Viêm gan B là chứng bệnh nguy hiểm với tốc độ lây nhiễm cực nhanh, bệnh có thể gây tử vong nếu không được khống chế, điều trị kịp thời. Đặc biệt, với trường hợp viêm gan B thể hoạt động, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B để điều trị bệnh, hạn chế nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Vậy thuốc kháng virus viêm gan B là gì? Gồm những loại nào và cần lưu ý gì khi sử dụng để thuốc mang lại hiệu quả tối ưu? Các bạn cùng tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.
Mục lục
Thuốc kháng virus viêm gan B là gì?
Những người bị viêm gan B, nhất là viêm gan B mãn tính nếu được điều trị tích cực từ sớm thì vẫn sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài như những người bình thường khác. Việc điều trị viêm gan B mãn tính thể hoạt động chủ yếu là sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B theo chỉ định của bác sĩ.
Hiện nay, các thuốc kháng virus viêm gan B được chia thành 2 nhóm chính, đó là nhóm thuốc điều chế miễn dịch và thuốc kháng virus.
Thuốc điều chỉnh miễn dịch là những loại thuốc interferon (là các protein được tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch) có tác dụng điều hòa và tăng cường hệ thống miễn dịch từ đó giúp loại bỏ virus viêm gan B khỏi cơ thể. Nhóm này được dùng dưới dạng tiêm trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Interferon alfa-2b (Intron A) và PEG interferon (Pegasys) là những loại thuốc điều chỉnh miễn dịch được chỉ định phổ biến trong điều trị viêm gan B. Đây còn là phương pháp điều trị duy nhất được khuyến cáo trong trường hợp người bệnh đồng thời bị nhiễm viêm gan D
Thuốc kháng virus là những loại thuốc có tác dụng ức chế hoặc làm chậm quá trình tăng sinh của virus, từ đó giảm tình trạng viêm nhiễm cũng như những tổn thương trên nhu mô gan. Loại thuốc này thường được bào chế dưới dạng viên uống, người bệnh sử dụng mỗi ngày một lần trong ít nhất là 1 năm hoặc lâu hơn, thậm chí có thể kéo dài suốt đời. Có 6 loại thuốc kháng virus viêm gan B được FDA phê duyệt nhưng chỉ có 3 loại là: tenofovir disoproxil (Viread/TDF), tenofovir alafenamide (Vemlidy/TAF) và Entecavir (Baraclude) được khuyến cáo ưu tiên sử dụng vì chúng an toàn hơn và hiệu quả nhất.
Một điều cực kỳ quan trọng trong quá trình sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B đó là người bệnh cần phải thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe gan, thời gian tốt nhất được khuyến cáo là 6 tháng một lần. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe tổng quát cũng như chức năng gan mật hiện tại.
Cùng với đó, người bệnh cần thực hiện thêm một số xét nghiệm nhằm đo tải định lượng virus, đo nồng độ men gan, tầm soát nguy cơ ung thư gan,… và các phương tiện hình ảnh khác như siêu âm, CT scan hoặc FibroScan,… Mục đích của việc kiểm tra này là để đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh, xem thuốc kháng virus tác dụng có hiệu quả hay không đồng thời có thể phát hiện sớm những biến chứng trên gan để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Một số loại thuốc kháng virus viêm gan B phổ biến
Thuốc kháng virus viêm gan B cho người lớn
Với đối tượng người lớn bị viêm gan B mãn tính, sẽ có 6 loại thuốc kháng virus được chấp thuận trong điều trị. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén, người bệnh uống mỗi ngày một lần trong ít nhất 1 năm hoặc lâu hơn, thậm chí là suốt đời, tùy thuộc vào mức độ tổn thương gan do virus gây ra. Các loại thuốc kháng virus viêm gan B cụ thể gồm:
Tenofovir disoproxil (Viread/TDF)
Là loại thuốc kháng virus được dùng phổ biến trong điều trị viêm gan B mãn tính hiện nay. Thuốc giúp ức chế sự phát triển của virus từ đó giảm các tổn thương mà chúng gây ra. Liều dùng khuyến cáo cho người lớn là uống Tenofovir Disoproxil Fumarate viên 300 mg, ngày uống 1 viên, trong vòng 1 năm hoặc lâu hơn. Đây được xem là thuốc điều trị đầu tay cho người mắc viêm gan B mãn tính với tỷ lệ kháng thuốc rất thấp.
Ngoài ra, tenofovir disoproxil cũng có khá ít tác dụng phụ, người dùng thường sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn, chướng bụng,… trong tuần đầu tiên mới sử dụng.
Tenofovir alafenamide (Vemlidy/TAF)
Tenofovir alafenamide viết tắt là TAF, tên biệt dược thường gặp là Hepbest, Teravir. Đây là thuốc kháng virus thuộc nhóm ức chế phiên mã ngược nucleotide dùng trong điều trị viêm gan siêu vi B mạn tính ở người lớn và trẻ trên 12 tuổi. Tương tự như TDF, TAF cũng ít tác dụng phụ, tỷ lệ kháng thuốc thấp, hiệu quả cao nên được coi là thuốc điều trị đầu tay cho người mắc viêm gan B mãn tính.
Tenofovir alafenamide được dùng 1 lần/ngày và cần phải được uống mỗi ngày trong suốt khoảng thời gian điều trị. Nếu lỡ quên uống thuốc mà khoảng thời gian từ thời điểm quên đến lúc phát hiện trong khoảng 18 giờ thì người bệnh cần uống 1 liều càng càng tốt, liều tiếp theo vẫn uống vào thời điểm bình thường hàng ngày. Còn nếu đã quá 18 giờ từ thời điểm quên uống thuốc, người bệnh không nên uống bù liều quên nữa mà đợi đến thời điểm dùng thuốc tiếp theo và uống bình thường.
Người bệnh viêm gan B mãn tính không được tự ý dừng thuốc khi chưa được sự chỉ định của bác sĩ. Vì nếu ngừng thuốc không phù hợp có thể khiến bệnh viêm gan B trầm trọng hơn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.
Entecavir (Baraclude)
Entecavir là một loại thuốc thuộc nhóm thuốc kháng virus, hoạt động bằng cách ức chế men sao chép ngược nucleoside của virus viêm gan B, từ đó làm chậm sự phát triển và giảm lượng virus viêm gan B trong cơ thể. Do đó, thuốc chỉ có tác dụng ngăn cản virus tấn công gan nhiều hơn chứ không thể chữa khỏi cũng như ngăn chặn sự lây lan của HBV từ người này qua người khác.
Thuốc được uống mỗi ngày một lần, trong ít nhất 1 năm hoặc có thể hơn. Do hiệu quả cao, ít tác dụng phụ nên Entecavir cũng được xem là thuốc đầu tay điều trị viêm gan B mãn tính ở người lớn và trẻ trên 16 tuổi.
Telbivudine (Tyzeka hoặc Sebivo)
Telbivudine thuộc nhóm thuốc kháng khuẩn nucleosid, ức chế men phiên mã ngược của virus, được sử dụng để điều trị viêm gan siêu vi B lâu dài. Thuốc được sử dụng qua đường uống với khả năng dung nạp tốt, không có độc tính cũng như tác dụng phụ nếu sử dụng trong giới hạn liều.
Telbivudine giúp làm giảm số lượng virus viêm gan B trong cơ thể nhưng không thể chữa khỏi viêm gan B và cũng không thể ngăn chặn được sự lây lan của virus từ người ngày qua người khác.
Thuốc được uống mỗi ngày một lần, uống hàng ngày trong suốt thời gian điều trị. Telbivudine thuộc loại thuốc lựa chọn điều trị viêm gan B mãn tính hàng thứ hai.
Adefovir Dipivoxil (Hepsera)
Adefovir dipivoxil là một dạng tiền chất của adefovir, trước đây được gọi là bis-POM PMEA, với tên thương mại là Preveon và Hepsera. Đây là một chất ức chế men sao chép ngược tương tự acyclic nucleotide (ntRTI) được sử dụng để điều trị nhiễm trùng mãn tính với virus viêm gan B.
Thuốc có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B trong cơ thể, từ đó giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm và tổn thương gan. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy càng ngày tỷ lệ kháng thuốc của Adefovir dipivoxil ngày càng tăng cao và có những cơn bùng phát viêm gan cấp và nặng trên người bệnh ngừng thuốc.
Adefovir dipivoxil là một thuốc lựa chọn điều trị hàng thứ hai. Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cần được theo dõi chức năng thận thường xuyên.
Lamivudine (Epivir-HBV, Zeffix hoặc Heptadin)
Lamivudin là một loại thuốc kháng virus viêm gan B, hoạt động bằng cách làm chậm sự phát triển của virus, từ đó làm giảm những tổn thương gan mà virus gây ra.
Trước đây Lamivudin được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm gan B vì giá thành rẻ, tính khả dụng khi dùng bằng đường uống. Tuy nhiên, hiện tại thì loại thuốc này ít được sử dụng vì hoạt tính chống virus kém hơn, độ kháng thuốc cao, có thể lên đến 70% và hầu hết mọi người đều bị kháng thuốc trong vòng một hoặc 2 năm sử dụng.
Thuốc kháng virus viêm gan B cho trẻ em
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, viêm gan B mãn tính lại được xem là một bệnh thể nhẹ vì không có triệu chứng rõ ràng, hầu hết trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh bình thường mà không bị tác động bởi giới hạn thể chất nào.
Tuy vậy, trẻ em và thanh thiếu niên bị viêm gan B mãn tính nên được thăm khám thường xuyên để xem có cần chỉ định điều trị viêm gan B hay không. Thời gian thăm khám khuyến cáo là 6 tháng một lần hoặc có thể ngắn hơn tùy từng trường hợp. Việc thăm khám, kiểm tra bao gồm kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu cùng các công cụ hình ảnh nhằm đánh giá những tổn thương trên gan như siêu âm, CT scan hoặc FibroScan.
Ở một vài trường hợp cực hiếm, trẻ bị viêm gan B có thể được can thiệp, điều trị đặc hiệu sớm nếu thấy xuất hiện những tổn thương gan thực thể. Việc điều trị lúc này nhằm hạn chế tối đa những di chứng trên gan về lâu dài.
Hiện tại, có 3 loại thuốc kháng virus được chấp thuận điều trị cho trẻ em bị viêm gan B, bao gồm: Entecavir (Baraclude), Tenofovir disoproxil (Viread) và Lamivudine (Epivir-HBV, Zeffix, Heptadin). Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp.
☛ Tham khảo thêm: Thuốc chữa bệnh viêm gan B hiện nay
Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B
Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để hiệu quả điều trị của thuốc đạt tối ưu
Để thuốc kháng virus viêm gan B mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, cũng như giảm thiểu những nguy cơ gây tổn thương gan khác, người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau:
– Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, hạn chế tối đa hậu quả không mong muốn, chẳng hạn như kiểm soát không tốt khiến bệnh biến chứng thành xơ gan, ung thư gan.
– Bệnh nhân đang được chỉ định dùng thuốc kháng virus để điều trị viêm gan B cần tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ chuyên khoa. Mục đích của việc tái khám nhằm theo dõi sức khỏe của người bệnh, khả năng đáp ứng thuốc cũng như phát hiện sớm những biến chứng để có biện pháp can thiệp kịp thời. Nếu sức khỏe ngày càng tiến triển tốt, khả năng đáp ứng với thuốc điều trị cao, người bệnh viêm gan B có thể sớm có cuộc sống khỏe mạnh gần như người bình thường.
– Nhiều bệnh nhân đang trong quá trình điều trị viêm gan B bằng thuốc kháng virus nhưng lại ngừng thuốc giữa chừng hoặc tìm đến những phương pháp khác như thuốc Đông y, thuốc Nam,… vì thấy thời gian kéo dài, chi phí tốn kém, phải tái khám thường xuyên, thậm chí là lo ngại tác dụng phụ của thuốc Tây. Việc làm này có thể khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn, khi quay lại điều trị thì đã muộn, các tổn thương gan khó mà khắc phục được.
– Trong quá trình sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B, có thể xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Lúc này, người bệnh không được bỏ mặc hay bi quan mà hãy chấp nhận một liệu trình điều trị khác. Việc bỏ mặc điều trị có thể làm bùng phát những nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của chính mình.
– Tuyệt đối không tự ý dừng thuốc điều trị khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Vì thuốc kháng virus thường phải uống hàng ngày, nên nhỡ có quên liều thì cần uống bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn.
– Trong quá trình dùng thuốc điều trị viêm gan B, nếu có ý định dùng thêm những loại thuốc hay thực phẩm chức năng, thảo dược khác thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Vì một số loại thuốc có thể cản trở tác dụng của thuốc kháng virus, thậm gây thêm tổn thương gan, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thế.
– Để hạn chế và khắc phục những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc kháng virus viêm gan B, người bệnh cần xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm các loại trái cây, rau củ quả tươi, tránh các loại thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, các loại chất kích thích như rượu, bia, cà phê,…
Trên đây là những thông tin về một số loại thuốc kháng virus được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm gan B mãn tính cũng như những lưu ý để quá trình sử dụng thuốc mang lại hiệu quả cao. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp các bạn có thêm phần nào kiến thức chăm sóc sức khỏe lá gan của bản thân và gia đình tốt hơn.