Việt Nam là quốc gia nằm trong danh sách có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao nhất thế giới. Trong đó, có không ít bệnh nhân mắc viêm gan B ở thể ngủ. Vậy viêm gan B thể ngủ là gì? Có cần điều trị không? Cùng tham khảo bài viết sau đây để có thêm những kiến thức hữu ích nhé.
Mục lục
Viêm gan B thể ngủ là gì?
Viêm gan B thể ngủ hay còn có tên gọi là là viêm gan B thể không hoạt động. Khái niệm này được dùng để chỉ những người có mang virus viêm gan B (HBV) nhưng virus ở thể không hoạt động. Virus HBV tồn tại trong cơ thể nhưng không nhân lên, không gây tổn thương tế bào gan và không tàn phá cơ thể.
Người viêm gan B thể ngủ thường không có dấu hiệu gì nên rất khó phát hiện, thậm chí cả khi làm xét nghiệm men gan thông thường. Vì không phát hiện ra nên bệnh nhân không được điều trị cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh. Điều này là nguyên nhân khiến bệnh càng dễ lây lan trong cộng đồng khi vô tình tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của bệnh nhân.
Cách xác định viêm gan B thể ngủ?
Như đã trình bày ở trên, viêm gan B thể ngủ không có triệu chứng gì nên khó phát hiện kể cả khi làm xét nghiệm men gan thông thường. Hiện nay, cách duy nhất để phát hiện viêm gan B thể ngủ là xét nghiệm có đặt mục tiêu tìm kiếm. Bác sĩ sẽ chỉ định tìm kiếm và xét nghiệm HbsAg trong máu.
Xét nghiệm HBsAg: Xét nghiệm này cho biết có sự hiện diện của virus HBV trong cơ thể hay không. Nếu bạn chưa từng mắc bệnh hoặc từng mắc bệnh nhưng khỏi, HBsAg cho kết quả âm tính. Nếu HBsAg cho kết quả dương tính nghĩa là cơ thể đang nhiễm HBV. Khi chỉ số HbsAg dương tính đi kèm theo chỉ số men gan ở giới hạn bình thường và cơ thể không có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào thì đối tượng này được xem là viêm gan B thể ngủ.
Sau khi đã xác định mắc viêm gan B thể ngủ, bước tiếp theo là đánh giá mầm bệnh này có nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp. Bạn sẽ cần thực hiện xét nghiệm kế tiếp là HbeAg và HBV DNA.
Xét nghiệm HBeAg: Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết virus có đang nhân lên trong máu hay không. Nếu HBeAg xuất hiện chứng tỏ virus đang nhân lên và có khả năng lây lan mạnh. Tuy nhiên, đây là chỉ xét nghiệm huyết thanh để đánh giá gián tiếp, bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán khác để bổ sung là HBV DNA.
Xét nghiệm HBV DNA: Xét nghiệm này cho biết số lượng virus ở trong máu. Nếu kết quả HBV DNA cao chứng tỏ viêm gan B thể ngủ nhưng có khả năng lây lan cao nếu tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết của người bệnh. Nếu HBV DNA cho kết quả thấp hay dưới ngưỡng phát hiện, virus viêm gan B thể ngủ không gây tổn hại gì cho cơ thể và không lây lan cho người khác. Nồng độ cao khi trên 10.000 IU/ml, mức trung bình là khoảng 2000 – 10.000 IU/ml, mức thấp là dưới 2000 IU/ml.
Viêm gan B thể ngủ vẫn có thể lây lan
Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm gan B thể ngủ thuộc dạng lành tính vì chúng không nhân lên và không gây tác động xấu lên bệnh nhân tại thời điểm hiện tại. Điều đáng nói ở đây là virus viêm gan B thể ngủ vẫn có thể lây truyền cho người khác thông qua các con đường chính là đường máu, đường tình dục và truyền từ mẹ sang con.
- Đường máu: Tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh, sử dụng các dụng cụ y tế bị nhiễm khuẩn hoặc không vô trùng đúng cách, xăm hình, xỏ khuyên không sát khuẩn dụng cụ, sử dụng chung vật dụng có dính máu người bệnh (kim tiêm, bàn chải đánh răng, dao cạo râu…).
- Đường tình dục: Virus viêm gan B tồn tại trong dịch tiết của cơ thể như tinh dịch, dịch âm đạo… Khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn với người bệnh viêm gan B sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Từ mẹ sang con: Nguy cơ lây nhiễm virus từ mẹ sang con có thể lên tới 90% tùy thuộc vào giai đoạn khác nhau trong thai kỳ. Nguy hiểm hơn, trường hợp trẻ sơ sịnh bị lây nhiễm virus viêm gan B thể ngủ sẽ chuyển thành dạng mạn tính và có diễn biến khá phức tạp.
Viêm gan B thể ngủ vẫn có thể lây lan từ mẹ sang con.
☛ Tìm hiểu chi tiết tại: Con đường lây nhiễm viêm gan B
Viêm gan B thể ngủ có thể tỉnh giấc bất cứ lúc nào!
Virus viêm gan B thể ngủ không hoạt động và không gây ảnh hưởng xấu tới gan. Tuy nhiên, virus viêm gan B chỉ tạm thời không hoạt động, chúng có thể bùng phát tái hoạt động bất cứ lúc nào. Thời gian ngủ kéo dài của virus khác nhau tùy thuộc vào khả năng dung nạp miễn dịch của cơ thể. Điều này có nghĩa là khi cơ thể có sức đề kháng kém, khả năng chống chọi với virus suy giảm làm tăng nguy cơ virus viêm gan B “tỉnh dậy” bất cứ khi nào.
Thực tế, phần lớn bệnh nhân viêm gan B thể ngủ có tâm lý rất chủ quan. Việc thường xuyên có thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn nhiều đồ dầu mỡ, sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn, lười vận động và không kiểm tra sức khỏe thường xuyên… khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ virus tái hoạt động mạnh mẽ, gây tổn hại tới sức khỏe gan.
Viêm gan B được biết đến là bệnh lý có diễn biến phức tạp, dấu hiệu không rõ ràng, gan bị tổn thương dễ dẫn tới xơ gan, ung thư gan. Do đó, người viêm gan B thể ngủ tuyệt đối không được chủ quan, cần theo dõi và kiểm soát thường xuyên đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh nhằm hạn chế nguy cơ virus hoạt động trở lại. Đặc biệt là phụ nữ mang thai hay có dự định mang thai để tránh lây nhiễm cho con cái về sau.
☛ Tham khảo thêm tại: Viêm gan B có sinh con được không?
Viêm gan B thể ngủ có cần điều trị không?
Viêm gan B thể ngủ nên virus ở trạng thái không hoạt động, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của gan. Vì vậy, bệnh nhân không cần điều trị bất kỳ loại thuốc nào. Bởi các thuốc tây y điều trị hiện nay chỉ có tác dụng ức chế virus HBV phát triển ồ ạt với viêm gan B cấp và mạn tính mà thôi.
Do đó, bạn vẫn có thể sống hòa bình với bệnh trong nhiều năm mà không cần điều trị. Thậm chí, nhiều trường hợp virus vẫn “ngủ quên” cả đời, không bao giờ thức dậy. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn được phép chủ quan vì virus viêm gan B có thể tái hoạt động ở bất kỳ thời điểm nào. Khi virus hoạt động khiến men gan tăng, bệnh nhân bộc lộ các dấu hiệu của viêm gan cấp hoặc mãn tính. Lúc này, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Người bệnh cần chăm sóc sức khỏe và tầm soát bệnh thường xuyên để hạn chế nguy cơ virus viêm gan B tỉnh giấc, bằng cách:
- Tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.
- Hạn chế các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, đặc biệt mỡ động vật.
- Tuyệt đối kiêng rượu bia, đồ uống chứa cồn, chất kích thích.
- Không hút thuốc lá.
- Tham gia các môn thể thao như đi bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, chơi cầu lông…
- Thiết lập thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và thực hiện các xét nghiệm liên quan tới virus viêm gan B để theo dõi chặt chẽ, đề phòng HBV tái hoạt động.
- Sử dụng một số loại thảo dược như cà gai leo hay mật nhân được xem có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan B. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Viêm gan B có khả năng lây nhiễm nhanh và cao. Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe bản thân, bạn cần thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho người thân và cộng đồng bằng cách sinh hoạt tình dục sử dụng bao cao su, không hiến máu, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, bơm kim tiêm, dao cạo râu…). Phụ nữ có ý định mang thai cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.