Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ là điều cần thiết bởi hiện nay viêm gan B chưa có thuốc điều trị. Trong khi đó tỷ lệ nhiễm bệnh tại Việt Nam ngày càng cao và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc cao. Bên cạnh đó việc tiêm phòng viêm gan B đầy đủ cho trẻ giúp trẻ phòng ngừa bệnh lên tới 90%. Vậy nên tiêm phòng cho trẻ khi nào, mấy mũi, chi phí và phác đồ tiêm cụ thể ra sao hãy cùng viemgan.com.vn tìm hiểu chi tiết!
Mục lục
Tại sao cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ?
Viêm gan B được cảnh báo là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với khả năng lây lan cao. Nếu không được điều trị sớm, bệnh gây suy giảm chức năng gan, nguy cơ chuyển sang viêm gan b mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan. Đáng ngại hơn, virus viêm gan B lây truyền từ người bệnh qua người lành khá dễ dàng qua nhiều con đường khác nhaunhư từ mẹ sang con, đường máu, quan hệ tình dục. Theo số liệu thống kê, Việt Nam là nước có tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan B ở mức cao trên thế giới, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ có thai mang virus viêm gan B từ 10 – 16%, trẻ em từ 2 – 6%.
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm virus viêm gan B. Đường lây truyền virus từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai và lúc sinh con rất dễ dàng. Hơn nữa, trẻ em rất hiếu động, thường xuyên chạy nhảy nên dễ vấp ngã, trầy xước và chảy máu. Đây là điều kiện thuận lợi để lây truyền virus viêm gan B.
Theo các chuyên gia, trẻ cần được tiêm vắc xin phòng viêm gan B càng sớm càng tốt. Tiêm phòng trong 24 giờ đầu tiên sau sinh được khuyến cáo để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ sang con và giúp trẻ có được hiệu quả miễn dịch tốt nhất. Tiêm càng muộn thì hiệu quả phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con sẽ giảm. Hiện nay, có rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng tiêm cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh. Việc thực hiện tiêm phòng theo đúng phác đồ mang lại hiệu quả phòng bệnh viêm gan B lên tới 90%.
Tuy nhiên, có một số trẻ vì lý do nào đó chưa được tiêm phòng, trẻ vẫn có thể được tiếp tục tiêm phòng vào thời gian tiếp theo nhằm bảo vệ gan, tránh những tổn thương gan do virus viêm gan B gây ra.
Lịch tiêm phòng viêm gan B cho trẻ khuyến cáo của Bộ y tế
Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ là điều rất cần thiết và nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Sau đây là lịch tiêm cụ thể đối với từng đối tượng trẻ theo khuyến cáo của Bộ Y tế:
1. Trường hợp mẹ không nhiễm bệnh viêm gan B
Đối với trẻ sơ sinh có mẹ không mắc viêm gan B, liều sơ sinh sẽ được tiêm trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi trẻ lọt lòng mẹ. Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm 3 liều tiếp theo với vắc xin phối hợp có chứa thành phần virus viêm gan B (như vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1). Khoảng cách tối thiểu giữa hai lần chích ngừa viêm gan B là 1 tháng.
Ngoài mũi sơ sinh, trẻ được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc xin phòng viêm gan B theo phác đồ sau đây:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: Sau mũi một 1 tháng.
- Mũi 3: Sau mũi hai 1 tháng.
- Mũi 4 : Nhắc lại mũi 4 sau 1 năm.
2. Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan virus B
Đối với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, việc tiêm phòng cho bé càng đóng vai trò quan trọng hơn. Ngoài một mũi vắc xin ngừa viêm gan B như các trẻ khác, trẻ cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg ngay trong 12 – 24 giờ đầu sau sinh. Globulin miễn dịch kháng viêm gan B tạo miễn dịch thụ động và một mũi vắc xin viêm gan B tái tổ hợp để tạo miễn dịch chủ động cho bé. Lưu ý, vị trí tiêm kháng thể HBIg và vắc xin viêm gan B phải ở hai vị trí khác nhau.
Trình tự tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong trường hợp mẹ mang virus có thể tuân theo 2 phác đồ như sau:
Phác đồ 1: 0-1-2-12
- Mũi 1: Tiêm phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 giờ kể từ khi bé chào đời.
- Mũi 2: Khi trẻ được 1 tháng.
- Mũi 3: Cách mũi hai 1 tháng.
- Mũi 4: Cách mũi ba 12 tháng.
Phác đồ 2: 0-1-6-18
- Mũi 1: Tiêm phối hợp với huyết thanh kháng viêm gan B trong vòng 12 giờ kể từ lúc chào đời.
- Mũi 2: Tiêm khi trẻ được 1 tháng.
- Mũi 3: Sau mũi thứ hai 5 tháng (khi trẻ 6 tháng tuổi).
- Mũi 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
3. Nếu không biết tình trạng HBsAg của người mẹ
Trường hợp tình trạng HBsAg của người mẹ không thể xác định trong 12 giờ kể từ khi bé sinh ra, sử dụng cho trẻ cả kháng thể miễn dịch đặc hiệu kháng virus viêm gan B và vắc xin phòng virus viêm gan B. Và liều vắc xin phòng virus viêm gan B này sẽ không được tính vào tổng 3 liều vắc xin phòng virus viêm gan B được sử dụng sau này.
3 liều vắc xin phòng virus viêm gan B sẽ được sử dụng theo lịch khuyến cáo dựa trên tình trạng HBsAg của người mẹ. Cần lưu ý, liều vắc xin cuối cùng không nên dùng trước khi trẻ được 24 tuần tuổi.
Trường hợp trẻ không nên tiêm vắc-xin viêm gan B
Không phải tất cả mọi trường hợp đều có thể tiêm vắc xin viêm gan B. Sau đây là những trường hợp bé không nên tiêm phòng, cha mẹ cần chú ý:
- Quá mẫn cảm với thành phần của vắc xin: Nếu trẻ có tiền sử quá mẫn cảm hoặc có các phản ứng nghiêm trọng với bất cứ thành phần nào trong vắc xin phòng viêm gan B trước đó thì việc tiêm phòng sẽ bị chống chỉ định. Cha mẹ có thể tham khảo về thành phần cụ thể của loại vắc xin đó ở thông tin sản phẩm hoặc tham vấn ý kiến của bác sĩ.
- Có phản ứng phụ nghiêm trọng: Ở những lần tiêm trước đó bé có phản ứng nặng nề sau lần tiêm phòng viêm gan B, chẳng hạn như dị ứng nặng… thì bé có thể bị chống chỉ định tiêm vắc xin phòng viêm gan B sau đó.
- Trẻ mắc bệnh lý cấp tính: Nếu bé đang mắc các bệnh lý cấp tính như sốt cao, nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý hệ thống cần được điều trị thì việc tiêm phòng vắc xin có thể được trì hoãn cho tới sức khỏe của bé ổn định.
- Trẻ mới kết thúc đợt điều trị: bằng thuốc corticoid, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày là nhóm trẻ tạm hoãn tiêm chủng.
Thông tin xem thêm: Tiêm phòng viêm gan B muộn có sao không?
Các loại vắc-xin viêm gan B cho trẻ
Hiện nay, vắc xin viêm gan B có thể tiêm đơn giá hoặc tiêm với vắc xin phối hợp chứa thành phần viêm gan B như vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1.
Loại đơn:
- Engerix B 10mcg/0,5ml của công ty GSK sản xuất tại Bỉ
- Euvax 10mcg/0,5ml của công ty Sanofi Pasteur – PHÁP, sản xuất tại Hàn Quốc.
- Immunohbs 180UI/1ml của công ty Kedrion, sản xuất tại Ý.
- Heberbiovac 0,5ml sản xuất tại Cu Ba
- Gene Hbvax 0,5ml sản xuất tại Việt Nam
Vắc xin Engerix B
Loại phối hợp:
- Vắc-xin Twinrix sản xuất bởi công ty GSK (Bỉ) phòng ngừa viêm gan A – viêm gan B.
- Vắc-xin Infanrix hexa 0,5ml được sản xuất bởi công ty GSK (Bỉ), phòng ngừa Bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – Hib – viêm gan B.
- Vắc-xin Hexaxim 0.5ml được sản xuất bởi công ty Sanofi (Pháp) giúp phòng ngừa Bạch hầu – uốn ván – ho gà – bại liệt – Hib – viêm gan B.
Chi phí tiêm phòng viêm gan B cho trẻ
Chi phí tiêm phòng viêm gan B cho trẻ bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như:
- Loại vắc xin viêm gan B nào được sử dụng.
- Cơ sở vật chất và dịch vụ kèm theo tại địa chỉ tiêm chủng.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều dòng vắc xin viêm gan B của nhiều nước khác nhau được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Mỗi loại thuốc sẽ có mức giá tương ứng khác nhau. Bên cạnh đó, những địa chỉ tiêm chủng có cơ sở vật chất tốt, chăm sóc khách hàng chu đáo sẽ có mức giá nhỉnh hơn so với những nơi có cơ sở vật chất và dịch vụ thấp.
Sau đây là mức giá tham khảo của một số loại vắc xin được lưu hành phổ biến:
- Engerix B (0,5ml): Dao động từ 108.000 – 140.000 đồng/liều
- Euvax B (0,5ml): Dao động từ 65.000 – 145.000 đồng/liều
- Hepavax Gene (0,5ml): Dao động từ 45.000 – 130.000 đồng/liều
Đối với vắc xin phối hợp:
- Twinrix (1ml) : Giá tham khảo 585.000 đồng/liều.
- Infanrix hexa 0,5ml: Giá tham khảo 1.050.000 đồng/liều
- Hexaxim 0.5ml: Giá tham khảo 1.015.000 đồng/liều.
Theo dõi trẻ sau tiêm vắc-xin viêm gan B
Sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B, trẻ có thể gặp một số phản ứng nhẹ. Cha mẹ nên cho trẻ ở lại nơi tiêm phòng khoảng 30 phút để theo dõi sức khỏe trước khi đưa bé về nhà. Sau đó, cha mẹ cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của con ít nhất 24 giờ sau tiêm. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ nhằm có biện pháp xử lý kịp thời. Một số tác dụng phụ có thể gặp sau khi trẻ tiêm vắc xin viêm gan B như:
- Sốt
- Đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm.
- Quấy khóc.
Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, quấy khóc, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới bé. Nếu bé bị sốt, cha mẹ hãy làm mát cơ thể cho bé bằng cách bú thêm sữa, lau mát cơ thể, không mặc nhiều quần áo hoặc quấn chăn cho bé. Nếu sốt trên 38,5 độ C, có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt paracetamol với liều lượng thích hợp theo cân nặng của bé và chỉ định của bác sĩ. Khi cho bé bú nên thực hiện khi bé thức, không nên nằm cho con bú có thể gây sặc nếu con vừa bú vừa khóc.
Ngoài ra, nếu các phản ứng sau tiêm kéo dài hơn 1 ngày cần đưa bé tới cơ sở y tế. Hoặc các phản ứng sau tiêm trở nên tồi tệ hơn với các dấu hiệu như:
- Bé sốt cao không có dấu hiệu thuyên giảm
- Quấy khóc kéo dài
- Trẻ khó thở, trở nên tím tái hoặc bú ít đi thậm chí là bỏ bú.
Xem thêm chi tiết: Phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin phòng viêm gan B
Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp thắc mắc của cha mẹ về tiêm phòng viêm gan B cho trẻ. Hãy chủ động bảo vệ trẻ khỏi virus viêm gan B bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y Tế nhé.