Việc dùng các thuốc điều trị xơ gan là điều cần thiết nhằm mục đích: dự phòng biến chứng, ngăn ngừa xơ gan tiến triển. Tuy nhiên bạn đã biết thuốc trị xơ gan gồm những loại nào và cách dùng ra sao chưa? Hãy cùng Viemgan.com.vn tìm hiểu chi tiết về thuốc điều trị xơ gan ở nội dung dưới đây nhé!
Mục lục
Ý nghĩa của việc dùng thuốc trị xơ gan
Xơ gan là một bệnh lý mạn tính nguy hiểm. Các nguyên nhân gây xơ gan có thể bao gồm: viêm gan siêu vi B, C, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường… Khi gan bị xơ hóa, các tế bào gan bị hư hại và sẽ được thay thế bằng sợi xơ, làm mất đi chức năng gan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết tiêu hoá, nhiễm trùng dịch cổ trướng, hôn mê gan, ung thư gan..
Đáng nói, các tổn thương do xơ gan không thể phục hồi hoàn toàn, tính đến nay vẫn chưa có phương pháp hay loại thuốc đặc trị nào có thể điều trị dứt điểm tình trạng xơ gan. Tuy nhiên, việc dùng thuốc vẫn được đánh giá là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Theo đó, sử dụng thuốc trị xơ gan đúng cách sẽ giúp kiểm soát triệu chứng, hạn chế tiến triển của bệnh, đồng thời phục hồi chức năng gan và dự phòng biến chứng, ngăn chặn nguy cơ ung thư gan.
Thuốc trị xơ gan có những loại nào?
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị xơ gan, tùy tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc phù hợp.
Thuốc cải thiện chức gan
Các thuốc này có tác dụng tăng khả năng bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại, kích thích tái tạo tế bào gan, đồng thời giúp quá trình chuyển hóa ở gan diễn ra hiệu quả hơn. Một số thuốc thường được sử dụng gồm:
- Vitamin C: Giúp tối ưu chuyển hóa tế bào gan. Thuốc có thể dùng qua hình thức tiêm tĩnh mạch trong chu kỳ 7-10 ngày.
- Vitamin B12: Hỗ trợ giải độc gan, điều hòa chức năng gan. Liều lượng 200 microgam mỗi ngày, dùng liên tục trong 10 ngày. Thuốc có thể được tiêm vào cơ hoặc sử dụng Lipochol dạng uống. Trong trường dùng đường uống, ngày uống 1-2 lần, mỗi lần 2 viên.
- Cyanidanol: Hỗ trợ quá trình chăm sóc sức khỏe của gan. Ngày sử dụng 3 lần, mỗi lần 1 viên 500mg.
- Prednizolon: Là loại thuốc chống viêm steroid, có khả năng chống viêm mạnh, giúp giảm viêm nhiễm và hạn chế tiến triển của xơ gan. Prednizolon có thể dùng 20 – 25mg/ngày trong 1 – 2 tuần sau đó dùng liều duy trì 5-10mg/ngày, kéo dài hàng tháng.
- Testosteron: Được dùng để giảm viêm nhiễm và làm chậm quá trình xơ hóa gan. Thuốc có thể dùng dạng tiêm bắp với liều 100mg, dùng cách nhật trong vòng 4 tuần đầu. Sau đó sử dụng kéo dài hàng năm với 300mg/14 ngày. Lưu ý khi dùng Testosteron cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe.
- Flavonoit Sylimarin (biệt dược Carsil, Legalon): Có khả năng tăng cường chức năng thải độc gan, kích thích tái tạo tế bào gan, bảo vệ gan. Trong đó, Legalon có thể dùng liều viên 70mg, ngày uống 2 – 3 lần. Carsil 90mg được dùng 1/lần x 2 – 3 viên/ngày tùy tình trạng bệnh.
Thuốc tiêm truyền dịch
Trường hợp bệnh nhân xơ gan có protein máu bị giảm nhiều, đặc biệt là albumin thì các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng plasma đậm đặc và dung dịch albumin 20% hoặc truyền các loại đạm tổng hợp như alvezin, moriamin tuần hoặc hai tuần 1 lần để cải thiện.
Ngoài ra, nếu người bệnh có tỷ lệ rothrombin giảm, lâm sàng có chảy máu dưới da, niêm mạc hoặc xuất huyết tiêu hoá… phương pháp truyền máu có thể được thực hiện tùy theo mức độ mất máu.
Thuốc điều trị xơ gan theo tình trạng bệnh
Tùy tình trạng xơ gan, các thuốc khác nhau có thể được sử dụng.
Xơ gan cổ trướng
Các trường hợp xơ gan cổ trướng (xơ gan giai đoạn cuối) có thể sử dụng thuốc lợi tiểu chống thải kali Aldacton với liều viên 25mg cho 150 – 200mg/24 giờ liên tục trong 1 tuần. Sau đó hạ xuống 100 -150 mg/24 giờ.
Trường hợp Aldacton kém hiệu quả thì có thể chuyển sang dùng các thuốc lợi tiểu mất kali mạnh hơn như Furocemid (Lasix): 20 – 40mg/24 giờ, cho một đợt 10 -14 ngày, khi cần cho thêm Kali 2 – 6g/ngày.
Đối với trường hợp cổ trướng dai dẳng khi dùng thuốc như trên không có kết quả thì phải chọc hút nước cổ trướng nhiều lần (thậm chí rút hết nước cổ trướng), kết hợp truyền Albumin, Dextran tĩnh mạch.
Xơ gan có xuất huyết tiêu hóa
Trường hợp xơ gan có vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, gây xuất huyết tiêu hóa người bệnh có thể cần:
- Dùng thuốc truyền nhỏ giọt tĩnh mạch Glanduitrin 20 – 40 đơn vị hoà trong Glucoza 50% 300ml.
- Nội soi cầm máu bằng cách tiêm thuốc gây xơ hoá ở chỗ chảy máu (polidocanol).
Thuốc điều trị theo nguyên nhân xơ gan
Các thuốc điều trị xơ gan cũng có thể được cân nhắc dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ:
- Xơ gan do virus (viêm gan B, viêm gan C): Trong trường hợp xơ gan được xác định do virus, người bệnh có thể dùng các loại thuốc kháng và ức chế sự phát triển của virus như adefovir, entecavir, divipoxil… tùy theo tình trạng bệnh.
- Xơ gan do gan nhiễm mỡ: Một số thuốc như Ursodiol (Actigall, Urso), Avandia (Rosiglitazone), Orlistat sẽ được chỉ định.
Lưu ý khi dùng thuốc trị xơ gan
Những điểm cần lưu ý khi dùng thuốc trong quá trình trị xơ gan:
- Tuân theo chỉ định của bác sĩ: Người bệnh xơ gan cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị mà bác sĩ đã chỉ định. Khi muốn thay đổi, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Đọc hướng dẫn sử dụng: Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cần đọc kỹ thông tin sử dụng để nắm rõ liều lượng, cách dùng và tác dụng phụ có thể xảy ra.
- Thông báo cho bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc khác: Nếu người bệnh đang dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào khác, hãy nói cho bác sĩ biết vì một số thuốc dùng chung có thể tương tác với nhau làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây tổn thương cho gan.
- Không tự ý sử dụng thuốc: Người bệnh tuyệt đối tự mua thuốc về sử dụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc làm này có thể gây tổn thương cho gan khiến tình trạng xơ gan trở nên nghiêm trọng hơn.
- Theo dõi tác dụng phụ: Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị xơ gan, người bệnh cần theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra, chẳng hạn như buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi… Nếu những triệu chứng này trở nên nghiêm trọng thì phải báo ngay cho bác sĩ để có hướng khắc phục kịp thời.
- Tái khám định kỳ: Người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tiến trình điều trị đồng thời điều chỉnh lượng thuốc nếu cần.
- Cải thiện lối sống: Sử dụng thuốc điều trị chỉ là một phần của quá trình điều trị xơ gan. Để có được kết quả tốt, người bệnh cần duy trì một lối sống lành mạnh, tập thể dục vừa sức và có một chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Kết hợp thuốc với các biện pháp điều trị khác
Để cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng, ngăn ngừa xơ gan tiến triển, người bệnh có thể kết hợp áp dụng các biện pháp hỗ trợ như:
- Ăn chế độ đầy đủ chất đạm, chất xơ, giảm muối.
- Kiêng rượu, bia, các thức uống có cồn.
- Chủ động tình trạng bệnh và phòng tránh biến chứng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể kết hợp sử dụng các loại dược liệu tốt cho gan như Cà gai leo, Mật nhân, Nhân trần, Actiso… để cùng phối hợp điều trị.
Chế độ ăn uống cho người bị xơ gan
Song song với việc sử dụng thuốc, chế độ ăn uống khoa học và phù hợp sẽ giúp quá trình sử dụng thuốc điều trị diễn ra hiệu quả hơn. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có cách ăn uống phù hợp:
Thực phẩm nên ăn
Các thực phẩm người bệnh xơ gan nên thêm vào thực đơn bao gồm:
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, chúng giúp cần bằng chất dinh dưỡng, đồng thời hỗ trợ giải các chất độc ở gan và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể. Những thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi…
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào phải kể tới các loại rau củ quả tươi. Dung nạp những thực phẩm thuộc nhóm này giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A, E, C, B1, B6, B9 và B12 vào thực đơn ăn uống hàng ngày.
Thực phẩm giàu chất Beta-carotene: Beta-carotene là chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng bảo vệ gan, hỗ trợ chống lại bệnh xơ gan, đồng thời giúp loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể. Người bệnh có thể bổ sung chất này từ cà rốt, bí ngô, khoai lang, quả mơ…
Thực phẩm giàu Omega-3: Acid béo Omega-3 có khả năng chống viêm, chống oxy mạnh, rất tốt cho người bệnh gan. Các loại thực phẩm giàu omega-3 có thể kể tới như cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá thu sẽ giúp cải thiện tình trạng xơ gan hiệu quả.
Bổ sung nước mỗi ngày: Cần uống 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp cân bằng và đảm bảo lượng nước cần thiết cho các hoạt động của cơ thể, giúp làm mát gan và loại bỏ các chất độc trong cơ thể ra ngoài.
Thực phẩm không nên ăn
Những thực phẩm dưới đây có thể gây ảnh hưởng không tốt đến gan, do đó người bệnh cần hạn chế sử dụng:
Thực phẩm nhiều chất béo: Các loại đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh, sản phẩm sữa ( bơ, sữa, phô mai…) chứa nhiều chất béo không có lợi cho gan cần được hạn chế. Đặc biệt là nội tạng động vật có chứa nhiều cholesterol gây tích lũy mỡ khiến diễn tiến bệnh xơ gan càng nặng thêm.
Thực phẩm nhiều đường: Người bệnh cần tránh những thực phẩm nhiều đường như kẹo, bánh ngọt, kem, các loại nước đồ uống…để tránh gây tổn hại lên gan.
Thực phẩm có chứa nhiều natri: Natri có chứa nhiều trong muối – gia vị được sử dụng rất phổ biến trong chế biến món ăn. Khi sử dụng nhiều thực phẩm có chứa natri khiến cơ thể không thể chuyển hóa hết nhất là những người bị xơ gan. Từ đó dẫn tới tình trạng cơ thể bị tích nước hay sưng phù lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Tốt nhất, người bệnh nên duy trì thói quen ăn nhạt.
Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia: Việc thường xuyên sử dụng đồ uống này là một trong những nguyên nhân dẫn tới xơ gan, khiến gan tích tụ nhiều độc tố. Người xơ gan sử dụng rượu bia sẽ càng khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
☛ Chi tiết: Chế độ dinh dưỡng cho người bị xơ gan
Kết luận:
Trên đây là bài viết về các loại thuốc và những lưu ý khi sử dụng với bệnh nhân xơ gan. Nếu bạn thấy bài viết là hữu ích, hãy like hoặc share để Viemgan có thêm động lực chia sẻ kiến thức mỗi ngày. Nếu bạn có câu hỏi nào khác về bệnh xơ gan, hãy gọi đến hotline 18001190 (miễn cước) – 091 257 1190 để được chuyên gia giải đáp.