Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, bệnh lây nhiễm qua nhiều con đường khác nhau nên nhiều người thắc mắc không biết viêm gan B có lây qua đường ăn uống hay không. Cùng tìm hiểu những thông tin sau đây để giải đáp thắc mắc trên nhé.
Mục lục
Mức độ lây nhiễm của bệnh viêm gan B
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm do virus HBV gây ra có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành với tốc độ cao gấp 50 đến 100 lần so với virus HIV. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus HBV có thời gian tồn tại trong môi trường ít nhất 7 ngày. Với những người chưa được tiêm phòng vắc xin viêm gan B, nếu bị nhiễm virus HBV thì thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài từ 30 đến 180 ngày. Sau khi cơ thể nhiễm virus tầm 30 đến 60 ngày có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm HBsAg.
Bệnh viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng cao phát triển từ cấp tính thành viêm gan B mạn tính. Do đó, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc viêm gan B các chuyên gia khuyến cáo bạn nên nắm rõ kiến thức về vấn đề lây nhiễm bệnh viêm gan B, bằng cách nào để có thể ngăn ngừa bệnh lây nhiễm.
Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Viêm gan B là bệnh lý truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh là virus HBV. Virus lây truyền từ người này qua người khác thông qua nhiều con đường khác nhau. Do đó, có nhiều người nhầm tưởng rằng sử dụng chung các đồ dùng như bát, thìa, muỗng… trong ăn uống sẽ bị lây nhiễm virus viêm gan B. Từ đó, họ có thái độ xa lánh người bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như tinh thần của họ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng viêm gan B không lây qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc thông thường như nói chuyện, bắt tay, hắt hơi, ho hay ăn thực phẩm được nấu bởi người bệnh viêm gan B, hôn má, hôn môi, sử dụng chung các vật dụng có chứa dịch tiết nước bọt. Do đó, khi ăn uống và sử dụng chung bát đũa… với người bệnh thì khả năng lây bệnh hầu như không có.
Virus viêm gan B thường xuất hiện trong máu, dịch bạch huyết, dịch âm đạo, tinh dịch của người bệnh. Do đó, mọi người có thể yên tâm phần nào khi ăn uống và sinh hoạt cùng với người bệnh. Người bệnh mắc viêm gan B phải ăn uống, sinh hoạt riêng là điều không cần thiết.
Ngoài ra, mọi người cần tìm hiểu kỹ về con đường lây nhiễm của bệnh nhằm có biện pháp chủ động phòng tránh, hạn chế lây nhiễm cho người xung quanh. Cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để có biện pháp điều trị mang lại hiệu quả.
Tìm hiểu chi tiết: Viêm gan B có lây qua đường nước bọt?
Viêm gan B lây nhiễm qua những đường nào?
Có rất nhiều con đường có nguy cơ lây truyền bệnh viêm gan B từ người này sang người khác. Nhằm phòng tránh căn bệnh này, ngoài việc tiêm phòng vắc xin, chúng ta cũng nên cẩn thận đề phòng các tác nhân gây truyền nhiễm bệnh. Để thực hiện đề phòng thật tốt, mỗi người bắt buộc phải nắm rõ những con đường lây bệnh chủ yếu. Có 3 con đường lây nhiễm virus viêm gan B bao gồm:
Đường máu
Virus viêm gan B tồn tại trong máu của người bệnh với số lượng lớn. Khi da hoặc niêm mạc bị xước mà tiếp xúc với máu của người bệnh rất có khả năng bị lây nhiễm. Với những người có vết thương hở tạo môi trường thuận lợi cho virus, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Một số việc làm làm tăng nguy cơ mắc viêm gan B như:
- Sử dụng chung bơm, kim tiêm.
- Truyền máu, sử dụng các chế phẩm máu của người nhiễm bệnh.
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như bàn chải, dao cạo râu, bấm móng tay…
- Thực hiện các dịch vụ làm đẹp (xăm hình, xỏ khuyên…), dịch vụ nha khoa, phẫu thuật ở những địa chỉ không đảm bảo uy tín…
Từ mẹ sang con
Theo kết quả của một số nghiên cứu, nếu mẹ bị viêm gan B mạn tính có thể lây truyền cho con mình lên tới 95% trong quá trình mang thai và chuyển dạ khi không có biện pháp phòng tốt. Ngoài ra, nếu mẹ bị viêm gan B mãn tính truyền virus cho con, khả năng cao đứa trẻ sẽ tiếp tục phát triển thành viêm gan B mãn tới 90% gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sau này. Do đó, phụ nữ mang thai cần được chẩn đoán, theo dõi nếu mắc viêm gan B, đây là bước rất quan trọng giúp ngăn chặn chu kỳ viêm gan B mãn.
Tùy thuộc vào giai đoạn mang thai, tỷ lệ nhiễm bệnh cho thai nhi như sau:
- 3 tháng đầu thai kỳ: Tỷ lệ lây nhiễm cho thai nhi khoảng 1%.
- 3 tháng giữa thai kỳ: Tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang thai nhi tăng lên 10%.
- 3 tháng cuối thai kỳ: Giai đoạn này tỷ lệ lây nhiễm khá cao, lên tới khoảng 70%.
- Sau sinh: Nếu không có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho bé, tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con lên tới 90%.
Các chuyên gia khuyến cáo, các bà mẹ mang thai nên kiểm tra thường xuyên xem cơ thể có nhiễm virus viêm gan B hay không. Đối với trẻ được sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B mạn tính cần được tiêm vắc xin viêm gan B ngay từ khi chào đời để hạn chế khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con. Đây là biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm đáng kể. Đối với thai phụ có tải lượng virus rất cao cũng có thể được điều trị trong thai kỳ nhằm ngăn ngừa lây truyền cho bào thai.
Tuy virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con, nhưng việc cho con bú bằng sữa mẹ vẫn được coi là an toàn bởi virus viêm gan B không lây truyền qua sữa mẹ. Chúng chỉ lây nhiễm cho trẻ khi người mẹ bị nứt hoặc chảy máu núm vú.
Đường tình dục
Virus viêm gan B tồn tại trong dịch âm đạo và tinh dịch nên quan hệ tình dục không an toàn có thể lây nhiễm virus này. Tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B qua đường tình dục tăng lên khi quan hệ tình dục gây tổn thương dà kèm theo hoặc đồng mắc với các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục khác. Các bệnh lý này có thể gây ra các ổ mủ, loét da bộ phận sinh dục làm tăng nguy cơ mắc viêm gan B.
Phương thức lây truyền qua đường tình dục đặc biệt thường gặp ở đàn ông không được tiêm chủng có quan hệ tình dục với đồng giới hoặc có nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.
Thông tin chi tiết: Viêm gan B lây qua đường nào?
Làm gì để giảm nguy cơ lây nhiễm viêm gan B?
Virus viêm gan B có khả năng lây truyền nhanh chóng, gây ra những tổn thương gan nặng nề. Do đó, mọi người cần chủ động phòng tránh bệnh để ngăn chặn việc nhiễm virus HBV. Dựa vào các con đường lây nhiễm của bệnh, bạn có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa theo các trường hợp như sau:
1. Đối với con đường lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ mắc viêm gan B nên điều trị dứt điểm mới tính mang thai. Trong quá trình mang thai phát hiện mắc viêm gan B cần theo dõi và thăm khám thường xuyên. Sau sinh cần có biện pháp phòng tránh lây lan cho trẻ.
Những thai phụ có nồng độ virus cao, có thể bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng virus HBV trong 3 tháng cuối thai kỳ nhằm làm giảm nồng độ virus xuống mức thấp, giảm nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con.
Với trẻ sơ sinh, việc tiêm ngừa vacxin viêm gan B được khuyến cáo thực hiện trong 24 giờ sau sinh để ngăn chặn việc lây truyền virus. Vắc xin viêm gan B giúp tạo ra kháng thể chống lại virus trong cơ thể của bé, giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiễm virus khi chẳng may tiếp xúc với virus trong quá trình sinh nở.
Đặc biệt với những trẻ có mẹ bị nhiễm virus viêm gan B, ngoài việc tiêm phòng vacxin ngừa viêm gan B như những đứa trẻ khác thì bé còn cần tiêm thêm 1 mũi huyết thanh kháng thể HBIG (là một loại thuốc chứa kháng thể chống lại virus viêm gan B) trong vòng 12 giờ sau khi sinh.
2. Đối với con đường lây nhiễm qua quan hệ tình dục
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung, cần thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng các biện pháp như:
- Quan hệ tình dục lành mạnh, an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng với người chưa hiểu rõ về tình trạng nhiễm bệnh.
- Hạn chế quan hệ tình dục với nhiều người, chung thủy 1 vợ – 1 chồng để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.
3. Đối với con đường lây truyền qua đường máu
Thận trọng và tuân thủ các biện pháp an toàn khi tham gia các hoạt động tiếp xúc với máu người khác như:
- Khi có vết thương hở cần vệ sinh sạch sẽ, băng bó cẩn thận để tránh lây nhiễm viurs viêm gan B cũng như các bệnh lý nguy hiểm khác.
- Xăm hình, xỏ khuyên… nên thực hiện ở những cơ sở đảm bảo an toàn, vệ sinh sạch sẽ.
- Khi truyền máu cần đảm bảo an toàn, kiểm tra máu trước khi truyền nhận, dụng cụ y tế cần đảm bảo vô trùng, khử trùng theo tiêu chuẩn để giảm thiểu nguy cơ nhiễm viêm gan B qua đường máu một cách tối đa.
4. Đối với con đường lây truyền qua việc dùng chung đồ dùng cá nhân
Đảm bảo vệ sinh và tiệt trùng đồ dùng cá nhân của riêng mình, không sử dụng chung vật dụng cá nhân và các vật dụng có khả năng dính máu của người bệnh như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ lót, dụng cụ cắt móng, khăn tắm, kim tiêm… Điều này giúp giảm nguy cơ truyền nhiễm virus viêm gan B qua con đường này.
Hiện nay, biện pháp phòng ngừa viêm gan B tốt nhất là tiêm vaccine ngừa viêm gan B. Việc tiêm vaccine được coi là phương pháp an toàn, hiệu quả và phổ biến nhất trong việc phòng ngừa bệnh này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vaccine ngừa viêm gan B đã chứng minh hiệu quả lên đến 98%. Nó cũng được xác định là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ sơ sinh.
Tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Đọc chi tiết: Hướng dẫn tiêm phòng viêm gan B
Mặc dù viêm gan B không lây qua đường ăn uống, nhưng lại dễ dàng lây truyền qua máu và dịch tiết nhiễm bệnh. Do đó, mọi người cần tăng cường ý thức phòng bệnh bằng cách tiêm vacxin phòng viêm gan B, thực hiện quan hệ tình dục an toàn, không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh, và duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để bảo vệ gan luôn khỏe mạnh.