Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, là một căn bệnh lặng lẽ nhưng hậu quả mà nó để lại rất nghiêm trọng. Đối với trẻ em, căn bệnh diễn biến âm thầm trong suốt thời gian dài cho tới khi trưởng thành, dễ bùng phát gây xơ gan, ung thư gan.
Vì sao trẻ mắc viêm gan C
Viêm gan C lây nhiễm qua 3 con đường: từ mẹ sang con, đường máu và quan hệ tình dục không an toàn. Tuy tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ dang con chỉ <5% nhưng nếu mẹ bầu có lượng virus đang hoạt động mạnh hoặc người mẹ bị bệnh nhưng không hề hay biết thì khả năng lây nhiễm sang con sẽ rất cao.
Ngoài ra, trẻ em cũng có thể bị lây nhiễm qua việc truyền máu hoặc dùng dụng cụ y tế, đồ dùng sinh hoạt có dính máu của người nhiễm bệnh như: bấm móng tay, bàn chải đánh răng…Tuy nhiên, nguy cơ này khá hiếm.
>> Xem thêm: Những nguyên nhân khiến trẻ bị viêm gan C
Phát hiện viêm gan C ở trẻ như thế nào?
Hầu hết trẻ em nhiễm virus viêm gan C đều ở thể mạn tính (nhiễm virus trên 6 tháng) và nếu không qua xét nghiệm, rất khó để phát hiện bệnh nếu chỉ bằng triệu chứng. Những trẻ em bị nhiễm viêm gan C trong suốt nhiều năm thơ ấu đều không có triệu chứng gì cho tới khi trưởng thành, khi các dấu hiệu tổn thương gan rõ rệt cũng là lúc biết mắc viêm gan C và ở vào trạng thái nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Vấn đề quan trọng hơn là, hiện nay việc điều trị bệnh còn rất khó khăn, tốn kém. Trẻ bị viêm gan C thường phải chấp nhận chung sống với virus suốt đời.
Dấu hiệu thường xảy ra sau khi virus đã tồn tại trong cơ thể một thời gian dài gồm: mệt mỏi, sốt, buồn nôn, đau vùng gan. Nhiều mẹ chủ quan không cho trẻ đi khám trong các trường hợp này vì nó khá giống với căn bệnh rối loạn tiêu hóa. Tuy nhiên, bỏ qua các dấu hiệu này, virus gây tổn thương nặng cho gan đến xơ gan, ung thư gan thì mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt hơn như: vàng da, bụng to, vàng mắt…
Những biến chứng của bệnh viêm gan C ở trẻ
Ðặc điểm nổi bật nhất của bệnh viêm gan C là sự tiến triển rất thầm lặng, thời gian có thể kéo dài từ 10 – 30 năm, vì thế rất khó phát hiện thông qua triệu chứng và dẫn đến không điều trị kịp thời. Khi đã ở thể nặng nên những người nhiễm bệnh sẽ dễ dẫn đến các biến chứng như:
- Xơ gan: Virus làm tổn hại tế bào gan khiến mô gan hình thành các sẹo, làm giảm chức năng hoạt động của gan
- Ung thư gan: Một số trường hợp nguy hiểm hơn có thể dẫn đến ung thư gan.
- Suy gan: Tế bào gan bị phá hủy hoàn toàn, gan bị hư hại nghiêm trọng, không thể hoạt động.
Điều trị viêm gan C ở trẻ như thế nào?
Khi nghi ngờ khả năng mắc viêm gan C ở trẻ, mẹ cần đưa bé đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ tiến hành làm các loại xét nghiệm từ cơ bản đến chuyên biệt. Bao gồm: Xét nghiệm máu với test nhanh định lượng sắc tố mật trong máu (bilirubin), virus viêm gan c, men gan, siêu âm gan để xem gan có bị viêm hay không. Các xét nghiệm đặc hiệu là định lượng acis nhân của virus viêm gan C (ARN) trong máu trẻ nghi ngờ mắc viêm gan C và xét nghiệm sinh thiết gan.
Cho đến nay, biện pháp điều trị viêm gan C cơ bản là dùng pegylate interferon (alfa 2a và 2b), thuốc điều trị chủ yếu nhất cho viêm gan siêu vi C mạn tính. Interferon alpha là một chất tự nhiên có trong cơ thể, được các tế bào đề kháng sản xuất ra khi bị nhiễm virus. Khi dùng điều trị bệnh viêm gan C, interferon alpha sẽ bắt chước đáp ứng tự nhiên của cơ thể. Khi kết hợp với ribavirin với peginterferon hiệu quả đạt được khoảng 54-63%.
Lưu ý rằng, phương thức điều trị viêm gan C và liều lượng thuốc phải do bác sĩ chỉ định, người bệnh không được tự ý mua thuốc để uống. Mẹ cần tích cực điều trị cho bé, không để tình trạng gián đoạn diễn ra bởi nếu quá trình điều trị không liền mạch, bệnh có khả năng tái phát cao sẽ khiến việc điều trị lần sau trở nên khó khăn hơn.
Trong quá trình điều trị, trẻ có thể bị một số tác dụng phụ như: sốt, mệt mỏi, đau đầu. Mẹ nên quan sát bé, theo dõi và báo cho các bác sĩ về bất cứ tác dụng phụ nào xảy ra ở trẻ.
>> Xem thêm: Điều trị viêm gan C ở trẻ em
Làm thế nào để phòng ngừa viêm gan C ở trẻ
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C nên biện pháp phòng ngừa duy nhất là hạn chế các con đường lây nhiễm của trẻ. Nếu người mẹ không bị nhiễm virus thì mẹ cần phòng tránh bằng cách :
- Chỉ đưa trẻ đi khám bệnh tại các cơ sở y tế uy tín, thận trọng khi cho trẻ truyền máu
- Không có trẻ dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, bấm móng tay,.. nhất là khi trẻ đi học.
Nếu người mẹ mang virus thì cần điều trị thuốc kháng virus cho tới khi virus không hoạt động thì mới nên mang thai và sinh con.