Gan là cơ quan cực kỳ quan trọng của cơ thể, có chức năng chuyển hóa dinh dưỡng và đào thải các độc tố ra ngoài. Một khi chức năng gan bị suy giảm, độc tố bị tích tụ lại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể. Vậy các bạn đã hiểu gì về hội chứng suy giảm chức năng gan này chưa? Hãy tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Mục lục
Suy giảm chức năng gan là gì?
Suy giảm chức năng gan hay còn gọi theo cách đơn giản là suy gan, là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương, hủy hoại, khó có thể tự phục hồi lại như bình thường. Suy giảm chức năng gan khiến gan không thể thực hiện các chức năng quan trọng với cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Suy gan được chia thành 2 loại là suy gan cấp tính và suy gan mạn tính:
- Suy gan cấp tính: là tình trạng tổn thương các tế bào gan một cách ồ ạt khiến chức năng gan bị giảm nhanh chóng, thậm chí là ngừng hoạt động trong vài ngày hoặc vài tuần. Thông thường, người bị suy gan cấp đều không có triệu chứng bất thường hay tiền sử về bệnh gan trước đó. Nguyên nhân chủ yếu gây suy gan cấp tính thường là do dùng nhiều thuốc giảm đau, ngộ độc nấm, uống thuốc quá liều,…
- Suy gan mãn tính: là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương kéo dài trong nhiều năm khiến chức năng gan suy giảm, không thể hoạt động bình thường được nữa. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng này thường do xơ gan và phần lớn các trường hợp là uống rượu thường xuyên trong thời gian dài.
Nguyên nhân gây suy giảm chức năng gan
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm chức năng gan, phổ biến là các nguyên nhân sau:
- Do bị viêm gan virus: Các loại virus gây viêm gan B, A, C, D,… tấn công và hủy hoại lá gan sẽ khiến chức năng gan bị suy giảm.
- Dùng thuốc quá liều: Sử dụng các loại thuốc quá liều, đặc biệt là paracetamol, halothane, NSAID,… sẽ khiến gan bị tổn thương nặng nề, gây suy giảm chức năng gan
- Sử dụng quá nhiều bia, rượu: Việc sử dụng bia, rượu thường xuyên khiến gan không thể chuyển hóa hết được, bị nhiễm độc và dần suy giảm chức năng.
- Thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Hút thuốc lá, ăn nhiều thức ăn dầu mỡ, thực phẩm độc hại, thức khuya, lười vận động cũng là những yếu tố gây suy giảm chức năng gan.
- Môi trường ô nhiễm: Sống trong môi trường nhiều khói bụi, không khí bị ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng lớn đến chức năng gan.
- Các bệnh lý đi kèm: Bị mắc các bệnh như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, béo phì, mỡ máu,… cũng sẽ khiến chức năng gan bị suy giảm.
Dấu hiệu cảnh báo chức năng gan đang bị suy giảm
Suy giảm chức năng gan ở giai đoạn đầu thường có triệu chứng không rõ ràng, chủ yếu người bệnh sẽ có các biểu hiện như buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, sút cân nhẹ,..
Tuy nhiên, khi suy gan đã tiến triển sang giai đoạn nặng, sẽ xuất hiện các triệu chứng gồm:
- Vàng da, vàng mắt: Đây là những dấu hiệu đặc trưng khi mắc các bệnh về gan. Lúc đó, chức năng gan bị suy giảm nên không thể chuyển hóa và thanh thải được sắc tố mật bilirubin, khiến chúng bị tích tụ lại trong máu, dẫn đến vàng da, vàng mắt.
- Phù nề: Khi bị suy giảm chức năng gan do viêm gan C hoặc biến chứng của viêm gan do rượu sẽ khiến chức năng gan giảm mạnh, gan bị xơ hóa, chai sẹo. Lúc này, chân sẽ bị phù nề do ứ nước, da ngứa ngáy, nổi mụn và rất dễ bị bầm tím.
- Bầm tím, chảy máu: Đây là các triệu chứng do rối loạn đông máu. Mà nguyên nhân gây nên tình trạng này là do chức năng gan suy giảm làm khả năng thải độc máu cũng giảm theo dẫn đến vấn đề về đông máu trên bề mặt da.
- Đau hạ sườn phải: Do gan nằm dưới sườn phải nên khi bị suy gan, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói hoặc đau âm ỉ ở khu vực này.
- Hơi thở có mùi hôi: Chức năng gan bị suy giảm, độc tố tích tụ lại nhiều trong cơ thể khiến hơi thở luôn phả ra mùi hôi.
Các xét nghiệm chẩn đoán suy giảm chức năng gan
Để chẩn đoán hội chứng suy giảm chức năng gan, các bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm và kiểm tra, cụ thể gồm:
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định được tình trạng và mức độ hoạt động của gan. Người khám có thể cần làm thêm cả xét nghiệm đo thời gian Prothrombin để giúp xác định thời gian đông máu. Với hội chứng suy giảm chức năng gan cấp tính, máu sẽ đông chậm hơn bình thường.
Các xét nghiệm hình ảnh
Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm siêu âm, chụp CT, MRI,… Siêu âm giúp bác sĩ xem người khám có bị tổn thương gan nào không, đồng thời xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Ngoài ra, người khám có thể cần chụp cả CT, MRI để kiểm tra gan và mạch máu. Các xét nghiệm chức năng này sẽ giúp bác sĩ phát hiện một số nguyên nhân gây suy gan cấp tính, chẳng hạn như hội chứng Budd-Chiari hoặc các khối u.
Thông thường, chụp CT và MRI thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ gan có vấn đề nhưng siêu âm không ra kết quả.
Sinh thiết gan
Bác sĩ có thể đề nghị làm sinh thiết gan để tìm hiểu nguyên nhân gây tổn thương gan. Từ đó biết được gan có bị tổn thương hay không, bị phá hủy như thế nào, có xuất hiện tế bào nào bất thường ở gan hay không,…
Điều trị suy giảm chức năng gan thế nào?
Điều trị suy giảm chức năng gan sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và nguyên nhân nền của bệnh. Nếu như bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn viêm hoặc xơ hóa, có khả năng có thể đảo ngược được các tổn thương.
Tuy nhiên, nếu như điều trị ở các giai đoạn sau của bệnh gan, chỉ có thể làm chậm lại hay ngừng bệnh diễn tiến xấu hơn, với mục tiêu là kéo dài sự sống của bệnh nhân.
Các biện pháp điều trị dành cho người bệnh bị suy giảm chức năng gan bao gồm:
Sử dụng thuốc
Đối với suy gan do dùng quá liều paracetamol, bác sĩ có thể chỉ định thuốc acetylcystein để trung hòa lại lượng paracetamol. Một số loại thuốc khác cũng giúp phục hồi chức năng gan do ngộ độc nấm hoặc các chất khác.
Nếu như nguyên nhân gây suy giảm chức năng gan là do viêm gan virus, bệnh nhân có thể cần phải dùng thuốc kháng virus. Còn trường hợp người bệnh suy gan do mắc bệnh gan tự miễn thì sẽ phải dùng đến thuốc ức chế miễn dịch.
Ngoài ra, để bảo vệ và hỗ trợ quá trình chữa lành tái tạo gan, phục hồi chức năng gan khỏe mạnh, người bệnh có thể sử dụng các thuốc có chứa phospholipids và các vitamin (vitamin nhóm B và vitamin E).
Đã có nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc kết hợp các chất này sẽ giúp kiểm soát stress, oxi hóa do rượu và tiến trình tổn thương gan, từ đó có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa tổn thương gan.
Phẫu thuật cắt bỏ một phần gan
Với những trường hợp gan bị tổn thương nặng một phần. Người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ phần gan bị tổn thương để ngăn chặn lây lan. Gan có khả năng tự hồi phục nên việc cắt bỏ một phần gan sẽ không quá ảnh hưởng đến sức khỏe.
Lọc gan
Lọc gan là dùng hệ thống tái hấp phụ tuần hoàn phần tử (MARS) để lọc bỏ các độc tố trong máu, từ đó giảm áp lực lên gan, giúp người bệnh suy gan sống để chờ đợi gan phục hồi ( với trường hợp suy gan cấp) hoặc chờ đợi ghép gan (với trường hợp suy gan mạn).
Ghép gan
Nếu tình trạng chức năng gan kém do tổn thương trong thời gian dài, bác sĩ sẽ cố gắng phục hồi chức năng gan ở những mô còn khỏe mạnh. Nếu không được, bác sĩ sẽ tiến hành ghép gan cho bạn để thay thế một gan mới khỏe mạnh hơn. Đây là một thủ thuật cực kỳ phức tạp và phụ thuộc vào việc có người hiến tạng tương thích hay không.
Thay đổi lối sống
Nếu nguyên nhân gây ra bệnh gan có liên quan đến thức uống có cồn hay béo phì, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên ngừng uống hoặc cố gắng giảm cân.
Biến chứng gặp phải khi không điều trị suy gan
Phù nào là một trong những biến chứng của suy giảm chức năng gan
Nếu bị suy giảm chức năng gan mà không tiến hành điều trị hay phục hồi lại chức năng gan, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng như:
- Phù não: Suy gan không chỉ gây tích tụ dịch ở bụng mà còn ở não. Tình trạng quá tải dịch dẫn đến huyết áp cao và gây ra áp lực trong não người bệnh.
- Các vấn đề về đông máu: Suy giảm chức năng gan làm quá trình đông máu gặp trở ngại và có thể khiến người bệnh bị chảy máu quá nhiều. Nguy hiểm hơn đó là tình trạng rối loạn chảy máu trong đường tiêu hóa, xuất huyết dạ dày,…
- Nhiễm trùng: Nếu suy gan cấp không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiểu.
- Suy thận: Người bệnh dùng thuốc acetaminophen quá liều trong quá trình điều trị suy gan sẽ phá hủy gan và thận nghiêm trọng. Lúc này, không chỉ gan mà chức năng thận cũng bị suy giảm trầm trọng.
- Rối loạn chuyển hóa: dự trữ glycogen bị suy giảm đối với bệnh nhân suy gan cấp tính gây hạ đường huyết, hạ kali máu, giảm phosphat máu và nhiễm kiềm chuyển hóa thường xuất hiện.
- Suy đa tạng gây tử vong: Suy gan cấp tính nặng có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng dẫn đến tử vong.
Làm gì để phòng ngừa suy giảm chức năng gan?
Để phòng ngừa suy giảm chức năng gan, người bệnh cần có một chế độ ăn uống, làm việc, sinh hoạt khoa học, hạn chế tối đa những tác nhân gây hại đến gan và sức khỏe. Cụ thể gồm:
– Nên hạn chế các loại thực phẩm có chứa chất bảo quản như đồ chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ ăn nhiều dầu mỡ… Những đồ uống có chứa cồn như rượu, bia… cũng rất gây hại cho gan.
– Thường xuyên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, protein và khoáng chất để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể và cần thiết cho sự phục hồi của các tế bào gan.
– Xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi một cách khoa học, hợp lý. Không nên thức quá khuya, nên đi ngủ trước 23 giờ đêm vì sau khoảng thời gian này là lúc để cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi sau một ngày dài hoạt động.
– Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, giúp cơ thể có khả năng chống chọi lại các tác nhân gây hại đến sức khỏe.
– Cẩn trọng khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, nên tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ, nghiêm cấm tình trạng lạm dụng thuốc, uống thuốc quá liều gây suy gan.
– Chú ý khi ăn nấm, không nên ăn những loại nấm lạ vì rất có thể đó là nấm độc, ăn phải nấm độc có thể gây suy gan cấp nghiêm trọng.