Xơ gan là bệnh lý nguy hiểm và tồn tại rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau bao gồm cả đông y và tây y. Nếu bạn đang bị băn khoăn và muốn tìm kiếm cho mình một biện pháp được nhiều bác sĩ khuyên dùng, chuẩn y khoa. Tại bài viết này, viemgan.com.vn sẽ giới thiệu phác đồ điều trị xơ gan mới nhất từ Bộ Y TẾ !
Mục lục
Hiểu hơn về bệnh xơ gan!
Ở nước ta, xơ gan ngày càng phổ biến với sự đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng các mô sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh khiến chức năng gan dần suy giảm. Nếu không có biện pháp điều trị sớm, xơ gan tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng hơn gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Nguyên nhân gây xơ gan
Để điều trị xơ gan mang lại hiệu quả tốt, tìm ra nguyên nhân gây bệnh rất quan trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới xơ gan, một số nguyên nhân chính bao gồm:
- Do viêm gan virus, đặc biệt là viêm gan virus B.
- Sử dụng quá nhiều rượu bia
- Ứ mật khiến mật ứ đọng gây viêm, tắc đường mật gây tổn thương tế bào gan.
- Nhiễm độc từ hóa chất độc hại (DDT, urethane, phosphor, …) hoặc thuốc ( isoniazid, rifamid, methotrexate, phenylbutazon…)
- Gan nhiễm mỡ.
- Nguyên nhân khác như rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng, nhiễm ký sinh trùng sán máng, sán lá gan…
Triệu chứng nhận biết xơ gan
Xơ gan ở giai đoạn đầu tiến triển âm thầm nên các triệu chứng nghèo nàn. Khi sang giai đoạn mất bù, các dấu hiệu rõ rệt, thậm chí xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Một số dấu hiệu nhận biết xơ gan như:
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu.
- Bị rối loạn tiêu hóa, bụng chướng hơi, đi ngoài phân lỏng, lúc táo bón nhưng không chủ yếu.
- Vùng hạ sườn phải bị đau nhẹ.
- Người bệnh có thể bị gan to, mật độ chắc, nhẵn.
- Có các sao mạch ở da mặt, cổ, ngực, bàn tay.
- Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
- Lách lớn.
- Hai chi dưới bị phù.
- Tuần hoàn bàng hệ trên da bụng.
- Bụng chướng to, bụng báng.
- Có thể bị sốt nhiễm khuẩn, hoại tử hay ung thư hóa
- Vàng da, vàng mắt.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Triệu chứng của xơ gan
Lưu ý: Nhận biết xơ gan ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân thường phát hiện bệnh khi ở giai đoạn (mất bù), gây ra vô số khó khăn cho quá trình điều trị. Thậm chí, nếu không điều trị kịp thời, người bệnh phải đối mặt với các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, hôn mê gan, hội chứng gan thận, ung thư gan… nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Mục tiêu và nguyên tắc điều trị xơ gan
Mục tiêu của quá trình điều trị nhằm mục đích làm chậm sự tiến triển của các mô sẹo trong gan, kiểm soát triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
Điều trị xơ gan cần phối hợp điều trị theo 3 nguyên tắc:
- Điều trị nguyên nhân
- Điều trị bảo tồn: điều trị nâng đỡ và tiết chế
- Điều trị biến chứng
Bên cạnh điều trị theo phác đồ thì cần tránh các yếu tố làm tổn thương gan như: làm việc quá sức, sử dụng các loại hóa chất, thuốc gây độc cho gan,… cùng với đó là xây dựng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát đường huyết để cải thiện chức năng gan, giúp quá trình điều trị xơ gan đạt hiệu quả.
☛ Xem thêm: Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân xơ gan
Phác đồ điều trị xơ gan chi tiết!
Để lên được phác đồ điều trị xơ gan cụ thể cho từng trường hợp, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tình trạng của người bệnh.
Điều trị nguyên nhân căn bản gây bệnh
Cần kiêng rượu bia để hạn chế tác động xấu tới gan
Khi xơ gan ở giai đoạn đầu, điều trị nguyên nhân gây bệnh có thể giảm thiểu các tổn thương ở gan. Các phương pháp có thể được áp dụng là:
- Xơ gan do rượu: Bệnh nhân cần cai rượu bia và đồ uống có cồn tuyệt đối. Nếu gặp khó khăn trong quá trình cai rượu, có thể nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để thực hiện dễ dàng hơn.
- Xơ gan do viêm gan siêu vi: Sử dụng thuốc để kiểm soát viêm gan siêu vi B, C để làm hạn chế tổn thương tế bào gan.
- Xơ gan do suy dinh dưỡng: Cần xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ các chất, bổ sung thêm các dưỡng chất khác có lợi cho gan.
- Xơ gan do dùng thuốc: Ngưng sử dụng các loại thuốc gây tổn hại cho gan như thuốc giảm đau, thuốc an thần…
- Xơ gan do tắc mật: Điều trị bệnh lý gây ra tắc mật như giun chui ống mật, sỏi đường mật…
- Xơ gan do gan nhiễm mỡ: Bệnh nhân cần giảm cân về mức cân nặng khỏe mạnh và duy trì lượng đường trong máu ở mức hợp lý.
- Xơ gan do viêm gan tự miễn: corticoid tĩnh mạch 1 – 1,5mg/kg/ngày, không đáp ứng có thể phối hợp với azathioprin 1mg/kg/ngày.
- Xơ gan ứ mật tiên phát: chỉ định điều trị corticoid 1 – 1,5mg/kg/ngày giảm dần liều khi đáp ứng.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng thêm một số loại thuốc khác giúp giảm triệu chứng của bệnh và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Điều trị bảo tồn
Phác đồ điều trị cho phần điều trị bảo tồn như sau:
- Bệnh nhân cần dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc nặng hoặc quá sức khiến sức khỏe suy kiệt.
- Không sử dụng các loại thuốc gây hại cho gan ví dụ như Acetaminophen. Cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn để lựa chọn loại thuốc có tác dụng tương tự nhưng an toàn hơn đối với gan.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đối với bệnh nhân bị suy gan nặng cần hạn chế lượng đạm nạp vào cơ thể (
- Bổ sung cho cơ thể các thành phần đa sinh tố có lợi cho gan, ví dụ như vitamin B ở liều cao. Người bệnh xơ gan do rượu nên bổ sung vitamin C, uống thêm vitamin K cho bệnh nhân xơ gan do tắc mật. Xơ gan tắc mật nhiều có thể dùng thêm các thuốc lợi mật: Sorbitol, ursodeoxycholic.
- Thuốc hỗ trợ tế bào gan nhằm hạn chế phá hủy tế bào gan. Hiện có nhiều nhóm thuốc nhưng chỉ nên lựa chọn một số nhóm như sylimarin, biphenyl dimethyl dicarboxylase.
- Rối loạn đông máu: truyền huyết tương, truyền khối tiểu cầu.
- Bù albumin khi có giảm albumin.
Điều trị biến chứng
Những biến chứng thường gặp của bệnh nhân xơ gan bao gồm; Cổ trướng, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng, hội chứng gan thận, hôn mê gan, ung thư gan. Phác đồ điều trị xơ gan phù hợp với từng loại biến chứng và mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp bệnh.
1. Phù và cổ trướng:
Cổ trướng ít dịch, bệnh nhân được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu nhiều dịch cần phải nhập viện để theo dõi, điều trị. Lựa chọn trong điều trị cổ trướng:
– Cần nằm nghỉ trên giường tuyệt đối
– Xây dựng chế độ ăn nhạt, mỗi ngày nên dùng khoảng 800mg Na+ hoặc 2 – 6g NaCl tùy theo mức độ phù và cổ trướng của bệnh nhân.
– Giảm lượng nước bổ sung, 100 – 1500ml/ngày, trường hợp chỉ số Natri máu ≤ 120mEq / L càng cần phải hạn chế nước.
– Chọc tháo cổ trướng khi căng to, mỗi lần chọc từ 1 – 3 lít. Mỗi lần 1 ngày hoặc tuần 2 lần. Tuy nhiên, cần thận trọng bởi phương pháp này có nhiều biến chứng.
– Sử dụng thuốc lợi tiểu: Có 2 nhóm thuốc được chỉ định là: lợi tiểu kháng aldosteron và nhóm furosemid. Cách dùng có thể lựa chọn dùng từng loại lợi tiểu đơn độc hay kết hợp 2 loại.
- Dùng đơn độc nên bắt đầu bằng nhóm kháng aldosteron liều 100 – 300mg.
- Dùng kết hợp: lợi tiểu kháng aldosteron/furosemid liều 100mg/40mg nếu không đáp ứng có thể tăng liều cũng với tỉ lệ này sẽ hạn chế rối loạn điện giải. Liều tối đa 300mg/120mg.Có thể dùng kéo dài và cần theo dõi điện giải đồ máu điện giải đồ niệu.Khi đáp ứng có thể giảm liều lợi tiều cũng theo tỉ lệ, đáp ứng tốt lợi tiểu furosemid nên dừng trước.
- Theo dõi đáp ứng điều trị bằng cân nặng vồ số lượng nước tiểu: cân nặng cho phép giảm 0,5-1 kg/ ngày, số lượng nước tiểu 1500ml – 2000ml/ngày.
Mục đích điều trị nhằm kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể bệnh nhân để sao không tăng quá 0,5kg mỗi ngày với trường hợp chỉ có cổ trướng và 1kg/ngày với người có cổ trướng và vừa có phù. Trường hợp xơ gan tiến triển khiến khả năng hoạt động của gan dần mất đi.
Trong những trường hợp xơ gan tiến triển khiến khả năng hoạt động của gan không còn, ghép gan là lựa chọn điều trị duy nhất. Tuy nhiên, phương pháp này tốn kém, nhiều bệnh nhân không có tài chính đủ hoặc không có nguồn gan hiến tặng phù hợp.
2. Xuất huyết tiêu hóa do tăng áp lực tĩnh mạch cửa:
– Chỉ định truyền máu, truyền dịch đảm bảo khối lượng tuần hoàn như một cấp cứu nội khoa
– Cầm máu thông qua nội soi:
- Thắt các búi tĩnh mạch thực quản giãn bằng vòng cao su.
- Tiêm thuốc gây xơ hóa các búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng histoacryl.
– Sử dụng thuốc làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa:
- Terlipressin: ống 1mg tiêm tĩnh mạch cách 4-6 giờ.
- Somatostatin (Stilamin) 3mg pha truyền trong dịch truyền đẳng trương trong 24 giờ.
- Sandostatin: ống 100μg liều 25μg/giờ trong 3 – 5 ngày, truyền duy trì với dung dịch muối đẳng trương NaCl 0,9%.
- Đặt typ: ống thông tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch trên gan.
3. Nhiễm trùng dịch cổ trướng:
Bệnh nhân được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị nhiễm trùng khác. Bên cạnh đó, người bệnh cần được tiêm phòng viêm phổi, cúm và viêm gan siêu vi.
Kháng sinh: Augmentin, cephalosporin, quinolon, thuốc hay được dùng trong lâm sàng Ciprobay viên 0,5g – 2 viên/ngày thời gian 14 ngày có thể dùng dài ngày, nên điều trị duy trì 1 viên/ngày trong 3 tháng. Nên bù albumin sớm để phòng biến chứng hội chứng gan thận
4. Hội chứng gan thận:
- Terlipressin được chỉ định với liều là 0,5 – 1mg mỗi 4 – 6 giờ (ống 1mg).
- Bù albumin là liệu pháp điều trị chính giảm nguy cơ hội chứng gan – thận và chậm tiến triển bệnh. Liều của albumin là 1,5g/kg trong ngày đầu tiên, 1 g/kg trong 3 ngày tiếp theo, liều tối đa đó là 100g – 150g.
- Dopamin, noradrenalin được chỉ định với mục đích giãn mạch thận và co mạch tạng giúp tăng tưới máu cho thận. Khi dùng thận trọng vì có nhiều nguy cơ tim mạch, do vậy cần mắc máy theo dõi liên tục. Thuốc chỉ được chỉ định dùng tại khoa điều trị tích cực. Khi dùng nên dùng duy trì liều nhỏ: dopamin liều 3μg – 5μg/kg/giờ.
- Ghép gan: Là sự lựa chọn tối ưu dành cho người bệnh, hiệu quả cao. Tuy nhiên, chi phí thực hiện tốn kém và nguồn tạng phù hợp khan hiếm.
5. Ung thư gan:
Đây là biến chứng rất nguy hiểm của xơ gan, phác đồ điều trị bao gồm:
- Nếu khối u nhỏ < 5cm, nếu nhiều u tổng đường kính các khối u gan< 8cm, cân nhắc chỉ định điều trị dựa vào giai đoạn xơ gan: Child-Pugh A, B còn chỉ định điều trị, Child-Pugh C cân nhắc.
- Biến chứng huyết khối tĩnh mạch cửa không nên chỉ định điều trị gây tắc mạch khối u gan.
6. Hôn mê gan và hội chứng não – gan:
- Điều trị yếu tố khởi phát: Lactulose: Duphalac 20 – 40g/24 giờ nếu phân lỏng nhiều giảm liều, liều tối đa 70g/14 giờ
- Kháng sinh đường ruột: neomycin, Klion, Ciprobay dùng theo đường uống.
- Truyền acid amin phân nhánh.
- Truyền các thuốc giúp trung hòa NH3 Ornicetil 10 – 20g/ngày.
Tóm lại:
Trên đây là thông tin về phương pháp, phác đồ điều trị xơ ga từ Bộ y tế. Đây là những phương pháp điều trị theo tây y dưa theo rất nhiều nghiên cứu khóa học hiện đại. Nếu bạn thấy bài viết là hữu ích, hãy like hoặc share để Viemgan có thêm động lực chia sẻ kiến thức mỗi ngày. Nếu bạn còn câu hỏi nào khác về bên gan, hãy gọi cho số hotline: 1800.1190 Để được các chuyên gia tư vấn.