Hỏi:
Chào chuyên gia, tôi là Thu Hương, 31 tuổi. Tôi có 2 con nhỏ và hiện đang sống cùng gia đình chồng. Gần đây, em gái chồng tôi có đi khám và phát hiện bị viêm gan B nên tôi rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình, đặc biệt là các con do các bé rất thích chơi với cô. Chuyên gia cho tôi hỏi viêm gan B có lây qua đường hô hấp không và làm cách nào để phòng tránh lây nhiễm? Cảm ơn chuyên gia.
Đáp:
Chào Thu Hương, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc của mình về cho chúng tôi. Câu trả lời cho bạn sẽ có ngay dưới đây.
Viêm gan B không lây qua đường hô hấp
Viêm gan B là bệnh gây ra bởi virus HBV và có khả năng lây nhiễm cao. Chính vì vậy nhiều người thường thắc mắc “Viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?”.
Mặc dù là một trong những căn bệnh dễ lây nhưng viêm gan B lại không lây qua đường hô hấp. Ngoài ra, bệnh cũng không lây qua tiếp xúc thông thường như trò chuyện, bắt tay, ôm ấp hay ăn uống… Vì vậy Thu Hương không nên quá lo lắng, tránh việc kỳ thị hay xa lánh em gái chồng, gây ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh và tình cảm gia đình.
Viêm gan B lây qua những đường nào?
Virus viêm gan B có trong tất cả các loại dịch tiết của người bệnh. Đặc biệt, chúng có khả năng lây truyền mạnh mẽ qua các con đường dưới đây:
Đường máu
Đây là con đường lây nhiễm viêm gan B phổ biến nhất. Theo đó, virus viêm gan B tồn tại rất nhiều trong máu của người bệnh và nó có thể lây truyền sang người khác qua đường máu thông qua việc truyền máu hoặc các vết xước, vết thương hở tiếp xúc với máu người bệnh hay sử dụng chung kim tiêm, dụng cụ y tế, dao cạo râu…
Đường quan hệ tình dục
Virus viêm gan B có trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo nên việc lây nhiễm qua đường tình dục cũng diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt, khả năng lây nhiễm viêm gan B qua đường tình dục còn được đánh giá là cao hơn so với virus HIV đến 50, thậm chí 100 lần.
Nguy cơ nhiễm bệnh càng tăng cao nếu có xuất hiện tổn thương tại cơ quan sinh dục.
Truyền từ mẹ sang con
Theo thống kê, có đến 95% trường hợp mẹ mắc viêm gan B có khả năng truyền sang em bé trong quá trình mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, tỷ lệ này cũng thay đổi tùy vào giai đoạn của thai kỳ:
- Nếu mẹ bị nhiễm virus viêm gan B trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ truyền nhiễm từ mẹ sang thai nhi sẽ vào khoảng 1%.
- Trường hợp mẹ bị viêm gan B ở 3 tháng giữa thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị nhiễm bệnh tăng lên khoảng 10%.
- Trường hợp mẹ bị viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ, khả năng lây bệnh cho thai nhi có thể lên đến 60 – 70%.
Ngoài ra, nếu không áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng tránh cần thiết, tỷ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sẽ lên tới 90%, đặc biệt là trong quá trình sinh nở.
Cách phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B
Để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B cho mình và người thân, Thu Hương có thể tham khảo và nhắc nhở mọi người cùng áp dụng các biện pháp dưới đây:
Tiêm phòng
Tiêm vắc-xin viêm gan B là biện pháp phòng bệnh được đánh giá cao. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả với các trường hợp chưa bị nhiễm virus HBV.
Nếu tiêm phòng đầy đủ, đúng cách, cơ thể sẽ tạo kháng thể chống lại virus HBV, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với virus. Việc tiêm vắc-xin có thể cho hiệu quả bảo vệ lên đến 95% với cả trẻ em và người lớn. Đặc biệt, hiệu quả của chúng có thể kéo dài từ 15 đến 20 hoặc lâu hơn tùy trường hợp.
Vắc-xin viêm gan B thường được khuyến cáo cho trẻ em và những người có nguy cơ cao lây nhiễm như phụ nữ trước khi mang thai, người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan B, nhân viên y tế…
☛ Xem chi tiết: Tiêm vắc xin phòng viêm gan B mấy mũi?
Các biện pháp khác
Để phòng tránh viêm gan B hiệu quả, việc áp dụng các biện pháp phòng tránh ngoài tiêm phòng là vô cùng cần thiết. Ví dụ như:
- Tránh tiếp xúc với dịch tiết, vết thương hở của người bệnh viêm gan B. Trong trường hợp cần tiếp xúc, hãy sử dụng đồ bảo hộ cần thiết như khẩu trang, găng tay y tế…
- Không sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng…
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, kim phun xăm, que nặn mụn… và các dụng cụ thẩm mỹ hoặc y tế khác.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, duy trì quan hệ hôn nhân chung thủy một vợ – một chồng…
- Thường xuyên thăm khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc cần thiết để phát hiện sớm virus HBV và điều trị kịp thời.
☛ Xem đầy đủ: Cách phòng viêm gan B hiệu quả
Với trường hợp của gia đình Thu Hương, bạn có thể cùng người thân đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm sàng lọc và tư vấn. Trường hợp những người chưa nhiễm HBV và chưa được tiêm đủ số mũi vắc-xin viêm gan B theo khuyến nghị hoặc đã tiêm trước đó quá lâu, nên cân nhắc tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch.
Trên đây Viemgan.com.vn đã giải đáp thắc mắc của Thu Hương về việc “viêm gan B có lây qua đường hô hấp không?”. Hy vọng nội dung này có thể giúp bạn hiểu hơn về các con đường lây bệnh cũng như chủ động hơn trong việc phòng ngừa.
Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!