Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của bệnh, nguyên nhân do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Viêm gan B cấp tính có khả năng tiến triển thành viêm gan mạn hoặc xơ gan, ung thư gan. Chính vì vậy nhận diện sớm bệnh và điều trị phù hợp giúp người bệnh bảo đảm sức khỏe của lá gan. Cùng viemgan.com.vn “bỏ túi” những kiến thức về bệnh cũng như có biện pháp phòng trị hiệu quả nhé.
Mục lục
Viêm gan B cấp tính là gì?
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu tiên của bệnh viêm gan B. Bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra và phát sinh đột ngột trong khoảng thời gian ngắn 6 tháng kể từ khi cơ thể nhiễm virus HBV. Hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn này chỉ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có biểu hiện gì rõ rệt nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Trong số những người mắc viêm gan B cấp tính có 90% bệnh nhân tự khỏi bệnh mà không cần điều trị. Sau thời gian 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự đào thải được virus HBV bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính gây suy gan, xơ gan và các biến chứng nguy hiểm khác.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có trên 2 tỷ người mắc viêm gan B cấp, trong số đó có hơn 200 triệu người chuyển thành viêm gan B mạn tính. Và con số này vẫn không ngừng tăng lên theo thời gian.
Thống kê gần đây cho thấy Việt Nam là nước có tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc chiếm khoảng 20% dân số. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tới hơn 80% các ca bệnh về gan và ung thư gan. Tỷ lệ đồng nhiễm ở người sống chung với bệnh HIV lên tới 10%.
Nguyên nhân gây viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính gây ra do virus viêm gan B (HBV). Virus lây truyền từ người bệnh qua người lành thông qua con đường: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
- Đường máu: Khi tiếp xúc với máu của người bệnh thông qua vết thương hở như phẫu thuật, đi khám nha khoa, xăm hình, xỏ khuyên… đều có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, khi sử dụng chung vật dụng cá nhân (bàn chải, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng…), dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng vật dụng y tế chưa khử trùng… cũng có nguy cơ lây nhiễm viêm gan B.
- Quan hệ tình dục: nếu không sử dụng biện pháp an toàn không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tình dục mà tăng khả năng lây nhiễm virus viêm gan B thông qua dịch tiết của cơ thể (tinh dịch, dịch âm đạo) cũng rất cao
- Từ mẹ sang con: Người mẹ mắc viêm gan B hoàn toàn có thể lây nhiễm cho con. Trong thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm rất thấp chỉ khoảng 2%. Tuy nhiên, trong lúc chuyển dạ đẻ tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con lên tới 90%. Thời kỳ cho con bú tỷ lệ lây nhiễm rất thấp. Nếu xảy ra trường hợp bị nhiễm trong giai đoạn này nguyên nhân có thể do vấn đề tổn thương đầu vú của mẹ, tổn thương miệng của trẻ nên huyết thanh chứa virus viêm gan B tiếp xúc với máu của trẻ khi trẻ bú.
Dấu hiệu viêm gan B cấp tính
Thống kê cho thấy có khoảng 30% bệnh nhân viêm gan B cấp có triệu chứng đặc hiệu rõ của gan như vàng mắt, vàng da, trong đó 0.1% – 0.5% người bệnh viêm gan cấp gây suy gan cấp. Như vậy có tới 70% người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu vàng da mà có thể gặp các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý khác. Một số triệu chứng viêm gan B cấp thường xuất hiện bao gồm.
- Mệt mỏi: Khi virus HBV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công theo đường máu và gây tổn thương gan làm rối loạn chuyển hóa chức năng gan. Do đó, bệnh nhân luôn có cảm giác mệt mỏi, không muốn làm bất cứ việc gì.
- Sốt nhẹ: Người bệnh có thể có dấu hiệu sốt nhẹ trong những ngày đầu mắc bệnh, đặc biệt là buổi chiều. Tuy nhiên, triệu chứng này không nổi bật và dễ nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh lý khác.
- Rối loạn tiêu hóa: Khi virus HBV tấn công gây tổn thương tế bào gan ở giai đoạn cấp tính bệnh nhân thường có dấu hiệu chán ăn, ăn uống không ngon miệng, thậm chí bỏ ăn, tiêu chảy, nước tiểu có màu vàng…
- Sụt cân nhẹ: Do ăn uống kém, cơ thể thường xuyên mệt mỏi nên bệnh nhân viêm gan B cấp dễ bị sụt cân.
- Vàng da: Khi virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương tế bào gan khiến các tế bào gan không thể sản sinh kịp men gan làm biến đổi cấu trúc bilirubin thành dạng hòa tan. Bilirubin tích tụ lại trong máu gây ra hiện tượng vàng da, vàng mắt.
Ngoài ra người bệnh cần tự theo dõi sức khỏe của mình, nhập viện gấp khi có các dấu hiệu:
- Tình trạng mệt mỏi dữ dội
- Không ăn uống được
- Nôn mửa nhiều
- Có dấu hiệu xuất huyết
- Rối loạn tri giác
- Rối loạn hô hấp và trụy tim mạch.
Viêm gan B cấp tính có nguy hiểm không?
Viêm gan cấp tiến triển sang mạn tính tăng nguy cơ biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan
Mức độ nguy hiểm của viêm gan B cấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phản ứng miễn dịch của cơ thể, thời gian phát hiện bệnh… Viêm gan B cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn hoặc chuyển sang giai đoạn mạn tính, suy gan. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào từng trường hợp, cụ thể:
- Trường hợp 1: Sau 6 tháng mắc bệnh, cơ thể đào thải hoàn toàn virus viêm gan B, người bệnh khỏi hoàn toàn, gan phục hồi và tạo được miễn dịch bảo vệ suốt đời. Bệnh nhân hồi phục lại như bình thường, không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tin vui là có tới 90% người bệnh viêm gan B cấp tính trong trường hợp này.
- Trường hợp 2: Viêm gan B cấp tính tiến triển thành mạn tính. Bệnh nhân phải sống chung với bệnh suốt đời, nếu không có biện pháp điều trị virus HBV gây tổn thương gan, làm tăng nguy cơ mắc suy gan, xơ gan, ung thư gan ảnh hưởng tới sức khỏe tính mạng con người. Cho tới giờ vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này, khoảng 20 – 30% người nhiễm HBV mạn tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
- Trường hợp 3: Viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan tối cấp. Gan bị tổn thương nặng nề dẫn tới tình trạng suy gan cấp. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, trường hợp viêm gan B cấp tiến triển thành tối cấp rất hiếm xảy ra, tỷ lệ chiếm 0,5%.
Khi mắc viêm gan B cấp không thể chủ quan bởi có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần theo dõi sức khỏe thường xuyên và thăm khám bác sĩ để được tư vấn hợp lý.
Chẩn đoán viêm gan B cấp tính
Ngoài các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán viêm gan B cấp tính bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm máu. Một số xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:
- Xét nghiệm HBsAg: Nếu kết quả dương tính tức là bệnh nhân nhiễm virus viêm gan B. Trường hợp này cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác nhằm xác định nồng độ virus cũng như mức độ tổn thương gan.
- Xét nghiệm (HBsAb hay Anti HBs): Mục đích tìm kháng thể chống virus HBV hay không. Nếu kết quả dương tính có nghĩa là bệnh nhân đã có kháng thể chống lại virus gây bệnh. Trường hợp này xảy ra ở người đã tiêm vắc xin viêm gan B hoặc đã từng nhiễm viêm gan B cấp tính trước đó.
- Xét nghiệm HbeAg: Xét nghiệm kháng nguyên vỏ virus HBV. Nếu phát hiện cơ thể có sự hiện diện của HBeAg chứng tỏ virus đang nhân lên và bệnh có khả năng lây lan nhanh.
- Xét nghiệm Anti HBc: Kháng thể của HBcAb gồm 2 loại là immunoglobulin M (IgM) và Immunoglobulin G. Trong đó, HBcAb IgM xuất hiện và gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan mãn tính, sau đó giảm dần. Còn HBcAb IgG xuất hiện trong giai đoạn viêm gan mãn tính. Khi kết quả xét nghiệm dương tính cho biết bệnh nhân đã hoặc đang nhiễm virus HBV.
- Xét nghiệm HBV-DNA: Mục đích của xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ virus đang nhân lên ở trong cơ thể. Nồng độ càng cao chứng tỏ virus nhân lên càng nhiều và có khả năng lây lan cao.
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm khác có thể chỉ ra tình trạng viêm gan B cấp tính bao gồm:
- Bilirubin có thể tăng.
- AST, ALT tăng thường trên 5 – 10 lần so với mức bình thường.
- Anti-HBc IgM dương tính, HBsAg dương tính (hoặc âm tính trong giai đoạn đã mang HBV nhưng cơ thể chưa sinh đủ kháng thể để có thể phát hiện bằng các xét nghiệm thông thường).
☛ Tham khảo thêm tại: Viêm gan B có chữa khỏi được không?
Điều trị viêm gan B cấp tính
90% bệnh nhân viêm gan cấp thường tự khỏi mà không cần bất cứ can thiệp nào, cơ thể sạch HBsAg, có kháng thể miễn dịch với HBV. Vì vậy, bệnh nhân chỉ cần ăn uống và sinh hoạt khoa học, bổ sung đủ nước, hạn chế bia rượu và chất kích thích, hạn chế đồ ăn nhiều chất béo, tránh dùng các loại thuốc chuyển hóa gan. Trường hợp nôn nhiều hoặc ăn uống kém, bác sĩ sẽ chỉ định nuôi dưỡng tạm thời qua đường tĩnh mạch.
Trong các trường hợp đặc biệc sau, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc entecavir hoặc tenofovir (tenofovir disoproxil fumarate – TDF, tenofovir alafenamide – TAF) điều trị viêm gan B cấp cho đến khi mất HBsAg cụ thể:
- Bị viêm gan B tối cấp.
- Viêm gan B cấp tính kèm 2 trong 3 tiêu chí như sau: Não gan; Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay > 51 µmol/L (hoặc bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL hay > 25µmol/L); INR > 1,5
- Viêm gan B cấp tính kéo dài trên 4 tuần với bilirubin có xu hướng tăng.
Để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra, bệnh nhân viêm gan B cấp cần được theo dõi và điều trị kịp thời. Đồng thời hãy tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý nhằm đẩy lùi hoàn toàn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể.
Hướng dẫn phòng ngừa viêm gan B cấp tính
Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng ngừa viêm gan B là tiêm vắc xin phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt để hạn chế nguy cơ lây truyền virus HBV. Cụ thể như sau:
Biện pháp chung
– Về chế độ ăn uống:
- Cần ăn đầy đủ và cân bằng các nhóm dưỡng chất, ưu tiên chọn các thực phẩm đa dạng chất dinh dưỡng như protein nạc, sữa, chất béo lành mạnh, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày để giúp gan luôn hoạt động tốt.
- Tránh thực phẩm có chứa chất béo trans -fat trong thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn…
- Hạn chế thực phẩm ôi thiu, thức ăn hun khói, tái sống và các loại gia vị cay nóng như hạt tiêu, ớt…
- Hạn chế rượu bia và các đồ uống có cồn.
– Về chế độ sinh hoạt:
- Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp giảm căng thẳng cho gan, tăng mức năng lượng, kiểm soát cân nặng từ đó phòng ngừa nhiều bệnh lý ở gan. Một số bộ môn hỗ trợ chức năng gan như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội, yoga…
- Ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức khuya.
- Tránh xa stress, cố giải tỏa căng thẳng, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
- Băng kín các vết thương hở để tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, các vật dụng cá nhân (bàn chải, dao cạo râu, kìm bấm móng tay…).
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu, vết thương hở hay chất dịch của người khác mà không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
- Không xăm hình, làm răng, châm cứu, xăm môi, xăm mắt… tại các cơ sở uy tín kém, không đảm bảo an toàn và vô trùng dụng cụ…
- Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách phòng tránh viêm gan B để hạn chế lây nhiễm.
Tiêm chủng dự phòng
Đây là được coi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Người lớn và trẻ em cần tiêm vắc xin đủ số mũi và đúng thời gian theo khuyến cáo của Bộ Y tế để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà số mũi tiêm phòng được khuyến cáo cũng sẽ khác nhau.
Tất cả trẻ sơ sinh cần được tiêm 1 mũi vắc xin viêm gan B tốt nhất trong vòng 24 giờ sau sinh. Đối với trẻ có mẹ bị nhiễm viêm gan B, ngoài 1 mũi vắc xin ngừa viêm gan B như trẻ khác bé cần được tiêm thêm 1 mũi huyết thanh đặc hiệu trong 24 giờ đầu để phòng viêm gan B.
Đối với người lớn, trước khi tiêm phòng cần thực hiện xét nghiệm máu để xem cơ thể đã có kháng thể HBV hay chưa. Trường hợp chưa từng nhiễm HBV hoặc kháng thể chống HBV thấp bác sĩ sẽ chỉ định tiêm vắc xin phòng bệnh.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Tiêm vắc xin phòng viêm gan B mấy mũi?
Phòng ngừa sau phơi nhiễm
Bất cứ ai có thể bị phơi nhiễm HBV do vết thương hở tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người viêm gan B hoặc do sử dụng dụng cụ y tế không được tiệt trùng, dùng chung vật dụng cá nhân… Để phòng ngừa sau phơi nhiễm bạn cần thực hiện như sau:
Sơ cứu nhanh vùng bị phơi nhiễm: Tùy thuộc vào loại phơi nhiễm HBV và phương tiện phơi nhiễm mà các sơ cứu khác nhau.
- Do vật sắc nhọn hoặc kim tiêm: Rửa tay vùng da tổn thương bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy.
- Máu hoặc dịch cơ thể của người nghi nhiễm HBV bắn lên vùng da tổn thương: Rửa ngay vùng da tổn thương bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy.
- Máu hoặc dịch cơ thể bắn vào mắt: Xả nước nhẹ nhưng thật kỹ dưới dòng nước đang chảy hoặc nước muối sinh lý 0,9% vô khuẩn trong ít nhất 15 phút.
- Nếu máu hoặc dịch cơ thể bắn vào miệng, mũi: Cần súc miệng bằng nước nhiều lần, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% vô khuẩn.
Xét nghiệm máu: Sau bước sơ cứu cần thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra có sự hiện diện của HBV hay không sau phơi nhiễm 1 – 9 tuần.
Dự phòng bằng vắc xin, globulin: Dùng để điều trị dự phòng ngay sau khi phơi nhiễm với máu và dịch của người viêm gan B. Bạn sẽ được tiêm một liều HBIG trong vòng 24 giờ đầu sau khi nghi ngờ bị phơi nhiễm (200-400 IU), đồng thời tiêm vắc xin phòng viêm gan B tại một vị trí tiêm khác. Cần tiêm đủ 3 liều vắc xin trong vòng 6 tháng sau theo lịch chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn có tiền sử không đáp ứng với vắc xin viêm gan B thì cần tiêm thêm một liều HBIG vào tháng tiếp theo.
Chủ động phòng lây nhiễm cho cộng đồng: Nếu nghi ngờ phơi nhiễm HBV bạn nên chủ dộng hạn chế tiếp xúc với người khác đặc biệt là khi có vết thương hở. Nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai, cần thông báo với bác sĩ để có phương án dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.