Virus viêm gan B là “thủ phạm” gây bệnh viêm gan B với nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc nắm rõ thông tin về chúng là một phần quan trọng để giúp phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc đầy đủ những kiến thức cơ bản nhất về virus viêm gan B. Hãy cùng theo dõi nhé!
Mục lục
Virus viêm gan B là gì?
Virus viêm gan B (virut viêm gan B) có tên tiếng Anh là Hepatitis B virus (HBV) là một loại virus DNA gây bệnh viêm gan B, thuộc chi Orthohepadnavirus, họ virus Hepadnaviridae.
Khi HBV xâm nhập vào cơ thể, nó sẽ tấn công các tế bào gan, gây ra những tổn thương nhất định, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Viêm gan B có thể chia thành hai giai đoạn cấp tính và mạn tính. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh có thể dẫn đến những viến chứng nghiêm trọng như xơ gan, thậm chí ung thư gan.
☛ Xem chi tiết: 7 biến chứng nguy hiểm của viêm gan B
Virus viêm gan B tổn tại được bao lâu ngoài cơ thể?
Virus viêm gan B có khả năng sống cực kỳ mãnh liệt, có thể tồn tại ở môi trường sống bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày. Trong thời gian này, chúng vẫn hoàn toàn có khả năng lây nhiễm, gây bệnh khi đã tấn công vào cơ thể.
HBV là một trong những loại siêu vi cứng đầu. Chúng có thể sống được cả ở những môi trường khắc nhiệt. Cụ thể, ở nhiệt độ 100 độ C, virus viêm gan B có thể sống được 30 phút. Trong khi đó, với nhiệt độ -20 độ C, chúng có thể sống tới 20 năm.
Virus viêm gan B có ở đâu trong cơ thể?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm gan B sẽ tấn công và nhân lên nhanh chóng trong tế bào gan của người bệnh. Tuy nhiên, chúng có thể tồn tại và được tìm thấy nhiều trong máu và một số dịch tiết khác như nước bọt, tinh dịch, dịch âm đạo…
Tiến trình virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể hình thành bệnh
Khi HBV tấn công cơ thể, chúng không chỉ gây bệnh viêm gan B, làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là quá trình tiến triển viêm gan B từ khi HBV xâm nhập, đến khi chúng tấn công gan, gây ra các triệu chứng và điều trị:
Xâm nhập và phát triển ban đầu
- Sau khi HBV xâm nhập vào cơ thể thành công, chúng sẽ dần nhân lên trong các tế bào gan, đồng thời hệ miễn dịch cũng bắt đầu phản ứng bằng việc sản xuất kháng thể chống lại virus.
- Trong vòng khoảng một vài tuần sau khi nhiễm virus, một số kháng nguyên của HBV sẽ bắt đầu xuất hiện trong máu. Chúng có thể bao gồm kháng nguyên bề mặt HBsAg, tiếp đến là HBeAg và một số kháng thể chống lõi virus anti-HBc IgM và IgG (HBcAg).
Tiếp tục phát triển cấp tính
- Khi kháng thể chống lõi virus HBcAg biến mất, kháng nguyên bề mặt chống lại virus viêm gan B HBsAg (anti-HBs) sẽ được tạo ra.
- Lúc này, anti-HBc cũng có thể xuất hiện dưới dạng IgM trong giai đoạn cấp tính và dạng IgG trong giai đoạn chuyển tiếp.
- Nếu số kháng nguyên HBsAg đủ nhiều, người bệnh có thể coi là đã hồi phục và miễn nhiễm với virus HBV, đồng thời không còn khả năng lây nhiễm cho người khác.
- Trường hợp bệnh nhân không có đủ kháng thể anti-HBs và vẫn mang mầm bệnh thì HBV vẫn có khả năng lây nhiễm cao và dễ tiến triển mạn tính.
Tiến triển mạn tính
- Nếu anti-HBc IgG vẫn tăng, đồng thời HBsAg (+) thì có nghĩa là lúc này viêm gan B đang phát triển sang giai đoạn mạn tính.
- Nếu xét nghiệm HBeAg (+) có nghĩa là virus đang nhân lên mạnh mẽ, bệnh nhân có khả năng lây nhiễm cao cho người khác. Trong trường hợp này, việc điều trị là vô cùng cần thiết.
- Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy anti-HBe (+) thì có thể tiên lượng tốt và khả năng lây nhiễm cũng thấp hơn.
☛ Xem thêm: Phân biệt viêm gan B cấp và mãn tính
Virut viêm gan B lây lan qua đâu?
Mặc dù virus viêm gan B có trong tất cả dịch tiết của cơ thể, tuy nhiên chúng chỉ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp với máu dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ:
- Quan hệ tình dụng không an toàn
- Truyền từ mẹ sang con khi mang thai hoặc trong quá trình sinh nở
- Sử dụng chung kim tiêm hoặc các dụng cụ y tế
- Sử dụng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu…
Diệt virut viêm gan B bằng cách nào?
Như đã nói ở trên, HBV rất cứng đầu và có khả năng sống sót cực mạnh, hiện vẫn chưa có phương pháp nào có thể tiêu diệt hoàn toàn loại virus này. Tính đến nay, việc sử dụng thuốc là biện pháp được áp dụng phổ biến nhất nhằm ức chế hoạt động, ngăn chặn sự nhân lên của HBV và loại bỏ chúng.
Một số thuốc thường được sử dụng gồm:
- Interferon: Thuốc này có khả năng kích thích hoạt động của hệ miễn dịch, giúp chống lại virus.
- Lamivudine: Thuốc có khả năng ức chế sự nhân lên của virus viêm gan B bằng cách cạnh tranh với enzyme sao chép ngược của chúng. Lamivudine cần kết hợp với các thuốc khác để giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.
- Tenofovir alafenamide (TAF): Là thuốc ức chế sự phiên mã ngược của nucleotide, từ đó làm giảm virus và kiểm soát bệnh viêm gan B hiệu quả.
- Tenofovir disoproxil fumarate (TDF): Thường dùng điều trị viêm gan B mạn tính ở người trưởng thành. TDF có khả năng ức chế sự nhân lên của HBV và làm giảm các tổn thương do virus gây ra. Thuốc có thể dùng trong điều trị đồng nhiễm HBV và HIV.
- Entecavir (ETV): Entecavir có khả năng ức chế hoạt động của HBV và thường được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng Lamivudin.
- Adeforvir: Adeforvir thường được chỉ định trong điều trị viêm gan B mạn ở bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự nhân lên của virus viêm gan B, từ đó cải thiện tình trạng bệnh.
☛ Xem chi tiết: Top thuốc trị viêm gan B hiệu quả nhất
Phòng ngừa lây lan virus viêm gan B sao cho hiệu quả?
Viêm gan B có thể khiến sức khỏe người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro biến chứng. Do đó, việc phòng ngừa lây lan HBV là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số gợi ý giúp phòng bệnh hiệu quả:
Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B
Với người chưa mắc viêm gan B, tiêm phòng vắc-xin được xem là giải pháp ngừa bệnh hiệu quả nhất. Chúng sẽ giúp cung cấp miễn dịch đối với virus, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm.
Vắc-xin viêm gan B được khuyến nghị tiêm cho trẻ em ngay sau sinh và tiếp tục tiêm đủ số mũi sau đó theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, chúng cũng được khuyến khích cho những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân viêm gan B hay có nguy cơ cao mắc bệnh như nhân viên y tế, người có người thân mắc bệnh, phụ nữ trước khi mang thai…
Quan hệ tình dục an toàn
Virus HBV có trong tinh dịch và dịch tiết âm đạo nên nó hoàn toàn có thể lây lan qua đường quan hệ tình dục thông qua các vết xước nhỏ ở cơ quan sinh dục. Chính vì vậy, quan hệ tình dục an toàn, chung thủy và sử dụng bao cao su là một trong những cách phòng viêm gan B hiệu quả.
Không sử dụng chung bơm kim tiêm và đồ dùng cá nhân
Virus viêm gan B có thể tấn công cơ thể chỉ qua 1 vết xước nhỏ do đó cần tránh sử dụng chung bơm kim tiêm và các vật dụng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ chăm sóc móng tay (kềm, dũa…).
Tránh tiếp xúc với dịch tiết của người khác
Tất cả các loại dịch tiết của người bệnh viêm gan B đều có chứa virus HBV, do đó để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm, ta nên tránh tiếp xúc với máu và dịch tiết của người khác.
Trong trường hợp buộc phải tiếp xúc với máu và dịch tiết của bệnh nhân như nhân viên y tế, người chăm sóc người bệnh… hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo găng tay y tế, khẩu trang, kính bảo hộ… để giảm nguy cơ tiếp xúc với HBV.
Giáo dục người bệnh
Để giảm nguy cơ lây nhiễm HBV trong cộng đồng thì việc giáo dục người bệnh viêm gan B cũng hết sức quan trọng. Theo đó, người bệnh cần chăm sóc sức khỏe khoa học, tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì thăm khám định kỳ để kiểm tra chức năng gan, đồng thời có ý thức phòng chống lây nhiễm cho người khác.
Với phụ nữ mang thai mắc viêm gan B cần thông báo và phối hợp với bác sĩ để quản lý tình trạng bệnh cũng như áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cho thai nhi.
☛ Đọc tiếp: Bà bầu bị viêm gan B uống thuốc gì?
Kết luận
Virus viêm gan B là một loại virus có khả năng lây lan cao. Chúng có thể để lại những tổn thương nặng nề cho gan. Đặc biệt, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm viêm gan B. Vì vậy, mỗi người cần có ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Hơn hết hãy đặt việc phòng bệnh lên ưu tiên hàng đầu.