1- Ung thư gan: Tỷ lệ tử vong đứng thứ 2
Trên thế giới năm 2012 có đến 782.000 ca bệnh ung thư gan được phát hiện với 746.000 bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ mắc ung thư gan đứng thứ 5 trong các loại ung thư ở nam giới và đứng thứ 9 ở nữ giới nhưng tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 ở cả hai giới (đứng sau ung thư phổi).
Ung thư gan
PGS. Trần Đình Hà, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, ung thư gan đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 3 ở nữ giới về tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong đứng thứ nhất ở cả hai giới.
Năm 2012, nước ta ghi nhận gần 22.000 ca ung thư gan mới và có gần 21.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong do bệnh này ở nước ta rất cao, thời gian sống thêm không quá 1 năm. Trong đó ung thư gan nguyên phát chiếm đến 90%-ung thư tại gan, xuất phát từ tế bào nhu mô gan; ung thư thứ phát chiếm 10%- do các loại ung thư khác di căn vào gan.
TS Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Chủ nhiệm Khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong 20 năm tới, người mắc ung thư tiếp tục gia tăng, đây thực sự trở thành gánh nặng đối với nước ta. Điều đáng ngại là việc chẩn đoán sớm hiện vẫn là một thách thức đối với các y bác sĩ, vì thế hầu hết bệnh nhân mắc ung thư gan đều được phát hiện muộn điều này khiến cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần…(chỉ áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm). Tuy nhiên ở nước ta phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn khối u.
2- Kỹ thuật mới tăng thời gian sống cho bệnh nhân
Vì thế, phương pháp xạ trị trong chọn lọc bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 hay phương pháp tắc mạch phóng xạ là một giải pháp tối ưu cho những bệnh nhân đã không còn khả năng điều trị với các phương pháp kinh điển.
Phương pháp mới kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư gan
Đây là một phương pháp mới được Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp tổ chức Hội thảo công bố áp dụng thành công vào sáng 30/6. Theo đó, phương pháp điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 sẽ làm tăng thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư gan.
Hiện kỹ thuật này đã được triển khai thành công tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện Chợ Rẫy. Tính đến tháng 6/2015 cả nước đã có hơn 50 bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và thứ phát đã được điều trị thành công cho kết quả tốt.
Điển hình trong số này là bệnh nhân nam 59 tuổi sống tại Hà Nội vào Bệnh viện 108 khám vì đau tức vùng hạ sườn phải, sút 3kg trong 2 tháng. Qua siêu âm các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị u gan, khối u phải kích thước khá lớn 8,5×7,2cm; u gan trái là 3,1×2,1cm. Sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán cần thiết khác, bệnh nhân được chẩn đoán bị bị ung thư đại tràng xích ma loại biểu mô tuyến di căn gan- bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các bác sĩ đã tiến hành hóa trị toàn thân, dùng thuốc trúng đích để điều trị ung thư đại tràng, đồng thời cấy hạt vi cầu phóng xạ Y-90.
Sau 6 tháng, bệnh nhân không đau, sinh hoạt bình thường, khối u lớn ở gan kích thước giảm một nửa. Sau khi hội chẩn, Bệnh viện tiến hành phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và lấy u gan di căn. TS Phạm Văn Thái, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân này từ giai đoạn muộn không thể phẫu thuật được, sau khi kết hợp các phương pháp điều trị, tổn thương thu nhỏ lại thì được chuyển sang phẫu thuật triệt căn. Hiện bệnh nhân đang ở tháng thứ 9 đang được tiếp tục theo dõi.
GS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết: Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ là phương pháp đưa trực tiếp hạt vi cầu phóng xạ Yttrium-90 từ động mạch đùi vào động mạch nuôi khối u gan; tạo ra tác dụng kép là gây tắc mạch, cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u và phát ra tia bức xạ tiêu diệt tế bào ung thư tại chỗ.
Ưu điểm nổi bật của kỹ thuật này là tạo ra liều chiếu xạ cao tại khối u, trong khi các tổ chức mô lành xung quanh chỉ chịu liều chiếu xạ thấp nên rất ít bị ảnh hưởng, vì thế ít gây tác dụng phụ, giảm được biến chứng khi điều trị. Người bệnh có thể ra viện ngay ngày hôm sau.
Theo GS Khoa phương pháp này, không chỉ mang lại lợi ích cho các bệnh nhân ung thư gan nguyên phát không còn khả năng phẫu thuật, hoặc đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó mà còn mang đến cơ hội kéo dài cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư gan thứ phát, như ung thư đại trực tràng di căn vào gan.
Riêng việc điều trị bằng hạt vi cầu phóng xạ kết hợp hóa trị cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn vào gan đã giúp kéo dài thời gian kiểm soát bệnh trung bình lên gần 2 năm, cao hơn nhiều so với hóa trị đơn thuần; đồng thời giảm 31% nguy cơ phát triển khối u gan và tăng 3 lần khả năng khỏi bệnh trong gan.
GS Khoa cũng cho biết thêm, đây là kỹ thuật mới, hiện bảo hiểm y tế chưa chi trả. Chi phí khoảng 300-400 triệu, chi phí này cũng tương đương với cả quá trình điều trị gần 1tháng xạ trị bằng máy gia tốc, rẻ bằng một nửa nếu bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.
Sưu tầm