Viêm gan virus B là một căn bệnh khá phổ biến trong cộng đồng và có tốc độ lây truyền cao. Ngày nay, y học hiện đại đã có rất nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị viêm gan B, tuy nhiên liệu bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết nay nhé!
Mục lục
Viêm gan B nguy hiểm như thế nào?
Viêm gan B là một dạng viêm gan virus phổ biến nhất gây ra bởi virus HBV. 6 tháng đầu khi nhiễm HBV được coi là giai đoạn cấp tính của bệnh, lúc này người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như vàng da, chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu chuyển màu vàng đậm, men gan cao…
Tuy nhiên, các triệu chứng viêm gan B ban đầu thường không quá rõ ràng, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác, sinh tâm lý chủ quan, không thăm khám. Lâu dần, viêm gan B có thể tiến triển mạn tính, khiến gan bị tổn thương nặng nề, dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa trực tiếp tính mạng người bệnh.
Theo đó, nếu không được phát hiện, can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách, viêm gan B có thể gây ra hậu quả nặng nề với những biến chứng nghiêm trọng như:
- Xơ gan: Viêm gan B mạn tính có thể phát triển thành xơ gan, các tế bào gan bị viêm dần xơ hóa khiến chức năng gan suy giảm. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sốt, chán ăn, dễ bị nhiễm khuẩn. Những triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với trường hợp khác nên khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn nặng gây khó khăn cho quá trình điều trị.
- Suy gan: Chức năng gan suy giảm nghiêm trọng khiến người bệnh bị phù, áp lực tĩnh mạch cửa cũng tăng lên, gây tình trạng cổ trướng. Ở giai đoạn muộn có thể dẫn tới nhiễm khuẩn, hôn mê gan, gan không còn khả năng hồi phục.
- Ung thư gan: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm gan B. Gan bị suy yếu, tổn thương do virus tấn công, khiến tế bào gan phân chia, tăng trưởng bất thường, dẫn đến ung thư gan. Các tế bào này còn có thể lan rộng ra các cơ quan khác, đe dọa tính mạng người bệnh.
Viêm gan B có tự khỏi được không?
Virus HBV sau khi xâm nhập vào cơ thể có thể cần từ 3 – 4 tháng để phát triển và gây bệnh. Với người có cơ thể khỏe mạnh, đề kháng tốt, lượng virus này hoàn toàn có khả năng bị loại bỏ và bệnh nhân có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc chuyên biệt.
Tuy nhiên, với trường hợp miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ khả năng để loại bỏ virus HBV, chúng sẽ nhanh chóng tấn công gan của người bệnh và tiến triển thành viêm gan B mạn tính. Đây là giai đoạn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng. Vào giai đoạn này, bệnh không thể tự khỏi mà cần phải dùng thuốc để ức chế sự nhân lên của virus, hạn chế tiến triển.
Như vậy, viêm gan B có thể tự khỏi ở giai đoạn cấp tính nếu người bệnh có hệ miễn dịch khỏe mạnh và áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách, tích cực. Ngược lại, các trường hợp viêm gan B mạn tính thì không thể tự khỏi và việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ là đặc biệt cần thiết.
☛ Tìm hiểu thêm: Viêm gan B khi nào cần dùng thuốc?
Nhiễm viêm gan B có chữa được không?
“Viêm gan B có chữa khỏi được không?” sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là giai đoạn phát hiện và điều trị.
Trường hợp viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là giai đoạn đầu của viêm gan B với thời gian diễn tiến dưới 6 tháng. Việc điều trị trong giai đoạn này chủ yếu yêu cầu nghỉ ngơi, đồng thời thường xuyên thăm khám để theo dõi, kiểm tra sự phát triển của virus và áp dụng các biện pháp hỗ trợ.
Theo thống kê, có khoảng 90% người nhiễm HBV trong giai đoạn này có thể loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể mà không cần sử dụng các loại thuốc kháng virus, đồng thời tạo ra kháng thể miễn dịch vĩnh viễn. Còn khoảng 10% người bị viêm gan B cấp tính sẽ chuyển sang dạng mạn tính.
Trường hợp viêm gan B mạn tính
Trường hợp viêm gan B đã tiến triển mạn tính, việc chữa khỏi hoàn toàn gần như là điều không thể. Cho tới nay y học vẫn chưa tìm ra phương pháp chuyên biệt bào có thể điều trị dứt điểm viêm gan B mạn tính. Các phương pháp điều trị trong giai đoạn này chỉ nhằm mục đích khống chế hoạt động của virus, ngăn chặn tổn thương gan, hạn chế xơ gan tiến triển và làm giảm nguy cơ ung thư gan.
Thời gian điều trị xơ gan mạn tính sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, có thể kéo dài khoảng vài năm hoặc cả đời. Tuy nhiên, với bất kỳ trường hợp nào thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là rất thấp.
☛ Xem thêm: Viêm gan B mạn tính sống được bao lâu?
Các phương pháp điều trị viêm gan B
Tùy tình trạng bệnh cụ thể, viêm gan B sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
Điều trị viêm gan B cấp tính
Như đã nói ở trên, với các trường hợp viêm gan B cấp tính, 95% người bệnh có khả năng khỏi hoàn toàn mà không cần dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ để phục hồi sức khỏe nhanh hơn. Cụ thể:
- Dành thời gian nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, hạn chế các hoạt động thể chất nặng nhọc.
- Hạn chế tiêu thụ chất béo, tránh xa rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn.
- Nếu bị nôn mửa hoặc không thể ăn uống, người bệnh có thể tạm thời được cung cấp dưỡng chất thông qua đường tĩnh mạch.
- Tránh sử dụng các loại thuốc có khả năng chuyển hóa qua gan.
- Trong trường hợp bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân cần đảm bảo hô hấp và tuần hoàn máu ổn định bằng cách tiêm vitamin K1 hoặc điều chỉnh chống phù não, lọc huyết tương,… dựa trên sự đánh giá của bác sĩ.
Việc sử dụng thuốc kháng virus chỉ được chỉ định trong các trường hợp bệnh tiến triển nặng, bao gồm viêm gan B cấp có một trong hai điều kiện sau:
- Nhiễm trùng gan não/hyperbilirubinemia (> 3 mg/dL hoặc > 51 µmol/L) hoặc INR > 1,5
- Thời gian mắc bệnh kéo dài hơn 4 tuần với nồng độ bilirubin tăng.
Điều trị viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính có thể chia thành thể hoạt động và không hoạt động. Người bệnh có virus ở dạng không hoạt động cần được theo dõi, kiểm tra định kỳ mà không cần điều trị đặc trị. Trong khi đó, những người mắc viêm gan B mạn tính thể hoạt động sẽ cần sử dụng thuốc, thậm chí duy trì điều trị suốt đời để hạn chế tổn thương gan và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Các phương pháp điều trị viêm gan B mạn tính có thể kể đến như:
- Thuốc ức chế virus: Entecavir 0,5mg và Tenofovir (bao gồm TDF300mg và TAF25mg) có thể được chỉ định cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính để ngăn chặn sự phát triển của virus va làm giảm tổn thương gan.
- Thuốc tác động hệ miễn dịch Interferon : Bệnh nhân viêm gan B mạn tính có thể được tiêm Interferon để kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, giúp tiêu diệt virus và loại bỏ các tế bào nhiễm virus.
- Cấy ghép gan: Nếu gan bị tổn thương nghiêm trọng với các biến chứng như xơ gan mất bù, ung thư gan thì phương pháp cấy ghép gan có thể được xem xét như biện pháp điều trị cuối cùng nhằm kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Ngoài ra, để việc điều trị viêm gan B đạt hiệu quả ta cũng cần loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Ví dụ:
- Viêm gan B do sử dụng thuốc: Bệnh nhân cần ngưng sử dụng hoặc đổi loại thuốc khác.
- Viêm gan B do thói quen sử dụng rượu bia: Bệnh nhân cần ngừng sử dụng hoàn toàn các chất này.
- Viêm gan B do gan nhiễm mỡ: Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, kết hợp tập luyện để kiểm soát cân nặng, duy trì mức đường huyết ổn định.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định, ngày càng nhiều bệnh nhân viêm gan B tìm đến các loại thảo dược thiên nhiên như một phương thuốc lâu dài bởi độ an toàn và giá thành rẻ, ít tác dụng phụ. Điển hình trong số đó là cây Cà gai leo với nhiều nghiên cứu cấp nhà nước cho thấy khả năng làm giảm nồng độ virus viêm gan B. Tuy nhiên, việc tìm mua và sử dụng dược liệu theo cách thô sơ cũng tiềm ẩn nguy cơ đầu độc gan nếu dùng phải các sản phẩm kém chất lượng.
Trên đây chúng tôi đã giải đáp thắc mắc “viêm gan B chữa được không?”. Hy vọng nội dung này có thể giúp ích được cho bạn. Hãy thường xuyên theo dõi Viemgan.com.vn để cập nhật những kiến thức mới nhất về chăm sóc sức khỏe gan.