“Viêm gan B có sinh con được không?” hay “Mắc viêm gan B có mang thai được không?” là thắc mắc chung của rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Viemgan.com.vn tìm hiểu chi tiết về vấn đề này nhé!
Mục lục
Bị viêm gan B có mang thai sinh con được không?
Viêm gan B là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam với tỷ lệ mắc khoảng 20% trên tổng dân số. Bệnh gây ra bởi virus viêm gan B (HBV) và có khả năng lây nhiễm qua đường máu, đường quan hệ tình dục, đặc biệt chúng có thể truyền từ mẹ sang con. Đây cũng là lý do nhiều người thắc mắc “bị viêm gan B có mang thai, sinh con được không?”.
Thực tế, nữ giới bị viêm gan B vẫn có khả năng mang thai và sinh con như bình thường. Tuy nhiên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về sức khỏe, chăm sóc y tế theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
☛ Tìm hiểu chi tiết: Bà bầu bị viêm gan có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Tỷ lệ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con
Tỷ lệ truyền nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con ở Việt Nam được ước tính dao động trong khoảng 10 – 13%. Trong số đó, có khoảng 3 – 10% lây truyền thông qua nhau thai, số còn lại xảy ra khi em bé đi qua đường âm đạo khi sinh hoặc thông qua việc bú sữa mẹ.
Đối với phụ nữ mắc viêm gan B khi đang mang thai, khả năng lây nhiễm có thể khác nhau vào từng giai đoạn. Cụ thể:
- Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ: Khả năng lây nhiễm thường ở mức thấp nhưng vẫn tồn tại, vào khoảng 1%.
- Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ: Khả năng lây nhiễm cao hơn 3 tháng đầu, vào khoảng 10%.
- Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ: Đây là giai đoạn virus viêm gan B nguy cơ truyền nhiễm từ mẹ sang con cao nhất, có thể lên đến 70 – 90% nếu mẹ có huyết thanh HBeAg dương tính.
- Giai đoạn sinh nở: Nguy cơ truyền nhiễm từ mẹ sang bé thông qua đường sản khoa cũng có thể xảy ra, đặc biệt khi mẹ có nồng độ virus viêm gan B trong máu cao.
Trẻ bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh viêm gan B mãn tính, đồng thời dễ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm trong tương lai. Do đó, việc điều trị viêm gan B và áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở phụ nữ mang thai là vô cùng quan trọng.
Một số biện pháp bảo vệ bao gồm: tiêm phòng vắc-xin viêm gan B, tiêm globulin miễn dịch viêm gan B, sử dụng thuốc kháng virus… Đồng thời thường xuyên thực hiện theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và can thiệp kịp thời đối với bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào.
Người bị viêm gan B cần chuẩn bị gì khi mang thai?
Để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, tránh lây nhiễm từ mẹ sang con, chị em mắc viêm gan B cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng giai đoạn:
Trước khi mang thai
Theo khuyến nghị mẹ nên tiêm phòng viêm gan B (tiêm đủ 3 mũi) trước khi mang thai từ 1 – 3 tháng để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Ngoài ra, với các trường hợp mắc viêm gan B trước khi mang thai, cách tốt nhất là chị em nên đến bệnh viện để thăm khám và điều trị theo phác đồ phù hợp được bác sĩ đưa ra. Việc này sẽ giúp giảm nồng độ virus xuống mức thấp nhất, ngăn chặn việc lây truyền từ mẹ sang con.
Khi nồng độ virus đạt ngưỡng an toàn để mang thai, mẹ có thể tạm dừng điều trị và chờ đợi khoảng 6 tháng trước khi mang thai. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là mẹ cần thường xuyên tái khám và kiểm tra lại nồng độ virus để đảm bảo đúng thời điểm để tiếp tục điều trị khi cần thiết.
☛ Xem thêm: Có nên tiêm viêm gan B cho bà bầu?
Trong quá trình mang thai
Khi mang thai, mẹ bầu mắc viêm gan B cần tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ (nếu có). Ngoài ra, trong giai đoạn ba tháng cuối của thai kỳ, mẹ có thể cần tiêm globulin miễn dịch khoảng 3 lần mỗi tháng để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ sang thai nhi trong tử cung khi sinh.
Mẹ nên chủ động thăm khám định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc HBV và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó hãy duy trì một chế độ dinh dưỡng cân đối, thường xuyên vận động nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi khoa học để có một sức khỏe tốt hơn cho cuộc vượt cạn sắp tới.
Sau sinh
Trong 12 giờ đầu sau sinh, mẹ nên cho trẻ tiêm ngay mũi đầu vắc-xin viêm gan B, đồng thời tiêm globulin miễn dịch viêm gan B để tăng khả năng bảo vệ bé khỏi virus. Sau đó, mẹ cần tiếp tục cho bé tiêm đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh viêm gan B theo lịch tiêm chủng quốc gia.
Ngoài ra, em bé được sinh ra bởi mẹ mắc viêm gan B cần được thực hiện xét nghiệm HBsAg và chống HBs khi được 9 – 12 tháng tuổi để xác định hiệu quả của vắc-xin, đồng thời cân nhắc can thiệp điều trị nếu cần.
Lưu ý khác
Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ về việc tiêm phòng, sử dụng thuốc… mẹ cần xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh, tích cực để có một thai kỳ khỏe mạnh hơn.
Dưới đây là một vài gợi ý cụ thể:
Ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế sử dụng chất béo, thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều đường, không sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas và các chất kích thích… Thay vào đó hãy cung cấp đủ cho cơ thể các loại vitamin A, C, E và khoáng chất thông qua các thực phẩm như trái cây, rau xanh. Bổ sung thêm protein không chứa chất béo từ các nguồn như cá hồi, cá thu, thịt ức gà, thịt nạc bò, hạt và đậu.
☛ Tham khảo: Mẹ bầu viêm gan B nên ăn gì, kiêng gì?
Thường xuyên tập luyện thể dục với các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với tình hình sức khỏe để cải thiện thể chất, đồng thời giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng khả năng chống lại bệnh tật.
Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan. Thay vì lo lắng và căng thẳng về việc mắc viêm gan B khi mang thai, mẹ nên tập trung vào chăm sóc sức khỏe, cải thiện tinh thần để có tâm thái tốt nhất chào đón bé yêu. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn, không làm việc quá sức và đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc mỗi ngày.
Một số thắc mắc về viêm gan B khi mang thai, sinh con
Bị viêm gan B nên sinh thường hay sinh mổ?
Nhiều ý kiến cho rằng phụ nữ mắc viêm gan B nên lựa chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế lây nhiễm cho em bé. Tuy nhiên thực tế phương pháp này cũng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Việc sản phụ viêm gan B nên sinh mổ hay sinh thường sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe thực tế và do bác sĩ cân nhắc. Phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất vẫn là tiêm phòng và chăm sóc đúng cách cho cả mẹ và bé.
Viêm gan B có cho con bú được không?
Mẹ bị viêm gan B sau sinh vẫn có thể cho con bú bình thường. Tuy nhiên cần tránh để bé tiếp xúc với dịch tiết hoặc máu của mẹ, không cho bé bú khi núm vú mẹ bị nứt hoặc trầy xước, chảy máu… Ngoài ra nếu bé có những tổn thương ở miệng như nứt môi, tưa lưỡi… mẹ cũng nên tránh cho con bú.
Mẹ bị viêm gan B thì con sinh ra chắc chắn bị bệnh?
Trẻ được sinh ra từ mẹ mắc viêm gan B khi mang thai sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh. Tuy nhiên, mẹ vẫn có khả năng sinh con khỏe mạnh, không mắc bệnh nếu thực hiện các biện pháp điều trị, phòng ngừa và chăm sóc đúng cách.
☛ Đọc tiếp: Hướng dẫn chăm sóc bà bầu viêm gan B
Kết luận:
Nữ giới bị viêm gan B vẫn có khả năng mang thai, sinh con bình thường tuy nhiên cần theo dõi sức khỏe thai kỳ thật sát sao và thực hiện các biện pháp chăm sóc, can thiệp cần thiết để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Hãy thường xuyên theo dõi Viemgan.com.vn để cập nhật những thông tin, kiến thức hữu ích về việc chăm sóc sức khỏe gan!