lần. Việc duy trì thói quen thăm khám và xét nghiệm chỉ số men gan định kỳ là cần thiết trong việc kiểm soát, phòng ngừa và điều trị các chứng bệnh liên quan.
☛ Xem chi tiết: Men gan bao nhiêu là nguy hiểm?
Mẹo kiểm soát ổn định chỉ số men gan
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy men gan cao, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để xác định tình trạng và nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Tùy trường hợp, việc kiểm soát các chỉ số men gan ở mức ổn định sẽ cần các biện pháp khác nhau. Ví dụ:
- Men gan tăng do viêm gan virus: Sử dụng thuốc kháng virus theo chỉ định.
- Men gan tăng do sử dụng rượu bia: Ngừng uống rượu bia và tránh xá các chất kích thích.
- Men gan tăng cao do thừa cân, gan nhiễm mỡ: Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ như nội tạng động vật, các món chiên xào… tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, kết hợp tập luyện thể dục thể thao phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cũng cần chú ý xây dựng lối sống khoa học, tránh làm việc quá sức, ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng dinh dưỡng… Đồng thời thường xuyên thăm khám, theo dõi chỉ số men gan, siêu âm để kiểm tra tình trạng gan và ống mật…