Xơ gan ngày càng phổ biến và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe. Bệnh được chia thành hai giai đoạn chính: còn bù và mất bù. Mỗi giai đoạn sẽ có triệu chứng, biện pháp điều trị khác nhau, việc phân biệt so sánh rõ chúng sẽ giúp quá trình điều trị và chăm sóc đi đúng hướng hơn. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc so sánh rõ xơ gan còn bù và mất bù nhé!
Mục lục
Giống nhau giữa xơ gan còn bù và mất bù
Xơ gan còn bù và xơ gan mất bù đều đặc trưng bởi tình trạng xơ hóa ở gan. Các mô gan bị tổn thương sẽ dần được thay thế bằng các mô xơ, sẹo, sự thành lập các nốt tân sinh cũng khiến chức năng gan giảm sút.
Chúng đều có thể xuất hiện do các tổn thương ở gan như:
- Viêm gan virus: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan, trong đó phổ biến nhất là bệnh viêm gan B.
- Do thường xuyên sử dụng rượu bia: Theo số liệu thống kê, có đến 71.7% nam giới bị xơ gan ở nước ta có liên quan đến rượu bia.
- Gan nhiễm mỡ: Mỡ tích tụ lâu ngày trong gan có thể dẫn đến viêm gan, khiến gan bị tổn thương, hình thành mô sẹo và xơ hóa.
- Gan nhiễm độc: một số loại hóa chất hoặc thuốc có thể gây tích tụ độc tố ở gan, dẫn đến tình trạng tổn thương, xơ hóa.
- Các nguyên nhân khác: Một số yếu tố như ứ mật, lá lách to, sán lá gan… cũng có thể là nguyên nhân gây ra xơ gan.
Khác nhau giữ xơ gan còn bù và mất bù
Mặc dù cả xơ gan còn bù và mất bù đều đặc trưng bởi tình trạng xơ hóa, tuy nhiên chúng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt. Việc phân biệt rõ tình trạng xơ gan sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe của người bệnh.
Dưới đây là một số căn cứ để phân biệt xơ gan còn bù và xơ gan mất bù:
Khái niệm
Xơ gan còn bù: Là giai đoạn đầu của bệnh xơ gan. Lúc này gan đã bị tổn thương nhưng vẫn có khả năng hoạt động bình thường nhờ sự hiện diện và khả năng bù trừ của các tế bào gan khỏe mạnh. Xơ gan còn bù thường kéo dài trong nhiều năm và thường không có biểu hiện hoặc nếu có cũng khá mờ nhạt.
Theo thời gian, các tổn thương gan ngày càng nặng hơn, chuyển sang xơ gan mất bù và gây nhiều biến chứng. Việc phát hiện sớm rất quan trọng để loại bỏ nguyên nhân xơ gan, làm chậm tiến triển bệnh và phục hồi chức năng gan
Xơ gan mất bù: Hay còn gọi là xơ gan cổ trướng, là giai đoạn cuối của bệnh xơ gan. Xơ gan mất bù được xác định khi các tổn thương tại gan đã lan tỏa, xơ hóa chiếm phần lớn và gan không còn khả năng thực hiện chức năng bình thường.
So với xơ gan còn bù, xơ gan mất bù có các dấu hiệu rõ rệt hơn. Bệnh tiến triển nhanh, dễ để lại các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là ung thư gan và tử vong.
Dấu hiệu lâm sàng
Dấu hiệu lâm sàng là căn cứ cơ bản nhưng rất quan trọng để phân biệt xơ gan còn bù và xơ gan mất bù.
Xơ gan còn bù:
Như đã nói ở trên, xơ gan còn bù là giai đoạn sớm của bệnh xơ gan với các biểu hiện không quá rõ ràng. Thậm chí các triệu chứng trong giai đoạn này còn khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến việc chủ quan, lơ là trong việc thăm khám và điều trị.
Sau đây là một số dấu hiệu nghèo nàn của xơ gan còn bù:
- Cơ thể mệt mỏi
- Ăn uống khó tiêu
- Vùng hạ sườn phải hay bị đau tức khó chịu, cơn đau thỉnh thoảng xảy ra
- Xuất hiện các vết bầm tím, ngứa ngáy ngoài da
- Có sao mạch ở vùng cổ, ngực
- Có thể xuất hiện tình trạng chảy máu cam mà không rõ nguyên nhân
- Gan to chắc, lách to
- Giảm ham muốn, nam có thể bị liệt dương, nữ có thể vô sinh.
☛ Tham khảo thêm tại: Dấu hiệu cảnh báo xơ gan còn bù cần cảnh giác
Xơ gan mất bù:
Bước sang giai đoạn này, các tế bào gan khỏe mạnh hầu như bị thay thế bởi các mô xơ và sẹo. Các tế bào gan chưa bị tổn thương không còn khả năng bù trừ về chức năng cho các tế bào bị tổn thương nữa. Các dấu hiệu cũng đã rõ rệt hơn so với giai đoạn còn bù.
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình của xơ gan mất bù:
- Cơ thể suy nhược, khả năng làm việc kém.
- Ăn uống kém, mất cảm giác ngon miệng, đầy bụng, chướng hơi.
- Một hoặc cả hai chân bị phù, khi ấn để lại vết lõm khoảng 1 – 2 phút sau vết lõm mới biến mất.
- Da vàng kín đáo, theo thời gian vàng đậm hơn.
- Môi, lưỡi, niêm mạc mắt nhợt nhạt.
- Có hiện tượng chảy máu chân răng, chảy máu cam.
- Cổ trướng với biểu hiện bụng ngày càng to, da bụng căng do chứa nhiều dịch trong ổ bụng.
- Các mạch máu nổi lên trên vùng da bụng trên rốn và hai mạn sườn.
- Lá lách to gần dưới sườn vài cm.
- Xuất huyết nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là nội tạng.
- Xuất hiện bệnh não gan.
☛ Tham khảo thêm tại: 5 biến chứng nguy hiểm của xơ gan mất bù
Chẩn đoán cận lâm sàng
Việc chẩn đoán cận lâm sàng là căn cứ để xác định chính xác tình trạng xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Các kết quả thu được từ phương pháp phân tích y khoa và thiết bị chuyên dụng không chỉ giúp đánh giá giai đoạn bệnh mà còn giúp bác sĩ chẩn đoán được sức khỏe của gan.
Cụ thể kết quả cận lâm sàng của xơ gan giai đoạn còn bù và mất bù như sau đây:
Xơ gan còn bù:
- Tĩnh mạch cửa không báng, tuy nhiên có thể bị giãn hoặc không giãn.
- Kết quả siêu âm: Gan và lách có thể to, mật độ tăng hoặc chắc. Nhu mô gan thô, không đều cửa có thể không báng, không giãn.
- Sinh thiết có hình ảnh: Hoại tử và biến mất các tiểu thùy gan lan tỏa.
- Soi ổ bụng: Gan có màu nhạt, có thể hơi loang lổ. Khối lượng gan to hoặc nhỏ (thể hiện sự phì đại hoặc teo).
Kết quả siêu âm có thể giúp bác sĩ phân biệt xơ gan ở giai đoạn còn bù hay mất bù.
Xơ gan mất bù:
- Tĩnh mạch cửa giãn, báng bụng
- Kết quả siêu âm: Kích thước gan to hoặc nhỏ, nhu mô gan thô và nhiều nốt tăng âm. Bề mặt gan gồ ghề, lợn cợn. Tĩnh mạch cửa vài cm, có khi thấy huyết khối trong tĩnh mạch cửa, ổ bụng có chứa dịch.
- Nội soi ổ bụng: Có dịch màu vàng cam.
Ngoài ra, để phân biệt xơ gan còn bù và xơ gan mất bù bác sĩ còn dựa vào hình ảnh học. Với phương pháp này, bác sĩ chỉ định lấy các chỉ số APRI, FIBROSCAN hoặc sinh thiết.
Thực tế thì cách phân biệt này ít khi được áp dụng, đặc biệt là sinh thiết bởi nó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Chưa kể kết quả cũng bị ảnh hưởng bởi sự chủ quan của người thực hiện.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Xét nghiệm chẩn đoán xơ gan
Tiên lượng bệnh
Xơ gan còn bù là giai đoạn đầu của xơ gan, trong khi đó xơ gan mất bù lại là giai đoạn cuối của bệnh. Chính vì vậy, tiên lượng bệnh cũng sẽ khác nhau.
Tình trạng xơ gan còn bù nếu được phát hiện kịp thời, điều trị đúng cách, tích cực, thời gian gian sống trung bình của người bệnh sẽ vào khoảng 9 – 12 năm. Ngược lại, khi bệnh tiến triển sang giai đoạn mất bù, tuổi thọ của người bệnh sẽ giảm đáng kể, chỉ kéo dài thêm được khoảng 2 năm.
Tuy nhiên, việc tiên lượng xơ gan còn bù và xơ gan mất bù còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ tổn thương gan, nguyên nhân gây bệnh, quá trình điều trị và chăm sóc sức khỏe…
Phương pháp điều trị
Điều trị xơ gan còn bù và xơ gan mất bù chủ yếu tập trung vào việc làm chậm tiến triển của bệnh, giảm biến chứng và cải thiện chất lượng của sống.
Điều trị xơ gan còn bù
- Điều trị nguyên nhân gây xơ gan: Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh như viêm gan virus, xơ gan tự miễn hay do rượu… người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng virus, thuốc ức chế miễn dịch, kiêng rượu bia…
- Điều trị triệu chứng và dự phòng biến chứng: Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc chống nhiễm trùng, chống táo bón… Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định bổ sung các loại vitamin, khoáng chất…
- Thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng: Người bệnh cần xây dựng lối sống tích cực, nghỉ ngơi và tập luyện thể dục nhẹ nhàng, tránh căng thẳng, đồng thời bổ sung dinh dưỡng khoa học, tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin và chất xơ như rau xanh, trái cây, giảm muối, đường và chất béo…
- Theo dõi sức khỏe và thăm khám định kỳ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá hiệu quả và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
Điều trị xơ gan mất bù
- Loại bỏ nguyên nhân: Đây là việc làm cần thiết để làm chậm tiến triển của bệnh. Tùy nguyên nhân cụ thể, người bệnh sẽ cần áp dụng các biện pháp như cai rượu bia, sử dụng thuốc ức chế virus…
- Điều trị biến chứng: Xơ gan mất bù dễ gây ra các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, suy thận, nhiễm trùng dịch báng, não gan, ung thư gan… Tùy trường hợp cụ thể, người bệnh có t hể cần sử dụng thuốc, bổ sung vitamin nhóm B với viên uống hoặc tiêm, lọc máu hoặc can thiệp nội soi, ghép gan…
- Thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống: uống ít hơn 1 lít nước mỗi ngày, tiêu thụ muối ít hơn 2g/ngày, tăng cường bổ sung chất đạm…
- Theo dõi, kiểm soát cân nặng và lượng nước tiểu để kiểm soát việc tăng cân do tích nước, hoặc giảm cân do biến chứng suy dinh dưỡng…
- Theo dõi sức khỏe sát sao, thường xuyên tái khám đúng lịch hẹn hoặc ngay khi phát hiện các bất thường.
☛ Xem chi tiết: Phác đồ điều trị xơ gan
Biện pháp kiểm soát, phòng ngừa xơ gan còn bù và mất bù
Để kiểm soát triệu chứng, phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của bệnh xơ gan, bệnh nhân cần:
- Tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, duy trì khám định kỳ hoặc ngay khi sức khỏe có bất thường.
- Giảm lượng muối trong chế độ ăn, hạn chế tối đa việc tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo động vật…
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất từ rau củ quả, các loại trái cây ít fructose, các loại trà có tính oxy hóa cao…
- Áp dụng chế độ ăn giàu protein để tăng cường chức năng hoạt động của gan.
- Kết hợp vận động, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với thể trạng để cải thiện sức khỏe, duy trì cân nặng phù hợp
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia… bởi chúng gây hại nghiêm trọng cho gan cũng như các bộ phận khác trên cơ thể.
- Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như bàn chải, dao cạo râu, các vật dụng chăm sóc da.
- Thực hiện nghiêm túc tiêm ngừa virus viêm gan A,B,C theo khuyến cáo của chuyên gia càng sớm càng tốt.
- Cẩn trọng khi làm việc trong môi trường có hóa chất, luôn sử dụng các biện pháp bảo hộ cơ thể như đeo khẩu trang, kính, quần áo bảo hộ lao động, găng tay…
Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phân biệt xơ gan còn bù và xơ gan mất bù. Xơ gan là bệnh lý tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, do đó hãy thực hiện các biện pháp bảo vệ lá gan thật tốt.
Thường xuyên theo dõi viemgan.com.vn để cập nhật kiến thức về sức khỏe gan. Mọi thắc mắc về bệnh gan hãy chia sẻ ngay với chúng tôi qua hotline 18001190 (miễn cước) – 0912571190