Hỏi:
Chào bác sĩ,
Em năm nay 24 tuổi và đang mang thai bé đầu lòng được bốn tháng. Cháu cũng vừa phát hiện ra mình bị viêm gan B và đang rất lo lắng ạ. Bác sĩ cho cháu hỏi là viêm gan B có lây từ mẹ sang con không và với trường hợp của cháu như vậy thì có cách nào để con không bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ không?
Cảm ơn bác sĩ.
Thùy Linh – Yên Bái
Trả lời:
Chào bạn Thùy Linh,
Những lo lắng mà bạn đang gặp phải được chuyên gia tư vấn trả lời như sau:
Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan cho siêu vi viêm gan B (HBV) gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể làm tổn thương gan và gây ung thư gan. Rất khó để nhận biết cơ thể mình mắc viêm gan B hay không vì chúng thường không gây triệu chứng gì cho đến khi người bệnh đã bị tổn thương gan nặng. Chính vì lý do này nên rất nhiều người nhiễm virus viêm gan B này mà không hề hay biết. Cùng tìm hiểu các con đường lây nhiễm virus viêm gan B, cách thức lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con để có biện pháp phòng ngừa virus viêm gan B truyền từ bà bầu sang thai nhi nhé.
Các đường lây truyền virus viêm gan B?
Virus viêm gan B rất dễ lây truyền từ người này qua người khác, khả năng lây truyền cao hơn virus HIV gấp 100 lần. Virus viêm gan B lây truyền qua các đường như sau:
Từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền sang thai nhi với tỷ lệ như sau:
- 3 tháng đầu của thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%.
- Mẹ bị bệnh ở giữa thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm sang con là 10%.
- Mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ tỷ lệ lây nhiễm tăng lên 60 – 70%.
- Ngay sau sinh nếu không có biện pháp bảo vệ nguy cơ lây truyền bệnh cho thai nhi lên tới 90%.
Phần lớn các trường hợp lây nhiễm trong thời kỳ chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh. Đây là cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất. Mức độ lây nhiễm của virus viêm gan B tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thái kỳ.
Ngoài ra, virus viêm gan B còn có khả năng cư trú trong sữa mẹ với nồng độ rất thấp. Do đó, trẻ chỉ có thể bị nhiễm virus HBV từ mẹ thông qua đường bú nếu đầu vú của mẹ có vết thương hở và chảy máu.
Đường máu
Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây truyền từ người bệnh qua người lành thông qua đường máu. Một người có thể bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu khi:
- Dùng máu của người nhiễm virus viêm gan B.
- Sử dụng chung kim tiêm hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh thông qua vết thương hở.
- Sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ xăm hình, nhổ răng…
- Dụng cụ phẫu thuật không được xử lý tiệt trùng theo đúng quy cách.
Đường tình dục
Bạn có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B khi quan hệ tình dục không an toàn với người mắc viêm gan siêu vi B. Ví dụ như:
- Quan hệ bằng đường miệng hoặc hậu môn.
- Dùng đồ chơi tình dục mà không tiệt trùng trước đó.
- Quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su, màng chắn quan hệ khi quan hệ bằng miệng.
- Quan hệ quá thô bạo gây ra các vết xước ở da hoặc niêm mạc tạo điều kiện cho virus lây lan theo đường máu.
- Quan hệ đồng giới, quan hệ tập thể hoặc quan hệ với trai/gái mại dâm.
Dấu hiệu nhận biết bà bầu bị nhiễm viêm gan B
Giai đoạn mang thai là thời điểm nhạy cảm ở phụ nữ, hệ miễn dịch của mẹ ở giai đoạn này tập trung bảo vệ sức khỏe của thai nhi nên sức đề kháng của bà bầu rất kém. Nếu mắc viêm gan B ở giai đoạn đầu, các triệu chứng không rõ rệt nên phát hiện bệnh gặp nhiều khó khăn. Dưới đây là một số triệu chứng bà bầu hay gặp:
- Cơ thể mệt mỏi, người đau nhức: Phụ nữ mang thai mắc các bệnh về gan đặc biệt là viêm gan B sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn so với phụ nữ mang thai khác. Do đó, trong giai đoạn này chị em nên nghỉ ngơi hoàn toàn, không nên lao động hoặc làm việc quá sức gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.
- Đau bụng: Khi bị nhiễm virus viêm gan B khiến chị em bị đau bụng theo từng đợt, đôi khi xuất hiện các cơn đau dữ dội.
- Chán ăn: Đây là triệu chứng phổ biến khi bị viêm gan B. Với phụ nữ mang thai triệu chứng này xuất hiện rõ rệt hơn nên cần lưu ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và bé.
- Vàng da: Da chuyển sang màu vàng cho thấy người bệnh đang ở giai đoạn bệnh nặng và nguy hiểm. Phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý, nên tới cơ sở y tế tin cậy để thăm khám và có biện pháp điều trị tốt nhất.
- Buồn nôn: Đây là triệu chứng nhiều bà bầu gặp phải nhưng nếu bị viêm gan B khi mang thai cần theo dõi cụ thể bệnh đang ở giai đoạn nào để có biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con như thế nào?
Virus viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con vào các thời điểm như:
- Trong giai đoạn mang thai
- Chuyển dạ đẻ
- Thời kỳ cho con bú
Giai đoạn mang thai
Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai không quá 2%. Trường hợp viêm gan B truyền từ mẹ sang con thường xảy ra vào giai đoạn chu sinh (bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau khi sinh) cho đến những tháng đầu kể từ lúc trẻ chào đời. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào bị viêm gan B cũng lây cho con, phụ thuộc vào:
- Số lượng virus có trong cơ thể mẹ (được tính theo ADN) trong 3 tháng cuối của thai kỳ
- Nồng độ HBeAg (đoạn kháng nguyên vỏ capsid của HBV) trong người mẹ bầu với thời gian mang thai
Trong lúc chuyển dạ đẻ
Theo số liệu thống kê có hơn 90% các trường hợp lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con trong giai đoạn này. Khi đó, tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám bị có thắt để làm máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con hoặc khi trẻ chui ra ngoài theo đường âm đạo của mẹ. Khi đó, trẻ tiếp xúc với dịch âm đạo và gây ra sự lây nhiễm trong thời điểm này.
Trường hợp người mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong trường hợp mẹ nhiễm HBV mà HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%.
Thời kỳ cho con bú
Giai đoạn này cực kỳ hiếm trẻ bị nhiễm virus viêm gan B. Mặc dù đã có phát hiện HBV DNA trong sữa non của bà mẹ có HBsAg dương tính nhưng với nồng độ rất thấp. Do đó, khả năng lây nhiễm qua dịch này cũng rất thấp.
Nếu bị nhiễm virus HBV trong giai đoạn này chủ yếu do đầu vú của mẹ bị tổn thương, miệng của trẻ bị tổn thương, huyết thanh chứa virus viêm gan B tiếp xúc với máu của trẻ bú trực tiếp. Do đó, khi các bà mẹ bị viêm gan B mạn cho con bú cần chăm sóc phòng ngừa chảy máu khi nứt núm vú bằng cách cho trẻ bú đúng cách và giữ gìn vệ sinh đầu vú trước và sau khi trẻ bú.
Bà bầu bị viêm gan B có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Phụ nữ mang thai bị viêm gan B thì thai nhi vẫn phát triển bình thường và không mang dị tật thai nhi. Siêu vi B không gây ảnh hưởng xấu tới quá trình mang thai cũng như bào thai vẫn phát triển tốt. Quan trọng là nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi nếu trẻ không được bảo vệ ngay sau khi sinh thì có tới 50% số trẻ sinh ra sẽ bị viêm gan B mạn tính và có nguy cơ mắc xơ gan khi trưởng thành. Tỷ lệ viêm gan cấp sau sinh là 5 – 7 % mà không có triệu chứng rõ ràng.
Trong trường hợp mẹ bầu bị viêm gan B từ trước nhưng đã điều trị ở mức độ ổn định, virus dưới ngưỡng hoạt động thì hầu như thai nhi không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ. Nhưng nếu trước khi mang thai mà chưa điều trị hoặc điều trị không dứt điểm có thể khiến bệnh trở nặng vào cuối thai kỳ, thai nhi có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh từ mẹ. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất của người mẹ nếu bị bệnh này chính là biết cách phòng tránh tối đa khả năng lây nhiễm cho thai nhi.
Trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B rất nguy hiểm có thể đe dọa tới tính mạng. Trẻ có thể truyền virus cho người khác. Quan trọng hơn, khi trưởng thành có tới 25% trường hợp có nguy cơ tử vong do xơ gan, ung thư gan.
Xem chi tiết: Bà bầu bị viêm gan B có sao không? Có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Hướng dẫn phòng virus viêm gan B từ mẹ sang con
Việc lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con cũng tùy theo thời điểm người mẹ mắc bệnh mà khả năng lấy truyền cho con là cao hay thấp. Nếu mẹ mắc bệnh ở ba tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ truyền sang con là 1%, ba tháng giữa tỷ lệ là 10%, ba tháng cuối thì lỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B tăng lên 60 – 70%. Dưới đây là biện pháp để không lây virus viêm gan B từ mẹ sang con:
Không nên mang thai vào giai đoạn viêm gan B cấp tính
Với những người bệnh mắc bệnh mạn tính cần được theo dõi chức năng gan định kỳ trong một thời gian dài. Thực hiện theo sự tư vấn của bác sĩ về thuốc điều trị nếu có kế hoạch sinh con. Khi ở giai đoạn virus đang hoạt động không nên mang thai cho tới khi chức năng gan trở lại bình thường, HBeAg âm tính mới nên mang thai.
Thăm khám sức khỏe gan thường xuyên
Bà bầu cần thăm khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị, phòng ngừa lây nhiễm cho con.
Dù sinh thường hay sinh mổ thì người mẹ vẫn có khả năng lây truyền bệnh sang cho con nên việc phát hiện sớm và điều trị cho mẹ vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa lây nhiễm cho con.
Nếu người mẹ mang virus viêm gan B thì phải xem tình trạng virus có phát triển hay không? bệnh đang ở giai đoạn nào? Người mẹ có HbsAg dương tính, thai tháng thứ 5 phải xét nghiệm AbsAg + và định lượng virus bao nhiêu (ADN HBV) có dương tính hay không.
Trong trường hợp virus viêm gan B dương tính ở thể hoạt động thì mẹ cần uống thuốc từ tháng thứ 6 thai kỳ và kéo dài 1-2 tháng sau sinh, con cần tiêm ngay vaccine viêm gan B và kháng thể sẽ giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm virus từ mẹ sang con.
Tiêm phòng Vắc xin Viêm gan B cho trẻ
Cách an toàn nhất để phòng ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Tiêm phòng vắc xin viêm gan B càng sớm mang lại hiệu quả càng cao. Trong vòng 12-24h sau sinh mũi vắc-xin có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày và không đạt nếu tiêm sau 7 ngày.
Ngoài tiêm sớm 1 mũi vắc xin viêm gan B tạo ra miễn dịch chủ động, trẻ có mẹ dương tính với HBsAg còn cần tiêm 01 mũi Globulin miễn dịch viêm gan B ( HBIG) là một miễn dịch thụ động giúp trung hòa virus viêm gan B trong khi chờ tác dụng của vắc xin. Hai mũi tiêm ở hai vị trí khác nhau trong vòng 12-24h sau sinh.
Xem thêm thông tin: Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ mấy mũi? Phác đồ tiêm chủng?
Mẹ nhiễm virus viêm gan B nên tránh cho trẻ bú trực tiếp
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khả năng lây nhiễm virus viêm gan B qua sữa mẹ cũng rất thấp. Sau sinh các mẹ bị viêm gan B vẫn cho con bú bình thường, nếu bị nứt đầu ti, chảy máu hay tổn thương vú thì tránh cho con bú trực tiếp, nên vắt sữa ra bình cho con ti để giảm thiểu nguy cơ tối đa mẹ nhiễm virus viêm gan B cũng có thể lựa chọn phương pháp khác, tránh để cho trẻ bú trực tiếp.
Trong trường hợp của Linh thì khả năng lây virus viêm gan B sang con là có thể. Vì vậy bạn cần đến gặp bác sĩ và làm các xét nghiệm xem tình trạng viêm gan B của mình đang ở mức nào để có phương pháp điều trị sớm phù hợp. Đồng thời phương pháp tốt nhất để phòng ngừa lây truyền viêm gan B từ mẹ sang trẻ là tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sau khi sinh trong vòng 24 giờ đầu và tiêm nhắc lại đủ liều theo chỉ định.
Tuy nhiên nhiều trẻ dù có tiêm nhưng vẫn bị lây do các nguyên nhân như vaccine hết hạn không đảm bảo hoặc các mũi nhắc lại không đúng thời hạn nên bạn cũng nên lưu ý vấn đề này để hạn chế tối đa khả năng lây viêm gan virus cho con.
Trên đây là những lời khuyên mà chuyên gia tư vấn muốn gửi đến bạn Thùy Linh, hi vọng bạn có thêm kiến thức để giữ gìn tốt sức khỏe cho bản thân và em bé. Bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin khác về chứng bệnh này qua các link dưới đây: Hướng dẫn điều trị viêm gan B khi mang thai