Viêm gan B hay còn gọi là viêm gan siêu vi B là bệnh lý ở gan gặp khá phổ biến hiện nay. Nguyên nhân do virus viêm gan B gây ra (kí hiệu HBV). Viêm gan B trải qua hai giai đoạn cấp và mạn tính. Viêm gan B mạn tính rất nguy hiểm với sức khỏe, nguy cơ gây ra biến chứng xơ gan, ung thư gan..Tuy nhiên, bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên khi người bệnh phát hiện thì bệnh tiến triển giai đoạn nặng thậm chí có biến chứng.
Mục lục
Viêm gan B mạn tính là gì?
Viêm gan B mạn tính là tình trạng viêm gan kéo dài hơn 6 tháng, người bệnh không thể loại bỏ siêu vi viêm gan B ra khỏi cơ thể sau khi nhiễm bệnh ở giai đoạn cấp tính. Người bệnh tiếp tục bị nhiễm siêu vi trong tế bào gan và kéo dài gần như suốt đời. Viêm gan B mạn tính diễn biến âm thầm, ít biểu hiện triệu chưng cụ thể nên khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Giai đoạn này khá nguy hiểm vì có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan bùng phát, xơ gan hay ung thư gan. Nhiều trường hợp người bệnh phát hiện bệnh khi đi kiểm tra sức khỏe tổng quát hoặc đi hiến máu hay khám thai định kỳ.
Virus viêm gan B có tốc độ lây lan rất nhanh, thông thường lây truyền qua 3 con đường chính như sau:
- Từ mẹ sang con: Khi người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B thì em bé sinh ra có nguy cơ cao nhiễm bệnh nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời. Biện pháp phòng tránh hữu hiệu nhất là tiêm phòng viêm gan B. Tốt nhất nên tiêm phòng cho trẻ trong 24 giờ sau sinh mang lại hiệu quả tốt nhất
- Qua đường máu: Nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B tăng cao trong các trường hợp sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm hình, truyền máu, hiến máu, sử dụng dụng cụ không vệ sinh an toàn tuyệt đối
- Qua quan hệ tình dục: Khi quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm HBV có khả năng bị lây nhiễm cao. Do đó, hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách quan hệ tình dục an toàn.
Những nguyên nhân của viêm gan mạn tính
Viêm gan siêu vi B: có 5 – 10% người mắc viêm gan B cấp tính trở thành mạn tính. Đôi khi, người bệnh có thể đồng mắc với viêm gan siêu vi D khiến cho tình trạng bệnh càng nặng nề hơn. Đối với trẻ sơ sinh, tỷ lệ diễn tiến thành viêm gan mạn tính lên tới 90%. Do đó, chích ngừa phòng bệnh cho trẻ sơ sinh và dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con rất cần thiết.
Do rượu: Dung nạp nhiều rượu vào cơ thể, rượu được chuyển hóa tại gan. Quá trình này sản xuất ra các chất gây phá hủy gan khiến gan tổn thương. Sử dụng rượu bia quá nhiều và thường xuyên khiến gan bị viêm kéo dài. Hậu quả gan không thể hồi phục được và trở thành viêm gan mạn tính.
Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra viêm gan mạn tính đặc biệt khi sử dụng trong một thời gian dài. Phải kể tới như isoniazid, methyldopa và nitrofurantoin.
Nguyên nhân khác: Do viêm gan tự miễn, gan nhiễm mỡ…Trong trường hợp hiếm gặp, viêm gan mạn tính là kết quả của việc thiếu alpha1-antitrypsin (một rối loạn di truyền), bệnh loét dạ dày, rối loạn tuyến giáp hoặc bệnh Wilson, một rối loạn do di truyền hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên liên quan đến lượng đồng bất thường trong gan.
Tiêm phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Triệu chứng của viêm gan mạn tính là gì?
Viêm gan B mạn tính diễn biến âm thầm và rất ít triệu chứng, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, lúc này virus viêm gan vẫn tồn tại trong cơ thể và âm thầm phát triển phá hủy gan.
Các triệu chứng của viêm gan B mạn tính rất mờ nhạt nên khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, bỏ lỡ mất cơ hội điều trị. Người bệnh cần chú ý tới những thay đổi nhỏ của cơ thể có thể phát hiện bệnh như:
- Cơ thể mệt mỏi: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở người bệnh, mệt mỏi không rõ nguyên nhân, người bệnh cảm thấy mệt như hết cả hơi sức…
- Sốt nhẹ: Khi virus tấn công gây tổn thương gan khiến gan không đào thải hết được chất độc khiến chất độc dồn vào máu khiến cơ thể bị sốt.
- Vàng da: Là triệu chứng cảnh báo viêm gan B, tuy nhiên khi có dấu hiệu vàng da tức là bệnh gan đã ở mức nghiêm trọng cần đi khám ngay.
- Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh gặp phải các triệu chứng như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người còn bị chướng bụng
- Xuất huyết dưới da: Có thể xuất hiện các ban xuất huyết hoặc chấm ứ máu hoặc mũi xuất huyết. Đây có thể là triệu chứng viêm gan B nặng cần đi khám ngay
Biến chứng của viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính cực kỳ nguy hiểm, cho tới nay vẫn chưa có biện pháp chữa dứt điểm hoàn toàn. Ở giai đoạn này người bệnh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, ung thư gan đe dọa trực tiếp tới sức khỏe của người bệnh.
Xơ gan
Viêm gan mạn tính có thể diễn tiến thành xơ gan, sẹo trong gan có thể làm suy giảm chức năng gan. Người bệnh có các triệu chứng như mệt mỏi, sốt, chán ăn, người yếu và dễ bị nhiễm khuẩn. Nhiều trường hợp không có triệu chứng lâm sàng. Do không có triệu chứng cụ thể nên nhiều trường hợp chủ quan, không đi khám và điều trị sớm khiến cho bệnh càng có cơ hội bùng phát, các sẹo và mô xơ nhanh chóng lan rộng khiến gan xơ hóa và làm chức năng gan mất dần.
Suy gan
Suy gan là biến chứng nguy hiểm với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, vàng da, rối loạn chức năng đông máu, bệnh lý não. Nếu không có biện pháp khắc phục có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như suy tuần hoàn, suy hô hấp, suy thận…
Ung thư gan
Ung thư gan – Biến chứng nguy hiểm viêm gan B
Người bệnh viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Đây là bệnh lý rất nguy hiểm, khó điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Người viêm gan B mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn người bình thường gấp 20 lần. Phần lớn người bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn do bệnh tàn phá âm thầm, người bệnh khó nhận ra các triệu chứng bất thường.
Chính vì vậy, khi mắc viêm gan B người bệnh cần tích cực điều trị, thăm khám cụ thể để tránh những biến chứng xảy ra và kéo dài tuổi thọ.
Xem thêm: Viêm gan B mạn tính sống được bao lâu?
Viêm gan B mạn tính có chữa dứt điểm được không?
Cho tới nay vẫn chưa có phương pháp chữa dứt điểm viêm gan B mạn tính. Các phương pháp điều trị nhằm khống chế virus hoạt động giúp người bệnh chung sống hòa bình với virus lâu dài. Điều trị bệnh khá phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiền sử bệnh, thể trạng virus, tình trạng sức khỏe của người bệnh…
Quá trình điều trị phụ thuộc vào tình trạng virus gây bệnh diễn biến như thế nào sau khi xâm nhập vào cơ thể người. Thông thườn bệnh chia làm 2 thể trạng:
- Thể người lành mang bệnh
- Thể viêm gan B mạn tính thể hoạt động
Với thể người lành mang bệnh, người bệnh không cần dùng thuốc điều trị mà chỉ cần có chế độ sống đúng đắn, khoa học và theo dõi sức khỏe gan định kỳ.
Với thể viêm gan B mạn thể hoạt động người bệnh cần tuân thủ điều trị theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và điều trị ngăn chặn virus thì khả năng tiến tới xơ gan, ung thư gan hoàn toàn có thể.
Chẩn đoán viêm gan B mạn tính
Để chẩn đoán viêm gan B mạn tính cần các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu: Cách tốt nhất để phát hiện bệnh là thực hiện kiểm tra chức năng gan định kỳ. Xét nghiệm máu bao gồm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan như: men gan, bilirubin,…
Một số trường hợp sinh thiết gan có thể được chỉ định để giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân, mức độ viêm gan để bác sĩ lên kế hoạch điều trị giúp làm giảm tiến trình xơ gan, suy gan
Chẩn đoán xác định viêm gan B mạn tính:
- Xét nghiệm HBsAg (+) > 6 tháng hoặc HBsAg (+) và Anti HBc IgG (+)
- Xét nghiệm AST, ALT tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
- Có bằng chứng tổn thương mô bệnh học tiến triển, xơ gan (được xác định bằng sinh thiết gan hoặc đo độ đàn hồi gan hoặc Fibrotest hoặc chỉ số APRI) mà không do căn nguyên khác.
Điều trị viêm gan B mạn tính
Chỉ định điều trị:
Khi xét nghiệm ALT tăng trên 2 lần giá trị bình thường hoặc có bằng chứng xác nhận có xơ hóa gan tiến triển/xơ gan bất kể ALT ở mức nào.
HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV- DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).
Theo dõi điều trị:
- Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ
- Tháng đầu tiên sau khi bắt đầu điều trị: theo dõi AST, ALT, creatinine máu.
- Sau mỗi 3-6 tháng trong quá trình điều trị: theo dõi AST, ALT, creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe, HBV-DNA, có thể định lượng HBsAg.
- Nếu điều trị IFN hoặc Peg IFN: theo dõi công thức máu, glucose máu, ure máu, creatinin máu, chức năng tuyến giáp để phát hiện tác dụng không mong muốn của thuốc.
Sau khi ngưng điều trị:
- Cần theo dõi các triệu chứng lâm sàng
- Xét nghiệm sau mỗi 3 – 6 tháng: AST, ALT, HBsAg, HBeAg, anti-HBe, HBV DNA để đánh giá tái phát.
Thông thường người bệnh sẽ được kê sử dụng các thuốc kháng virus ( như Lamivudine (Epivir-HBV), Tenofovir, Interferon, dạng tiêm dưới da (subcutaneous injection)…) hoặc thuốc điều hòa miễn dịch (như IFN alfa, Pegylated IFN alpha…) hoặc kết hợp cả hai loại. Tuy nhiên những thuốc này thường rất đắt tiền, phải dùng kéo dài để duy trì sự ức chế siêu vi, hiệu quả cũng chỉ đạt 30 – 40% và khi ngừng thuốc một số lại tái phát. Mặt khác các thuốc này thường gây tác dụng phụ vì vậy người bệnh cần rất kiên trì và nếu có bất cứ tác dụng không mong muốn nào, cần gặp bác sỹ điều trị để tư vấn.
Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý theo tư vấn của bác sĩ. Không uống rượu bia, không hút thuốc, tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ kể cả các loại thuốc bổ gan. Trong quá trình điều trị cần tái khám theo hẹn của bác sĩ để làm các xét nghiệm kiểm tra đánh giá để bác sĩ điều chỉnh biện pháp điều trị phù hợp.