Men gan là một loại enzyme có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong gan. Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo gan đang bị suy yếu. Vậy men gan cao có nguy hiểm không và cần làm gì để hạn chế nguy hiểm của men gan cao ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh
Mục lục
Men gan cao là gì?
Men gan cao là một tình trạng bệnh lý liên quan tới tổn thương tại gan, gây ra những ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.
Men gan là hệ thống các enzyme xúc tác trong gan như ALT (SGPT), AST (SGOT), GGT, ALP có tác dụng giúp cơ thể tổng hợp và chuyển hóa các chất, chúng thường được tế bào gan tiết ra một lượng nhất định, hòa tan vào máu tạo nên một nồng độ men gan trong máu.
Men gan tăng cao là dấu hiệu đầu tiên cho biết gan của người bệnh có thể bị viêm hoặc tổn thương tế bào gan vì các tế bào gan khi bị viêm hoặc tổn thương làm cho 2 loại men ALT, AST bị rò rỉ vào máu và tăng cao hơn bình thường. Hai loại men còn lại là GGT có trong thành tế bào của ống mật và ALP có trong các màng tế bào gan.
☛ Xem thêm chi tiết: Chỉ số ALT là gì? Xét nghiệm ALT tăng cao có ý nghĩa gì?
Nguyên nhân gây men gan cao
Men gan cao là một tình trạng bệnh lý khá phổ biến hiện nay và có xu hướng ngày càng tăng nhanh. Có nhiều nguyên nhân có thể gây tăng men gan, cụ thể là:
– Virus gây viêm gan
Viêm gan viruss là một trong những nguyên nhân điển hình khiến men gan tăng cao đột biến. Có 5 loại virus gây viêm gan là A, B, C, D, E. Khi các virus này xâm nhập vào cơ thể chúng sẽ phá hủy tế bào gan gây giải phóng men gan vào máu. Virus viêm gan có thể gây viêm gan cấp, mạn tính nguy cơ trở thành xơ gan và ung thư gan.
– Lạm dụng rượu bia
Các chất kích thích, chứa nồng độ cồn cao trong quá trình chuyển hóa tại gan có thể gây độc cho tế bào gan, làm tổn thương tế bào dẫn tới tăng men gan.
☛ Xem chi tiết: Vì sao men gan tăng cao do uống nhiều rượu bia?
– Tác dụng phụ của thuốc
Các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm hay thuốc giảm đau… đều được chuyển hóa tại gan. Do vậy tự ý sử dụng hay lạm dụng thuốc thì gan sẽ bị quá tải, gây tổn thương tế bào và làm tăng men gan.
– Chế độ ăn uống
Men gan tăng còn có thể do hấp thụ một phần độc tố chứa trong thực phẩm. Khi ăn các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nấm mốc, chứa chất bảo quản, dư thừa thuốc bảo vệ thực vật, chứa độc tố,… làm gan phải hoạt động nhiều hơn để thải độc, từ đó làm chết các tế bào gan gây tăng men gan.
– Do bệnh lý
Một số bệnh lý như: sốt rét, suy tim, viêm tụy, đái tháo đường, bệnh lý đường mật, nhiễm trùng đường mật, khối u đường mật, … làm quá trình chuyển hóa tế bào gan bị ảnh hưởng dẫn đến men gan tăng cao.
Men gan cao có lây không?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến men gan tăng cao. Nhiều người thắc mắc, vậy men gan cao có lây không? Thực tế, men gan cao không lây truyền, vậy nên mọi người hoàn toàn có thể yên tâm tiếp xúc với người bệnh men gan cao mà không cần lo lắng gì cả.
Tuy không có khả năng lây nhiễm nhưng một số thông kê cho thấy men gan cao có tính chất di truyền giữa các thế hệ trong gia đình. Chẳng hạn như ông bà hay bố mẹ bị men gan cao thì khả năng con cháu sau này cũng sẽ có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn bình thường.
Ngoài ra, nếu men gan cao do các loại virus gây viêm gan đặc biệt là virus viêm gan B,C thì những nguyên nhân này hoàn toàn có thể lây truyền từ người sang người qua đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con trong quá trình sinh.
Men gan cao có nguy hiểm không?
Men gan cao có nguy hiểm không là một câu hỏi mà hầu hết người gặp tình trạng này đều băn khoăn lo lắng. Có thể nói men gan cao là một tình trạng bệnh lý do vậy nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của bạn, cụ thể là:
Men gan cao ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt
Khi men gan tăng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cơ thể bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như:
- Da bị nổi mẩn đỏ và ngứa.
- Đau âm ỉ hạ sườn phải.
- Người mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, đau bụng có khi sốt nhẹ.
- Sút cân, vàng da, có thể bị phù.
- Phân nhạt màu.
Những triệu chứng này cũng ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, công việc của người bệnh.
Men gan cao cảnh báo gan bị tổn thương
Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể, chịu trách nhiệm chuyển hóa các chất từ đồ ăn, thuốc giúp cơ thể hấp thu chất dinh dưỡng cũng như đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Men gan tăng là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo chúng ta về tình trạng tổn thương gan và men gan càng cao chứng tỏ tế bào gan đang bị hủy hoại càng nhiều.
Mặc dù gan có cơ chế tự bù trừ, phục hồi và sản sinh tế bào bù đắp lại số lượng tế bào bị phá hủy, tuy nhiên đến một ngưỡng nào đó cơ chế này sẽ không còn tác dụng dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Men gan cao có thể liên quan đến các bệnh lý nguy hiểm
Những bệnh lý làm tăng nồng độ AST và ALT có thể là: viêm gan virus, bệnh gan do rượu, bệnh gan do thuốc, viêm gan tự miễn, gan nhiễm mỡ, u gan, suy gan. Trong các bệnh lý về gan thì ALT thường tăng cao hơn AST, tuy nhiên đối với bệnh nhân xơ gan hoặc nghiện rượu thì AST tăng cao hơn ALT với tỷ lệ 2:1.
Nồng độ GGT và ALP tăng có thể do các nguyên nhân như: bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm đường mật xơ hóa tiên phát, xơ gan mật tiên phát, bệnh gan do rượu, u gan, bệnh gan do thuốc, sỏi mật. Hai chỉ số men gan này tăng trong các tổn thương hoặc viêm đường mật, tắc mật.
Men gan tăng cao gây hôn mê gan
Gan là cơ quan chuyển hóa và thải độc quan trọng của cơ thể trong đó có chức năng chuyển hóa NH3. Gan có chức năng quan trọng chuyển hóa NH3 thành NH4+ và đào thải qua thận. Khi gan bị tổn thương, Nh3 không được chuyển hóa sẽ tích tụ trong máu và đi qua hàng rào máu não gây độc cho tế bào thần kinh, người bệnh có thể bị hôn mê, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Men gan cao bao nhiêu thì nguy hiểm?
Nồng độ men gan trong máu là một chỉ số quan trọng giúp bác sĩ dự đoán, xác định các vấn đề liên quan đến gan.
Bình thường nồng độ men gan trong máu là:
- Chỉ số AST ở mức bình thường từ 20-40 UI/L
- Chỉ số ALT bình thường từ 20-40 UI/L
- Chỉ số GGT bình thường từ 20-40 UI/L
- Chỉ số ALP bình thường từ 30-110 UI/L
Nồng độ men gan tăng cao trong máu được chia làm nhiều mức độ, cụ thể là:
- Mức độ nhẹ: Men gan tăng từ 1 – 2 lần so với bình thường
- Mức độ trung bình: Men gan tăng từ 2 – 5 lần so với bình thường
- Mức độ nặng: Men gan tăng > 5 lần so với bình thường
Khi men tăng cao hơn 5 lần bình thường là một tình trạng tổn thương gan nghiêm trọng, cần các biện pháp điều trị, hạ men gan ngay.
Làm gì để hạn chế nguy hiểm của men gan cao?
Men gan cao là một tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vậy nên để hạn chế nguy hiểm cũng như cải thiện tình trạng tăng men gan, bạn nên thực hiện các lời khuyên sau:
Đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn điều trị
Men gan tăng cao có thể là do phản ứng của cơ thể khi sử dụng rượu bia, dùng thuốc hay chế độ ăn uống,… Tuy nhiên nó cũng có thể do một bệnh lý nguy hiểm gây ra. Vậy nên để tìm nguyên nhân chính xác gây tăng men gan, bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiêm cần thiết khi có những dấu hiệu như:
- Đau âm ỉ hạ sườn phải.
- Buồn nôn, chán ăn, người mệt mỏi.
- Ngứa, vàng da.
- Phân nhạt màu.
Khi xác định được chính xác nguyên nhân việc điều trị hạ men gan sẽ hiệu quả hơn, đồng thời phát hiện sớm các bệnh lý gây tăng men gan giúp việc điều trị mang lại kết quả tốt, tránh các hậu quả không mong muốn.
Không sử dụng rượu, bia, chất kích thích
Rượu bia, chất kích thích được xem như là kẻ thù của gan, đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh lý viêm gan, xơ gan tại Việt Nam. Sử dụng rượu bia đồ uống có cồn có thể làm gan bị quá tải trong quá trình thanh lọc giải độc, gây trầm trọng thêm tình trạng tăng men gan.
Các loại thực phẩm nên sử dụng
Một số loại thực phẩm có thể tạo ra những tác động tích cực đến gan, hỗ trợ hạ men gan và nâng đỡ chức năng của tế bào gan như:
- Thực phẩm giàu axit folic: các loại rau có lá xanh đậm, gan động vật, ngũ cốc, đậu phộng,… do thiếu axit folic có thể làm ALT tăng cao hơn bình thường.
- Bổ sung Protein: thịt lạc, trứng, sữa, cá, các loại đậu đỗ,… giúp bổ sung protein mà cơ thể bị thiếu hụt khi gan bị tổn thương.
- Nước trái cây: bổ sung vitamin giúp nâng cao sức đề kháng, thanh lọc giải độc gan, hỗ trợ hạ men gan hiệu quả. Bạn nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày để tăng quá trình thải độc gan.
- Thực phẩm giàu omega 3: cá hồi, cá mòi, cá ngừ,… hỗ trợ ngăn ngừa tích tụ chất béo trong gan.
- Vitamin A: cà rốt, bí đỏ, phô mai, trứng gà, cá hồi,… kích thích gan sản sinh mật, tăng quá trình thải độc gan.
- Viatmin B: Lạc, đậu, rau xanh, giá đỗ, trứng, thịt nạc,… hỗ trợ tái tạo tế bào gan.
☛ Đọc chi tiết: Chế độ ăn uống cho người men gan cao
Thực phẩm nên kiêng
Chế độ ăn không phù hợp cũng có thể đem lại những tác động tiêu cực đến tế bào gan, vậy nên khi men gan cao bạn cần kiêng những đồ ăn sau:
- Đồ ăn cay nóng: làm nặng thêm các triệu chứng tăng men gan, nguy cơ gây tắc mạch máu, tăng áp lực tĩnh mạch gan.
- Đồ ăn dầu mỡ: làm tế bào Kuffer tại gan kích hoạt gây tổn thương tế bào, đồng thời làm tăng cholesterol ảnh hưởng xấu tới chức năng gan.
- Đồ ăn nhiều đường: đường máu cao làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng, gây tăng triglycerid trong máu.
Sinh hoạt và luyện tập điều độ
Để cải thiện tình trạng tăng men gan, bạn cần có kế hoạch nghỉ ngơi và làm việc phù hợp, nên ngủ đủ 8 tiếng một ngày để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng. Đồng thời, xây dựng thói quen rèn luyện thể dục thể thao 20-30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe.
Nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, ít chất độc hại, hạn chế sử dụng thuốc lá. Đặc biệt không nên tự ý sử dụng hay lạm dụng thuốc, nên sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ chức năng gan.
☛ Thông tin xem thêm: Những cách hạ men gan an toàn tại nhà không dùng thuốc