Vàng da ở người lớn là hiện tượng không hề hiếm gặp. Không chỉ da có màu vàng mà cả niêm mạc, kết mạc mắt cũng chuyển sang màu vàng. Tuy vàng da không phải là bệnh nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhiều người thắc mắc “Vàng da là gì? Nguyên nhân gây vàng da?”. Bài viết sau đây giúp bạn đọc giải đáp chi tiết các thắc mắc trên.
Mục lục
Vàng da là gì?
Vàng da là hiện tượng da và kết mạc của mắt có màu vàng, do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao. Thông thường, màu vàng xuất hiện ở kết mạc mắt đầu tiên, mức độ vàng da phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu của người bệnh. Nguyên nhân thường từ việc cơ thể sản xuất quá nhiều bilirubin hoặc giảm đào thải bilirubin ở gan khiến chúng bị lắng đọng tại các mô. Một số ít người bị “vàng da giả” do dư thừa beta-carotene. Hiện tượng này xảy ra do ăn nhiều cà rốt hoặc bí đỏ.
Nguyên nhân gây vàng da được chia làm 4 nhóm:
- Bệnh liên quan đến hồng cầu.
- Bệnh liên quan đến tế bào gan.
- Bệnh liên quan tới ống mật nhỏ trong gan.
- Bệnh liên quan tới ống mật chung ngoài gan.
Vàng da liên quan đến bệnh gì?
1. Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan (vàng da tại gan)
Vàng da tại gan là hiện tượng vàng da do nhóm bệnh lý tại gan gây nên. Khi tế bào gan bị ảnh hưởng, không thu nhận được bilirubin, bị đào thải và ứ đọng trong máu. Ngoài ra, khi các tế bào gan bị hủy hoại hoặc giảm số lượng cũng có thể là nguyên nhân tại gan làm tăng nồng độ bilirubin trong máu. Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan bao gồm:
- Viêm gan cấp.
- Viêm gan mạn.
- Xơ gan.
- Ung thư di căn vào gan
- Một số hội chứng di truyền hiếm gặp sau sinh (hội chứng Crigler – najar, hội chứng Dubin – Johnson và Rotor).
Viêm gan cấp
Những nguyên nhân gây viêm gan cấp tính phổ biến phải kể đến như viêm gan siêu vi, viêm gan do rượu, nhiễm độc gan do thuốc khiến gan bị giảm khả năng liên hợp bilirubin với glucuronic. Khả năng tiết bilirubin và dịch mật của gan bị suy giảm làm nồng độ bilirubin trong máu tăng cao dẫn tới vàng da.
Viêm gan siêu vi:
Virus viêm gan B.
Là bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng tới hoạt động của gan, nguyên nhân do virus viêm gan gây ra. Có nhiều loại virus gây viêm gan bao gồm virus viêm gan A, B, C, D, E, G. Ngoài ra, có một số loại virus gây tổn thương gan nhưng không được xếp vào loại virus hướng gan như CMV, EBV…Trong đó, virus viêm gan A, B, C là thường gặp nhất. Người bệnh mắc viêm gan virus có thể do 1 hoặc 2,3 loại virus khác nhau gây nên.
Virus viêm gan nhân lên trong cơ thể chủ yếu tại tế bào gan gây ảnh hưởng tới hoạt động chức năng của tế bào gan. Một số dấu hiệu thường gặp của người bệnh viêm gan virus bao gồm vàng da, vàng mắt, cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sốt, buồn nôn, ngứa, xuất hiện vết bầm…
Gan bị viêm do nhiễm siêu vi gây cản trở sự bài tiết sắc tố mật (bilirubin), khiến lượng sắc tố mật trong máu tăng lên gây ra hiện tượng vàng da, niêm mạc. Bệnh viêm gan cấp tính do virus (virus viêm gan A, B, C, D…) có triệu chứng vàng da rất điển hình. Ngoài vàng da thì niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc lưỡi và kết mạc mắt cũng bị vàng.
Thông tin xem thêm: Viêm gan virus là gì?
Viêm gan do rượu:
Là quá trình viêm ở gan do sử dụng rượu. Các trường hợp người bệnh bị viêm gan do rượu thường xảy ở những người uống một lượng rượu lớn trong một hoặc nhiều năm. Khi rượu (cồn) vào cơ thể, quá trình chuyển hóa rượu tạo ra những chất cực độc làm biến đổi chuyển hóa cục bộ ở gan, kích hoạt quá trình viêm và phá hủy tế bào gan. Các tế bào gan khỏe mạnh được thay thế bằng mô sẹo dẫn tới xơ gan và làm suy giảm chức năng gan.
Người bệnh viêm gan do rượu có thể diễn biến từ nhẹ tới nặng với các triệu chứng thường gặp như:
- Vàng da, vàng mắt
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Buồn nôn.
- Đau bụng.
- Đôi khi sốt cao 39 độ C.
Viêm gan do rượu gây tổn thương tế bào gan khiến cho lượng sắc tố mật trong máu tăng. Điều này làm da, niêm mạc (kể cả kết mạc mắt) bị nhuộm màu vàng của sắc tố mật. Bên cạnh bệnh viêm gan do virus (A, B, C, D,…) viêm gan do rượu cũng có biểu hiện vàng da rất điển hình. Không chỉ vàng da, niêm mạc lòng bàn tay, bàn chân, niêm mạc lưỡi và kết mạc mắt cũng bị vàng.
Do thuốc:
Một số loại thuốc (ví dụ như clopromazin, paracetamol, thuốc chống lao, thuốc tránh thai…) cũng là tác nhân gây vàng da do tế bào gan bị tổn thương trầm trọng, thậm chí có thể gây tử vong.
Xơ gan
Xơ gan là bệnh mạn tính của gan, được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn tới chức năng gan bị tổn thương nghiêm trọng. Các nguyên nhân dẫn tới xơ gan bao gồm: viêm gan siêu vi, gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu…Viêm gan mạn tính có thể dẫn tới sẹo và xơ gan, cuối cùng gây vàng da.
Ở giai đoạn đầu của xơ gan, các yếu tố gây hại tấn công âm thầm lá gan nên người bệnh không có dấu hiệu gì ngoài một số biểu hiện mờ nhạt như ăn không tiêu, đầy bụng, khó tiêu, cơ thể mệt mỏi, có người bị giảm ham muốn tình dục.
Ở giai đoạn sau, người bệnh có các biểu hiện như ngứa, da sậm màu, có nhiều nốt giãn mạch màu đỏ trên ngực (lưng, cổ, mặt, cánh tay…), nước tiểu màu sậm, dễ bị chảy máu răng, chảy máu mũi, mắt và da bắt đầu vàng. Xơ gan giai đoạn nặng khi gan không còn khả năng bù trừ người bệnh bị vàng da, vàng mắt, phù bụng, tràn dịch màng bụng…
Xem chi tiết: Xơ gan là gì? Xơ gan nguy hiểm không?
Ung thư di căn vào gan
Là tình trạng các tế bào ung thư từ cơ quan khác như đại tràng, dạ dày, tụy…di căn đến gan và hình thành khối u ác tính. Chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng, việc điều trị khá khó khăn và thời gian sống của người bệnh tương đối ngắn.
Vàng da, vàng mắt là dấu hiệu điển hình của bệnh. Vàng da là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn đường mật gây ra bởi khối u. Bilirubin trào ngược từ trong đường mật vào các xoang gan, đi vào máu và lắng đọng ở da. Vàng da kèm theo phân bạc màu và nước tiểu sậm màu. Cùng với da, mắt có màu vàng sậm. Dấu hiệu này có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời với da.
Một số hội chứng di truyền hiếm gặp sau sinh
Hội chứng Crigler – najar: Đây là rối loạn chuyển hóa bilirubin rất nghiêm trọng. Bilirubin là một chất độc hại có sắc tố màu vàng được tạo ra trong cơ thể khi hồng cầu bị phá vỡ. Chất này được chuyển hóa tại gan nhờ UGT và được đào thải ra ngoài qua phân và nước tiểu. Sự rối loạn chuyển hóa bilirubin
Hội chứng Dubin – Johnson:
Là bệnh di truyền gen lặn hiếm gặp, có các đợt tái phát rối loạn chuyển hóa bilirubin lành tính, làm tăng bilirubin máu liên hợp. Và hệ quả gây lắng đọng sắc tố làm gan có màu đen đặc trưng. Người bệnh mắc hội chứng này có khuynh hướng xuất hiện triệu chứng vàng da không gay ngứa từ sớm, thường trong những năm đầu khi bước qua độ tuổi thiếu niên.
Rotor:
Dấu hiệu hàng đầu của hội chức Rotor là vàng da.
Hội chứng Rotor là nhóm bệnh di truyền do rối loạn của bilirubin chuyển hóa. Triệu chứng hàng đầu là vàng da và nâng cao máu mức độ trực tiếp bilirubin. Nguyên nhân tăng bilirubin máu và dẫn tới vàng da của hội chứng Rotor là do rối loạn dự trữ nội bào của cả bilirubin liên hợp và không liên hợp. Cả 2 giới nam và nữ đều có thể bị ảnh hưởng bởi hội chứng Rotor. Cho tới nay không có phương pháp điều trị bệnh vì người bệnh thường không xuất hiện bất kì triệu chứng nào ngoại trừ vàng da.
Nhóm bệnh liên quan đến hồng cầu (vàng da trước gan)
Đây là nhóm bệnh lý gây vàng da có liên quan đến hồng cầu. Khi hồng cầu bị tăng tốc độ phá hủy do bệnh lý nào đó khiến bilirubin được sản xuất quá mức hơn so với bình thường, lưu hành trong máu. Các tế bào gan không kịp chuyển hóa một lượng lớn bilirubin này dẫn tới sự tồn đọng bilirubin trong máu dẫn tới hiện tượng vàng da.
Các bệnh lý gây phá hủy hồng cầu bao gồm:
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia.
- Bệnh thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase.
- Hội chứng tăng ure máu tán huyết.
- Sốt rét.
- Tụ máu ở mô.
Nhóm bệnh liên quan đến ống mật chủ (vàng da sau gan)
Nhóm nguyên nhân gây vàng da này có liên quan đến ống mật chủ. Thông thường, mỗi ngày gan sản xuất khoảng 1 lít dịch mật được cô đặc và dự trữ trong túi mật. Trong dịch mật có chứa bilirubin được dẫn từ các ống mật nhỏ trong gan về ống mật chủ. Nếu ống mật chủ hẹp hoặc bị tắc nghẽn khiến dịch mật bị tràn vào máu gây vàng da. Hiện tượng này thường được gọi là vàng da tắc mật.
Một số bệnh lý liên quan đến ống mật chủ dẫn tới vàng da bao gồm:
- Sỏi mật
- Hẹp đường dẫn mật.
- Ung thư túi mật.
- Ung thư đầu tụy
- Viêm tụy cấp.
- Viêm đường mật do các bệnh lý xơ gan tiên phát hay viêm đường mật xơ hóa và một số loại thuốc làm giảm dòng chảy của dịch mật.
Nhóm bệnh vàng da do thuốc
Do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây trở ngại trong quá trình chuyển hóa ở tế bào gan và bài tiết đường mật qua đường ruột cũng dẫn tới vàng da. Do các thành phần của mật có bilirubin bị ứ lại trong cơ thể.
Ngoài ra, vàng da cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, trường hợp này thông thường có thể tự thuyên giảm và biến mất sau vài ngày. Trên thực tế, lượng bilirubin trong máu ở hầu hết trẻ sơ sinh trong những ngày đầu tiên sau sinh đều tăng do lượng bilirubin hình thành nhanh hơn tốc độ xử lý của gan. Điều này gây ra sự dư thừa bilirubin và một nửa số trẻ sơ sinh bị vàng da. Nhưng đây là chứng vàng da sinh lý, tự hết và không nguy hại tới sức khỏe.
Chẩn đoán nguyên nhân vàng da như thế nào?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây vàng da thường dựa vào các yếu tố như tiền sử, khám thực thể và cận lâm sàng nhằm định hướng chính xác nguyên nhân gây ra.
Tiền sử:
Tiền sử nhằm nghi ngờ nguyên nhân vàng da rất quan trọng. Chẳng hạn như người bệnh uống nhiều rượu thì nghi ngờ bệnh gan do rượu, bệnh nhân đang dùng thuốc nghi ngờ vàng da do thuốc, người bệnh nghiện ma túy thì nghi viem gan do virus gây nên…
Khám thực thể:
Khám thực thể cần khám toàn diện, tuy nhiên chú ý khám bụng. Gan cứng sẽ nghĩ tới xơ gan, gan cứng kèm nhiều nốt gợi ý bệnh ung thư gan…
Cận lâm sàng:
- Xét nghiệm định lượng bilirubin máu là xét nghiệm đầu tiên cần thực hiện nhằm xác định nguyên nhân gây vàng da. Bilirubin gián tiếp tăng đáng kể gợi ý bệnh tan máu, men gan tăng gợi ý viêm gan.
- Siêu âm bụng là xét nghiệm đơn giản và an toàn nhằm thăm dò các cơ quan trong ổ bụng để phát hiện khối u trong gan hoặc sỏi mật…
- CT Scanner hữu ích trong phát hiện u gan, tụy và giãn ống mật.
Nên làm gì khi nghi vàng da?
Khi nghi ngờ vàng da, tốt nhất người bệnh cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Bên cạnh khám lâm sàng, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân gây vàng da từ đó có chỉ định điều trị đúng cách, kịp thời. Việc điều trị vàng da cũng tùy theo từng bệnh, có thể sử dụng thuốc hoặc phải can thiệp ngoại khoa mới giải quyết được căn nguyên gây bệnh.
Vàng da do viêm gan virus cho tới nay vẫn chưa có thuốc đặc trị kể cả thuốc đông và tây y. Do đó, người bệnh viêm gan virus nếu dùng bất cứ thuốc gì cần theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm tổn hại thêm tế bào gan và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Hãy thăm khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân gây vàng da và có cách trị hiệu quả.
Để phòng vàng da, tránh mắc các bệnh lý về gan mọi người cần tiêm phòng vắc xin viêm gan, bất kể trẻ em hay người lớn. Kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên sử dụng các loại rượu kém chất lượng và cần giới hạn lượng rượu bia tiêu thụ ở mức khuyến cáo. Tốt nhất là không nên uống rượu. Việc làm này không những giúp bạn hạn chế triệu chứng vàng da mà còn giúp phòng tránh bệnh về gan liên quan tới rượu bia.
Xem thêm chi tiết: Hướng dẫn chích ngừa viêm gan B