Viêm gan B có tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con khá cao trong quá trình sinh nở nên thường được khuyến cáo tiêm vắc-xin ngừa từ trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu mẹ chưa kịp tiêm phòng viêm gan B đã có thai thì sao, nếu tiêm có đảm bảo an toàn? Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu xem liệu có nên tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu hay không nhé!
Mục lục
Có nên tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu không?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus HBV với tỷ lệ người mắc chiếm 10 – 20% dân số nước ta. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra cac biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Đáng nói, viêm gan B và có khả năng cao lây từ mẹ sang con. Do đó, tiêm vắc-xin phòng bệnh được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ cho cả mẹ và bé.
Thực tế, tiêm vắc-xin viêm gan B vẫn là lựa chọn được khuyến cáo cho phụ nữ trước khi mang thai, giúp cơ thể hình thành đủ kháng thể cần thiết để phòng bệnh trong suốt thai kỳ, đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.
Dù vậy, bà bầu vẫn có thể tiêm vắc-xin viêm gan B trong thời gian mang thai. Tuy nhiên việc tiêm phòng chỉ được thực hiện trong trường hợp mẹ âm tính HBsAg và có nguy cơ cao lây bệnh.
Lưu ý: Vắc-xin phòng viêm gan B là loại bất hoạt, không chứa vi khuẩn sống và tương đối an toàn. Tuy nhiên, khi tiêm vắc-xin phòng viêm gan siêu vi B cho bà bầu cần được sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ và nhân viên y tế.
☛ Tham khảo: Bà bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi?
Lợi ích của tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu
Mặc dù không được khuyến khích rộng rãi nhưng việc thực hiện tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu đúng cách vẫn đem lại những lợi ích nhất định:
Bảo vệ sức khỏe cho mẹ
Mắc viêm gan B khi mang thai không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn gây ra những vấn đề như sinh non, sinh con nhẹ cân, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xơ gan, ung thư gan…
Đáng nói, viêm gan B là bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ lây nhiễm cao. Trong giai đoạn mang thai, hệ miễn dịch của mẹ sẽ hoạt động kém hơn nên có thể làm tăng nguy cơ lây bệnh. Vậy nên nếu mẹ có khả năng cao lây nhiễm HBV, tiêm vắc-xin viêm gan B sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe của mẹ, hạn chế rủi ro.
Giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi
Một trong những lợi ích quan trong khi tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu là tăng khả năng bảo vệ thai nhi khỏi sự tấn công của virus HBV.
Theo đó, virus viêm gan B có thể được truyền từ mẹ sang con qua đường máu hoặc qua quá trình sinh nở. Do đó, phòng bệnh cho mẹ cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ thai nhi khỏi căn bệnh này.
Tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của con khi trưởng thành
Thống kê cho thấy có đến 90% trẻ có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B nếu mẹ bị nhiễm bệnh khi mang thai mà không hề hay biết, hoặc cũng có thể mẹ biết nhưng không có áp dụng biện pháp phù hợp phòng ngừa lây nhiễm trong và sau sinh.
Trong số những trẻ sơ sinh mắc viêm gan B, có khoảng 50% trường hợp có thể phát triển thành suy gan, xơ gan, ung thư gan trong tuổi trưởng thành, vô cùng nguy hiểm. Đáng nói, có tới 25% trẻ nhiễm bệnh có nguy cơ tử vong do xơ gan hoặc ung thư gan khi trưởng thành.
Vì vậy, việc tiêm vắc-xin viêm gan B cho bà bầu trong trường hợp cần thiết sẽ giúp hạn chế nguy cơ sức khỏe sau này cho trẻ.
☛ Tìm hiểu thêm: Cần biết về tiêm phòng vacxin viêm gan B
Thời điểm tiêm phòng viêm gan B tốt nhất cho bà bầu
Như đã nói ở trên, tiêm phòng viêm gan B không được khuyến khích cho bà bầu, tuy nhiên mẹ vẫn có thể được tiêm vắc-xin trong một số trường hợp. Trước khi chủng ngừa, mẹ bầu cần nói rõ cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân, căn cứ theo tình hình cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm vắc-xin cho mẹ hay không.
Thông thường, tất cả mẹ bầu đều được khuyến khích thực hiện các xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe phù hợp trước, trong và sau sinh. Nếu bà bầu có nguy cơ cao lây nhiễm virus viêm gan B và được xác định âm tính HBV thông qua xét nghiệm, bác sĩ có thể chỉ định tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo, việc tiêm phòng viêm gan B cho phụ nữ mang thai không nên diễn ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, thời điểm thích hợp nhất để tiêm ngừa cho bà bầu là từ tháng thứ tư trở đi.
☛ Đọc thêm: Tiêm viêm gan B mấy mũi là đủ?
Tiêm phòng viêm gan B khi mang thai có an toàn không?
Mang thai là giai đoạn hết sức nhạy cảm, vấn đề an toàn của mẹ và bé lúc này luôn là ưu tiên hàng đầu. Vậy tiêm phòng viêm gan B khi mang thai có an toàn không?
Thực tế, việc tiêm vắc-xin phòng viêm gan B cho phụ nữ có thai chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Mặt khác, vắc-xin viêm gan B là vắc-xin bất hoạt, được điều chế từ huyết tương người khỏe mạnh có chứa kháng nguyên bề mặt của virus HBV trong môi trường vô trùng, tuân thủ tiêu chuẩn WHO nên có độ an toàn cao, không gây hại cho mẹ và thai nhi.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã được chứng minh an toàn và không chống chỉ định tuyệt đối với phụ nữ mang thai nhưng nếu không nằm trong trường hợp thực sự cần thiết thì mẹ bầu cũng không nên tiêm phòng trong giai đoạn này để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Lưu ý khi tiêm phòng viêm gan B
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé cũng như mang đến hiệu quả phòng bệnh tốt nhất, khi tiêm phòng viêm gan B mẹ bầu nên lưu ý:
- Xét nghiệm trước khi tiêm: Trước khi tiêm ngừa viêm gan B, mẹ nên thực hiện xét nghiệm để xác định bản thân có nhiễm HBV không. Trường hợp kết quả HBsAg dương tính cho thấy mẹ đã mắc viêm gan B, việc tiêm vắc-xin lúc này sẽ không còn hiệu quả phòng bệnh.
- Thông báo và tham khảo ý kiến bác sĩ: Hãy thông báo cho bác sĩ về việc bản thân đang mang thai và các vấn đề sức khỏe, bệnh lý nếu có để bác sĩ xem xét, cân nhác về việc có nên thực hiện tiêm phòng hay không.
- Tuân thủ lịch tiêm: Để đảm bảo hiệu quả của vắc-xin, mẹ nên tuân thủ lịch tiêm chủng được bác sĩ chỉ định, không tự ý bỏ mũi hoặc rút ngắn thời gian giữa các mũi tiêm…
- Theo dõi sau tiêm: Một số trường hợp có thể gặp phải các phản ứng sau tiêm như suy nhược, nhức đầu, mệt mỏi, sốt… Vì vậy, sau khi tiêm phòng viêm gan B, mẹ bầu nên ở lại cơ sở tiêm thêm khoảng 30 phút để theo dõi, xử lý các bất thường kịp thời nếu có.
Bên cạnh đó, để đảm bảo sức khỏe sau tiêm chủng và có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ nên kết hợp chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Viêm gan b khi mang thai nên ăn gì?
Kết luận:
Việc tiêm có nên tiêm phòng viêm gan B cho bà bầu hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mẹ cũng như chỉ định của bác sĩ. Mặc dù vắc-xin viêm gan B không được khuyến khích cho phụ nữ có thai, tuy nhiên, trong trường hợp cần phải tiêm mẹ cũng không nên quá lo lắng, hãy tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và các chuyên gia y tế để có một thai kỳ khỏe mạnh.